Wednesday 29 September 2021

PHÁ CỬA CƯỠNG CHẾ DÂN ĐI XÉT NGHIỆM : VI PHẠM QUYỀN CON NGƯỜI! (Hoàng Điệp - Tuổi Trẻ Online)

 


Phá cửa cưỡng chế dân đi xét nghiệm: Vi phạm quyền con người!

Hoàng Điệp  -  Tuổi Trẻ

29/09/2021

https://baotiengdan.com/2021/09/29/pha-cua-cuong-che-dan-di-xet-nghiem-vi-pham-quyen-con-nguoi/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/09/1-22-292x420.png

Chị L bị 2 cảnh sát giữ tay đưa đi xét nghiêm – Ảnh cắt từ clip

 

TTO – Đó là nhận định của luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) về vụ việc cán bộ phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương phá khóa căn hộ, xốc nách cưỡng chế người phụ nữ đi xét nhiệm COVID-19 trước mặt trẻ em.

 

 

Không đi xét nghiệm có bị cưỡng chế không?

 

Theo thông tin ban đầu, chính quyền phường Vĩnh Phú tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho nhân dân trong phường. Tuy nhiên, đúng thời gian phải xét nghiệm thì chị Hoàng Phương L. (ngụ tại căn hộ của chung cư Ehome 4) đang có giờ dạy học online yoga nên không ra ngoài xét nghiệm được.

 

Sau đó, đoàn cưỡng chế (bao gồm cả cảnh sát cơ động, công an phường, cán bộ phường….) đã phá khóa cửa để vào nhà xốc nách chị L. lôi xềnh xệch ra ngoài để xét nghiệm trước mặt đứa con trai của chị L..

 

Nói về việc bị cưỡng chế đi xét nghiệm, luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn luật sư TP.HCM) nêu rõ quy định về việc xét nghiệm COVID-19.

 

Cụ thể, quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ và Bộ Y tế về việc lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng thì khi cần thiết, cơ quan y tế có thẩm quyền được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đối với người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm để giám sát, cách ly y tế và điều trị.

 

Do đó, nếu người dân đã có thông báo của cơ quan chức năng về việc đi xét nghiệm mà không chấp hành thì có thể căn cứ theo điểm a, khoản 2, điều 7 nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để xử phạt.

 

Theo đó, hành vi không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền, trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.

 

Trong trường hợp người bị yêu cầu xét nghiệm cố tình không chấp hành thì sẽ có biện pháp cưỡng chế hành chính, quyết định cưỡng chế phải do chủ tịch UBND cấp huyện, quận nơi xảy ra sự việc ban hành và giao cho người thi hành công vụ thực hiện.

 

Nếu quá trình cưỡng chế hành chính mà người đó vẫn cố tình không chấp hành, chống đối lại lực lượng chức năng và gây hậu quả không thực hiện được quyết định cưỡng chế thì người đó có thể bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ theo Bộ luật hình sự.

Như vậy, theo quy định hiện hành thì một người không tuân thủ pháp luật về việc xét nghiệm cũng có thể bị cưỡng chế, tuy nhiên việc cưỡng chế này phải tuân thủ theo đúng quy trình mà pháp luật đã quy định.

 

 

Phá cửa cưỡng chế: rất phản cảm!

 

Tuy nhiên, trong vụ việc phá khóa cửa cưỡng chế chị L. đi xét nghiệm trước sự chứng kiến của bí thư đảng ủy phường và một số cán bộ, Công an phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương khiến nhiều người rất sốc và các luật sư cho rằng rất phản cảm.

 

Lý do về việc cưỡng chế được đưa ra là do chị L. không hợp tác nên phải cưỡng chế. Đại diện phường cho rằng trước đó chị L. có nhiều lần không ra lấy mẫu, trong khi chung cư Ehome 4 từng có ca F0 nên nguy cơ rất cao.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/09/2-28-277x420.jpg

Lực lượng chức năng của phường kêu thợ phá khóa nhà chị L. – Ảnh cắt từ clip

 

Như vậy, theo diễn biến trong clip cho thấy, đến thời điểm việc cưỡng chế được thực hiện thì không có văn bản hay quyết định cưỡng chế nào đối với người phụ nữ này.

 

Bình luận về việc này, luật sư Phạm Hoài Nam nói: “Hành vi cưỡng chế này rất phản cảm vì trong nhà có phụ nữ và trẻ con. Người phụ nữ bị cưỡng chế không hề được nhận bất kỳ văn bản thông báo nào về việc buộc phải chấp hành quy định xét nghiệm COVID-19, trong nhà lại có trẻ con. Họ phá khóa cửa xông vào nhà bắt giữ người mẹ làm cháu bé khóc và la hét do hoảng loạn, sốc tâm lý có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm sinh lý lâu dài của cháu bé.

 

Cơ quan chức năng cần phải xem xét xử lý trách nhiệm của những người liên quan vì đây là hành vi trái pháp luật, có dấu hiệu xâm phạm chỗ ở và bắt giữ người trái pháp luật.

Còn luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) thì nói rằng ông rất sốc khi xem clip cơ quan chức năng cho người phá khóa cửa cưỡng chế chị L. ra sân xét nghiệm trong tiếng khóc thét của trẻ em.

 

“Lúc mới xem tôi tưởng là bắt tội phạm đặc biệt nguy hiểm vì thấy có sự hiện diện của cảnh sát cơ động, công an phường và rất đông cán bộ. Khi phá khóa vào được nhà họ cũng không thông báo, trao đổi gì với người bị cưỡng chế nên tôi càng tin rằng họ bắt tội phạm phạm tội quả tang hoặc tội phạm truy nã.

 

Tiếng trẻ con khóc thét và tiếng chị L. la lên là tôi đang làm việc, tôi còn đang làm việc khiến tôi bàng hoàng. Người ta đã bẻ cánh tay áp giải người phụ nữ này ra ngoài trong tiếng khóc váng của đứa trẻ khiến tôi rất sốc.

 

Nhưng tôi còn sốc hơn nữa khi 2 cảnh sát áp giải chị L. ra ghế để buộc xét nghiệm. Tôi không thể tin được là người ta cưỡng chế một người dân như áp giải tội phạm chỉ để đi xét nghiệm, không hề tuân thủ các quy định phòng chống dịch”, ông Hướng nói.

 

Bình luận về việc phá khóa cửa và xốc nách chị L. đi lấy mẫu xét nghiệm, ông Hướng cho rằng: “Phải khẳng định đây là hành vi trái pháp luật và vi phạm nghiêm trọng quyền con người mà Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Bởi việc thực hiện một hành vi cưỡng chế một người phải thực hiện theo một quy trình hành chính. Clip về nội dung vụ việc cho thấy việc cưỡng chế không tuân theo một quyết định và một quy trình nào”.

_____

 

Clip cưỡng chế xét nghiệm COVID:

Cưỡng chế xét nghiệm COVID ở Việt Nam.

https://www.youtube.com/watch?v=bp5qRnC2-x0




No comments:

Post a Comment

View My Stats