Tên
đường và định chuẩn sao cho chuẩn
24/02/2023
https://www.voatiengviet.com/a/ten-duong-va-dinh-chuan-sao-cho-chuan-/6977261.html
Nguyễn Gia Việt kể chuyện sau 1975, việc đổi tên cầu
Trường Tiền thành Tràng Tiền ở Huế khiến dân Huế nói riêng và dân miền Nam nói
chung “chửi nhoi trời” nên sau đó phải lấy lại tên cũ...
Trân Văn
https://gdb.voanews.com/A55CEFB1-3AC0-4143-A9AD-7ECEB41C92BF_cx0_cy8_cw0_w1023_r1_s.jpg
Tên của những con đường ở TP.HCM lại trở thành đề tài được thảo luận sôi
nổi cả trên mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức sau khi có một số
“chuyên gia” cho rằng ở thành phố này có 400 con đường mà tên bị viết sai, bị
trùng, tên không có ý nghĩa lịch sử - văn hóa...
Tên của những con đường ở TP.HCM lại trở thành
đề tài được thảo luận sôi nổi cả trên mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông
chính thức sau khi có một số “chuyên gia” cho rằng ở thành phố này có 400 con
đường mà tên bị viết sai, bị trùng, tên không có ý nghĩa lịch sử - văn hóa
(1)...
Nguyễn Gia
Việt - một trong những người phản ứng gay gắt và
phản ứng này được nhiều người đồng tình nên chia sẻ lại những góp ý của ông Việt
trên trang Facebook của họ - nhấn mạnh: Không thể lấy đặc điểm của miền
Bắc áp vào xã hội miền Nam. Tên của những con đường như Lê Thánh Tôn,Trần
Nhân Tôn, Ngô Thời Nhiệm không hề sai. Mấy ông này muốn ngự trên đường lộ ở
miền Nam thì tên phải như vậy vì người dân miền Nam đọc tên mấy ổng kiểu đó. Nhập
gia tùy tục. Đất lề quê thói. Tất cả đô thị miền Nam đều đặt tên như vậy.Nếu
đổi tên là chứng tỏ sự kém hiểu biết nhưng thích áp đặt.
Ai cũng biết sở dĩ có sự khác biệt trong phát
âm – ký âm Hán Việt giữa hai miền Bắc Nam là vì những yếu tố liên quan đến lịch
sử, địa lý. Tôn sai “tông” mới đúng thì chẳng lẽ phải sửa tên Tôn Đức Thắng?
Nguyễn Gia Việt kể chuyện sau 1975, việc đổi tên cầu Trường Tiền thành Tràng Tiền
ở Huế khiến dân Huế nói riêng và dân miền Nam nói chung “chửi nhoi trời”
nên sau đó phải lấy lại tên cũ như một bằng chứng. Khác biệt trong phát âm – ký
âm Hán Việt đã tạo ra những cặp Vũ – Võ, Huỳnh – Hoàng, Chu – Châu,... Nếu lấy
miền Bắc như một thứ chuẩn thì có buộc bà Võ Thị Ánh Xuân – Quyền Chủ tịch Nhà
nước cúng chè đổi tên thành... Vũ Thị Ánh Xuân?
Sau khi phân tích khá cặn kẽ về “chuẩn” theo
tiêu chí miền Bắc mà không chuẩn với lịch sử, sinh hoạt miền Nam. Ví dụ nếu cần
phải đổi “Thời” thành “Thì” như Ngô Thời Nhiệm phải đổi thành Ngô Thì Nhậm mới
đúng thì có đổi tên huyện Trần Văn Thời thành Trần Văn Thì theo “chuẩn” này
không, Nguyễn Gia Việt khẳng định: Đổi tên là không tôn trọng lịch sử miền Nam. Không
cần biết là ký húy hay dân đọc như vậy nhưng trên 300 năm nay đó là cách đọc
của miền Nam, đọc đúng, đọc đàng hoàng trên đất miền Nam này, yêu cầu
phải được tôn trọng (2).
Cũng với suy nghĩ như thế, Nguyễn Peng gợi
ý: Vì sao Sài Gòn, Cần Thơ, Rạch Giá, Sa Đéc, Đà Lạt, Nha
Trang có đường Lê Thánh Tôn nhưng Hà Nội có phố Lê Thánh Tông? Lê Thánh Tôn là
viết theo kiểu Đàng Trong, kiểu Nam Kỳ Lục Tỉnh. Trong hơn 150
năm khác biệt giữa Trịnh với Nguyễn đã tạo ra sự khác biệt lớn giữa Bắc và
Nam. Sự khác nhau đó dẫn tới ai kêu nước dùng thì cứ kêu, còn ai kêu nước
lèo cũng cứ giữ nhưng con kinh miền Nam đã bị đổi thành con
kênh, cầu Gành thành cầu Ghềnh, Tân Sơn Nhứt thành Tân Sơn Nhất (3)...
Còn Cù
Mai Công nhắc: Ngôn ngữ vùng miền là thực trạng từ
lâu đã khá phức tạp, gần đây lại ít nhiều gây tranh cãi. Có sự nhân danh
chuẩn chính tả để đổi cả tên riêng. Chẳng hạn phi trường Tân Sơn Nhứt vốn xuất
phát từ tên làng Tân Sơn Nhứt, tức tên riêng. Tên riêng thì không được nhân
danh chuẩn chính tả để đổi thành Tân Sơn Nhất như lâu nay nhưng xin khoanh
lại chuyện lớn lao này vì chắc chắn là sẽ còn tranh luận dài dài - nếu thực sự
ngành văn hóa muốn lắng nghe và ứng xử thực sự tôn trọng văn hóa, ngôn ngữ vùng
miền thì chỉ xin khoanh lại chuyện tên riêng.
Sau khi đề án “Công tác đặt, đổi tên đường, công
trình công cộng tại TP.HCM - Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020”
hoàn thành, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã lấy ý kiến Hội Khoa học lịch sử
TP.HCM về 38 tên đường ở TP.HCM không chính xác. Có những tên đường rõ
ràng viết sai, nên chỉnh lại như đường Nguyễn Văn Tráng - quận 1 bị
viết sai, đúng ra là phải là Phạm Văn Tráng, một danh nhân tham
gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, bị Pháp kết án tử hình sau những vụ mưu
sát sĩ quan Pháp. Hay như đường Nguyễn Duy Dương là tên sai, đúng ra là Võ
Duy Dương (còn được gọi là Thiên Hộ Dương), anh hùng trong thời kỳ đầu chống thực
dân Pháp xâm lược (1862-1866). Tuy nhiên có tên đường không sai, khác biệt
là phát âm miền Nam như không thể xem Ngô Thời Nhiệm phải là Ngô Thì Nhậm
mới đúng. Châu và chu tiếng Hán viết như nhau, không thể nhân danh chuẩn chính
tả để đổi tên các huyện Châu Thành ở miền Tây thành huyện Chu Thành, huyện Nhơn
Trạch ở Đồng Nai thành huyện Nhân Trạch. Chánh âm miền Nam là
chánh tả miền Nam. Chính âm miền Bắc là chính tả miền Bắc. Đất nước
ta đẹp vì đa dạng văn hóa, ngôn ngữ vùng miền. Không nên nhân danh chuẩn chính
tả để đổi ba má thành bố mẹ, thầy bu… được. Chuẩn chính tả theo ngôn ngữ học,
xét cho cùng là chuẩn chính âm của mỗi vùng miền. Sài Gòn hơn ba trăm năm nay
chưa bao giờ có bảng tên ghi “phố”, “ngõ” do nhân danh chuẩn chính tả bỗng
xuất hiện tràn lan “phố đi bộ”, “đi từng ngõ – gõ từng nhà”. Sài Gòn – Gia Định
chưa bao giờ có ngoại thành, chỉ có ngoại ô. Tệ hơn là sau 1975, rạch
Nhiêu Lộc bỗng dưng thành kênh Nhiêu Lộc. Người ta không phân biệt được kiến thức
cơ bản cấp… tiểu học của cách gọi tên: sông, suối, rạch là dòng chảy tự nhiên,
kinh/kênh, mương… là dòng chảy nhân tạo để đến nỗi bây giờ mấy cây cầu bắc
qua mấy con rạch chảy qua đường Mai Chí Thọ (thành phố Thủ Đức) thành cầu Kênh
1, cầu Kênh 2... thay vì tên con rạch nó chảy qua, chí ít là cầu Rạch 1, cầu Rạch
2... Những ví dụ như vầy nhiều như cát sông Hằng, để đến nỗi vô số cuộc tranh
cãi trên mạng lâu nay nổ ra có vẻ vô hồi, bất tận. Nó tạo ra những mâu thuẫn
ngôn ngữ - cùng là tiếng Việt “bốn ngàn năm ròng rã nổi trôi” - không cần thiết,
thậm chí có chiều hướng chính trị hóa không cần thiết (4).
Bởi yêu cầu tên đường phải đúng “chuẩn” mà Phan Xuân Trung nửa
đùa, nửa thật: Ngô Thời Nhiệm hay Ngô Thì Nhậm không khác nhau mấy, chỉ do
cách đọc văn tự chữ Hán khác nhau Thì giờ hay thời giờ là như nhau. Đổi tên đường
cũng không khác hơn bao nhiêu. Cái đáng nói là sau này có đổi tên đường
Võ Văn Kiệt thành đường Phan Văn Hòa hay không. Danh nhân họ Phan mà vinh danh
họ Võ thì hơi bị kỳ. Cũng có danh nhân mang hàng trăm bí danh khác nhau,
sau này mà đổi thì bảo đảm rất... phiền (5).
Vinh Râu thì nghĩ tới... một “cuộc chiến” giữa những người bảo vệ
phương ngữ Nam bộ và những người bài xích việc bảo vệ đó. Theo Vinh
Râu: Cuộc chiến này có vẻ ngày càng quyết liệt. Việc xâm thực ngôn ngữ
giữa các vùng miền là điều bình thường với điều kiện, nó không phải là hành vi
cưỡng bức, có cố gắng cưỡng bức cũng không được. Giống như tên gọi Sài Gòn và
TP.HCM vậy. Trên văn bản hành chính dù buộc phải viết TP.HCM nhưng trong cuộc sống
họ vẫn dùng địa danh Sài Gòn. Gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng điều đó vẫn chưa
thay đổi. Còn việc cố tình hay vô ý dùng sai từ trong tên riêng hay địa danh
như Tân Sơn Nhứt thành Tân Sơn Nhất thì buộc phải sửa để tôn trọng sự thật.
Vinh Râu kể thêm: Khi tôi
nghe từ nút giao hoặc vòng
xuyến trong phần mềm hướng dẫn giao thông Vietmap, tôi cảm
thấy khó chịu vì không quen tai, trong khi nghe từ ngã ba, ngã tư hay bùng binh
như bao năm đã qua thì tai tôi rất dễ chịu. Nếu tôi không ưa từ vòng xuyến
xa lạ với văn hóa của tôi, ý thức của tôi sẽ đẩy nó ra dù các anh có cố nhét
vào lỗ tai tôi. Cần phải tôn trọng phương ngữ trong quá trình chuẩn hóa ngôn ngữ
quốc gia (nếu có) mà việc chuẩn hóa này cần những nhà ngôn ngữ học
tài giỏi, thành thật, khách quan và không nhuốm quan điểm chính trị (6).
------------
Chú thích
No comments:
Post a Comment