Sunday 26 September 2021

AUKUS và "KHỦNG HOẢNG TÀU NGẦM' (Trương Nhân Tuấn)

 


AUKUS và “khủng hoảng tàu ngầm”.

Truong Nhân Tuấn

24/09/2021

http://nhantuantruong.blogspot.com/2021/09/aukus-va-khung-hoang-tau-ngam.html

 

Sau cú điện thoại của tổng thống Biden gọi cho TT Macron, hai bên Mỹ và Pháp ra tuyên bố chung ngày 22-9-2021. Phía Mỹ có vẻ nhìn nhận sai lầm của mình. Đó là chuyện Mỹ đã không tham vấn trước với đồng minh, khi Mỹ và Úc phá vỡ “hợp đồng tàu ngầm” ký kết giữa Pháp và Úc năm 2016. Nhưng đây không phải là một lời xin lỗi mà người dân Pháp muốn nghe. Dư luận báo chí đa số chỉ bàn về “hợp đồng tàu ngầm” dưới cái nhìn thuần túy kinh tế mà phần lớn sự kiện bị lệch lạc. Phần chìm của tảng băng là ý kiến của cựu thủ tướng nước Úc Kevin Rudd trong bài viết đăng trên báo Le Monde hôm qua 21-9-2021. 

 

Ông Kevin Rudd cho rằng hợp đồng tàu ngầm không phải là một hợp đồng thuần túy kinh tế mà là trọng điểm trong quan hệ chiến lược Úc và Pháp. Theo ông này thủ tướng Scott Morrison đã phạm nhiều sai lầm. Morrison hành sử thiếu chuyên nghiệp, cái cách mà người ta không thể sử dụng cho kẻ thù của mình, huống chi đối với  “đồng minh chiến lược” của Úc là nước Pháp. 

 

Cựu thủ tướng Kevin Rudd cho rằng bộ trưởng bộ Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian có lý, khi ông này lớn tiếng chỉ trích Úc “dối trá”, chơi trò “lật lọng” và “đâm sau lưng” đồng minh.

 

Nhắc lại Hiệp ước AUKUS được công bố qua cuộc họp báo chung ba bên Mỹ, Anh, Úc hôm 15 tháng Chín 2021. AUKUS là chữ viết tắt của AUstralia - United Kingdom và United States - nước Úc đứng đầu, nước Anh đứng thứ hai nhưng ai cũng thấy Mỹ mới là “anh hai” đứng đầu trong liên minh mới thành lập. Mục đích thành lập liên minh “chống TQ” dưới tiêu chí “bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. 

 

Sau cuộc họp báo, Úc tuyên bố vì nhu cầu thay đổi nên Úc ngưng hợp đồng tàu ngầm với Pháp. Úc quyết định chuyển sang tàu ngầm chạy bằng lò nguyên tử do  Mỹ chế tạo, thay vì tàu ngầm qui ước chạy bằng diesel của Pháp. 

 

Các lý do hủy bỏ hợp đồng với Paris, Thủ tướng Scott Morrison nhắc các việc hợp đồng không tuân thủ qua các khía cạnh “đội giá”, (từ 50 tỉ đô Úc lên đến 90 tỉ đô Úc), không chuyển giao công nghệ, giao hàng trễ và hợp đồng với Pháp không tạo nhiều việc làm trên lãnh thổ Úc. 

 

Về nhu cầu “tàu ngầm hạt nhân”. Các quốc gia Nhật (1995), Ấn độ (1998) và Úc (2012) đã là “đồng minh chiến lược” của Pháp. Năm 2017 hai bên Úc-Pháp nâng tầm hiệp định lên “quan hệ chiến lược toàn diện”, bao gồm nhiều lãnh vực (quốc phòng, an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa…). Cả bốn quốc gia này chia sẻ một quan niệm chiến lược chung về “Ấn Độ - Thái bình dương”. 

 

Úc đàm phán với Pháp từ năm 2014 để mua tàu ngầm và hợp đồng được ký năm 2016. Tức là “hợp đồng tàu ngầm” là “điểm nhấn” của “trục chiến lược” Úc-Pháp trong khu vực “Ấn độ - Thái bình dương”. 

 

Từ quá trình đàm phán đến lúc ký kết “hợp đồng tàu ngầm”, nhu cầu của Úc luôn là “tàu ngầm qui ước”. Pháp đã phải thay đổi, từ nền tảng kỹ thuật của lớp Barracuda, vốn là tàu ngầm tấn công nguyên tử, trở thành tàu ngầm qui ước chạy diesel cho phù hợp với nhu cầu quốc phòng của Úc. 

 

Về điểm này cựu thủ tướng Kevin Rudd phê bình: “Tôi thấy quyết định của chính phủ Scott Morrison có nhiều điểm sai lầm sâu sắc, từ cơ bản. Quyết định này vi phạm tinh thần quan hệ đối tác chiến lược mà Pháp và Australia thông qua vào năm 2012, được Thủ tướng Australia, Malcolm Turnbull, củng cố thành “đối tác chiến lược toàn diện” vào năm 2017… Nước Úc đã phạm sai lầm là không cho cơ hội nước Pháp đệ trình một dự án khác về tàu ngầm nguyên tử mà nước này có bề dày kinh nghiệm trong quá trình sản xuất… Scott Morrison đã không tôn trọng qui tắc ngoại giao, là không thông báo trước cho đối tác mà đã công bố quyết định đơn phương của Úc ra trước công chúng…” 

 

Về việc “đội giá”. Hợp đồng hai bên ký kết có qui định mục “đền bồi”, nếu một bên không tuân thủ, hay sơ suất một điều gì đó đã qui định theo hợp đồng. Vụ “đội giá” thường xảy ra lúc thi hành hợp đồng, hoặc do giá cả vật liệu gia tăng, hoặc do đồng tiền (Úc) bị mất giá. (Ta thấy vụ “đội giá” đường sắt Cát linh - Hà đông ở Hà nội do nhà thầu TQ xây dựng. “Đội” biết bao nhiêu lần mà phía VN chỉ móc tủi ra trả mà không làm được chuyện gì).

 

Về các lý do “chuyển giao công nghệ”, giao hàng trễ và hợp đồng với Pháp không tạo nhiều việc làm trên lãnh thổ Úc. 

 

Báo chí bên Pháp phản biện rằng hợp đồng ghi thời hạn giao đến năm 2030. Chưa đến thời hạn giao thì làm gì có vụ “giao hàng trễ” ? Trong khi tàu ngầm được chế tạo bằng thép của Úc, tại các nhà máy được xây dựng trên đất Úc và với công nhân của Úc. 

 

Vài giờ trước khi tuyên bố hủy bỏ hợp đồng, đại diện bộ Quốc phòng Pháp còn nhận được thư từ đồng nhiệm ở Úc bày tỏ sự hài lòng qua những gì mà Pháp đã thực hiện trên thực tế. Lá thư còn khen ngợi những khả năng ưu việt của tàu ngầm Barracuda… 

 

Pháp có thể cung cấp cho Úc tàu ngầm nguyên tử lớp “tấn công”, y như nguyện vọng của Úc. Tàu ngầm của Pháp năng lượng chạy hầu như “vô hạn”, có thể hoạt động liên tục dưới biển sâu 277 ngày mỗi năm, với giá rẻ hơn tàu ngầm của Mỹ. Pháp có thể cung cấp nhanh chóng hơn Mỹ thời gian 10 năm và phía Úc được lợi nhiều hơn (do chuyển nhượng kỹ thuật). 

 

Đúng như cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd đã nói: Hợp đồng cung cấp tàu ngầm không phải là một hợp đồng kinh tế. Đây là một phần của kết ước “chiến lược” giữa hai quốc gia Úc và Pháp. 

 

Thành lập liên minh AUKUS rõ ràng là Scott Morrison đã “rập khuôn” tầm nhìn chiến lược của nước Úc lên quan niệm chiến lược toàn cầu của Mỹ (đúng ra là “lý thuyết Biden”).

Bài thuyết trình của TT Biden trước Đài hội đồng LHQ hôm kia ta có thể nhìn thấy phần cốt lõi của “lý thuyết Biden”. 

 

Tổng thống Biden cho biết Mỹ đang "mở ra một kỷ nguyên ngoại giao không ngừng". 

Vấn đề là liên minh AUKUS là một nhát dao “đâm sau lưng đồng minh”. Cái cách hành sử của thủ tướng Morrison tệ hại đến đỗi tập quán ngoại giao quốc tế còn không sử dụng cho kẻ thù. Huống chi đối đãi với đồng minh có ký kết hiệp ước “chiến lược toàn diện”.  

Mục tiêu của AUKUS, qua tuyên bố của ba bên, là "bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ". 

 

Mà "luật lệ quốc tế" được xây dựng trên "niềm tin" giữa các quốc gia. Các hiệp ước, kết ước giữa các quốc gia cấu thành “luật quốc tế”.

 

AUKUS thành hình trên một sự "bội ước". Niềm tin giữa các đồng minh đã bị đổ vỡ. 

 

Biden cũng nhấn mạnh rằng : "Mỹ sẵn sàng làm việc với bất kỳ quốc gia nào ủng hộ và theo đuổi giải pháp hòa bình để chia sẻ thách thức, ngay cả khi chúng ta có bất đồng gay gắt trong các lĩnh vực khác".

 

Rõ ràng ý kiến này dành cho Việt Nam. 

 

Liên minh AUKUS đã cung cấp cho các lãnh đạo CSVN thân TQ những lập luận vững chắc để khẳng định “Mỹ không đáng tin cậy”. VN không được ngã theo Mỹ. 

 

Ai cũng biết rằng điều lo sợ của Mỹ là thấy một ngày nào đó bị TQ “qua mặt”. Đó là lý do Mỹ thành lập liên minh AUKUS. 

 

Đây không còn là một “dự kiến” mà có thể là sự thật. 

 

GDP của TQ có thể “qua mặt” Mỹ trong vòng vài năm tới. Kỹ thuật 5G của TQ, cũng như các thành quả về không gian, về “vật lý nguyên lượng” áp dụng cho máy tính, cũng như đà phát triển kinh tế của TQ sau Covid-19… Khả năng quốc phòng của TQ, về hải quân, không quân… ngày một tăng cao. Trong chừng mực một số lãnh vực TQ đã tiệm cận với “tầm” của Mỹ. 

 

TQ là "đối thủ chiến lược của Mỹ". Nhận định này đã có từ lâu. Mới đây Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Loyd Austin nhắc lại nhân chuyến công du qua Châu Á. 

 

Nhưng quyết định thành lập Liên minh AUKUS của Biden không chắc là thành quả của một quá trình suy nghĩ lâu dài.

 

Một lần Afghanistan có thể là "sai lầm" của Biden đối với đồng minh Ấn Độ. Biden đã giao Afghanistan cho Taliban mà đám khủng bố này là “con nuôi” của Pakistan, quốc gia “thù địch” của Ấn độ. 

 

Ấn độ và Pháp có cùng tâm trạng bị Mỹ phản bội. Ngay cả Nhật, nước này không thể không đặt dấu hỏi cho số phận của mình, nếu một ngày nào đó Mỹ “trở áo” đi với TQ.

 

Câu hỏi cựu thủ tướng Anh Theresa May đặt ra cho Boris Johnson tại Quốc hội Anh: Nếu TQ đánh Đài loan và Mỹ can thiệp. Anh có theo Mỹ đánh TQ hay không ? 

 

Câu hỏi coi bộ khó trả lời, bởi vì Boris Johnson nổi tiếng chính trị gia “cơ hội chủ nghĩa”. Ngay cả khi Mỹ xung đột toàn diện với TQ, tại Biển Đông hay vì lý do nào đó, Anh có tham dự bên cạnh Mỹ hay không ? 

 

Dân Anh có lý do để đặt vấn đề: tại sao tôi phải đổ máu cho dân Đài loan ? Còn ở biển Đông, lợi ích của dân Anh ở đâu ? Tại sao tôi phải đổ máu bảo vệ cái không phải của tôi ? 

 

Boris Johnson “chống” TQ rất trễ. Chủ trương Brexit trải qua nhiều thời thủ tướng Anh. Mục tiêu của Brexit đến gần đây không đổi. Đó là Anh không cần Châu Âu vì sẽ  ký hiệp ước kinh tế với TQ và sử dụng Hong Kong như là “cánh cửa” để chinh phục lục địa TQ. Boris Johnson mới đây còn có chủ trương đặt hệ thống 5G của Hoa Vi trên toàn nước Anh. Nếu không có vụ Trump “đập”  Tập Cận Bình, qua vụ “chiến tranh kinh tế”, thì Anh đã nằm trong hệ thống “vành đại con đường” của TQ.

 

Anh chỉ bắt đầu chống TQ, vì sức ép của Mỹ (buộc phải chọn phe) và vụ Hong Kong. 

 

Nhưng nếu đặt câu hỏi cho Pháp, nếu TQ “trỗi dậy không hòa bình” đánh Đài loan và nếu Mỹ can thiệp. Ta chắc chắn có có câu trả lời. 

Chiến lược “Ấn độ - Thái bình dương” là một khái niệm khơi nguồn từ Pháp, Nhật, Ấn độ và Úc từ năm 1995. Pháp, tương tự như Úc trong khu vực, có các lãnh thổ hải ngoại, có hàng chục triệu cây số vuông vùng kinh tế độc quyền phải bảo vệ. Pháp là quốc gia Châu Âu duy nhứt có quân đội (7000 quân) đóng ở khu vực Ấn độ - Thái bình dương. Chiến lược “Ấn độ - Thái bình dương” của bộ tứ Pháp, Úc, Nhật, Ấn độ khải huyền từ khi TQ đe dọa “trỗi dậy không hòa bình”.  

 

Pháp hành sử “độc lập”, vì lợi ích của mình và đồng minh. Trong khu vực Ấn độ - Thái bình dương Pháp không “cơ hội chủ nghĩa” vì Pháp có quyền và lợi ích phải bảo vệ. Nếu Mỹ đánh TQ, lợi ích của Pháp bị đe dọa, Pháp sẽ đứng về phía Mỹ. Vì đây là cách bảo vệ hữu hiệu quyền và lợi ích của Pháp.

 

Còn nước Úc ? Phá hủy hiệp ước “chiến lược toàn diện” với Pháp, đứng một góc trong “tứ giác kim cương”, ngang hàng với Mỹ trong “Ấn độ -Thái bình dương”. Thực chất nước Úc có quan hệ kinh tế với TQ nhiều gấp 3 lần với Mỹ. Gần đây cũng bị Mỹ ép “chọn phe”, Úc bị TQ “trừng phạt” khiến kinh tế Úc lao đao. Úc có tiếng mà không có miếng.

 

Thực tế cho thấy chiến lược “Ấn độ - Thái bình dương” thiếu TPP, rõ ràng là không ổn. Giải pháp của Úc là gì để phục hồi kinh tế hậu Covid-19 ? Úc đương nhiên sẽ bị Pháp cản trở trong mọi vận động để ký với khối Châu Âu một hiệp ước về kinh tế. 

 

Khối “nói tiếng Anh” gồm Mỹ, Anh, Úc với AUKUS, nếu không mở rộng ra các quốc gia Nhật, Nam Hàn, Đài loan và các quốc gia ASEAN để làm động lực phát triển kinh tế thì sẽ không bao giờ bao vây được TQ. Vấn đề là nền tảng của AUKUS là sự “phản bội”, sự thiếu chân thật của Mỹ và Úc. Có vô số lý do để các quốc gia “tránh xa” AUKUS hơn là gia nhập khối này.   




No comments:

Post a Comment

View My Stats