https://www.facebook.com/lenguyenduyhau/posts/10159655148804532
Hiện nay, phương án "thẻ xanh, thẻ
vàng" của Sài Gòn đang được tiếp nhận khá tích cực. Tuy nhiên, cần nhìn nhận
rằng sự tích cực này chủ yếu đến từ việc người dân và doanh nghiệp thấy được lối
thoát sau chuỗi ngày dài giãn cách, đóng cửa nền kinh tế. Về lâu về dài, người
ta sẽ không bàn về việc "thẻ xanh được làm gì" như hiện nay, mà sẽ bắt
đầu thảo luận về việc "người không có thẻ xanh bị cấm làm gì" và nó
có thoả đáng không. Đây cũng là phản ứng bình thường vì ngoài nhóm kén chọn vắc-xin
ra, không phải ai cũng có thể tiếp cận nguồn tiêm (vì lý do bệnh nền, độ tuổi,
cơ địa, thai sản, trẻ em). Vì vậy, cần thiết kế sao cho "thẻ xanh"
không trở thành một loại "giấy đi đường", "hộ chiếu đi lại"
mà chỉ là biện pháp khẩn cấp tạm thời để chống dịch, và dần phải chấm dứt việc
dùng và kiểm soát này sớm nhất có thể. Ngoài ra, trong quá trình áp dụng (theo
lộ trình của Sài Gòn là kéo dài 4 tháng), cũng phải hạn chế được các giới hạn
mà thẻ xanh đặt lên người không có thẻ xanh. Nếu không, thẻ xanh nó sẽ trở
thành tấm thẻ đỏ cho nhiều người.
Điểm thứ nhất thì có vẻ Sài Gòn có kế hoạch
khá cụ thể, khi xác định 15/1/2022 (là thời điểm mục tiêu 100% người trên 18 tuổi
được tiêm đủ liều vắc-xin) là thời điểm mở cửa kinh tế toàn bộ, chỉ giới hạn
dùng thẻ trong vài hoạt động đặc biệt. Tuy nhiên, ở điểm thứ hai liên quan đến
hạn chế các tác động của thẻ xanh trong thời gian 4 tháng áp dụng thì lại đang
chưa thoả đáng. Thậm chí, nhiều biện pháp trong 4 tháng còn tỏ ra khắt khe hơn
phần còn lại của thế giới.
Ví dụ, hiệu lực thẻ xanh đang được quy định là
6 tháng kể từ ngày tiêm đủ mũi. Điều đó có nghĩa là những ai tiêm đủ liều vào
tháng 5 và tháng 6 năm 2021 sẽ bị hết hiệu lực thẻ xanh ngay trước khi thành phố
chuyển sang giai đoạn mở cửa. Theo số liệu của Bộ Y Tế thì số lượng người tiêm
đủ liều vào tháng 5 và 6 ở Việt Nam tuy không nhiều (khoảng 21.000 vào giữa
tháng 5 và 60.000 vào giữa tháng 6), nhưng đây chủ yếu là đối tượng thuộc lực
lượng tuyến đầu chống dịch, y bác sĩ, công an, bộ đội, lãnh đạo địa phương và
trung ương. Ngoài ra, số lượng không nhỏ người Việt Nam hồi hương được tiêm chủng
trước tháng 6 cũng bị ảnh hưởng. Nếu cứ giữ hiệu lực 6 tháng như hiện nay và
không có kế hoạch sau khi hết hạn, trong bối cảnh nguồn cung vắc-xin không đảm
bảo cho mũi 3 (và chưa rõ Bộ Y Tế có ủng hộ việc tiêm mũi 3 hay không) thì đến
trước khi hết năm 2021, Sài Gòn sẽ mất sự phục vụ của khá nhiều cán bộ chống dịch
quan trọng và gây khó cho nhiều người Việt Nam hồi hương, chỉ vì lý do mang
tính hành chính này.
Về lý thuyết, đề xuất 6 tháng của Sài Gòn cho
hiệu lực thẻ xanh căn cứ trên cơ sở là có sự giảm kháng thể của người tiêm hơn
6 tháng. Tuy nhiên, việc đối xử với những người giảm kháng thể tương tự như người
chưa tiêm vắc-xin, cũng như mỗi loại vắc-xin có sự giảm kháng thể khác nhau, là
thiếu thoả đáng. Liên Âu quy định hiệu lực của chứng chỉ vắc-xin điện tử thường
là 8 tháng và quá trình gia hạn thẻ khá đơn giản (chủ yếu để nhà nước quản lý
nhóm dân số tiêm trên 6 tháng). Croatia là quốc gia đầu tiên và có lẽ là duy nhất
yêu cầu khách du lịch tiêm lâu phải cách ly y tế, nhưng cũng đặt ra thời hạn là
9 tháng. Vì vậy, việc chỉ áp dụng hiệu lực 6 tháng cho thẻ xanh ở Sài Gòn là khắt
khe hơn nhiều so với thế giới, và cũng không cần thiết. Có thể nghĩ đến việc
kéo dài hiệu lực thẻ xanh sang ít nhất bằng với lộ trình mở cửa (15/1/2022) và
sau đó ra cơ chế ưu tiên tiêm lại. Những người đã chọn tiêm từ đầu họ sẽ không
ngại tiêm mũi thứ ba.
Ngoài ra, ngay cả việc yêu cầu người chưa tiêm
vắc-xin "không được tham gia giao thông" khi Sài Gòn đã tiêm đủ 80%
(giai đoạn 2) và kéo dài gần 3 tháng tiềm ẩn nguy cơ vi phạm hàng loạt các quy
định hiến pháp liên quan đến tự do đi lại, bình đẳng trước pháp luật, chống
phân biệt đối xử... Nếu đã lựa chọn "chung sống lâu dài với dịch" thì
cần bỏ mục tiêu kéo số ca nhiễm về 0 và áp dụng những biện pháp khắt khe như buộc
người không tiêm không được ra đường. Ý nghĩa của vắc-xin ngoài chuyện không
gây lây nhiễm ra (mà chắc chắn nó sẽ không đạt được) thì quan trọng hơn là giảm
các ca tử vong và nhập viện, từ đó đưa xã hội về bình thường. Chính vì vậy, khi
các quốc gia tiêm chủng đủ khoảng 60-70%, họ thậm chí đã mở cửa lại xã hội (cho
dân vào sân vận động, đi du lịch) chứ không chỉ mở cửa kinh tế như Sài Gòn đề
xuất (một cách rón rén vào mức 80% - nhưng lưu ý là các doanh nghiệp dịch vụ bỗ
trợ thiết yếu như luật sư, kế toán, kiểm toán sẽ chỉ mở vào 15/1/2022, sau cả
phòng tập gym được mở hạn chế vào 31/10/2021). Việc cẩn trọng hiện nay không thừa,
nhưng nếu quá cẩn trọng thì sẽ không đạt được nhiều mục đích, và gây ra phản ứng.
Giải pháp trung hoà có thể như các quốc gia ở Châu Âu, thậm chí là Campuchia
đang đề xuất, đó là hạn chế một số hoạt động đặc thù đối với người chưa tiêm,
còn lại thì họ vẫn sinh hoạt bình thường và tiến tới chữa bệnh có thu phí kể từ
giai đoạn 2 khi 80% người dân đã tiêm đủ liều. Như vậy sẽ giải quyết được mối
lo quá tải hệ thống, và cũng không biến thẻ xanh thành một tấm giấy thông hành
như hiện nay.
Nói tóm lại, mình nghĩ Sài Gòn cần đoạn tuyệt
hẳn với mục tiêu 0 ca nhiễm và tin tưởng hơn vào hiệu lực của vắc-xin, từ đó
hình dung ra một viễn cảnh mà ở đó covid vẫn còn, nhưng nhờ có kháng thể vắc-xin
(tuy có suy giảm) mà xã hội vẫn vận hành bình thường, và tập trung chăm sóc,
phòng ngừa cho nhóm yếu thế về sức khoẻ, lớn tuổi (mà tiếc thay bị bỏ quên quá
lâu trong thời gian đầu chống dịch). Nếu tầm nhìn rõ ràng vậy thì mình tin rằng
các quy định mang tính cấm đoán thẻ xanh, thẻ vàng sẽ được loại bỏ và tạo được
sự ủng hộ cả về dư luận và pháp lý hơn.
No comments:
Post a Comment