Tổng Bí thư đã nối giáo cho việc nói láo?
Thứ Sáu, 02/24/2023 - 09:20 — VietTuSaiGon
https://www.rfavietnam.com/node/7537
Sau khi hàng loạt cán bộ đăng kiểm bị bắt, Cục
Đăng kiểm tuyên bố thiếu nhân lực trầm trọng, tương đương 44%, điều này sẽ gây
khó khăn vô cùng lớn cho vấn đề lưu thông tại Việt Nam và không chừng, đây là mối
đe dọa kinh tế hết sức khủng khiếp bởi hàng hóa, đi lại bị đình trệ, mọi thứ
đình trệ xâu chuỗi và kinh tế thêm phần khủng hoảng. Có hàng trăm mối lo sau
con số 44% này. Tuy nhiên, nó lại tự vén áo cho người khác xem lưng một lần nữa
về tính nói láo, tính bất cập của nó.
Trích từ
RFA: “Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết Cục này
đang thiếu khoảng 110 đăng kiểm viên sau khi 66 người thuộc Cục bị khởi tố.
Truyền thông Nhà nước hôm 23/2 cho biết, các đơn vị
đăng kiểm thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam có 13 trung tâm với 53 dây chuyền
kiểm định. Theo đó, số lượng đăng kiểm viên cần có là 212 người, trong đó cần
khoảng 60 đăng kiểm viên bậc cao. Ngoài ra, Phòng Kiểm định xe cơ giới là phòng
tham mưu, quản lý của Cục Đăng kiểm Việt Nam cần 30 đăng kiểm
viên (trong đó có 25 đăng kiểm viên bậc cao).
Hiện nay, toàn bộ hệ thống này đang có 198 đăng kiểm
viên (trong đó có 103 đăng kiểm viên bậc cao). Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện
nay, đã có 66 đăng kiểm viên bị khởi tố (54 người bị tạm giữ, 12 người được tại
ngoại). Do đó, hệ thống đang thiếu hụt khoảng 110 đăng kiểm viên (tương đương
khoảng 44%).
Một loạt các trung tâm đăng kiểm và Cục Đăng kiểm Việt
Nam hiện đang bị điều tra vì những cáo buộc liên quan đến các tội “Hối lộ”, “Nhận
hối lộ”, “Môi giới hối lộ” và “Giả mạo trong công tác”. Theo thống kê của Bộ
Công an, sau ba tháng, cơ quan điều tra ở 23 tỉnh, thành phố đã khám xét hơn 50
trung tâm đăng kiểm, khởi tố khoảng 300 bị can.
Trong số những người bị khởi tố có ông Đặng Việt Hà
(Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) và ông Trần Kỳ Hình (nguyên Cục trưởng Cục
Đăng kiểm Việt Nam).
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã
bổ sung vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm vào diện
theo dõi, chỉ đạo”.
Có hai vấn đề khuất tất ở đây: Năng lực
kiểm định xe tùy thuộc vào bằng cấp loại gì và cơ quan nào cấp bằng
cho đăng kiểm viên? Đây có phải là một chiêu trò ăn miếng trả miếng giữa Bộ
Giao thông vận tải với Bộ Công an?
Ở vấn đề thức nhất, trong số các đăng kiểm
viên và các lãnh đạo ngành bị bắt, có không ít người bằng cấp có vấn đề, đó là
chưa muốn nhắc tới trong đó có một quản lý với chức danh giám đốc hoàn toàn
không biết chữ. Thử hỏi, với trình độ của một giám đốc như vậy thì giám sát, quản
lý đăng kiểm kiểu gì?
Và còn một vấn đề khác, đó là qui trình đăng
kiểm đòi hỏi những kiến thức gì? Trình độ nào? Xin thưa, đăng kiểm xe ở các nước
như thế nào thì không rõ, công việc đăng kiểm xe tại Việt Nam không đòi hỏi nhiều
kiến thức về động cơ, bởi lẽ các chỉ số, thông số đã có sẵn trên máy tính, từ
thông số khí thải cho đến thông số kĩ thuật của mỗi loại xe. Hơn nữa, luật Việt
Nam qui định cấm tất cả các loại xe độ, tức xe thay thế phụ tùng tương đương hoặc
nâng cấp bất kỳ bộ phận nào gây khác lạ so với nguyên bản đều bị phạt, bị gỡ bỏ
và bắt phải thay thế, trả về vị trí ban đầu mới được đăng kiểm. Chính vì vậy,
khi tiến hành đăng kiểm xe, các đăng kiểm viên lần mò mở từng phiên bản xe
trong máy tính để so sánh và bất kì chi tiết nào không phù hợp với bản gốc đều
bị gỡ bỏ, bắt làm lại như ban đầu.
Ngoài việc so sánh với bản gốc, các đăng kiểm
viên còn được trang bị thêm kiến thức về sửa chữa ô tô, đương nhiên không quá
chuyên sâu, chỉ cần biết kiểm tra thùng xe, gầm xe, các phụ tùng xe có bị rét gỉ,
hư hỏng, méo mó hay không, kiểm tra còi, đèn, vô-lăng, thước lái, routing, các
bộ phận vành xe, lốp xe... thử có mòn quá mức, lệch lạc hay không. Dường như mọi
thao tác kĩ thuật ở dạng hết sức thô sơ, ngoài ra đã có máy móc hỗ trợ, từ việc
kiểm tra bố thắng cho đến kiểm tra sức chịu lực, độ cứng của khung, nhíp, gầm
xe đều có máy móc cân đo, tính toán. Nói cho cùng, việc đăng kiểm xe không cần
quá nhiều kĩ năng hay kiến thức về xe, mọi thứ đã có máy tính và các loại máy đặc
chủng hỗ trợ.
Thế nhưng ngành đăng kiểm tuyên bố thiếu đến
44% đăng kiểm viên nhưng không trả lời được là trong bao lâu họ sẽ
đào tạo ra số lượng đăng kiểm mới. Thực tâm mà nói, nếu như làm việc một cách
nghiêm túc, số lượng 44% đăng kiểm viên cần có ấy chỉ cần đào tạo trong
vòng hai tuần nếu ráo riết, đào tạo trong vòng một tháng nếu vừa đào tạo vừa
chơi, không thể dài hơn. Vậy nhưng trong gần ba tháng, kể từ khi các đăng kiểm
viên ở một số nơi bị bắt, tại sao Cục Đăng kiểm không có biện pháp bổ sung ngay
tức thì? Và sau khi Cục trưởng Đăng kiểm bị bắt, tại sao Bộ Giao thông vận tải
không có chính sách đào tạo và bổ sung kịp thời?
Bởi vì Bộ Giao thông vận tải bắt buộc phải làm
như vậy để đảm bảo quyền lợi của người dân - người chủ mà họ đang phục vụ để ăn
lương thông qua thuế/phí và đảm bảo an ninh kinh tế. Bởi hiện tại, ở Việt
Nam, các xe có trễ hạn đăng kiểm cả một năm trời thì khi đi đăng kiểm vẫn bị
thu phí đường bộ cả năm đó mặc dù xe không lăn bánh, vì luật giao thông Việt
Nam qui định nếu xe ô tô chậm đăng kiểm dưới 01 tháng thì sẽ bị phạt tiền từ
ba đến bốn triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ một tháng
đến ba tháng, trễ đăng kiểm từ một tháng trở lên có thể bị phạt từ bốn đến
sáu triệu đồng đối với cá nhân, và Giấy phép lái xe cũng bị tước từ một đến ba
tháng, vậy xe trễ hạn đăng kiểm có dám lăn bánh ra đường không mà phải đóng phí
đường bộ?
Ở đây, những xe chưa đăng kiểm sẽ không bao giờ
dám lăn bánh và việc thu tiền thuế đường bộ với xe không lăn bánh là hết sức
phi lý. Trong khi đó, việc thiếu đăng kiểm viên sẽ kéo theo hệ lụy có rất nhiều
xe không thể lăn bánh vì chưa đăng kiểm được mà phải ngậm ngùi chờ đợi và trả
phí đường bộ. Đó là chưa muốn nói đến mọi trễ nãi, mất mát trong kinh tế do ách
tắc phương tiện, do đăng kiểm chậm trễ gây ra. Vậy tại sao Bộ Giao thông vận
tải không tiến hành sớm việc này? Để thu thuế đường bộ một cách phi lý của xe
chậm đăng kiểm? Để ăn vạ Bộ Công an đã bắt mất các đăng kiểm viên của mình?
Trở lại vấn đề cơ quan nào đã cấp bằng cho các
đăng kiểm viên? Và khi bằng cấp họ có vấn đề, đặc biệt là người quản lý đăng kiểm,
tức ở hạn chuyên gia đăng kiểm, làm công việc quản lý và giám sát kĩ thuật
cấp dưới mà không biết chữ như vậy thì ai chịu trách nhiệm về tấm bằng cũng như
công việc đăng kiểm lâu nay của các chuyên gia đăng kiểm nói trên? Và, khi đưa
ra thông tin thiếu đăng kiểm viên để hoạt động, có phải là cách vừa bắn tiếng
kêu gọi giảm bớt bắt bớ đăng kiểm viên, kêu gọi dừng điều tra các trung tâm
đăng kiểm bằng đòn đe dọa kinh tế vì sắp tới sẽ có rất nhiều phương tiện đắp mền,
chờ đăng kiểm, không được ra đường?
Ngược lại, khi Bộ Công an tổ chức điều tra và
bắt đăng kiểm viên, có đặt vấn đề về tình huống kế tiếp xảy ra, tức sẽ thiếu
đăng kiểm viên và sự ách tắc trở nên trầm trọng, kinh tế khủng hoảng, trì trệ
vì việc lưu thông bị gián đoạn? Và trước khi tiến hành bắt các đăng kiểm viên,
liệu Bộ Công an có tham vấn các chuyên gia để tìm ra hướng giải quyết nhằm ổn
đinh an ninh kinh tế? Hoặc giả Bộ Công an đã đào tạo sẵn một lực lượng đăng kiểm
viên dự bị nhằm lấp chỗ trống khi cần thiết, tránh gây thiệt hại kinh tế quốc
gia?
Giả sử cả Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải
đều tắc trách, không có kế hoạch nhằm đảm bảo kinh tế quốc dân thì quả là một
câu chuyện “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”. Mà đáng sợ nhất là ở đây, trâu bò
lại là những đầy tớ nhân dân, ruồi muỗi thì chưa bao giờ hút máu trâu bò, mà là
những “ông chủ” đã nuôi trâu bò mập mạp, béo ú. Bản chất của sự việc lại là như
vậy, không thể nói khác được. Rõ ràng, ở đây đã có một sự nói láo không biết
ngượng miệng mà Bộ Giao thông vận tải đã mượn lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
để loa lấp “Bắt hết thì lấy ai phục vụ nhân dân”. Họ đã biết tranh thủ cái chỗ
“lấy ai để phục vụ nhân dân” để mà ăn vạ nhau, còn nhân dân thì sống chết mặc
bây!
No comments:
Post a Comment