Saturday 25 February 2023

TRUNG QUỐC ĐÃ "ĐÁNH MẤT" PHILIPPINES NHƯ THẾ NÀO? (Nguyễn Trần Nguyên Vi, RFA)

 



Trung Quốc đã “đánh mất” Philippines như thế nào?

Bình luận của Nguyễn Trần Nguyên Vi
2023.02.23

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/how-did-china-lose-philippines-02232023103342.html

 

Philippines quay trở lại với Mỹ

 

Philippines mới đây đã cho phép Mỹ tiếp cận thêm bốn căn cứ quân sự, trong đó có ít nhất một căn cứ nằm ở địa điểm chiến lược ngay đối diện với Đài Loan (1). Thỏa thuận này được ký kết chưa đầy một năm sau khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên – một quyết định bị thúc ép bởi chính hành vi của Trung Quốc. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/how-did-china-lose-philippines-02232023103342.html/@@images/d33d8c1e-a078-4cb3-a9e6-172440731821.jpeg

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (giữa) duyệt đội danh dự tại Bộ Quốc phòng Philippines ở căn cứ quân sự tại thành phố Quezon hôm 2/2/2023.  AFP

 

Trong thời gian đầu khi Tổng thống Philippines Ferdinand  Marcos Jr. đắc cử vào năm 2022, Trung Quốc nhìn chung cảm thấy lạc quan, kỳ vọng Marcos Jr. sẽ duy trì thái độ thân Trung và chống Mỹ của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte theo như tuyên bố trong chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, chưa đầy hai tháng sau khi bước vào năm 2023, một loạt động thái ngoại giao của Marcos Jr. đã đảo ngược đường lối ngoại giao sáu năm qua của Philippines, đồng thời tác động đến tình hình địa lý xung quanh. Nói cách khác, lập trường của tân tổng thống khiến cho sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Philippines giảm mạnh, Bắc Kinh dường như đã "đánh mất" Philippines trên mặt trận ngoại giao. 

 

Đầu tháng 1/2023, Marcos Jr. thực hiện chuyến thăm cấp cao đến Bắc Kinh, như vậy Trung Quốc là quốc gia đầu tiên bên ngoài Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà Marcos Jr. đến thăm sau khi nhậm chức, đồng thời ông trở thành nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau khi nước này từ bỏ chính sách “Không COVID”. Tuyên bố chung của hai nước trong chuyến thăm này nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Philippines, phát triển thương mại song phương cũng như kiểm soát ổn thỏa những mẫu thuẫn trên Biển Đông.

 

Philippines dưới thời Duterte “hướng về Trung Quốc”

 

Philippines là thuộc địa bên ngoài hiếm hoi của Mỹ và quan hệ lịch sử truyền thống Mỹ-Philippines rất khác đặc biệt. Năm 1951, hai nước đã ký Hiệp ước phòng thủ chung, hiện Philippines nằm trong nhóm đồng minh mà Mỹ thành lập ở châu Á-Thái Bình Dương. Xét về cấp độ cấu trúc, Philippines rất thân Mỹ cả về xã hội lẫn quân sự và được xem là quốc gia có quan hệ hời hợt nhất với Trung Quốc ở Đông Nam Á. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và Chiến tranh Việt Nam, Philippines và Đài Loan đều là đồng minh quân sự của Mỹ, Subic là căn cứ hải quân ở nước ngoài lớn nhất của Mỹ, trụ sở thứ hai của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương (trụ sở thứ nhất là Hawaii).  

 

Mỹ ủng hộ chế độ độc tài Ferdinand Marcos, sau khi Ferdinand Marcos bị lật đổ cũng đã sang Mỹ lưu vong, Washington có mối quan hệ sâu sắc với gia tộc Marcos. Tuy nhiên đến thời kỳ Duterte, do phong cách cá nhân và tính chất dân túy hay thay đổi của Duterte, chính sách ngoại giao của Philippines bất ngờ chuyển sang thân Trung Quốc. 

 

Khi Duterte thăm Trung Quốc vào năm 2016, ông đã công khai tuyên bố muốn "chia tay" với Mỹ. Lập trường thân Trung Quốc của Duterte cơ bản xuất phát từ góc độ kinh tế, tuy nhiên sau đó Trung Quốc không thực hiện nhiều cam kết, trong khi các hành động xâm chiếm các đảo mà Philippines tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông lại không giảm. Điều này khiến cho Duterte chịu sự chỉ trích mạnh mẽ ở trong nước. Ngược lại, Mỹ đã xác nhận rõ ràng hơn về Điều 4 của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines trong những năm gần đây. Năm 2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào quân đội Philippines ở Biển Đông đều sẽ kích hoạt cơ chế phòng thủ theo Điều 4 có hiệu lực (2).  

 

Trong khi đó, Trung Quốc của Tập Cận Bình không ngừng mở rộng triển khai quân sự ở Biển Đông trong nhiệm kỳ thứ hai, tăng cường ngoại giao "Chiến Lang", điều này khiến cho sức mạnh mềm của Trung Quốc trên trường quốc tế giảm sút. Do đó, thái độ cứng rắn của Duterte đối với Mỹ trong thời gian cuối nhiệm kỳ cũng giảm xuống. Tháng 3/2022, Duterte từng tuyên bố nếu khủng hoảng Ukraine lan sang châu Á, Manila sẵn sàng cung cấp bất kỳ cơ sở quân sự nào mà Mỹ cần (3). 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/how-did-china-lose-philippines-02232023103342.html/000_339r9bt.jpg/@@images/906f5feb-89bb-4cd9-9cee-caf60026dd19.jpeg

Hình chụp của Philippines ở Biển Tây Philippines hôm 21/2/2023 cho thấy tàu dân quân biển của Trung Quốc neo đậu tại một bãi thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. AFP

 

Trung Quốc không đáng tin cậy

 

Kinh nghiệm từ Duterte cho thấy Trung Quốc là một đối tác không đáng tin cậy. Và các dấu hiệu về một hố sâu ngăn cách ngày càng lớn giữa Trung Quốc và Philippines đã nhiều lần xuất hiện trong năm cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Duterte, năm cũng đánh dấu sự khởi đầu của quá trình “cài đặt lại” quan hệ Mỹ-Philippines.

 

Cho đến khi Marcos Jr. lên cầm quyền, Đông Nam Á ngày càng cảm nhận được sức ép chính trị và quân sự của Bắc Kinh. Trong bối cảnh đó, thái độ thân Mỹ truyền thống trong xã hội và phe quân sự Philippines phát huy tác dụng trở lại, nhân tố cấu trúc ngoại giao lấn át ý chí cá nhân của nhà lãnh đạo.   

 

Khi Washington lo lắng tình hình eo biển Đài Loan trầm trọng hơn, Mỹ và Philippines đã đạt được thỏa thuận cho phép Mỹ có quyền sử dụng thêm bốn căn cứ quân sự ở Philippines, điều này đồng nghĩa có tổng cộng chín căn cứ quân sự có thể cung cấp việc triển khai trang thiết bị, luân chuyển lực lượng cho quân đội Mỹ. Washington đặc biệt tin tưởng rằng căn cứ ở đảo Luzon có giá trị chiến lược to lớn, đặc biệt trong tình huống Trung Quốc dùng vũ lực xâm lược Đài Loan.

 

Sau bước đột phá trong phòng thủ Mỹ-Philippines, trong chuyến thăm Nhật Bản của Marcos Jr., Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã đồng ý tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh bằng cách tối ưu hóa các hoạt động như cứu trợ thiên tai, nhân đạo… của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (4). Đối với bước phát triển này, các nhà bình luận cho rằng một khi Đài Loan xảy ra vấn đề, những bảo đảm này có thể trở thành sự "nối dài" của hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật.

 

Báo cáo “Tình hình Đông Nam Á năm 2023” do Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) (5) có trụ sở tại Singapore công bố gần đây cho thấy, 87.5% người được khảo sát tin rằng xung đột eo biển Đài Loan sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến Đông Nam Á, đồng thời gần 30% cho rằng các nước Đông Nam Á sẽ bị ép chọn bên. Nếu chọn bên giữa Mỹ và Trung Quốc, có 78,8% những người tham gia khảo sát của Philippines chọn Mỹ, cao nhất trong số các nước Đông Nam Á. Ngoại trừ Brunei, Campuchia và Lào, các nước Đông Nam Á khác hầu như không tin tưởng Trung Quốc. Có 40% người tham gia khảo sát không tin tưởng Trung Quốc. Họ cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để đe dọa lợi ích và chủ quyền của các nước Đông Nam Á. 

 

Kinh nghiệm cho Việt Nam tham khảo

 

Câu chuyện của Philippines trong mối quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ - Trung sẽ rất đáng kể để Việt Nam tham khảo. Sau chuyến đi thăm Trung Quốc của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi cuối năm ngoái, dường như Việt Nam đang “dịu giọng” khi nói về Trung Quốc. Ngày 17/2 vừa qua là ngày kỷ niệm cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc giữa Việt Nam và Trung Quốc, báo chí truyền thông trong nước gần như im bặt trước sự kiện này, mặc dù mấy năm trước đưa tin, viết bài khá rầm rộ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng Việt Nam đang cố gắng cân bằng quan hệ với hai cường quốc lớn nhất thế giới này, thế nhưng đó lại là sự “cân bằng lệch” khi các ưu tiên quan hệ của Việt Nam đều nghiêng về phía người láng giềng phương Bắc mà lơ đi các quan hệ với Hoa Kỳ. Thậm chí chuyến viếng thăm của tàu sân bay Mỹ vào Đà Nẵng đã bị hoãn vào năm ngoái và chưa biết khi nào mới có thể quay trở lại thăm viếng Việt Nam.

 

Có lẽ, Việt Nam vẫn đang cố gắng tìm kiếm các lợi ích thương mại từ thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, kinh nghiệm từ Duterte cho thấy, Trung Quốc là một đối tác không dễ chơi. Nước này đã không mở cửa cho khách du lịch nước họ sang thị trường Việt Nam (6). Mới đây, báo Chính phủ của Việt Nam cũng “khẩn thiết” đề nghị Trung Quốc mở cửa cho trái dừa tươi Việt Nam (7).

 

Việt Nam cần phát triển quan hệ với Trung Quốc, đó là điều không thể chối cãi, nhưng Việt Nam cũng cần phát triển quan hệ với các cường quốc khác như Hoa Kỳ. Thị trường Hoa Kỳ là nơi Việt Nam đã xuất khẩu trên 100 tỷ USD năm 2022. Nhưng dường như Việt Nam quá e ngại Trung Quốc nên không dám thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ. Đây thật sự là điều không bình thường trong quan hệ quốc tế.

___________

Tham khảo:

 

1. https://www.defense.gov/News/Releases/Release/Article/3285566/philippines-us-announce-four-new-edca-sites/

 

2. https://www.reuters.com/article/us-philippines-usa-idUSKCN1QI3NM

 

3. https://mb.com.ph/2022/03/21/duterte-explains-allowing-us-to-use-ph-bases-amid-ukraine-conflict/

 

4. https://www.japantimes.co.jp/news/2023/02/09/national/kishida-marcos-agreements/

 

5. https://www.iseas.edu.sg/articles-commentaries/state-of-southeast-asia-survey/the-state-of-southeast-asia-2023-survey-report-2/

 

6. https://vneconomy.vn/kien-nghi-trung-quoc-som-mo-cua-cho-khach-du-lich-toi-viet-nam.htm

 

7. https://baochinhphu.vn/de-nghi-trung-quoc-mo-cua-voi-trai-dua-tuoi-viet-nam-102230222151133328.htm

 

---------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats