Tuesday, 14 September 2021

AI SẼ CHỊU TRÁCH NHIỆM về CẢ CHỤC NGÀN CA TỬ VONG LIÊN QUAN DỊCH COVID? (Phạm Lê Đoan - VNTB)

 


Ai sẽ chịu trách nhiệm về cả chục ngàn ca tử vong liên quan dịch Covid?

Phạm Lê Đoan  -   Việt Nam Thời Báo 

15.09.2021 5:18

 

 (VNTB) – Nếu viện dẫn Điều 4, Hiến pháp thì cá nhân chịu trách nhiệm về việc có đến chục ngàn ca tử vong liên quan dịch Covid, chính là đương kim Tổng bí thư Đảng mấy nhiệm kỳ liền.

 

Vì sao y tế Sài Gòn sụp đổ?

 

Việt Nam luôn khẳng định đầy tự hào là đất nước có cả hệ thống chính trị cùng tham chiến trong đại dịch Covid. Gọi là hệ thống chính trị, là vì tham chiến có phía hành chính Đảng – mà đại diện là Tỉnh ủy/ Thành ủy, và cơ quan hành chính dân sự với đại diện là Ủy ban nhân dân tỉnh/ thành.

 

Một bác sĩ ngoại khoa từng làm việc ở bệnh viện Chợ Rẫy không giấu cảm xúc phẫn uất: “Nếu dàn cán bộ nhà nước, bao gồm lãnh đạo ngành y tế, có trình độ, có kiến thức, có tâm làm việc, thì đã không phải điều các bác sĩ, nhân viên y tế cả nước vào Sài Gòn hỗ trợ chống dịch.

 

Nếu họ có trình độ, và có tâm làm việc vì dân, vì nước, thì hệ thống y tế hùng hậu của TP.HCM đã không sụp đổ dễ dàng khi số nhiễm vẫn còn đang rất nhỏ so với các nước khác, và không có con số tử vong cao chất ngất, thuộc loại hàng đầu thế giới.

 

Họ chỉ biết làm theo lệnh, như một nô lệ, trong khi lẽ ra, họ mới là người quyết định cái mệnh lệnh đó nên được ra như thế nào. Nhưng không, tâm thức nô lệ của họ ăn sâu đến mức, họ không dám đề xuất nhà nước công nhận liệt sĩ cho cán bộ y tế chết trong khi làm nhiệm vụ, chỉ vì người đó không nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán…”.

 

Có một giai đoạn mà truyền thông nhà nước ngại ngần nhắc tới ca tử vong trong các bản tin Covid hàng ngày, nếu có thì cũng chỉ lấp lửng. Đó là tháng 8-2021, tháng tang tóc nhất ở Sài Gòn, những cái chết lặng lẽ cứ dồn dập, trung bình mỗi ngày có hơn 300 ca tử vong.

 

Theo lệnh quan trên từ Hà Nội, chính quyền đã nhốt dân khi dịch bắt đầu lan rộng, thời điểm mà người bệnh mặc sức kêu cứu vẫn không thể nhập viện, người được cấp cứu thì đã quá trễ do ngăn đường, mạng lưới y tế quá tải… Bác sĩ, nhân viên y tế dù đã nổ lực, tận tâm họ cũng đành bất lực nhìn bệnh nhân lần lượt ra đi trong đau đớn. Những cái chết này đúng ra chỉ một phần là do Covid, phần còn lại do cách con người đối phó với dịch.

 

Trách nhiệm này thuộc về ai thì lịch sử sẽ phán xét. Một giai đoạn đau thương nhất mà người Sài Gòn sẽ ghi nhớ mãi, chỉ sau biến cố Tết Mậu Thân.

 

Ai sẽ chịu trách nhiệm về sự thất bại của hệ thống chính trị?

 

Một nhà văn đang sống ở Sài Gòn, nói rằng khi mang tên là cuộc chiến, thì hậu chiến cần phải có một tòa án binh thật sòng phẳng cho công trạng và tội ác, khi ông đặt thẳng vấn đề “Tại sao quá nhiều người chết? Ai sẽ chịu trách nhiệm?”

 

“Ở thời điểm cuối tháng 7, tôi ứa nước mắt khi coi một clip quay tại quận 10, một người đàn ông trung niên khóc lóc, năn nỉ và cả chống đối khi mẹ ông bị bắt lên xe cứu thương chờ sẵn vì bà bị dương tính, người con la to là phải theo vô bệnh viện để chăm sóc mẹ, nhưng ông âm tính nên không được chấp nhận. Lực lượng y tế gọi công an và người đàn ông gần như quỳ xuống lề đường khi bà mẹ già ôm cái giỏ nhỏ, run rẩy lên xe cứu thương.

 

Vào giữa tháng 8, một bác sĩ viết trên báo rằng không cho người thân theo chăm sóc người bệnh, nhứt là bệnh nhân già yếu là một sai lầm nghiêm trọng. Ông cho rằng người chăm sóc có thể bị dương tính theo, nhưng đi 2 có khả năng cao là về 2, còn đi 1 là người già yếu, bệnh nền thì có thể về 0. Nhưng khi đó, không ai nghe ông.

 

Một cháu 17 tuổi bị dương tính, đưa vô bệnh viện dã chiến vào giữa tháng 8 kể với tôi rằng những người già, mà cháu gọi là ông ngọai, bà ngoại chết khá nhiều không phải vì Covid mà vì tuyệt vọng, cô đơn, khủng hoảng và kiệt sức vì đói bởi không thể tự ăn các suất cơm hộp. Các bác sĩ, nhân viên y tế phục vụ tận tình đến kiệt sức nhưng không xuể. Hiện cháu đã âm tính, trở thành tình nguyện viên trong bệnh viện dã chiến, vì như cháu nói: đau lòng lắm chú ơi, họ như bà ngoại của con!

 

Hiện nay tỷ lệ tử vong đã giảm, và khi F0 được chăm sóc tại nhà chắc chắn sẽ giảm mạnh. Nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm về những cái chết trước đây?”

 

Những chia sẻ kể trên, có lẽ dễ dàng tìm thấy ở rất nhiều nơi của Sài Gòn.

 

Việc chậm chuyển hướng chiến lược khi dịch bùng phát ở Sài Gòn và các tỉnh vùng ven với chủng Delta, vẫn cách ly F1, truy lùng F0 thay vì tập trung phương án làm giảm tử vong đã làm kiệt sức ngành y tế, tiêu tốn hàng núi tiền bạc của ngân sách và xã hội.

Cụ thể dẫn chứng, sau gần 100 ngày phong toả ở TP.HCM và hơn 1 tháng ở Hà Nội, sức chịu đựng của nền kinh tế đã vượt ngưỡng giới hạn. Đến cuối tháng 8-2021, số liệu Tổng cục Thống kê ghi nhận có 85.500 doanh nghiệp đã rời bỏ thị trường, và các chuyên gia dự báo nếu tình trạng đóng băng tiếp tục diễn ra, thì sẽ có tới 100.000 doanh nghiệp phá sản.

 

Nhiều doanh nghiệp FDI buộc phải chuyển đơn hàng sang các nước khác. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vừa đệ đơn kêu cứu. Hơn 6.000 chữ ký của chủ doanh nghiệp và người lao động ngành hàng bán lẻ và F&B vừa gửi thư kiến nghị tập thể tới lãnh đạo TP.HCM,…

 

Với tất cả tình cảnh trên, nếu như vẫn khẳng định chuyện cả hệ thống chính trị cùng tham chiến, cho thấy dường như là sự bất lực (hay bất tài?) của người đứng đầu Bộ Chính trị đang rất cần sự dũng cảm của ‘phê và tự phê’.

 

Và cũng xin nhớ rằng, hào kiệt đời nào cũng có!


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Cứ giãn cách xã hội kéo dài, lấy gì sống?

VNTB – Các tổ chức xã hội dân sự đang giúp chính quyền tránh được khủng hoảng nhân đạo

VNTB – Ghi nhận: kiệt quệ hết rồi chính phủ ơi!

VNTB – Chính quyền ơi, đừng ‘siết’ nữa, ngộp thở lắm rồi!




No comments:

Post a Comment

View My Stats