Saturday 25 February 2023

VĨNH BIỆT NHÀ THƠ - DỊCH GIẢ DƯƠNG TƯỜNG (Văn Việt)

 



NỘI DUNG :

.

Nhớ Dương Tường

Mạc Văn Trang

.

Dương Tường (1932-2023) : Người nghệ sĩ chọn cái đẹp để đứng thẳng trong cuộc đời 'bất an'  

BBC News Tiếng Việt

.

Khi trí thức Dương Tường từng bán máu để sống

Lê Đức Dục

.

Chút kỷ niệm với bác Dương Tường

Lâm Bình Duy Nhiên

.

Vĩnh biệt nhà thơ – dịch giả Dương Tường

Văn Việt

.

Đã thiếu vắng Dương Tường

Ngô Thị Kim Cúc

.

=====================================================

.

.

Nhớ Dương Tường

Mạc Văn Trang

25/02/2023

https://baotiengdan.com/2023/02/25/nho-duong-tuong/

 

Hôm nay các báo đưa tin Nhà thơ, dịch giả Dương Tường qua đời, ở tuổi 92. Rất nhớ ông, vì tôi có nhiều lần tiếp xúc với ông khi làm việc với nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm.

 

Có thể nói, Dương Tường (ông họ Trần – Trần Dương Tường) là một tấm gương lao động đặc biệt. Ông sinh 1932 tại Nam Định, cùng tuổi với Phạm Toàn và Nguyên Ngọc. Tôi đã nhiều lần chứng kiến, ba nhân tài này gặp nhau cứ “mày tao” và gọi nhau là ba con khỉ tinh nghịch (tuổi Nhâm Thân).

 

Tôi biết cả ba ông đều chưa hết trung học thì Cách mạng 1945 nổ ra, các ông tham gia kháng chiến, nhưng với năng lực tự học phi thường đã giúp các ông có vốn văn hóa rất sâu rộng và sử dụng được tiếng Pháp, tiếng Anh, nhất là rất giỏi trong dịch thuật.

 

Năm 1950-1955 Dương Tường vào bộ đội. Năm 1955- 1964 ông làm phóng viên của thông tấn xã Việt Nam. Năm 1964-1976 làm cán bộ phiên dịch trong Uỷ ban điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Năm 1979 nghỉ hưu. Nghỉ hưu rồi ông càng có nhiều cống hiến cho lĩnh vực văn học nghệ thuật.

 

Trong cuốn sách “Chỉ tại con Chích chòe”, 450 trang, khổ lớn, NXB Hội Nhà Văn, 2022, giới thiệu các bài phê bình Văn học, Nghệ thuật của ông gồm các lĩnh vực: Văn học, Ngôn ngữ (47 bài); Mỹ thuật (36 bài); Sân khấu, Âm nhạc, Điện ảnh (15 bài).

 

Nhưng lĩnh vực dịch thuật của ông mới thật đáng nể.

 

Các tác phẩm tiêu biểu ông đã dịch: Anna Karenina (Lev Tolstoi), Đồi gió hú (E. Bronte), Cuốn theo chiều gió (M. Mitchell), Cội rễ (Alex Haley), Cái trống thiếc (G. Grass), Con đường xứ Flandres (Claude Simon), Kafka bên bờ biển (Haruki Murakami), Truyện Kiều, tiếng việt dịch sang tiếng Anh.

 

Tôi nhớ, một buổi tối năm 2019, tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội, Dương Tường có cuộc gặp gỡ với người yêu văn chương nhân ra mắt cuốn sách mới nhất do ông chuyển ngữ: “Chết chịu” của Louis-Ferdinand Céline. Ông nói đây là cuốn sách dịch cực nhọc nhất, phải đánh vật với từng con chữ, vì tác giả viết thứ ngôn ngữ của dân giang hồ, đủ thứ tiếng lóng “đầu đường, xó chợ”…

 

Ông nói, tôi đã mắt mờ, tay run rồi, từ nay “rửa tay gác kiếm”. Tôi đã làm việc có thể nói “không ăn gian của Trời một ngày nào”.

 

Ông cũng làm thơ bằng tiếng Anh và tiếng Pháp đăng trên báo ở nước ngoài.

 

Ở tuổi 92, với những cống hiến như vậy, cầu chúc ông an nghỉ nơi Cõi Người Hiền.

.

===================================================

.

.

Dương Tường (1932-2023) : Người nghệ sĩ chọn cái đẹp để đứng thẳng trong cuộc đời 'bất an'  

BBC News Tiếng Việt

25 tháng 2 2023, 20:31 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-64771776

 

Hình : https://ichef.bbci.co.uk/news/549/cpsprodpb/D7AF/production/_128751255_duongtuong26683495362_n.jpg

Nhà thơ, nhà văn, dịch giả Dương Tường trong hình bìa một cuốn sách của ông

 

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường (sinh năm 1932), vừa qua đời ở Hà Nội, để lại niềm thương tiếc lớn cho bạn bè văn nghệ sĩ Việt Nam.

 

Nhiều ý kiến chia sẻ trên mạng xã hội tiếng Việt từ hôm 24/02/2023 ca ngợi tài năng, và quan trọng hơn cả là nhân cách của ông Dương Tường, người đã sống qua những giai đoạn khó khăn nhất của văn nghệ sĩ tại miền Bắc Việt Nam sau Kháng chiến chống Pháp, và thời kỳ sau này.

 

Nhà báo Phạm Tường Vân, người từng phỏng vấn ông Dương Tường năm 2002 để ghi lại chân dung của một thế hệ đang dần mất đi, vừa viết trên Facebook cá nhân:

 

"Dương Tường là nhân chứng sống của một thời đại đầy biến động trong sử Việt. Ông từng cầm súng thời kháng chiến chống Pháp với biết bao lý tưởng, lại có bạn bè là tầng lớp tinh hoa của Hà Nội những năm chiến tranh và Đổi mới.

 

Những trí thức tinh hoa thập niên 1950- 1960 ngày ấy đều tài hoa, đam mê và trong sáng. Những người ít nhiều chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp, đề cao tự do sáng tác, phản tỉnh như nhóm Nhân Văn Giai Phẩm và Xét Lại đều nhận về biết bao oan khuất - những bi kịch mà thời nay không thể nào hình dung nổi: người chịu mấy năm tù không án người phải bán máu nuôi gia đình. Ông Tường ngồi đó, chứng kiến bạn bè lần lượt bị người ta đến, mang đi."

 

Nỗi sợ bị đàn áp ở những người như Dương Tường là thường trực, và "những ngày u tối đó, ông Tường luôn chuẩn bị sẵn một tay nải. Nhưng ngày ấy chưa bao giờ đến. Ông đã đón chờ nhưng nó không đến", bà Phạm Tường Vân viết.

 

Có vẻ như vì không bị tù đày, cái "án thân thế, lý lịch" một thời hóa ra vẫn còn gắn với số phận dịch giả tài hoa cho đến khi ông tạ thế tuần qua:

 

"Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua. Từ tuổi thanh xuân cho đến nay, ông đã ở tuổi 92. Bởi vậy, khi bạn bè đã "mãn hạn", đã được trả lại tự do, được phục hồi danh dự thì ông vẫn chưa. Đó chính là tảng đá đè nặng trong tim - điều ông luôn cảm thấy day dứt so với những bạn bè từng trải qua kiếp nạn của mình. Nỗi day dứt của một người tử tế."

 

Di sản đồ sộ hiếm có với một cây bút ở Việt Nam cả đời mà ông Dương Tường để lại đã bao trùm cả mảng sáng tác tự do về thơ, họa, dịch văn chương nước ngoài, phê bình văn học và truyện ký.

 

Vì sao cha tôi, Trần Duy Hưng và các trí thức bị cách ly?

Thu hồi sách của Trần Trọng Kim: Nên hay không?

Cải cách Ruộng đất 'tác động mạnh' vào xã hội, Đảng Lao động và Quân đội Bắc VN

 

Ông cũng trở thành người tạo cảm hứng cho nhiều người thuộc thế hệ trẻ hơn ông ở Việt Nam, ở hải ngoại và cả người nước ngoài qua các hoạt động bảy mươi năm với chữ nghĩa, tạo dựng nhiều "sân chơi" mới, đặt nền tảng cho không ít cuộc giao lưu nghệ thuật của Việt Nam với các nước.

 

Ông làm những việc đó trong khi không gian nghệ thuật - tư tưởng của gần 100 triệu người vẫn tiếp tục cần được mở ra để làm mới, tìm cái đẹp của riêng mình, đồng thời vẫn luôn giằng co, đối thoại với xu thế giám sát, áp chế chặt chẽ ở Thế kỷ 21.

 

Dương Tường chọn sự im lặng như một thủ pháp sống và chọn cái đẹp như nhãn quan riêng khi đối thoại với những điều xấu, nặng nề.

 

.

BBC News Tiếng Việt đăng lại bài phỏng vấn nhà báo Phạm Tường Vân thực hiện từ lâu với ông Dương Tường nhưng chỉ mới giới thiệu trên Facebook cá nhân:

 

Phạm Tường Vân: Ông đọc sách rất nhiều, đọc "Phía Tây không có gì lạ" (Erich Maria Remarque) lấy từ tay lính Pháp từ rất sớm. Điều đó không ngăn ông bước vào cuộc chiến với tư cách người cầm súng?

Dương Tường: Cho đến nay, tôi vẫn nghĩ - và vẫn khẳng định -- Kháng chiến chống Pháp là thời kỳ hoàng kim của cách mạng Việt Nam. Nếu được sống lại thời đó một lần nữa, tôi vẫn hành động như cũ nghĩa là bỏ nhà đi bộ đội. Suốt những năm đi lính, tuyệt nhiên không hề có ý định rời quân ngũ. Có lần ốm trên đường hành quân vào chiến dịch, tụt lai sau cả tuần, đã quyết đuổi theo đơn vị bằng được. Đi bộ hơn 300 cây số từ Đô Lương (Nghệ An) đến Hoà Bình để tìm đơn vị mà không mảy may có ý định rẽ về thăm nhà. Mỗi ngày chạy bộ gần 30 cây đuổi theo đơn vị, bị máy bay rượt suýt chết.

Đến chiến tranh chống Mỹ thì tôi phản tỉnh. Cho đến giờ tôi vẫn thấy chiến tranh chống Pháp là một thời kỳ tuyệt đẹp. Người ta sống với nhau đầy tình người.

 

 

Phạm Tường Vân: (Vụ) Nhân Văn là chuyến tàu chở sự vỡ mộng lớn nhất của văn nghệ sĩ- trí thức sau hoà bình lập lại. Nhóm xét lại: Vũ Thư Hiên, Dương Tường Bùi Ngọc Tấn, Xuân Khánh, Mạc Lân... là chuyến tàu thứ hai. Có phải vì các ông đi theo kháng chiến nhanh quá, đi vì mỹ cảm chứ ông phải…?

Dương Tường: Rất thành thật, hoàn toàn vì lý tưởng! Các thế hệ sau khó mà hiểu được cái không khí hồi đó. Say lắm. Không bao giờ có lại thời kỳ dám bỏ tất cả, dám đốt cả Hà Nội mà đi chiến đấu như thế.

 

Phạm Tường Vân: Thời kỳ ông tự đặt ra với mình nhiều câu hỏi nhất là bao giờ?

Dương Tường:  Những năm 60, sau vụ Nhân Văn, Xét Lại.

 

Phạm Tường Vân: Câu trả lời chung là gì?

Dương Tường: Phải có một thế giới khác. Thế giới này đang hỏng. Thế giới này phải làm lại. Và mọi thứ chủ nghĩa đều là không tưởng, con người bịa ra thứ đó để mà dối lừa nhau mà thôi.

 

Phạm Tường Vân: Phản ứng của ông?

Dương Tường: Tôi gần như bị tâm thần. Tôi phải tự chữa trị bằng nghe nhạc, chủ yếu là nhạc cổ điển. Tôi gọi đó là nhạc liệu pháp (musicotherapy)

 

Phạm Tường Vân: Thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, bi kịch ập đến với các ông. Trong khi các ông Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn đã bị gọi tên. Sao ông không bị bắt?

Dương Tường: Nếu ở Hải Phòng hay một tỉnh nhỏ nào khác, chắc tôi có kết cục giống Bùi Ngọc Tấn. Thấy Vũ Thư Hiên, Kiến Giang, Vũ Huy Cương "đi", tôi, Mạc Lân, Xuân Khánh cũng khăn gói chuẩn bị đón khả năng xấu nhất. Nhưng chờ mãi không thấy bắt. Có lẽ họ bắt mấy người tiêu biểu. Mà bắt thế đã là quá nhiều rồi!

 

Phạm Tường Vân:Ông chuẩn bị những gì?

Dương Tường: Ba lô, vài bộ quần áo, dăm quyển sách, nếu lọt thì có cái giải khuây.

 

Phạm Tường Vân: Ông trả lời với chính quyền như thế nào về những người bạn "khả nghi" của mình?

Dương Tường: Câu trả lời luôn là: "Đó là những người bạn tốt nhất của tôi, thương tôi nhất. Có chặt đầu tôi đi thì tôi cũng không tin họ là người xấu!"

 

Phạm Tường Vân: Một điều khó hiểu là ông có thể chơi với những người rất "khắc" nhau. Ví dụ như Trần Dần với Văn Cao chẳng hạn, hai người từng chung nhóm Nhân Văn, ở chung một góc phố, vậy mà chẳng bao giờ giáp mặt?

Dương Tường: Họ không chơi nhưng rất trọng nhau. Tôi rất thân với cả hai, tôi biết. Lần nào tôi đến chơi, Văn Cao cũng nhắc đến Trần Dần Và ngược lại. Dần bảo: "Thằng Văn nó chưa đẻ nhưng nó là voi, đẻ rất to!" Hôm đám tang Văn Cao, Trần Dần chống gậy đến ngồi như pho tượng. Giữa họ có những vướng mắc do thời cuộc chứ hoàn toàn không phải vấn đề tư tưởng hay quan điểm.

 

Phạm Tường Vân: Nhà văn Bùi Ngọc Tấn có một câu tổng kết buồn để biện minh cho những thành quả ít ỏi của thế hệ mình: "Thế hệ có tất cả. Vậy mà lại mất tất cả. Một thế hệ trắng tay". Ông nghĩ sao?

Dương Tường: Một thế hệ của những tinh hoa bị bỏ phí, bị hắt hủi và làm cho biến dạng. Nhưng bảo là ít đóng góp thì chưa chính xác: một vài người trong số họ cũng đã tạo ra một vài ảnh hưởng có tính tác động trong dòng chảy chung của văn học nước nhà. Và điều này thì gần như chắc chắn: "đó là thế hệ nhiều đam mê và trong trắng nhất".

 

Tường Vân: Tôi nói điều này, xin ông đừng giận: có cảm giác: ông chưa vào tù nhưng ông chưa bao giờ được ra tù! Chẳng thà hồi đó người ta bắt ông, nhốt vài năm rồi thả, ông còn được hưởng niềm vui mãn hạn. Đằng này, lúc nào ông cũng sống trong cảm giác của những ngày chờ đợi.

Dương Tường: Không đáp, chỉ gật đầu.

 

Phạm Tường Vân: Và lúc nào cũng "giật mình một cái vỗ vai"?

Dương Tường: Dù là những lúc vui nhất, tôi cũng chưa bao giờ cảm thấy yên ổn. Tôi vẫn chưa thoát khỏi cái tâm thái bất an mà tôi gọi là angoisse khi nói chuyện với một nhà báo nước ngoài hồi đầu những năm 1980. Một thứ ám ảnh hồ như pre-apocalyptic, tiền-khải huyền, nơm nớp lo sợ một bất hạnh thình lình ụp xuống. Thấy cháu gái mình thông minh, 5 tuổi nói tiếng Anh như gió, ngữ điệu rất hay, hạnh phúc lắm nhưng ngay lập tức cái angoisse ấy lại ập đến. Xã hội đầy bất trắc, cái gì chờ nó ngay mai?

Tôi còn có một thói quen xấu: tích trữ giấy một mặt. Xưa kia toàn viết giấy xám xịt, có được tờ giấy trắng (như giấy A 4 bây giờ) hoặc pơ-luya là quý như vàng, bình thường không dám viết, chỉ dành cho dịp nào thật đặc biệt, chẳng hạn khi làm được bài thơ nào thật ưng ý mới dám trịnh trọng chép lên. Tôi giữ lại tất cả giấy loại, cái nào còn trắng một mặt là giữ lại, mặc dầu rất hiếm khi dùng đến. Dù bây giờ viết bằng máy tính nhưng cứ phòng sẵn 5- 6 cái bút mới yên tâm. Và tăm nữa. Trong túi lúc nào cũng thủ sẵn một cây (ông móc túi lấy ra cây tăm tre!). Hoàn toàn vớ vẩn, những cái đó! Giấy bây giờ đầy, tăm thì đâu chẳng có. Chẳng qua sống trong cùng quẫn quá lâu nên thành một tâm lý lúc nào cũng lo thiếu thốn, sợ khi hữu sự, không có cái mà dùng!

 

Phạm Tường Vân:Dường như ông trốn vào những lĩnh vực ít phải bày tỏ chính kiến, những lĩnh vực khá khó tiếp cận đối với các nhà chức trách để ít bị bắt bẻ như hội họa. Và lựa chọn khôn ngoan này khiến ông còn "lành lặn" đến bây giờ? Cũng nhờ vậy mà ông cũng góp phần tạo nhiều sân chơi quốc tế cho hội họa đương đại Việt Nam vào cuối thế kỷ 20.

Dương Tường: Đúng. Tôi tự bảo mình: kiềm chế đi một tí, và ráng làm mỗi thứ một tí, cố gắng kiễng chân, cố gắng nhích lên. Mỗi người ráng ghé vai đẩy từng milimét, từng phần của milimét, làm sao để thế giới phải khác đi.

 

Phạm Tường Vân: Ở nhà, ông là người thế nào?

Dương Tường: Ở nhà tôi luôn bị mắng vì tội ăn dè làm vợ con phát bực. Cả đĩa thịt, tôi chỉ chọn mấy miếng nhỏ. Lúc nào cũng cảm thấy mình có lỗi. Mình nuôi con không bằng người. Chỉ được về mặt văn hóa, còn những cái khác thua kém hết. Đôi lúc thấy cháu mình được nuôi nấng đầy đủ, thấy vui lắm nhưng chỉ một lúc cái angoisse lãi đến. Điều này chẳng đứa con nào của tôi hiểu được.

 

Phạm Tường Vân:Trong cuốn "Rừng xưa xanh lá"ông Bùi Ngọc Tấn "tố" ông là người đầu têu rủ bạn bè văn nghệ sĩ trí thức đi bán máu nuôi gia đình?

Dương Tường: Tôi chỉ rủ Mạc Lân và Châu Diên thôi.

Hồi đó tôi được ưu ái cấp cho một cái thẻ cho máu (viết tắt là TCM) tức là được công nhận là cộng tác viên cho máu thường xuyên của bệnh viện. Mỗi lần bán máu, ngoài tiền (50 đồng 100cc), còn được cấp các phiếu đường, thịt, đậu. Tôi mang tất về nộp vợ.

 

Phạm Tường Vân: Ông đã bán bao nhiêu lít máu tất thảy?

Dương Tường: Không thể tính được. Hơn một năm, cứ hai tuần 1 lần, trung bình 250 cc. Lúc cấp bách thì tuần/lần, lần đạt "kỷ lục" nhờ Lê Phát giới thiệu với trưởng phòng huyết bệnh viện Việt-Đức thì được ưu tiên bán 300 cc.

 

Phạm Tường Vân: Hồi đó ông nặng bao nhiêu?

Dương Tường: Hơn 40 kg.

(Lúc kết thúc cuộc phỏng vấn, ra phố Hàng Bài, ông cân thử, kết quả: 53 kg cả giày lẫn áo bông, thế mà vẫn cái hơn cái thời bán máu hẳn 12 kg!)

Vụ này, Bùi Ngọc Tấn tưng tửng kể: "Tường ăn mừng thắng lợi với Phát bằng một bữa bia hơi Cổ Tân. Phái hai vại, Tường một vại. Uống xong, Phát nói một câu xanh rờn làm các bàn khác quay cả lại: «Hôm nay tao uống máu thằng Tường!"

 

Phạm Tường Vân: Ngoài bán máu ra, ông còn có những cách nào khác để qua cơn bĩ cực?

Dương Tường: Cũng có một số cách khác tuy không đàng hoàng lắm nhưng lương thiện: Vợ Mạc Lân là nhân viên mậu dịch bán ở quầy thuốc. Tôi đi khám bệnh, xin đơn, đưa ra vợ Lân ghi hóa đơn từng ấy thứ thuốc rồi đem về cơ quan thanh toán, cộng cả tiền bồi dưỡng ốm. Bệnh thật, chỉ có chữa là giả. Mà với những cơ thể suy dinh dưỡng trầm trọng của chúng tôi hồi đó, chẳng lúc nào thiếu bệnh. Một cách nữa là bán thuốc lá cho căng-tin, tiêu chuẩn công đoàn chia mỗi người được 3-4 bao mỗi tuần theo giá cung cấp, cố nhịn dành được 2 bao đem ra bà hàng nước. Bán cũng không dễ, phải phục cho đến khuya, vắng vẻ mới dám thò thuốc ra.

Tôi nghiện thuốc nặng nhưng chỉ dám hút thuốc lá cuộn, trong gạt tàn chẳng có cái đầu mẩu nào vì tất cả đều được gom gop tích lại, lúc bí đem xé ra vấn đi vấn lại. Cách nữa là tranh thủ nhịn cơm tiêu chuẩn, bớt được bữa nào thì bớt, dư ra phiếu nào bán lại cho nhà bếp lấy tiền đưa vợ đong gạo. Đến nhà người thân tình cứ nhè vào bữa cơm. Chuyện văn chương, triết học cứ đến bữa lại nở như ngô rang, bà chủ bưng cơm lên, mời rơi mình một tiếng. Lấy cớ nói nốt câu chuyện, vừa ăn vừa "làm khách" để giữ sĩ diện nên chỉ dám làm một bát. Thôi thì cầm hơi cho qua ngày, vợ con cũng đỡ được một suất. Nhưng xong rồi thì ngượng lắm!

 

Phạm Tường Vân: Có khi nào ông ước mình là công dân nước khác?

Dương Tường:  Khi sang Mỹ, tôi thấy đây quả là một đất nước của tự do và có cảm giác là nếu ở đó, mình sẽ làm được nhiều hơn. Nhưng chưa bao giờ tôi ước mình là công dân một nước khác. Tôi không thể sống được ở một nơi nào ngoài Việt Nam.

 

Phạm Tường Vân: Đã bao giờ ông có ý định tự sát?

Dương Tường: Không bao giờ.

 

Phạm Tường Vân: Khi cực kỳ phẫn uất hay khinh bỉ, ông hành xử thế nào?

Dương Tường: Dương Tường Im lặng.

 

Phạm Tường Vân: Khi thất vọng về ai đó?

Dương Tường: Không chơi nữa. Có những người ngay từ đầu đã không chơi được

 

Phạm Tường Vân: Cảm giác đỉnh cao của sự "không chơi được"?

Dương Tường:  Buồn nôn.

 

Phạm Tường Vân: Ông đã gặp mấy người như thế?

Dương Tường: Nhiều. Xin đừng bắt tôi phải nêu tên.

 

Bài do nhà báo Phạm Tường Vân thực hiện ngày 23 tháng chạp Nhâm Ngọ 2001-2002.

 

-----------------------------------------------------------------

Xem thêm bài về Nhà văn Bùi Ngọc TấnNgười chăn kiến

 

Một đánh giá mới về Nhân Văn - Giai Phẩm

 

Nhà văn Vũ Thư Hiên: Vụ Xét lại chống Đảng và vai trò Lê Đức Thọ

 

Nhà thơ Hoàng Cầm trả lời BBC

 

Nhà văn Thuận nói về Trần Dần (video)

 

-------------------------

TIN LIÊN QUAN

  •  

Vì sao cha tôi, Trần Duy Hưng và các trí thức bị cách ly?

4 tháng 9 năm 2017

  •  

Ông Vũ Thư Hiên nói về 'tư liệu' của Trần Đĩnh liên quan đến CT Hồ Chí Minh

30 tháng 5 năm 2018

  •  

'Vụ án Xét lại chống Đảng' lên báo Việt Nam

11 tháng 3 năm 2018

  •  

Nhà văn Vũ Thư Hiên: Vụ Xét lại chống Đảng và vai trò Lê Đức Thọ

15 tháng 10 năm 2021

 

.

==============================================

.

.

Khi trí thức Dương Tường từng bán máu để sống

Lê Đức Dục

25/02/2023

https://baotiengdan.com/2023/02/25/khi-tri-thuc-duong-tuong-tung-ban-mau-de-song/

 

Qua nay nhiều bạn đọc, bạn bè văn nghệ bày tỏ thương tiếc trước sự ra đi của cụ Dương Tường, dù cụ thọ 92 tuổi rồi. Mình thì nhớ mãi chuyện thời tráng niên cụ Dương Tường phải đi bán máu để sống.

 

Có một thời nhiều trí thức thứ thiệt – (không phải trí thức quốc doanh) đã sống như thế. Trích đoạn này của nhà văn Bùi Ngọc Tấn viết về Dương Tường những ngày tháng bán máu mà sống ấy.

 

                                                          ***

 

… “Chuyện bán máu ấy à? Tôi là thằng bán máu đầu tiên trong số anh em mình. Không ai giới thiệu cả. Tình huống những năm 64, 65 ông biết là khó khăn thế nào rồi.

 

Tôi còn nhớ giỗ ông nội tôi mà cả nhà chỉ còn tiền mua rau, không thể nào kiếm được mấy lạng thịt chui làm giỗ. Ðang bí thì gặp ông Ngô Quốc Hạnh, bạn mình. Hạnh làm giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội. Hạnh cho một cái phiếu mua vịt. Mừng quá đem về đưa Trinh. Thế là có giỗ. Ông bố mình lúc bấy giờ còn sống. Cụ cứ cám ơn Hạnh mãi. Cả năm sau vẫn thấy cụ nói: Anh Hạnh tốt thật đấy.

 

Thì giỗ bố cụ, cụ không nhớ ơn sao được. Tình thế mỗi ngày một căng. Khó khăn quá. Tôi có nghe người ta nói chuyện bán máu. Nghĩ hay là cứ thử xem sao.

 

Tôi vào bệnh viện Việt Ðức tìm hiểu. Ðúng vào cái hồi tôi xuống ông, gặp ông Hiên cũng đưa cả gia đình xuống, rồi chúng tôi đi nghỉ Ðồ Sơn, sau đợt ấy về là bắt đầu đấy. Tôi đội cái mũ sùm sụp để không ai nhận ra mình.

 

Vào bệnh viện quan sát. Thấy cũng không có gì ghê gớm, mình làm được. Thế là hôm trước thăm dò, hôm sau vào đăng ký bán máu luôn.

 

Hôm bán máu phải nhịn ăn, chỉ uống cà phê sữa thôi. Máu của tôi thuộc nhóm máu O, nhóm máu xã hội chủ nghĩa được chuộng lắm.

 

Số cân của tôi chỉ được bán 150cc thế mà đề nghị bán 200cc cũng gật đầu ngay tắp lự. Ðược tiền và được nhiều phiếu lắm. Thịt, đường, sữa, đậu.

 

Ra cổng các ông bà phe xúm lại hỏi mua phiếu. Ông Lân bán phiếu chứ mình không bán. Mình cầm về đưa cho bà Trinh mà chưa biết giải thích nguồn gốc mấy cái phiếu ra sao. Sực nhớ đến Ngô Quốc Hạnh đã một lần cho phiếu mua vịt, mình bảo: “Anh Ngô Quốc Hạnh cho phiếu đây này”. Lần sau cũng lại anh Ngô Quốc Hạnh cho phiếu đây này.

 

Ngô Quốc Hạnh biến thành tiên, thành bụt ở nhà mình. Ông bố mình càng nhắc chuyện năm nọ không có anh Hạnh cho cái phiếu mua vịt thì nguy, mấy bố con không làm nổi cái giỗ cho cụ.

 

Ðưa tiền cho bà Trinh dễ hơn đưa phiếu, cứ nói đại là tiền nhuận bút, mặc dù dạo ấy có được in gì đâu mà có nhuận bút. Về sau những lúc khó khăn quá bà ấy cứ giục mình: “Anh đến anh Hạnh xin ít phiếu đi”.

 

Có lần bí quá mà còn hai tuần lễ nữa mới đến kỳ bán máu, tôi than thở với Lê Phát. Ông có nhớ Lê Phát không nhỉ. Lê Phát đài Tiếng Nói Việt Nam cùng dịch Sê-khốp với tôi.

 

Lê Phát bảo: “Thằng trưởng phòng huyết học là bạn tôi. Ðể tôi viết thư cho nó”.

 

Tường cười. Anh vừa cười vừa thuật lại câu chuyện “đáng buồn cười” cách đây non nửa thế kỷ ấy.

 

Tối hôm ấy anh cầm thư giới thiệu của Lê Phát tới nhà ông trưởng phòng huyết học. Ðọc thư tiến cử của Phát, ông trưởng phòng gật đầu xởi lởi:

 

– Ðược. Sáng mai anh đến. Tôi sẽ bảo chúng nó ưu tiên lấy nhiều cho anh.

 

Ðó là lần Tường bán được nhiều nhất: 280cc! Ðại thắng trở về đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Lê Phát đã đứng chờ ở cổng, hồi hộp:

 

– Ðược không?

 

Tường ăn mừng thắng lợi với Phát bằng một bữa bia hơi Cổ Tân.

 

Phát hai vại. Tường một vại. Uống xong, Phát nói một câu xanh rờn làm các bàn bia khác cùng quay cả lại:

 

– Hôm nay tao uống máu thằng Tường!

.

=============================================

.

.

Chút kỷ niệm với bác Dương Tường

Lâm Bình Duy Nhiên

26/02/2023

https://baotiengdan.com/2023/02/26/chut-ky-niem-voi-bac-duong-tuong/

 

Dường như cũng dịp này, những ngày Đông lạnh lẽo của tháng hai cách đây cũng đã 15 năm, tôi có dịp gặp bác Dương Tường tại Lausanne.

 

Chú Đặng Tiến, em rể của mẹ vợ tôi, từ Pháp, nhờ tôi đón bác Dương Tường tại nhà ga Lausanne. Đi cùng bác là một chị đạo diễn cũng sống tại Thuỵ Sĩ. Tôi dẫn bác và chị đi dạo một vòng phố nhỏ Lausanne. Năm ấy trời thật lạnh. Dáng bác bé nhỏ trong cái áo măng tô dài. Hai tay chắp sau lưng, bác đi dạo cùng chúng tôi. Trời chiều, giờ làm việc nên đường xá vắng bóng người. Tôi mời bác và chị uống cà phê tại Café des Philosophes. Bác thích thú trước cái tên hay của quán. Chúng tôi nói chuyện đôi chút. Đó là năm, nếu tôi không lầm, bác đi Anh quốc theo lời mời của các tổ chức bên đó. Rồi bác ghé Pháp, chơi với chú Đặng Tiến. Bác có nói về tập sách “Chỉ tại con chích choè”. Bác tặng tôi một CD bác ngâm thơ. Bác cũng nói sơ về tình hình viết lách trong nước, về những biến cố mà bác, có lẽ, không muốn nhắc đến nhiều. Tôi cũng có nói về các nhà văn Việt Nam, đặc biệt Dương Thu Hương và có nghe nhận xét của bác. Dạo đó, tôi có thỉnh thoảng viết cho Đàn Chim Việt, nhưng toàn về chính trị. Bác gật gù, nghe và nghe… Chuyện chính trị trong xã hội Việt Nam, thế hệ của bác đã quá rõ.

 

Chị bạn của bác, tôi lại quên tên, nói nhiều về viết lách. Chị ít ngại khi nói về chính trị. Có lẽ vì sống bên ngoài nên ít bị ràng buộc hơn.

 

Sau đó tôi đưa hai người ghé thăm bố mẹ vợ như lời dặn của chú Đặng Tiến. Trời vừa chập tối, tôi mời bác và chị đạo diễn đi ăn bánh crêpe ở tiệm Crêperie la Chandeleur nổi tiếng. Đến trước cửa tiệm cũng là lúc chuông đồng hồ ngoài phố đổ vang. Bác đọc câu văn của Victor Hugo: “Qui de bonne heure est vieux restera longtemps jeune”.

 

Bác thích thú trước món bánh crêpe với trứng, rau épinard và pho mát. Lần này bác nói nhiều hơn, cởi mở hơn về chuyện trong nước. Từ Chuyện kể năm 2000 đến Nỗi buồn chiến tranh…, bác nhắc đến những tác phẩm văn học quan trọng tại Việt Nam cũng như hiện tình xã hội.

 

Tôi còn nhớ, bác lắc đầu, ngao ngán bảo: “Mọi chuyện chỉ kỳ vọng vào thế hệ trẻ thôi!”.

Một câu nói dường như chứa đựng bao tâm tư và nỗi lòng của người cầm bút khi tuổi già chồng chất.

 

Tôi đưa bác ra nhà ga Lausanne vì đã khuya. Tháng hai lạnh cóng. Bóng dáng nhỏ bé của bác trên từng con đường nhỏ của phố cổ cách đây 15 năm nay hiện về, như mới hôm qua thôi.

 

Bác về lại Hà Nội. Chúng tôi là “bạn” trên Facebook. Tôi có theo dõi việc dịch thuật của bác qua những ầm ĩ trong vụ Lolita và L’Étranger. Dẫu không đồng tình với bác nhưng việc bác bị chê bai, nhạo báng và chửi rủa bởi những người tự cho rằng có khả năng “cảm nhận” ngôn ngữ, văn chương hơn, vẫn là điều đáng buồn và đáng trách. Nó cũng lột tả bộ mặt thật của xã hội Việt Nam ngày nay: không biết đối thoại và tôn trọng lẫn nhau dẫu bất đồng quan điểm.

 

Nhiều tác phẩm văn học phương Tây đã được các dịch bởi các tên tuổi lớn tại miền Nam trước 1975. Đó cũng là những bản dịch rất hay chứ không phải đợi đến thế hệ của các dịch giả tại miền Bắc sau này.

 

Tôi được biết một công trình lớn mà bác bỏ nhiều thời gian để thực hiện đó là dịch bộ sách đồ sộ À la recherche du temps perdu (Tìm lại thời gian đã mất) của Marcel Proust. Một tác phẩm lớn của văn học thế giới mà bác tham gia dịch với nhiều người khác. Tôi có lo vì đó không phải là một tác phẩm dễ dịch và dễ hiểu. Tiếng Pháp lại vô cùng khó khăn, cứ không phải là tiến sĩ, giáo sư là có thể chuyển tải được tất cả vẻ đẹp văn chương của Proust.

 

Đến giờ, tôi vẫn chưa có dịp đọc bản dịch ấy.

 

Bác Dương Tường tự học, tự làm, như chính lời bác tâm sự. Suốt cuộc đời với cây bút, qua bao thăng trầm, bể dâu của thời cuộc.

 

Tôi không bị lôi cuốn bởi thơ của bác và cũng không “cảm” được các tác phẩm bác dịch. Nhưng tôi bị ám ảnh, cảm động và dằn vặt chỉ bởi một câu thơ: “Tôi đứng về phe nước mắt”.

 

Đó không chỉ đơn thuần là một câu thơ. Đó là một lời ca thống thiết, một bản tuyên ngôn về thân phận con người trong cái xã hội bệnh hoạn và xấu xa ấy. Chỉ mỗi câu thơ đó cũng đủ để lại tên tuổi Dương Tường trong nền văn học Việt Nam thời xã hội chủ nghĩa.

 

Thế hệ cầm bút như bác ngày càng mai một. Những nhân chứng sống của một thời mà văn chương và ngòi bút bị xem như kẻ thù của xã hội, của những giấc mơ chuyên chính hoang tưởng, đang lần lượt ra đi.

 

Mong bác Dương Tường, trên cao, vẫn tiếp tục đứng về “phe nước mắt” vì hơn bao giờ hết, Việt Nam, nước mắt vẫn rơi dài và rơi mãi trong khổ đau.

 

========================================

.

.

Vĩnh biệt nhà thơ – dịch giả Dương Tường

Văn Việt

25 Tháng Hai, 2023

http://vanviet.info/van-de-hom-nay/vinh-biet-nh-tho-dich-gia-duong-tuong/

 

Nhà thơ – dịch giả Dương Tường, thành viên Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, cộng tác viên của Văn Việt, đã từ biệt chúng ta vào lúc 20 giờ 8 phút ngày 24/2/2023 tại Hà Nội.

 

Cả cuộc đời say mê, tận tuỵ, hết tâm lực với CHỮ, ông đã góp phần quan trọng mở ra đại dương văn học thế giới cho người đọc Việt Nam, đã sáng tạo thi pháp ÂM BỒI trong thơ Việt. Kiến thức uyên bác của ông về các bộ môn nghệ thuật đã góp phần thúc đẩy sự cách tân, hiện đại hoá trong nghệ thuật Việt Nam, nhất là trong hội hoạ. Nguyện “ĐỨNG VỀ PHE NƯỚC MẮT”, ông đã sống trọn vẹn con người mình, với trái tim rộng mở cho những người yếu thế và những người trẻ trên con đường sáng tạo gian nan. Ông là người bạn chân thành của đông đảo người sáng tác.

 

Văn Việt vô cùng thương tiếc nhà thơ – dịch giả Dương Tường. Xin thành kính phân ưu cùng tang quyến.

 

Nhân đây, xin trân trọng giới thiệu một bài viết về quan niệm Thơ cùng một số bài thơ của Dương Tường.

 

VĂN VIỆT

 

.

Ai đầu tiên gọi chích chòe là chích chòe?

 

Tháng 11/1995, trong chuyến thăm trường Đại học Columbia ở New York, tôi có dịp gặp P. Gordon, một nhà nghiên cứu Việt Nam học. Thật là một ngạc nhiên thú vị được bàn luận về thơ Việt Nam với một người Mỹ trên đất Mỹ. Trong cuộc trò chuyện, Gordon hỏi tôi đôi điều liên quan đến “cây diêu bông”: nó thuộc họ thực vật nào, hình dáng ra sao? tên khoa học của nó là gì? v.v. Bởi lẽ ông đã đọc và đã mê bài thơ Lá diêu bông của Hoàng Cầm và, cũng như khá nhiều độc giả khác, nhất định tin rằng có một loài cây gọi là “diêu bông” thật trong thiên thiên. Ông nói đã tra tất cả các loại từ điển tiếng Việt mà không ra. Tôi bèn nhân danh là bạn của nhà thơ xin lỗi đã để ông mất công đuổi theo một cái bóng bởi lẽ loài cây bí ẩn kia chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của nhà thơ mà thôi. Diêu bông, tôi giải thích, thuộc loại từ “bịa”, tương tự như nonce-word (từ đặt ra để dùng trong một trường hợp đặc biệt) của Anh/Mỹ, nó còn quá mới để được đưa vào từ điển “chính quy” trong tình hình ngành từ điển học sơ sinh của Việt Nam chưa phát triển đủ mức để soạn ra những từ điển đặc chuyên kiểu Dictionary of Nonce-words của Anh/Mỹ hoặc Dictionaire des Neologisines của Pháp.

 

Do đâu mà nẩy ra cái từ diêu bông phi ngữ nghĩa song lại đầy biểu năng trực cảm ấy? Nói cách nào đó, diêu bông không biểu nghĩa, mà chủ yếu là biểu âm. Một trong những đặc thù của cái đẹp nơi chữ thơ, tôi nghĩ, là sự lên ngôi của con âm thay vì con nghĩa. Hãy một lần nữa nghe bà cô tổ Hồ Xuân Hương của chúng ta biểu âm sự nứt ra của một động Hương Tích:

 

Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm

 

Cái động từ phòm (hình như chỉ được dùng hai lần trong thơ Hồ Xuân Hương, ngoài ra không gặp ở đâu khác) cũng thuộc loại từ “bịa” phi ngữ nghĩa mà biểu năng trực cảm của nó kỳ diệu đến nỗi ai cũng hiểu tác giả định nói gì. Không có khả năng như tạo hóa “bịa” ra, chẳng hạn, một động Hương Tích thì nhà thơ “bịa” ra chữ! Những chữ tinh khôi tự nhiên như bản thân sự sống, vừa ra đời đã trở thành những thực thể.

 

Thi sĩ, tôi quan niệm, là kẻ đầu tiên kéo thế giới ra khỏi vùng khuyết danh. Mà khuyết danh có nghĩa là chưa tồn tại. Thi sĩ cho sự vật một cái tên mà trước đó nó chưa có – tức là đưa nó vào tồn tại. Ai đầu tiên gọi chích chòe, khi nó còn khuyết danh, là chích chòe, người ấy đích thị là một nhà thơ. Loài chim ấy ắt đã có từ rất lâu trước đó, người ta hẳn đã nhiều lần thử đặt cho nó một cái tên nhưng không đậu và chỉ đến khi ai đó, trong một lóe chớp thần hứng, bật thốt lên hai âm tiết chích chòe trúng pắp, không gì thay thể nổi, thì nó mới thực sự tồn tại, thêm cho trời đất một cái gì không chỉ đơn thuần là một loài chim.

 

Hoàng Cầm đã “bịa” ra một loài cây cho ai kia bỏ một đời đi tìm lá dẫu biết chẳng bao giờ thấy được. Hư ảnh đã ngự vào đời thực, trở thành một thực thể trường tồn, chí ít cũng dài lâu hơn đời nhà thơ.

 

.

THƠ DƯƠNG TƯỜNG

 

Để ghi trên mộ chí

 

Tôi đứng về phe nước mắt


1968

 

 

      Romance 1

 

những ngón tay mưa
dương cầm trên mái

những ngón tay mưa
kéo dài tai quái
một nỗi nhớ siêu hình
nhạc nhoè đường xanh
đêm lập thể

những ngón tay mưa
truồi theo phố lạnh
màu nâu cảm tính
đường parabole tư duy
điệp khúc u hoài
những chuyên tàu di

những ngón tay mưa
trời sao bạc
tím mộng Scheherazade
đêm ngàn-lẻ-hai

ngã tư
cột dèn
ô kính
những ngón tay mưa
xập xoè kỉ niệm

em
mười chín
mưa
bụi sao

ngả nghiêng trời nào
một chớp mi
thăm thẳm

*

đừng hát nữa em
những ngón tay mưa
những ngón tay mưa…


1963

 

 

Noel 2

 

Nôel
đèn
môi em
za em
jêruzalem
pha phem
hang/hem Ðức Mẹ
jọt
jọt
hé he
mùi quen
mà quên

Nôel
bụi sáng
bạch lạp ngực rằm
năm nắm
ngực rằm
nem nén
ngực rằm
bạch lạp
Avê
Mariem

mười bảy
đồng trinh
hai mươi
đồng trinh
phi lí
đồng trinh
chuông            lá khói
chìm

requiem
mưa nhem
lọ lem
hài em
phi lí
bạch lạp ngực rằm
sao Bethlê-em
để
chuông            lá khói
chìm

*

Nôel
Nô-elle
Nô-em
trót quen
thành quen

phố nêm
phonème
kèm kem
đèn ren
đùi ren
lụa len
phố nêm
mà im
thèm
men

nhá nhem
lối khói
lá khói
bohème
boong
boong
chuông em
lá khói
thèm em
thềm êm
đường đêm
tràn im
khuya thêm
rộng thêm
mùi thêm
buồn thêm

sao em
phi lí
ngực rằm
phi lí
đồng trinh
phi lí
kèn đen
tình đen
tình điên
pòm pem
mưa đêm
cột đèn
chờ em
mõm dêm

Nôel
Nô-elle
Nô-em
Nô-men
No man’s land
N-mô m-nen x-len
leng beng
lang ben
ma lem
Mariem
x-em x-em
hem em
đồng trinh
Amen


1967

 

 

Tình khúc 24

 

24 phím cầm chiều
24 nhành sương mím
24 tiếng ve sầu đại lộ tháng tư

Gửi lại em
cầu thang 24 bậc
tờ thư 24 gác mưa
làn menuet 24 âm xưa

Gửi lại em
mùi hoa sữa 24 miền hoài niệm
ga khuya 24 lần đưa đón
bài huê tình 24 lối sân sau

Gửi lại em
doi sông 24 nhịp cầu
tình khúc bãi ngô 24
sương dâng 24 nẻo đi về

Nhâm nhâm 24 hàng đèn
mênh mênh 24 ngã tư mắt

Gửi lại em
chiêm bao 24 chợt hiện tan
cung đàn 24 lần đứt nối
vũng im đêm 24 mạy sao chìm

Gửi lại em
24 phố dài thơm
24 xêrênađ
24 vibratô
24 khung trời tím
24 lối công viên
24 vầng trăng goá

Gửi lại em
gửi lại em tất cả
kể cả con âm đầu trót thụ mầm thơ

Riêng đêm em xoà bóng nốt ruồi
24 quầng

anh giữ


1967

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

 

 

Chợt thu

 

một thoáng rợn tên là heo may
một hương cây tên là kỷ niệm
một góc phố tên là hò hẹn
một nỗi nhớ tên là không tên


1968

 

 

 

Chợt thu 2

 

Chiều se sẽ hương
Vườn se sẽ sương
Đường se sẽ quạnh
Trời se sẽ lạnh
Người se sẽ buồn


1969

 

 

 

Serenade 3

 

Chờ em đường dương cầm xanh
dạy thì nõn dương cầm phố

Chờ em đường dương cầm sương
chúm chím nụ dương cầm biếc

Chờ em đường dương cầm xiêm
vằng vặc ngực dương cầm trinh

Chờ em đường dương cầm khuya
ôi cái im đêm thơm mọng

Chờ em đường dương cầm trăng
ứa nhuỵ lạch dương cầm xuân

Chờ em đường dương cầm mưa
giọt giọt lá buồn dạ khúc
xào xạc lòng tay khuya

anh về lối dương cầm lạnh


1973

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát Dương cầm lạnh.

 

 

 

America

 

I call you Miss Diagonal, babe

*

I met you, Miss Diagonal
in Broadway
the only artery which runs diagonal
in the whole grid-like Manhattan
and I realize
you’re Broadway so mesmerisingly long

*

I look at America
through
your perversely di tenderness
your vulnerably    a     gynecology
your frustratingly     g      sensuality
your waywardly            o       friendliness
your hopelessly                 n        dynamism
your puzzlingly                      al         pussy

*

I met you, diagonal girl
in diagonal Broadway
and I realize
you’re America


8/11/1995
New York City

A-mê-ri-cơ

 

bé em à, tôi gọi em là Nàng Chéo

*

tôi đã gặp em, Nàng Chéo
ở Broadway
con đường duy nhất chạy xiên chéo
trong cả khu Manhattan ngang dọc bàn cờ
và tôi chợt hiểu
em là Broadway
dài đến lạc hồn

*

tôi nhìn nước Mĩ
qua mềm mại em phi lí   chéo
qua phụ khoa em hơ hớ      chéo
qua nhục dục em ngao ngán    chéo
qua thân tình em ngạo ngược       chéo
qua  năng  động  em   vô  vọng           chéo
qua    nụ   bè   he   em   bối    rối               chéo

*

tôi đã gặp em, kiều nữ chéo
ở đường chéo Broadway
và tôi chợt hiểu
em là a-mơ-ri-cơ


New York City 8/11/1995

Bản dịch của tác giả.

 

 

Mea culpa (trích tổ khúc 5 chương)

 

1

 

Ðâu phải tại tôi
a ——————– z
tôi đâu chọn
buổi sinh

nào ai hỏi tôi í kiến trong ti tỉ vi ti
vu trụ chiều zọc – zài – ngang – đáy
thẳm không /thút lút/ bến sương quên

tôi mắc vào bẫy sống
để tháng ngày thây lầy một cục thịt
thừa là nỗi nhớ ngược hoang sơ thuở
còn đủ zại khờ để biết tắm mát lên
ngọn con sông thơ (iếm) đào


vẫn ngày
lại ngày

nhật trình zài

Ðâu phải tại tôi
a ——————- z
tôi đâu chọn

                 e
k ể   c ả     o     m i ề n
                  i
                 a

cửa sổ một mảnh trời mất máu zòm
tôi ngồi chênh xà-lim-án-sống
bầy nhầy từng vũng ảo vọng kiệt cạn
màu mận chín
và áp thấp nhiệt đới tâm linh
chân jường lạnh

đâu phải tại tôi…

 

Dương Tường

 

=========================================

.

.

Đã thiếu vắng Dương Tường

Ngô Thị Kim Cúc

25 Tháng Hai, 2023

http://vanviet.info/van-de-hom-nay/d-thieu-vang-duong-tuong/

 

Vừa đọc thấy tin buồn trên FB của Phạm Xuân Nguyên: “Nhà thơ – dịch giả Dương Tường đã rời cõi tạm vào 20h 08 phút hôm nay (24/2/2023) hưởng thọ 92 tuổi”, trong tôi một nỗi buồn vô hạn lặng lẽ dâng lên.

 

Con người này, khi sống không phải kẻ quảng giao, không quá nhiều bằng hữu, nhưng tôi tin trong lòng mỗi độc giả Việt Nam vẫn giữ lại hình ảnh ông, con người tần tảo/tận tụy mang tới cho cuộc đời này nhiều nhứt có thể những gì tinh sạch đẹp đẽ trong chọn lựa của ông.

 

Tôi cũng không phải người quảng giao nhưng trong ký ức của tôi luôn có gương mặt buồn của ông, đôi mắt to và thăm thẳm của ông, trong một góc tối nào đó, cứ lặng lẽ nhìn ra, quan sát và cất giữ mọi thứ.

 

Trong tập chân dung văn học Ngọt như cà phê của tôi (NXB Văn Nghệ, 2010), từ trang 23 tới trang 33 là phần dành cho Dương Tường với hai bài viết, một là bài trả lời phỏng vấn của ông: Tôi đứng về phe nước mắt, và một là bài về tập sách mà ông là dịch giả (Vì một thế kỷ quá ít nước mắt, về tiểu thuyết Cái trống thiếc của Gunter Grass).

 

Đây là những dòng chapeau cho 10 trang sách trên:

 

“Nếu thiếu vắng Dương Tường thì mảng văn học dịch của Việt Nam sẽ lộ ra một khoảng trống đáng kể. Người đàn ông rất gầy với cặp mắt quá buồn này lại có được một sức chịu đựng và sức làm việc thuộc loại phi thường.

 

Với một lý lịch chẳng chút thuận lợi, nhưng ông hầu như chẳng hề để tâm, vẫn phăm phăm tiến tới bằng sức lao động bền bỉ không gì ngăn cản được. Trong con người ông có một nguồn năng lượng đồi dào và một tính kỷ luật kỳ lạ, giúp ông bao giờ cũng là một người đứng ở hàng đầu…”.

 

.

TÔI ĐỨNG VỀ PHE NƯỚC MẮT

 

* một dịch giả kỳ cựu hoạt động đã nhiều năm, ông có thể nói gì về đóng góp của văn học dịch đối với người cầm bút trong nước? Và đối với người đọc?

-Tôi nhớ khi dịch tập truyện ngắn đầu tiên, trong đó có máy truyện của Tchékhov, cách đây khoảng nửa thế kỉ, í nghĩ chủ đạo của tôi là: những tác phẩm như thế này mà không được phổ biến cho nhiều người đọc thì phí quá. Cho đến nay tôi vẫn luôn nghĩ thế. Dịch văn học là cái cầu nối bạn đọc (trong đó có cả những người viết) không biết ngoại ngữ với kho tàng trí tuệ và minh triết của nhân loại. Và người dịch văn học có tâm huyết là kẻ tự nguyện làm một thứ ống thông để hấp thụ và truyền đạt những tinh túy đó cho những ai muốn đón nhận.

Hiển nhiên là sự tiếp xúc với văn học thế giới đã mở ra những chân trời mới với người đọc nói chung và có tác động thúc đẩy mạnh mẽ đối với người cầm bút nói riêng. Nhà văn Nguyễn Quang Lập, sau khi đọc Cái trống thiếc của Günter Grass, đã nói: “Đọc xong cuốn này, thấy mình không thể viết như cũ”.

 

 

*So với thời bao cấp chỉ toàn dịch tác phẩm phe xã hội chủ nghĩa, nhưng được in với số lượng lớn, sách văn học dịch hiện nay có những lợi thế nào và những bất lợi nào?

-Nói cho công bằng, đâu phải thời bao cấp chỉ toàn dịch tác phẩm phe xã hội chủ nghĩa, Khá nhiều tác phẩm cổ điển của các nền văn học lớn – Pháp, Anh, Italia, Tây Ban Nha, Mỹ… – đã được dịch trong thời kì này đấy thôi. Có điều văn học hiện đại của các nước phương Tây thì bị “lườm” nặng, coi như mang mầm mống tư tưởng độc hại nên bị “bịt” kín, khó lọt vào.

Bây giờ mở cửa, sách văn học của phương Tây được dịch thoải mái nhưng lại tràn lan, lộn ẩu, chạy đua theo những best-sellers, cạnh tranh theo qui luật thị trường. Người không rành, giờ đây vào hiệu sách ắt hoa mắt, hoang mang không biết lựa chọn ra sao. Song hành với tình trạng ấy, nảy sinh một lớp dịch giả bất túc, ngoại ngữ võ vẽ, tiếng mẹ đẻ càng tệ, nhất là lại thiếu lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp, chỉ hùa nhau dịch ào ào các loại sách ăn khách để kiếm tiền. Thật ngao ngán.

 

 

*Vốn ngoại ngữ của ông đã được tích góp từ những ngày trai trẻ, khi đang mặc áo lính. Ông cho biết cái gì đã xui giục một anh lính Việt Minh đi luyện tiếng của “kẻ thù”? Chuyện nhà văn Bùi Ngọc Tấn kể, rằng trong ba lô của Dương Tường lúc nào cũng thủ mấy quyển từ điển là có thật đến hơn 100% không? Mỗi thứ ngoại ngữ đã lấy đi của ông bao nhiêu thời gian và sức khỏe?

-Những điều đó là thật 100%, kể cả chuyện sục sạo tìm sách, xem như chiến lợi phẩm mỗi khi chiếm được đồn giặc. Đều là do “máu mê” văn chương, ham muốn được biết nhiều cái hay, cái đẹp của thế giới. 1955, giải ngũ, tôi tiếp tục tự học ở thư viện, có bao nhiêu thì giờ rảnh đều tiêu ở thư viện. Có thể nói thư viện là trường dại học của tôi.

 

 

*Từng có thời gian dài ông sống bằng cách bán máu. Chuyện nghe thật quá bi đát và khó tin. Làm sao một người chỉ có từng ấy xương và da lại có thể rút máu mình ra bán thường xuyên như thế? Cảnh sống gia đình ông lúc ấy bức bách đến mức nào? Và ông làm sao để sống sót cho đến lần bán máu kế tiếp?

(Kim Cúc ơi, anh xin lỗi không trả lời câu này. Anh đã hứa với Trinh, vợ anh, không bao giờ nhắc đến chuyện bán máu trên truyền thông nữa, vì đó là nỗi đau của Trinh. Trước đây, anh giấu kín chuyện này, quyết không để vợ con biết, cho nên khi anh Tấn đưa lên trong hồi ức của anh ấy, đó là một bất ngờ đau đớn cho Trinh).

 

 

*Chỉ qua những tập sách dịch được xuất bản của ông, người ta đã thấy được một khối lượng trang dịch đồ sộ chắc chắn phải kèm với cường độ làm việc cực cao. Ông đã phân bố sức khỏe và thời gian của mình thế nào để có thể đảm đương bằng ấy công việc?

-Thật thà mà nói, chính tôi cũng không biết nữa. Tôi chưa bao giờ nghĩ một cách nghiêm túc đến việc “phân bố sức khỏe và thời gian của mình”. Không ít người bảo tôi là “thằng ham vui”. Có lẽ tôi là kẻ ham sống thì đúng hơn – sống hiểu theo nghĩa: làm việc và vui bạn bè. Mà đã ham thì phải dốc hết mình. Vâng, tất cả những gì tôi đã làm, tôi đều dốc hết mình vào đó. Đơn giản thế thôi.

 

 

*Ngoài ra, ông lại còn hoạt động tích cực trong một số lĩnh vực khác (thơ, tranh, hiệu đính, la cà bè bạn…). Xin ông tự giới thiệu và giải thích đôi nét về những hoạt động ngoài dịch của mình. Nó đem đến cho ông điều gì để khiến ông phải phân thân như vậy?

-Tôi là một kẻ “mê” đủ thứ: văn, thơ, nhạc, họa, điện ảnh, bóng đá, và tất nhiên cả đàn bà nữa. Trên thực tế, tôi dành nhiều thời gian nhất cho công việc dịch, nhưng ưu tâm lớn nhất của tôi, điều làm tôi mất ngủ nhiều nhất vẫn là thơ, là những khắc khoải muốn cách tân, mở ra những hướng mới cho thơ. Cũng với tâm nguyện khai phá những con đường mới, bằng vốn kinh nghiệm và kiến thức gom góp và cập nhật được trong nhiều năm, tôi luôn cổ vũ những tìm tòi sáng tạo của lớp trẻ thời Đổi Mới, kể cả trong lĩnh vực mĩ thuật, sân khấu. Tôi tự ý thức mình thuộc một thế hệ lỡ dở, chỉ còn tốt cho việc lót đường cho những thế hệ kế tiếp, và tôi đã hơn một lần khẳng định như vậy. Những hoạt động đó mang lại niềm vui cho tôi, khiến tôi cảm thấy mình còn có ích.

 

 

*Thời kỳ khó khăn nhất cho ông là lúc nào? Cái gì đã giúp ông vượt qua được?

-Khoảng từ 1965 đến 1975. Điều giúp tôi vượt qua được là sự chia sẻ của vợ tôi cùng một số bạn chí thiết, và sự đam mê văn chương nghệ thuật đến độ sẵn sàng đặt cược cả cuộc đời mình vào đó.

 

 

*Dương Tường có phải là một “thương hiệu không”? Và độ tin cậy mà người ta có thể đặt vào?

-Tôi phải nói ngay rằng tôi rất ớn cái cách người ta thuận theo cái xu thế kì quặc muốn qui mọi thứ thành thương phẩm, đem gắn từ “thương hiệu” như một cái “mác” đính giá lên một tác giả hay tác phẩm văn học nghệ thuật. Không, Dương Tường không bao giờ là một “thương hiệu”. Còn độ tin cậy người ta có thể đặt vào hắn ắt tùy thuộc vào giá trị thực của những gì hắn đã làm ra. Thế thôi.

 

 

*Tôi đứng về phe nước mắt” là một phát ngôn nổi tiếng của Dương Tường. Ông nghĩ, có cách nào khiến cho nước mắt đỡ phải chảy không?

-Vâng, đó là bài thơ “Để ghi trên mộ chí sau này”. Nó giống như một tuyên ngôn. Cái ẩn dụ “phe nước mắt” hàm chỉ tất cả những gì là khổ đau, yếu đuối, bị áp bức, chà đạp… Muốn làm cho “nước mắt đó đỡ phải chảy” là chuyện chung của nhân loại và cũng là nhiệm vụ của mỗi chúng ta, trong cố gắng xây dựng một thế giới không còn hận thù mà chỉ có yêu thương.

 

 

*Ông bao giờ cũng rất gần với đám trẻ “rắc rối”. Vì ông thấy mình cũng trẻ, cũng rắc rối như họ, hay vì ngược lại?

-Vâng, lớp trẻ có một sức hút mạnh mẽ đối với tôi, nhất là những người trẻ năng nổ khám phá những con đường mới, háo hức lao vào những cuộc phiêu lưu đi tìm cái mới. Mà đã dấn thân vào cái mới, cái-chưa-biết thì đương nhiên tránh sao khỏi “rắc rối” nhiều bề. Bởi đã từng “rắc rối” như vậy, tôi ủng hộ cái í chí mạo hiểm ấy và muốn “điếu đóm” một cách hiệu quả cho lớp trẻ say mê cái mới ấy. Ứng xử nhất quán của tôi là như vậy.

 

 

*Thế hệ ông, những Bùi Ngọc Tấn, Mạc Lân, Nguyên Bình, Dương Tường… có điều gì để nhắn gởi, chia sẻ với lớp trẻ?

- Hãy gắng làm những gì chúng tôi chưa làm được.

 

 

*Ông có thì giờ để đọc văn học trong nước không? Ông có thể nói điều gì?

-Tôi cố gắng cập nhật và dành thì giờ đọc những tác giả và tác phẩm được những nhà phê bình đáng tin cậy đánh giá cao. Tình hình văn học của ta trong mấy năm gần đây, tuy chưa có những tác phẩm sáng chói, nhưng tôi thấy vẫn có những tiềm năng tiệm phát đáng trông đợi.

 

 

*Nếu có một người trẻ tuổi muốn trở thành một dịch giả với một sự nghiệp đích thực, ông sẽ khuyên họ điều gì?

-Tôi không có thói quen đưa ra những lời khuyên, nhưng nếu kinh nghiệm bản thân có thể giúp ích được cho những bạn trẻ “muốn trở thành một dịch giả với một sự nghiệp đích thực”, thì những kinh nghiệm đó là thế này: học, học thật nhiều, học thầy, học bạn, học mọi người, học trong sách vở, trong thực tế cuộc đời… Và trước hết, dốc lòng làm trung gian truyền đạt rộng rãi những cái hay cái đẹp của văn hóa nhân loại, coi đó là mục đích công việc của mình. Cái đó, tôi gọi là văn đức của người dịch.

 

 

*Nếu được quyền làm lại nhiều thứ, ông sẽ thực hiện thế nào?

-Chúng ta ai mà chẳng ước ao chí ít là một lần có thể làm lại nhiều điều trong cuộc đời, thường là những lầm lỡ đáng tiếc. Vâng, nếu có một phép mầu khiến tôi có thể bắt đầu lại từ đầu, chắc tôi cũng muốn sửa lại những sẩy chân, nhưng với hai lựa chọn lớn quyết định hướng đi của toàn bộ cuộc đời tôi, thì dù có cơ hội, tôi cũng sẽ không thay đổi. Đó là: chọn lựa đi theo cách mạng và sự nghiệp văn chương.

 

 

*Xin hãy nói về mình, trong một câu ngắn gọn.

-Tôi đã nói rồi đấy. Trong bài thơ Để ghi trên mộ chí sau này.

 

……………………………………

 

TIỂU SỬ NHÀ THƠ – DỊCH GIẢ DƯƠNG TƯỜNG

 

Họ tên: Trần Dương Tường

 

Sinh: 4/8/1932 tại Nam Định

 

Bộ đội thời Kháng chiến chống Pháp: 1950-1955

 

Đã dịch trên 50 tác phẩm của Pháp, Nga, Anh, Mỹ, Đức, Hy Lạp, Brasil, Nhật Bản, Na Uy… trong đó có:

 

Anna Karenina của L. Tolsstoy

Cuốn theo chiều gió của M. Mitchell

Người dưng của A. Camus

Con đĩ biết lễ nghĩa của J.-P. Sartre

Con đường xứ Flandres của Cl. Simon

Đồi gió hú của E. Bronte

Alexis Zorba của N. Kazantzaki

Bức thư của người đàn bà không quen của S. Zweig

Cái trống thiếc của G.Grass

nhiều vở kịch của Shakespeare …

 

SÁNG TÁC

 

36 bài tình (Thơ, in chung với Lê Đạt)

 

Đàn (Thơ ngoài lời)

 

Mea culpa và những bài khác (Thơ)

 

Chỉ tại con chích chòe (Tạp luận)

 

Thuyền trưởng (Truyện ký, dưới bút danh Nguyễn Trinh)…

……………………………

 

Hình : http://vanviet.info/wp-content/uploads/2023/02/DSC_0044.1.jpg

Giải Văn Việt lần thứ nhứt 2016, anh Dương Tường nhận Giải Đặc biệt thay người đồng hành/đồng đội của anh – Bùi Ngọc Tấn – (với Chuyện kể năm 2.000) từ anh Nguyên Ngọc.

Ngày đó sức khỏe anh hãy còn rất khá so với sau này.


Nguyên Ngọc, Hà Thủy Nguyên, Dương Tường (từ trái qua)

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats