Sunday, 26 February 2023

TRUNG QUỐC 'HIẾN KẾ' CHẤM DỨT CHIẾN TRANH UKRAINE - AI TIN? (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Trung Quốc ‘hiến kế’ chấm dứt chiến tranh Ukraine – ai tin?

Hiếu Chân/Người Việt

February 24, 2023

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/trung-quoc-hien-ke-cham-dut-chien-tranh-ukraine-ai-tin/

 

Đúng một năm sau ngày chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ, Trung Quốc đề nghị một giải pháp chấm dứt xung đột, vãn hồi hòa bình. Nhưng giải pháp đó có khả thi?

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/02/BL-Trung-Quoc-Hien-Ke-1536x1001.jpg

Quang cảnh cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hôm 23 Tháng Hai, trong đó có 141 quốc gia ủng hộ nghị quyết đòi Nga rút quân khỏi Ukraine. (Hình: Timothy Clary/AFP via Getty Images)

 

Hôm Thứ Sáu, 24 Tháng Hai, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đưa ra bản kế hoạch 12 điểm, kêu gọi chấm dứt thù địch, bảo vệ các nhà máy nguyên tử, nối lại đàm phán hòa bình và loại bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương. Bản tiếng Anh của kế hoạch của Bắc Kinh, có tên:

 

“Lập trường của Trung Quốc về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine” được trình bày ở đây:

www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/wjdt_665385/2649_665393/202302/t20230224_11030713.html

 

Thế giới đều mong ước hòa bình, đều muốn chấm dứt cuộc chiến đã gây quá nhiều tang thương cho Ukraine và đề nghị của Trung Quốc có vẻ như là một tin tốt. Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ, Ngoại Trưởng Antony Blinken, hôm Thứ Sáu cho rằng “bất kỳ đề nghị nào có thể thúc đẩy hòa bình đều là điều đáng xem xét,” ông nói trong chương trình “Good Morning America” trên đài ABC News.

 

Nhưng nhận xét chung của giới quan sát chính trị là đề nghị của Trung Quốc không có cơ may được các bên xung đột, lẫn Hoa Kỳ và các đồng minh, chấp nhận, một phần vì nội dung của nó không gắn với thực tế, một phần vì thế giới khó có thể coi Trung Quốc là nhà một trung gian hòa giải vô tư do Bắc Kinh gắn bó với Nga một cách mật thiết.

 

Ông Raffaello Pantucci, một thành viên cao cấp tại Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam ở Singapore, đồng tác giả một cuốn sách về Trung Quốc, cho biết: “Đề nghị này có vẻ khó tin. Để nó được tin cậy, Trung Quốc phải được coi là một nhà trung gian hòa giải độc lập. Tuy nhiên, Trung Quốc rõ ràng đã chọn một bên trong cuộc xung đột này.”

 

Có vô số ví dụ cho thấy Trung Quốc đã chọn đứng về bên xâm lược.

 

Mối quan hệ hợp tác “không giới hạn” mà hai nhà lãnh đạo Nga-Trung Quốc cam kết ngay trước khi cuộc chiến nổ ra đã không những không bị suy yếu mà còn được củng cố trong một năm chiến tranh vừa qua.

 

Trung Quốc tiếp tục mua dầu khí của Nga với giá rẻ và cung cấp cho Nga những mặt hàng mà Moscow bị cấm vận. Bắc Kinh vẫn không công nhận hành động của Nga là chiến tranh xâm lược, ngược lại Trung Quốc thường xuyên đổ lỗi cho Hoa Kỳ và Tây phương “gây hấn” để buộc ông Putin phải hành động.

 

Trong năm qua Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc nói chuyện với Tổng Thống Vladimir Putin của Nga ít nhất bốn lần, và sẽ đến thăm Moscow trong thời gian tới, nhưng ông chưa bao giờ trò chuyện với Tổng Thống Volodymyr Zelensky của Ukraine để biết lập trường của Kiev.

 

Mới đây nhất, ông Vương Nghị, chủ nhiệm Văn Phòng Đối Ngoại Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhà ngoại giao hàng đầu của nước này, vừa đến thăm Moscow và tiếp kiến ông Putin.

 

Tại thủ đô của Nga, ông Vương ca ngợi mối quan hệ “vững như bàn thạch” giữa hai nước. Hôm Thứ Năm, 23 Tháng Hai, khi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thảo luận và bỏ phiếu về một nghị quyết kêu gọi Nga chấm dứt hành động thù địch ở Ukraine, rút quân, và chấm dứt việc gây hấn, Trung Quốc một lần nữa lại bỏ phiếu trắng.

 

Chuyện Trung Quốc cấu kết với Nga để cùng chống Mỹ không làm ai ngạc nhiên nhưng khi Bắc Kinh đòi sắm vai tuồng “cứu khốn phò nguy,” đứng ra dàn xếp hòa bình một cuộc chiến tranh do đồng minh Nga của họ gây ra là chuyện trái khoáy làm cho người ta phải bật cười.

 

                                           ***

Đề nghị hòa bình cho thấy Bắc Kinh đang loay hoay với những quan điểm trái ngược của chính họ.

 

Điểm số 1 của đề nghị yêu cầu “Tôn trọng chủ quyền của tất cả các nước” theo mục đích và nguyên tắc của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, nhưng Bắc Kinh lại không phản đối hành động xâm lược của một nước lớn vào chủ quyền của một nước nhỏ, chà đạp chính bản hiến chương đó. Thực tế Trung Quốc cũng đang nuôi tham vọng bành trướng lãnh thổ như Nga nên họ không thể lên án việc mà họ cũng sẽ làm đối với Đài Loan và các nước láng giềng ở Châu Á.

 

Kêu gọi các bên ngừng xung đột (điểm số 3) nhưng Trung Quốc không dám yêu cầu ông Putin phải trả lại các vùng lãnh thổ đã chiếm bất hợp pháp của Ukraine như đòi hỏi chính đáng của người dân Ukraine.

 

Nếu Nga ngừng tấn công và rút quân thì hòa bình sẽ đến ngay, nhưng người Ukraine không thể buông vũ khí khi đất đai tổ tiên họ vẫn bị ngoại bang chiếm đóng.

 

Tổng Thống Zelensky thề sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi quân đội Nga rút đi. Các cuộc thăm dò dư luận ở Ukraine sau một năm chiến tranh ghi nhận 85% dân chúng nước này quyết chiến đấu đến cùng và khẳng định “Nếu Ukraine ngừng chiến đấu, đó sẽ là dấu chấm hết cho dân tộc Ukraine.”

 

Trung Quốc kêu gọi chấm dứt ngay mọi biện pháp trừng phạt đơn phương, không được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc phê chuẩn (điểm số 10), ngụ ý những biện pháp cấm vận kinh tế khắc nghiệt mà Mỹ và Tây phương đang thực hiện, gây khốn đốn cho nền kinh tế Nga. Bắc Kinh muốn đề cao vai trò của Hội Đồng Bảo An – một tổ chức đang bị tê liệt, nơi Trung Quốc và Nga có quyền phủ quyết. Đề nghị đó rõ ràng đem lại lợi ích cho Nga, và cũng đặt ra tiền lệ để Trung Quốc dễ thao túng sau này khi Bắc Kinh bị trừng phạt do cung cấp vũ khí đạn dược cho Nga hoặc do tấn công xâm lược Đài Loan.

 

Vì thế, ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, bác bỏ đề nghị của Trung Quốc, cho rằng đáng lẽ nó phải kết thúc sau điểm đầu tiên, trong đó kêu gọi “tôn trọng chủ quyền của tất cả các nước.”

 

“Cuộc chiến này có thể kết thúc vào ngày mai nếu Nga ngừng tấn công Ukraine và rút quân,” ông Sullivan nói trên đài CNN sáng Thứ Sáu, 24 Tháng Hai.

 

Dù Kiev và nhiều thủ đô Châu Âu chưa có bình luận chính thức về sáng kiến của Trung Quốc, nhưng Tổng Thống Egils Levits của Latvia đã nói trên truyền hình Bloomberg rằng đề nghị đó “không phải là thứ mà Ukraine có thể chấp nhận được.” Ông Jorge Toledo, đại sứ của Liên Âu tại Trung Quốc, nhận xét ngắn gọn: “Đây không phải là một đề nghị hòa bình. Đây chỉ là văn bản minh định lập trường.”

 

                                                            ***

Tuy không có nhiều ý nghĩa và không có triển vọng được chú ý, đề nghị của Trung Quốc cho phép Chủ Tịch Tập Cận Bình tự thể hiện là một chính khách tầm cỡ thế giới và khoe khoang với dân chúng rằng Trung Quốc là một lực lượng trung lập vì hòa bình.

 

Ông Alexander Gabuev, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie Vì Hòa Bình Quốc Tế, còn cho rằng đề nghị của Trung Quốc “tuy không được ai chấp nhận nhưng nó ghi điểm chính trị cho Bắc Kinh, nó làm cho thế giới nhìn Tây phương như những chế độ hiếu chiến, theo đuổi chiến tranh và gây trở ngại cho hòa bình.”

 

Các quan chức Mỹ và Châu Âu thì lo ngại đề nghị của Trung Quốc có thể thu hút được sự ủng hộ của một số nước đang phát triển mà phần lớn đã phản đối lời kêu gọi tham gia các biện pháp trừng phạt chống Nga. Trong sáu cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Nga, đòi Moscow phải rút quân và tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, người ta thấy luôn có một thiểu số các nước bỏ phiếu trắng, dao động từ 32 đến 38 quốc gia do Trung Quốc và Ấn Độ dẫn đầu, rất thấp so với con số 140-143 nước bỏ phiếu thuận, nhưng vẫn là một xu hướng đáng kể.

 

Việt Nam là một trong những nước bốn lần bỏ phiếu trắng, một lần bỏ phiếu chống, tán thành cái gọi là quan điểm “trung lập,” ủng hộ đàm phán hòa bình, nhưng thực tế là đứng về phía Nga và Trung Quốc bởi vì giữa xâm lược và tự vệ không có cái gọi là trung lập.


Đề nghị kiểu “quân tử Tàu” của Trung Quốc còn có thể là một trò bắt cá hai tay. Trung Quốc “một mặt muốn tự thể hiện công khai là nước trung lập, tìm kiếm hòa bình, nhưng mặt khác lại đồng thời cổ xúy câu chuyện sai lầm của Nga về cuộc chiến,” Ngoại Trưởng Blinken chỉ ra.

 

Và đường nào thì Bắc Kinh cũng chỉ nhắm làm lợi cho Nga và cho chính họ mà “sáng kiến” hòa bình chỉ là một ví dụ mới nhất. [đ.d.]

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats