NGƯỜI
KHỎI BỆNH COVID-19 THÌ KHẢ NĂNG KHÁNG VIRUS SARS-COV-2 RA SAO?
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/4897274650286867
Cho đến hiện nay, theo số liệu trên thế giới thì có hơn 200 triệu người đã khỏi
bệnh COVID-19 do nhiễm virus SARS-CoV-2 một cách tự nhiên và theo ghi nhận của
Bộ Y tế thì Việt Nam đã có hơn 374.000 người thuộc nhóm này.
Câu hỏi
thường được đặt ra cho nhóm người này là liệu: Họ đã được an toàn trước bệnh
COVID-19 chưa? Khả năng tái nhiễm của họ là như thế nào? So với người chích
vaccine COVID-19 thì hệ miễn dịch của họ như thế nào? Tối thiểu họ sẽ được bảo
vệ trong bao lâu? Họ có nên chích ngừa vaccine COVID-19 hay không? và họ có nên
được cấp “thẻ xanh COVID” hay không?
Trước khi
phân tích vấn đề này, mình muốn các bạn hiểu rằng có một sự khác nhau “rất lớn”
về phản ứng của hệ miễn dịch khi cơ thể được chích vaccine và cơ thể bị nhiễm bởi
virus SARS-CoV-2 một cách tự nhiên.
Hầu hết
các vaccine COVID-19 hiện nay chỉ nhắm đến một protein quan trọng là protein
gai (protein S) có trên bề mặt của virus như vaccine của Pfizer/BioNTech,
Moderna, AstraZeneca, Johnson&Johnson, Sputnik V hoặc sử dụng con virus đã
bị làm chết (bằng nhiệt hoặc chất hóa học) trong trường hợp vaccine của
Sinopharm hoặc Sinovac, để dạy hệ miễn dịch hình dạng con virus thật như thế
nào.
Trong khi
đó, khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2 thật, virus này sẽ xâm nhập vào tế bào vật chủ
qua thụ thể ACE2 trên bề mặt tế bào, tạo ra nhiều loại protein trong suốt chu kỳ
sống và sinh sản của chúng (không chỉ riêng protein S mà còn nhiều protein
khác), tương tác với hàng loạt các con đường tín hiệu của tế bào và do đó hệ miễn
dịch của cơ thể sẽ bị kích hoạt một cách toàn diện hơn và nhận biết virus
SARS-CoV-2 một cách đầy đủ hơn.
Để dễ hiểu
hơn các bạn có thể hình dung việc chích vaccine giống như chúng ta học một vấn
đề gì đó chỉ qua một bảng tóm tắt ngắn gọn chứa các điểm chính trong bài, trong
khi việc nhiễm virus thật giống như bạn phải học một cuốn sách dày cộm để hiểu
về nó một cách thấu đáo! Do vậy, nhìn chung hệ miễn dịch được tạo ra từ người bị
nhiễm virus một cách tự nhiên “mạnh” hơn nhiều so với hệ miễn dịch được tạo ra
từ vaccine.
Tuy nhiên,
nói như vậy không phải để khuyến khích các bạn đi “lây nhiễm tự nhiên” để có hệ
miễn dịch mạnh hơn vì bệnh COVID-19 là một căn bệnh nguy hiểm và có tỉ lệ tử
vong cao ở người lớn tuổi, người có bệnh nền,… vaccine vẫn là giải pháp quan trọng
và ưu tiên hàng đầu để phòng tránh lây nhiễm bệnh và ngăn nguy cơ trở nặng hoặc
tử vong.
Một nghiên
cứu được thực hiện ở Lombardy, Ý từ hồi năm ngoái, họ quan sát những người đã
nhiễm và chưa nhiễm virus SARS-CoV-2 (kiểm tra bằng xét nghiệm RT-PCR) trong cộng
đồng hồi đợt sóng dịch đầu tiên (khoảng từ tháng 2 tới tháng 7 năm 2020).
Nghiên cứu này được thực hiện trên khoảng 15 ngàn người, theo dõi cho đến hết
ngày 28 tháng 2 năm 2021. Người được coi là “bị tái nhiễm” khi người ấy lại được
ghi nhận dương tính sau hơn 90 ngày kể từ lần cuối xét nghiệm âm tính (sau khi
hồi phục bệnh COVID-19).
Kết quả
cho thấy trong hơn 1579 người đã bị nhiễm virus thì chỉ có 5 người bị tái nhiễm
(tỉ lệ 0.31%), trong đó chỉ có 1 người phải điều trị trong bệnh viện. Còn ở
nhóm người chưa bị nhiễm (có 13496 người) thì có 528 người được phát hiện bị
nhiễm virus sau đó (tỉ lệ 3.9%). Kết quả nghiên cứu cho ta thấy, 2 nhóm người
này ở trong cùng một điều kiện thì nhóm người đã mắc bệnh COVID-19 thì xác suất
xảy ra tái nhiễm là rất thấp, ít hơn khoảng 12.5 lần so với người chưa nhiễm và
khả năng bảo vệ của miễn dịch tự nhiên này có thể kéo dài ít nhất là 1 năm.
Một nghiên
cứu tương tự như vậy cũng đã được thực hiện ở Thụy Sĩ khi họ quan sát 2 nhóm
người đã nhiễm và chưa nhiễm virus tính từ hồi đợt sóng dịch đầu tiên xảy ra ở
nước của họ (tháng 4 đến tháng 6 năm 2020), nghiên cứu thực hiện đến hết đợt
sóng thứ 2 (tháng 1 năm 2021). Họ thấy rằng số người tái nhiễm ở nhóm người đã
nhiễm là 7 người trên 498 (tỉ lệ 1.4%), trong khi đó có đến 154 người bị nhiễm
trong 996 người chưa từng nhiễm (tỉ lệ 15.5%). Ở nghiên cứu này, chúng ta thấy
nguy cơ tái nhiễm của người đã bị mắc COVID-19 cũng là rất thấp, ít hơn nhóm
chưa nhiễm khoảng 11 lần (khá gần với con số trong nghiên cứu ở Ý). Nhóm tác giả
cũng thận trọng đưa ra nhận định là nhóm người đã bị nhiễm virus tự nhiên thì
có khả năng kháng lại việc tái nhiễm ít nhất là trong 8 tháng.
Hai nghiên
cứu trên thực hiện so sánh trên nhóm người đã nhiễm và chưa nhiễm virus để thấy
được xác suất người bị tái nhiễm bệnh COVID-19 là rất thấp. Vậy thì so với những
người đã chích vaccine COVID-19 thì như thế nào? Cho đến nay chưa có câu trả lời
chính xác, do vaccine COVID-19 mới chỉ được cấp phép sử dụng khẩn cấp từ hồi cuối
năm 2020 và chỉ bắt đầu được chích nhiều hơn ở các nước khi số lượng vaccine được
sản xuất nhiều hơn và đa dạng hơn, vì thế vẫn chưa có nghiên cứu tương tự như
trên để so sánh trực tiếp giữa nhóm người đã chích vaccine và các nhóm bị nhiễm
virus một cách tự nhiên (mình nghĩ là cần ít nhất nữa năm nữa).
Tuy nhiên,
hiện nay khi mà các biến chủng mới xuất hiện (như Beta ở Nam Phi hoặc Delta ở Ấn
Độ) với những đặc tính có thể giúp chúng “vượt” hàng rào miễn dịch (trong tiếng
Anh người ta hay dùng từ “breakthrough”) để nhiễm lên những người đã chích
vaccine, thì cho đến hiện giờ cũng chưa thấy báo cáo khoa học nào cho thấy tỉ lệ
“vượt rào” xảy ra ở người đã bị nhiễm bệnh COVID-19 trước đó ngang ngữa với những
người đã chích vaccine (theo như mình dự đoán là có thể ít hơn).
Một công
trình khoa học gần đây của nhóm nghiên cứu ở New York giúp làm sáng tỏ một phần
tại sao khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2 một cách tự nhiên, người hồi phục có hệ
miễn dịch mạnh hơn so với người được chích vaccine. Trong nghiên cứu này họ thấy
rằng tế bào nhớ B (memory B cells) trong cơ thể người đã bị nhiễm virus có thể
tiếp tục tiến hóa (evolve) trong tối thiểu 1 năm để tạo ra các kháng thể giúp
chống lại sự xâm nhiễm của virus, thậm chí là các biến chủng mới nguy hiểm.
Trong khi đó sự tiến hóa của các tế bào B này ở người chích vaccine mRNA (như của
Moderna hoặc Pfizer- BioNTech) chỉ dừng lại khoảng trong 5 tháng sau khi chích
ngừa.
Trong một
nghiên cứu khác của nhóm ở Netherlands, các nhà khoa học thấy rằng cũng có sự
khác biệt rõ rệt trong nhóm người bị bệnh nặng và nhóm người bị nhẹ hoặc không
triệu chứng. Huyết tương lấy từ nhóm người bị bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng
thường có ít kháng thể hơn và khả năng trung hòa virus yếu hơn, đặc biệt là đối
với các chủng mới.
Nói chung,
người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 một cách tự nhiên, ngoài loại kháng thể được tạo
ra để nhận biết protein S thì còn nhiều loại kháng thể khác nhận biết các loại
protein khác nhau trong và ngoài con virus, tương tác với nhiều con đường tín
hiệu trong tế bào, kích thích hệ miễn dịch toàn vẹn hơn.
Virus tồn
tại trong cơ thể người bị nhiễm dài hơn (thường là 1-2 tuần) so với thời gian tồn
tại các kháng nguyên được tạo ra bởi vaccine (thường chỉ vài ngày). Do vậy, các
tế bào miễn dịch của cơ thể “học” được nhiều hơn và hiệu quả hơn, cũng giống
như bạn được dạy bởi một “chương trình nâng cao” với thời lượng học dài hơn và
nhiều học cụ sinh động, phong phú hơn sẽ nhớ bài học lâu hơn và thậm chí phát
triển khả năng sáng tạo thêm.
Tóm lại,
các kết quả nghiên cứu khoa học cho đến nay cho thấy rằng những người bị nhiễm
virus một cách tự nhiên (có triệu chứng lẫn không có triệu chứng) có hệ miễn dịch
khá tốt để ngăn chặn sự tái nhiễm virus, ít nhất là trong 8 tháng đến 1 năm hoặc
hơn! Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho những người đó và cho cộng đồng, hiện
nay ở nhiều nước trên thế giới khuyên những người này nên được chích vaccine
COVID-19 sau 6 tháng kể từ ngày bị nhiễm bệnh để đảm bảo có hệ miễn dịch kháng
virus SARS-CoV-2 được kích hoạt đầy đủ.
Hiện nay,
nhiều nơi ở Việt Nam đang có kế hoạch cấp “thẻ xanh COVID” cho những người đã
chích đủ 2 liều vaccine và người đã khỏi bệnh COVID-19 một cách tự nhiên, để nới
lỏng việc quản lý đi lại. Tuy nhiên, theo như phản ảnh của các báo trong nước
thì việc cấp thẻ này đang gặp khó khăn đối với những người tự điều trị ở nhà, tự
khỏi và chưa khai báo chính quyền địa phương.
Theo mình
thì việc xác định những người này không khó gì cả, vì sau khi bị nhiễm bệnh thì
lượng “kháng thể” kháng virus trong máu những người này tồn tại rất lâu (ít nhất
là hơn nữa năm) nên việc “xét nghiệm kháng thể” để xác định người đã nhiễm bệnh
(dù chưa khai báo) là chuyện không khó và không tốn kém quá nhiều để có thể thực
hiện nhanh chóng và tạo điều kiện cấp “thẻ xanh COVID” cho họ vì họ đã an toàn.
Bảo trọng
nhe bà con,
TS.
Nguyễn Hồng Vũ,
Viện
nghiên cứu City of Hope, California, USA
Cố vấn
khoa học Ruy Băng Tím
*
Tài liệu
tham khảo:
Anti-
SARS-CoV-2 ReceptorBinding Domain Antibody Evolution after mRNA Vaccination
Natural
infection versusvaccination: Differences in COVID antibody responses emerge
Emerging
SARS-CoV-2 variantsof concern evade humoral immune responses from infection and
vaccination
Số
liệu Covid-19 trên thế giới
.
No comments:
Post a Comment