Saturday, 25 September 2021

HOA KỲ HẬU AFGHANISTAN : CHIẾN TRANH và THAM NHŨNG (Phạm Phú Khải)

 


Hoa Kỳ hậu Afghanistan : Chiến tranh và tham nhũng

Phạm Phú Khải

25/09/2021

https://www.voatiengviet.com/a/hoa-ky-hau-afghanistan-chien-tranh-tham-nhung/6244354.html

 

https://gdb.voanews.com/78B0A545-214E-447A-A700-5E19287C57C6_cx0_cy4_cw0_w650_r1_s.jpg

Taliban và chốt kiểm soát tại Kabul, Afghanistan, 14 tháng Chín. Hình minh họa.

 

Từ thế kỷ 17 đến nay, Hoa Kỳ đã tham chiến bao trận lớn nhỏ khác nhau. Phần lớn đều thành công rực rỡ, nhất là về mặt quân sự và chính trị. Nhưng đánh thắng là một chuyện, tái thiết và duy trì thành quả tại nơi đó sau trận chiến là một chuyện khác.

 

Lịch sử cho thấy Hoa Kỳ thành công trong những cuộc chiến nào không kéo dài quá 10 năm, dù thương vong và tài chánh tốn kém đến mấy, như Thế Chiến I, II, Chiến tranh Vùng vịnh I, Chiến tranh Đại Hàn v.v.... Nhưng với cuộc chiến nào dai dẳng hơn 10 năm, mà không có viễn ảnh chấm dứt, dù thương vong gần thấp nhất, như tại Afghanistan, hoặc kéo dài như Chiến tranh Việt Nam, thì nước Mỹ phải đành bỏ cuộc.

 

Yếu tố văn hóa, nhất là văn hóa chính trị, đóng vai trò quyết định trong mọi cuộc chiến và cho tiến trình tái thiết. Tham nhũng là một trong các nguyên do làm cho cuộc chiến dai dẳng và thất bại. Mỹ biết rõ vấn nạn tham nhũng tại Afghanistan, nhưng đã làm ngơ, hoặc không có chính sách thích hợp để đối phó, nên hậu quả đã lật ngược sự thành công ban đầu.

 

 

Sở trường và sở đoản

 

7 tháng 10 năm 2001, và lật đổ Taliban vào tháng 12 năm 2001, mục tiêu hàng đầu không phải là để xây dựng nhà nước hay quốc gia Afghanistan. Mục tiêu chính yếu là phải làm cho những kẻ gây ra biến cố 11 tháng 9, như Osama Bin Laden và nhóm Al-Qaeda, cũng như Taliban hay bất cứ ai chứa chấp khủng bố chống Mỹ, sẽ bị truy lùng và tiêu diệt. Nhưng khác với lần trước, Mỹ đã học bài học lịch sử tại Afghanistan thời Liên Sô chiếm đóng trước đây, lần này Mỹ nhận thấy là cần xây dựng một chế độ đủ khả năng để quản trị đất nước, và người dân có thể sống hài hòa với nhau và với các nước lân bang.

 

Nhưng xây dựng một quốc gia hoàn toàn đổ nát như Afghanistan, không có nền tảng văn hóa chính trị gì ngoài chủ nghĩa bộ lạc, đứng đầu bởi các lãnh chúa, là cực kỳ khó khăn. Nó đòi hỏi sự cam kết lâu dài, có khi nhiều thế hệ. Đây không phải là sở trường, hay là vấn đề, của nước Mỹ.

 

20 năm không phải là một cuộc chiến quá dài, bởi so với lịch sử thì có những cuộc chiến dường như vô tận, như Iberian Religious War, 781 năm (711 – 1492). Tuy nhiên đối với lịch sử chiến tranh của người Mỹ thì nó dường như miên viễn, dài hơn cả nội chiến, hay cuộc chiến cách mạng của Mỹ, hay Thế Chiến I và II mà Mỹ từng tham chiến.

 

Trong bao nhiêu cuộc chiến mà Mỹ tham gia, Afghanistan và Việt Nam là hai cuộc chiến gần như dài nhất đối với Mỹ, và tốn kém hàng đầu. Cuộc chiến Afghanistan kéo dài 20 năm, tốn kém từ một đến hai ngàn tỷ đô la, và Việt Nam thì từ 10 năm đến 17 năm (tuỳ theo cách tính bắt đầu và kết thúc khi nào), tốn kém khoảng 850 tỷ đô la.

 

Tâm lý người Mỹ nói chung không thích chiến tranh, đặc biệt không thích nó kéo dài, và rất dị ứng với sự dã man. Mỹ tham gia Thế Chiến I và II, sau nhiều quốc gia khác, một cách chẳng đặng đừng. Quốc hội Mỹ và người dân không ủng hộ sự tham dự của Mỹ vào Thế Chiến II cho đến khi Nhật tấn công Pearl Habour tháng 12 năm 1941. Nếu cần đánh nhau, thì đành chịu, nhưng sau đó phải nỗ lực xây dựng hòa bình và tái thiết quốc gia. Nội chiến Hoa Kỳ, kéo dài 4 năm, nói lên được tâm thức này của người Mỹ. Trong tâm thức người Mỹ không có sự trả thù. Trừng phạt thì có, để học bài học, nhưng không trả thù, ngoại trừ các hành động đơn lẽ cá nhân của quân lính. Cách họ đối xử với nước Nhật và Đức sau Thế Chiến II nói lên chính sách này.

 

Một trong những nguyên do chính mà Tổng thống Harry Truman quyết định thả hai quả bom nguyên tử lên Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8 năm 1945 là vì muốn chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt. Mỹ và đồng minh đã đánh bại Ý và Đức vào cuối tháng 4 năm 1945, tiến chiếm Đức đầu tháng 5. Nhưng hơn 3 tháng sau vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ tiến chiếm Nhật dễ dàng, bởi họ không chịu đầu hàng mà còn quyết chiến đến cùng. Ước đoán lúc đó quân đội đồng minh phải trả giá rất đắc, có thể lên đến 500,000 quân, hoặc con số ít nhất cũng phải là 50,000 người. Giáo sư Tom Nichols, một chuyên gia trong lĩnh vực này, đã phân tích đề tài này. Nichols nhận định cho đến nay nhiều người Mỹ vẫn lên án quyết định của Truman là dã man, phân biệt chủng tộc, và không cần thiết. Theo Nichols thì đứng trước quyết định khó khăn này, Truman phải chọn chấm dứt chiến tranh và mạng sống quân đội đồng minh, nhất là người Mỹ.

 

Sau Thế Chiến II, Mỹ đã giúp cho Âu châu, phần lớn là Tây Âu, tái thiết, và đã rất thành công qua Marshall Plan. Mỹ cũng thành công trong việc tái thiết Nhật Bản, và Nam Hàn (chiến tranh Triều Tiên chỉ kéo dài 3 năm), và gần đây là chiến tranh Bosnia (1992-1995) và Kosovo (1998-1999), mà Mỹ cùng khối NATO thực hiện.

 

Nói chung ở nơi nào chiến tranh kéo dài, day dưa mãi, thì người Mỹ không đủ kiên trì hay cam kết. Mà tại sao họ phải cam kết chứ! Họ không thể tiếp tục hy sinh mà không biết cho đến khi nào mới có điểm dừng. Nhưng khi chiến tranh chấm dứt, không còn đánh nhau nữa, và chỉ tập trung vào nỗ lực xây dựng, thì lịch sử cho thấy không có nước nào sẵn sàng và thành công như Mỹ. Cho nên, giả sử nếu miền Bắc Việt Nam bỏ đi tham vọng nhuộm đỏ miền Nam, bỏ tham vọng làm con cờ bành trướng chủ nghĩa cộng sản cho Liên Sô, mà chủ trương thật sự hòa đàm và cùng với miền Nam xây dựng hòa bình và tái thiết quốc gia, thì Mỹ đã đóng một vai trò quyết định và quan trọng. Việt Nam cũng đã trở thành một quốc gia khác hẳn với hiện nay. Nhưng với bản chất hống hách kiêu căng và mục đích nhuộm đỏ của cộng sản, rất ảo tưởng chủ nghĩa thời đó, làm sao điều này có thể xảy ra!

 

Tóm lại, tốn kém không phải là vấn đề đối với Mỹ. Sức mạnh của đối thủ cũng không phải là vấn đề so với sức mạnh quân sự, chính trị hay kinh tế của Mỹ. Nhưng tính cách kéo dài, day dưa, hao tổn nhân mạng, là yếu tố mà người Mỹ không chấp nhận được.

 

 

Vấn nạn tham nhũng

 

Ngoài yếu tố thời gian, tham nhũng là nguyên do của mọi sự thất bại. Tại Afghanistan hay bất cứ nơi nào liên quan đến kiến thiết quốc gia.

 

Anders Fogh Rasmussen, Tổng Thư ký NATO 2009 – 2014, và là cựu Thủ tướng Đan Mạch 2001 – 2009, cũng có nhận định đáng suy ngẫm trên tạp chí Foreign Affairs. Ông biện luận:

 

“Các cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq đã làm rõ rằng các nền dân chủ hùng mạnh không thể xây dựng nền dân chủ ở những nơi khác bằng lực lượng quân sự. Người dân trong nước cuối cùng cũng mệt mỏi vì các cuộc chiến tranh kéo dài. Dòng viện trợ và nguồn lực từ các lực lượng quốc tế cũng tạo ra sự phụ thuộc giữa chính phủ và người dân trong các khu vực hậu chiến tranh, nơi nuôi dưỡng kế hoạch hóa tập trung và cơ chế quan liêu. Việc thiếu một xã hội dân sự mạnh khiến các quan chức chính phủ rất dễ tham nhũng và hành vi theo chủ nghĩa khách hàng thay vì ủng hộ các quyền tự do dân sự và tinh thần kinh doanh.”

 

Phó giáo sư Rachel Tecott thuộc Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, trong bài viết vào ngày 26 tháng 8 trên tạp chí Foreign Affairs, cho rằng muốn xây dựng một lực lượng quân sự hiệu quả thì phải ngăn ngừa được nạn tham nhũng. Bởi vì khi những người lính nhìn thấy chỉ huy của mình tham nhũng thì họ không mấy quan tâm đến việc hy sinh nào dưới sự lãnh đạo đó nữa.

 

Sự bỏ chạy của cựu Tổng thống Ashraf Ghani, với tin đồn là trên máy bay đầy tiền mặt, cùng với sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền và quân đội Afghanistan dù chưa đánh nhau với lực lượng Taliban, cho thấy rõ vấn đề này.

 

Sarah Chayes, từng là Trợ lý Đặc biệt cho hai lãnh đạo cao cấp của các lực lượng quân sự quốc tế ở Afghanistan, và cho Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, trong bài viết trên tạp chí Foreign Affairs ngày 3 tháng 9, phân tích sâu sắc về nạn tham nhũng. Chayes biện luận rằng, tham nhũng không chỉ mang tính hệ thống tại Afghanistan, mà “Tham nhũng tại Afghanistan là được làm tại Hoa Kỳ”. Chayes cho rằng Hoa Kỳ biết nạn tham nhũng, nhưng vẫn để nó xảy ra, đã đồng lõa, nên làm tê liệt nhà nước Afghanistan và khiến người dân nước này chán ghét.

 

Chayes cho biết hai nghiên cứu vào năm 2010 ước đoán khoảng 2 đến 5 tỷ đô la hối lộ tại Afghanistan, gần 13% GDP, để cấp dưới được sự bảo trợ của cấp trên. Giới chức Mỹ từ Bộ Ngoại giao và giới tình báo đều biết, nhưng quan niệm rằng tham nhũng là một phần của văn hóa Afghanistan: tham nhũng hạng bé thì quá phổ biến, trong khi tham nhũng hạng cao thì mang tính chính trị quá nên khó đối đầu.

 

Chayes khẳng định nó không chỉ là một thất bại trong hoạch định chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, mà nó còn là một tấm gương, phản chiếu lại một phiên bản của thể loại tham nhũng từ lâu đã phá hoại nền dân chủ Hoa Kỳ.

 

Trong một bài viết khác, Chayes chia sẻ thêm rằng thật ra người Afghanistan không phải từ chối hẳn Mỹ, mà ‘họ nhìn chúng tôi như những gương mẫu về dân chủ và pháp quyền’. Chayes nhận định:

 

“Họ nghĩ rằng đó là những gì chúng tôi đại diện cho. Và chúng tôi đã đại diện cho điều gì? Điều gì đã phát triển trong khi chúng tôi ở đó? Chủ nghĩa thân hữu; tham nhũng tràn lan; một kế hoạch Ponzi ngụy trang như một hệ thống ngân hàng, được thiết kế bởi các chuyên gia tài chính Hoa Kỳ trong chính những năm mà các chuyên gia tài chính Hoa Kỳ khác đang ấp ủ sự sụp đổ lớn của năm 2008. Điều phát triển mạnh mẽ là một hệ thống chính phủ, trong đó các tỷ phú có thể viết ra các quy tắc.

 

Đó có phải là nền dân chủ Mỹ không? Chà… có phải không vậy?”

 

Từ các vấn đề liên quan đến chiến tranh và bài học lịch sử này, tôi nghĩ rằng chính sách tham chiến của Mỹ chắc sẽ phải thay đổi sâu sắc trong thời gian tới. Chiến tranh miên viễn là điều khó xảy ra lần nữa, trong tâm thức lãnh đạo Hoa Kỳ, điển hình qua Tổng thống Joe Biden. Nếu có chiến tranh nữa xảy ra, ba yếu tố mang tính quyết định: đó là thời gian để đạt mục tiêu chiến tranh là bao lâu, phí tổn bao gồm cả nhân - tài - vật lực là gì, và định nghĩa thế nào là thành công thời hậu chiến. Mỹ sẽ phải nghiên cứu rất kỹ các yếu tố lịch sử, xã hội và văn hóa chính trị của một nước nào đó trước khi tham chiến, thay vì chủ yếu trên mặt trận quân sự trong một số cuộc chiến trước đây. Một nước mà vấn nạn tham quyền cố vị, mà văn hóa tham nhũng ăn sâu vào mọi giao tiếp giữa con người với nhau, từ tài chánh đến tinh thần, thì rất khó để thay đổi. Vì vậy mà công dân Mỹ có quyền yêu cầu chính quyền mình giải trình chiến lược này, và những người lãnh đạo đều phải có trách nhiệm giải trình. Chỉ như thế thì mới giảm thiểu được chiến tranh, tránh chiến tranh miên viễn, để sau cùng chiến tranh chỉ là giải pháp hầu mang lại hòa bình và trật tự mới.




No comments:

Post a Comment

View My Stats