TRĨU NẶNG MỘT SÀI
GÒN THÁNG 9 VÀ NHỮNG “BÍ ẨN”... AI CŨNG BIẾT
https://www.facebook.com/he.via.54/posts/1302292183550165
Chiều 13-9-2021, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn
Mãi họp báo thông tin chính thức: TP.HCM đã ghi nhận những tín hiệu đáng mừng,
tích cực. Tuy nhiên để đảm bảo chống dịch bền vững hơn, hài hòa, an toàn và nhu
cầu mở lại một số hoạt động, TP.HCM sẽ giãn cách xã hội thêm một thời gian.
Bắt đầu từ 31-5 với chỉ thị 10, 15 cho tới
nay, mức độ giãn cách ở TP.HCM ngày càng nghiêm ngặt hơn với 12, 16, 16+. Đặc
biệt từ 23-8 “ác liệt” nhất với hàng vạn bộ đội, dân phòng “tham chiến” việc
“chống dịch như chống giặc” với tuyên bố của bộ trưởng Bộ Quốc phòng: “Không thắng
không về”. Na ná như hai lần cựu Phó thủ tướng Trương Hòa Bình “ra hạn” kiểm
soát dịch trong 15 ngày cho TP.HCM. Một vài quan chức khác ở TP.HCM cũng từng
nói về “thi đua 15 ngày”.
Tháng 7 vừa rồi, ông Trương Hòa Bình thôi giữ
chức phó thủ tướng và nghỉ hưu theo chế độ - giữa lúc dịch Covid ở TP.HCM bước
vào cao điểm, lao đao từ ngành y, chính quyền đến dân suốt tháng 8 cho tới nay.
Từ 23-8, dân cũng hy vọng 15 ngày sau dễ thở
hơn, tức 6-9; rồi lại kỳ vọng 15-9. Giờ lại hết tháng 9. Hy vọng, kỳ vọng liên
tục nhưng mục tiêu 15 ngày cứ như “đã xa rồi còn đâu”. Một người bạn của tôi kể
đêm nào cũng ngủ mơ thấy Sài Gòn kẹt xe, quán xá, hàng rong vỉa hè nhộn nhịp...
Trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia
phòng chống Covid-1 sáng 11-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra nhiều hạn chế
trong công tác chống dịch thời gian qua.
Những thông tin cảnh giác về Covid liên tục suốt
mấy tháng nay ít nhiều góp phần tạo hoảng sợ cho xã hội, mặt trái của yêu cầu cảnh
giác. Cảnh giác không đồng nghĩa với tác động dồn dập gây hoảng sợ và hành xử cực
đoan, rối rắm, sai sót; thậm chí mâu thuẫn với yêu cầu tối thượng trong phòng
chống Covid là giãn cách. Gây hậu quả dịch phát triển mạnh hơn. Hàng loạt quyết
định liên quan Covid phải thay đổi ngay sau đó là một ví dụ.
Tới giờ vẫn còn nhiều bất hợp lý, dẫm chân, chồng
chéo, thậm chí ngược nhau trong cách phòng chống. Nay đo mai bỏ đo huyết áp (vừa
không khoa học, thực tế lẫn nguy cơ lây nhiễm) là một ví dụ. Ngay ở phường tôi,
tất cả thành viên trong nhà ăn uống, ngủ nghỉ cùng nhau mấy tháng rồi mà vẫn
test từng người có là phí sức, tốn tiền? Test xong, anh ngoáy mũi còn “hăm”:
“Ba ngày test một lần nhá chú”. Nhà tôi không ở vùng đỏ, tôi cũng không phải...
shipper, sao lại test nhiều vậy nhỉ? Có điều sau đó, tới giờ hơn ba ngày rồi,
không thấy nhân viên test nào lai vãng (!)...
Có lẽ cái điên đầu, phức tạp nhất hiện nay là
mấy cái app quản lý người đi đường, xác nhận “thẻ xanh”, “thẻ vàng”, “hành
trình di chuyển”... gì gì đó. Hiện đã có 20 app quản lý - chưa tính app mới nhất
VNEID.
Chỉ một app thôi, ví dụ theo thông tin từ đơn
vị cung cấp phần mềm "Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19", trong bốn
ngày vừa qua, cổng thông tin này có 800.000 người phản ảnh có rắc rối khi sử dụng
cổng này truy vấn thông tin và hiện vẫn còn khoảng hai triệu mũi chưa nhập liệu
hoặc nhầm lẫn dữ liệu.
Thủ tướng cũng chịu không nổi, chỉ đạo trong
cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 11-9: "Từ hôm
nay trở đi, tôi đề nghị anh Hùng (Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh
Hùng) công bố và hướng dẫn công nghệ, thống nhất một app lấy tên là PC Covid
(Phòng chống Covid-19) để nhân dân chỉ vào một app".
Nếu may mắn việc này có sớm và quan trọng hơn
là đơn giản, xài được, xài dễ thì cũng chưa hết chuyện đâu. “Thẻ xanh” qua app
có cản hàng trăm ngàn ông bà cụ, trẻ nhỏ, người nghèo... không xài, không có
smarphone đã chích đủ hai mũi ra đường?
Và các chốt giăng giăng từ đường chính đến
hang cùng ngõ hẻm chặn người. Không hiếm chốt, như ở Gò Vấp, thật sự như pháo
đài theo nghĩa đen: tôn dựng kín mít, cao hai, ba mét. Nhiều con hẻm tiếp tục bị
giăng dây, rào kẽm gai, dựng bàn ghế tủ... như chiến lũy. Ở một đường nhánh dẫn
vào một khu dân cư cao cấp trên đại lộ Mai Chí Thọ, có lẽ để chặn người giao
hàng, kẽm gai, barie dựng ba lớp, mỗi lớp cách nhau bốn, năm mét. Kiểu này thì
shipper cũng bó tay.
Chặn người đi đường nhưng có chặn được Covid
hay không vẫn còn là những tranh cãi như “cánh đồng bất tận”.
Cũng nên ít nhiều chia sẻ với các nhà quản lý,
họ đang trong núi việc, khó tránh khỏi lúng túng và khó nắm bắt hết thực tế.
TP.HCM vừa đưa ra kế hoạch ba giai đoạn của TP.HCM, giai đoạn nào cũng có câu
thòng đại ý “nếu dịch không giảm”. Không có câu thòng “nếu dịch giảm mạnh hơn sẽ...”.
Từ cực đoan quá tự tin, mất cảnh giác hồi
30-4, 1-5 mà Thủ tướng trước dịp lễ 2-9 cảnh báo không để lặp lại, giờ có vẻ
chuyển sang một thái cực khác: thiếu tự tin, tiếp tục kiểm soát mạnh; cho mở cửa
hàng, sắp tới sẽ mở chợ, mà “con đường xưa em đi” vẫn đầy dây chì ngáng - dù
thông tin chính thức cho thấy giữa tháng 9-2021, tình hình dịch giã ở TP.HCM có
vẻ khả quan khi số ca nhiễm lẫn ca tử vong ở TP.HCM đang giảm khá rõ.
Như stt trước đã nói: không một sinh mạng nào
không vô giá, không cuộc ra đi nào không đau khổ khôn cùng với người ở lại.
Nhưng chúng ta đành, buộc phải chấp nhận nỗi đau đó và có cái nhìn toàn cảnh
hơn. Để bình tĩnh hơn khi thực tế đại đa số ca nhiễm đã qua khỏi.
Chỉ trong bộ phận tôi đang làm việc, ít nhất
ba gia đình đã là F0, rồi một gia đình bảy người gần nhà tôi, trong đó có bà cụ
85 tuổi... tự điều trị ở nhà; lần lượt khỏi bệnh. Ai cũng có thể thấy, biết thực
tế vô số này khi đại đa số người nhiễm Covid đã qua khỏi. TP.HCM tới giờ đã hơn
120.000 người F0 khỏi bệnh rồi; thành phố còn kêu gọi họ hỗ trợ công việc phòng
chống, có trả lương hẳn hoi.
Dù thế nào thì sự bình tĩnh bao giờ cũng tốt
hơn hoảng sợ, thậm chí đã có nơi biểu hiện hoảng loạn. Để bớt rơi vào cực đoan
trong ứng xử, đối phó, phòng chống Covid.
Hơn 100.000 F0 đang được điều trị tại nhà (hầu
hết lần lượt khỏi bệnh) đã giảm tải rất mạnh cho các bệnh viện. Tôi vẫn thầm
nghĩ: giá mà thành phố áp dụng sớm chiến lược này như nhiều nước khác và cả góp
ý trong nước, có lẽ bớt hao tổn quá lớn sức người, sức của và cả sinh mạng người
bệnh.
Vừa qua, một con số đáng lo thật sự được người
có thẩm quyền công bố chính thức: mỗi bác sĩ ở TP.HCM phải lo cho 120-140 người
bệnh. Tỉ lệ này thì làm sao lo nổi. Thà để người nhiễm Covid không triệu chứng
(chưa hẳn là bệnh nhân), người bệnh nhẹ... ở nhà cho gia đình lo, tốt hơn ở bệnh
viện nhiều.
Khi số ca bệnh trong các bệnh viện xuống dưới
30.000 ca = 60-70% giường bệnh ở TP.HCM là có thể mở mạnh hơn, theo nguyên tắc ở
các nước chọn sống chung: QUẢN LÝ, KIỂM SOÁT ĐỘ GIÃN CÁCH NGƯỜI – NGƯỜI CHỨ
KHÔNG QUẢN LÝ, KIỂM SOÁT LUỒNG ĐI, gây bao hệ lụy, phiền toái, đình đốn kinh tế
cực kỳ nghiêm trọng đến từng con người, trong đó có anh em chúng ta.
Bao nhiêu anh em dầm mưa dãi nắng gác chốt (bộ
đội, công an, dân phòng, đoàn viên thanh niên...), tổ trưởng, người đi chợ hộ
đã là F0, đã thành nguồn lây nhiễm và chưa chích hai mũi? Bóng tối có ngay chân
chiếc đèn dầu?
Và sau ba tháng rưỡi, giá cả thực phẩm, hàng
hóa ở TP.HCM vẫn cao trong khi thu nhập ai cũng giảm. Thực tế các chốt hiện nay
vẫn chốt nhưng hầu như qua lại khá dễ. Họ cũng có gia đình, gia đình họ vẫn phải
đi lại. Nhiều khu lao động vùng ven như Hóc Môn, quận 4, 6, 8, Bình Tân..., khi
đi làm từ thiện, tôi thấy tận mắt hàng quán mở len lén, bán đủ hủ tíu, mì quảng,
phở bò...; hàng rong bán đủ thịt cá, rau củ... trên các tấm nylon. Siêu thị
nguyên tắc chỉ bán cho phường, công an, y tế..., thực tế... bán láng cho khách
lẻ.
Một tiệm bánh lớn giữa Sài Gòn hôm qua tôi ghé
mua cũng vậy, dù công an phường đứng cạnh bên kiểm soát có vẻ cũng... lờ khi
khách lẻ như tôi vô mua. Trái tim anh em cũng không gỗ đá. Họ đồng cảm những
thiếu thốn trong dân hôm nay.
Đừng sợ bà con mình “thiếu ý thức”. Giờ tôi
“thách” ai ở TP.HCM không sợ con Covid. Mấy sạp vỉa hè bán chui trên đường Tân
Hòa Đông (quận 6, Bình Tân) ngồi xa nhau cả chục mét. Khách lẫn chủ đứng quá tầm
với. Còn shipper giao hàng, anh chị nào cũng đứng xa, giao nhanh, rút lẹ...
Mô hình “đi chợ hộ” qua thực tế cho thấy không
hiệu quả lắm và dân sau mấy tháng siết mua bán đã tự bung ra như hồi bao cấp
thiếu thốn. Vô số trang fanpage tự lập, mua bán í xèo, “dân tự cứu dân”. Ở đó,
hàng hóa đầy đủ và rẻ hơn hẳn siêu thị. Xin được nói thật: chính những động tác
từ trong dân này đã giải quyết cực mạnh việc thực phẩm, “hàng hóa thiết yếu”
thiếu thốn nặng nề những ngày trước. Giá cả rõ ràng đã giảm. Nhiều món bằng trước
giãn cách.
“Thẻ xanh” còn rối tung về danh sách, lực lượng
kiểm tra lẫn trình độ sử dụng, điện thoại không phải ai cũng có. “Thẻ vàng”
theo tôi là hơi “kỳ lạ” vì tới giờ hơn 85% dân TP.HCM từ 18t trở lên đã chích
ít nhất một mũi. Trong tháng 9 này sẽ 100% số dân chích ít nhất một mũi thì cần
gì “thẻ vàng” nữa, phiền phức cho cả dân lẫn chính quyền. Kiểm tra chỉ kéo gần
giãn cách, tăng Covid.
Mai kia, theo chính thông tin chính thức của
chính quyền thành phố và ngành chức năng, vaccine đang về Việt Nam, về TP.HCM
khá nhiều nếu không muốn nói là khá dư giả, khả năng phủ kín hai mũi cho bà con
TP.HCM rất rõ. Có lẽ không lâu đâu. Khi 100% người trên 18 tuổi đủ hai mũi, “thẻ
xanh” nói gì thì nói đang có khá nhiều rắc rối hiện sẽ thôi gây phiền toái, mệt
mỏi cho cả chính quyền lẫn dân? Ai cũng hai mũi rồi thì nó liệu có nên tồn tại?
Và liệu có nên tồn tại những tấm bảng “vùng
xanh”, “vùng đỏ” khắp nơi ở TP.HCM hiện nay khi mà vùng nào cũng như nhau: đều
bị kiểm soát thắt ngặt?
.. Vậy là Sài Gòn “giãn cách nghiêm” hết tháng
9, hơn nửa tháng nữa. Tổng cộng bốn tháng, đô thị có số dân 9,3% cả nước, đóng
góp bình quân 27% thu ngân sách cả nước, GRDP chiếm bình quân 23% GDP này mất
1/3 quãng thời gian một năm dịch vụ, sản xuất đình đốn; mấy triệu người thất
nghiệp.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết:
Hai đợt 1, 2, TP.HCM đã cấp gần 6.500 tỉ đồng, trong đó có kinh phí xã hội hóa
1.400 tỉ. Dự kiến gói hỗ trợ thứ 3 gần chục ngàn tỉ, vượt rất nhiều khả năng
ngân sách.
16.000 tỉ đồng nghe lớn, nhưng với năm, bảy
triệu người khó khăn ở TP.HCM suốt mấy tháng nay thì không khó để thấy số tiền
hỗ trợ “vượt rất nhiều ngân sách” thành phố ấy chỉ như “tạm sống qua ngày”. Với
điều kiện không bệnh (thông thường, không phải Covid), điện nước trong nhà
không hư, tiền điện nước khỏi trả, sinh viên học sinh khỏi đóng học phí, tắm giặt
không cần xà bông, bột giặt, trẻ con không cần uống sữa... và giá một ký rau, củ
không 25-40.000 đồng, một lạng hành tỏi không 6.000-10.000 đồng... như suốt mấy
tháng nay cho tới giờ.
Vậy nên khi tôi gởi P.Q., sinh viên gốc tỉnh,
học ngành Điện – điện tử trường Cao đẳng Lý Tự Trọng tiền đóng học phí học thêm
khóa tiếng Anh cuối cùng trước khi muốn tốt nghiệp, một ít tiền cho mẹ con P.Q.
sống tạm bợ chờ hết tháng 9, cả nhà lặng đi. Anh nhân viên ăn ngủ ở một công ty
trên đường Hoàng Văn Thụ nhận bình nước nóng siêu tốc tôi gửi, bảo: “Tối nay
mình có nước nóng trụng mì gói được rồi”...
Và khi gởi ít thịt thà, gói rau củ thập cẩm
đông lạnh, bịch xúc xích, ít tiền... cho một gia đình bốn người ở chung cư cũ số
5 Cao Thắng (quận 3), ngay lập tức, bà mẹ chiên ba khúc xúc xích cho con gái một
tuổi rưỡi và bé ăn hết ngon lành. Gói bánh Karo trứng tươi – chà bông, bé ôm
khư khư: “Của con, của con...”. Khu chung cư này ba tầng dưới đã có F0, “công
chúa nhỏ” của gia đình trước dịch bán hàng vỉa hè này ở tầng 4, chỉ thèm bữa
cơm, bữa cháo có thịt.
... Đó chỉ là một góc rất nhỏ, nhỏ li ti của
nhịp sống vô số bà con thành phố trong Covid hôm nay. Tôi ghé đến những góc nhỏ
ấy, lòng trĩu nặng một Sài Gòn tháng 9-2021.
No comments:
Post a Comment