Friday, 10 September 2021

HẢI CẢNH TRUNG QUỐC HỘI QUÂN Ở TRƯỜNG SA (Đặng Sơn Duân)

 


Hải cảnh Trung Quốc hội quân ở Trường Sa   

Đặng Sơn Duân

10/09/2021

https://duandang.substack.com/p/109-hai-canh-trung-quoc-hoi-quan?fbclid=IwAR21gPbEvT5eIf9NbrQHSgX4tymuJaowfVhYNYRWrJWGIglFQ-LYjgAQSEI

 

Trung Quốc dường như đang tập hợp lực lượng hải cảnh ở quần đảo Trường Sa để chuẩn bị cho một cuộc đối đầu hoặc một chiến dịch nào đó ở phía nam Biển Đông.


I. Biển Đông, chuyển động quân sự

 

1. Chuyển động của tàu hải cảnh Trung Quốc

 

Ngày 9 và ngày 10.9 ghi nhận một số chuyển động của tàu hải cảnh Trung Quốc mà theo tôi là khá bất thường ở khu vực phía nam Biển Đông.

 

Cụ thể:

·         Hai tàu hải cảnh 5303 và 5203 di chuyển vào vùng biển Việt Nam phía đông nam Cam Ranh từ tối ngày 8.9 và hiện tại di chuyển xuống phía nam.

·         Một nhóm 5 tàu hải cảnh gồm 4201, 2305, 5302, 3304, 6307 từ phía bắc hướng xuống khu vực Đá Xu Bi.

·         Tàu 3302 từ khu vực bãi cạn Scarborough di chuyển sang khu vực Đá Vành Khăn.

 

Không loại trừ khả năng hai tàu 5303 và 5203 bám theo nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson đi qua khu vực trong đêm 8.9 và những chuyển động khác là nhằm tránh bão số 5 (Conson) quét qua khu vực.

 

Tuy nhiên, vẫn có một số dấu hiệu gợi ý về những khả năng khác. Chẳng hạn, về khả năng, hai tàu 5303 và 5203 bám theo tàu sân bay Mỹ thì tàu Mỹ đã đi qua khu vực xuống phía tây nam Biển Đông ngày 9.9 nhưng đến nay hai tàu hải cảnh vẫn lượn lờ trong vùng biển Việt Nam.

 

Trong nhóm 5 tàu xuống gần Xu Bi, chỉ có tàu 4201 từ Hoàng Sa xuống trong khi 2305, 5302 và 6307 xuống thẳng từ Tam Á, còn 3304 xuống thẳng từ Trạm Giang. Nếu tránh bão thì chúng sẽ không di chuyển như thế.

 

https://cdn.substack.com/image/fetch/w_1456,c_limit,f_auto,q_auto:good,fl_progressive:steep/https%3A%2F%2Fbucketeer-e05bbc84-baa3-437e-9518-adb32be77984.s3.amazonaws.com%2Fpublic%2Fimages%2Fb6b09a0d-ac0a-4b3e-a289-ba6bd57a93a6_1000x707.jpeg

Vị trí tàu hải cảnh Trung Quốc ở phía nam Biển Đông ngày 10.9

 

Một dấu hiệu khác khiến tôi nghi ngờ về khả năng Trung Quốc đang tập hợp lực lượng hải cảnh ở Trường Sa phục vụ cho một mục đích nào đó là sự xuất hiện của các tàu 2305, 6307, 3304  3302.

 

Theo bố trí của Trung Quốc, những tàu có số hiệu bắt đầu bằng 5 (5xxx) phụ trách khu vực quần đảo Trường Sa, thường duy trì sự hiện diện tại đây. Tàu 4xxx phụ trách quần đảo Hoàng Sa, tàu 3xxx phụ trách khu vực bãi cạn Scarborough như một phần của cái gọi là Trung Sa. Đây là những tàu thuộc Phân cục Nam Hải.

 

Còn tàu 2xxx thuộc Phân cục Đông Hải đóng ở Ninh Ba. Tàu 6xxx thuộc Phân cục Bắc Hải đóng ở Thanh Đảo.

 

Nếu tàu 2xxx và 6xxx xuất hiện ở Trường Sa, nhiều khả năng đó là sự điều động chuyển vùng bất thường nhằm phục vụ một chiến dịch nào đó.

 

Top of Form

 

Bottom of Form

Trong nội bộ Phân cục Nam Hải, tàu 4xxx chỉ xuống phía nam khi được tăng cường. Chẳng hạn tàu 4303 được tăng cường để hộ tống tàu Hải Dương Địa Chất 10 hoạt động trong vùng biển Indonesia. Việc tàu 3xxx được điều từ bãi cạn Scarborough qua Trường Sa cũng là dấu hiệu bất thường.

 

Tất nhiên đó chỉ mới là những dấu hiệu cần theo dõi thêm trong những ngày tới. Có một khả năng là Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu dài hơi với Indonesia liên quan đến hoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất 10, hoặc tính toán điều gì đó trong vùng biển Việt Nam.

 


2. Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động trong Đường lưỡi bò

 

Một sự tổng kết hoạt động của tàu hải cảnh, tàu khảo sát/nghiên cứu của Trung Quốc trong thời gian gần đây cho thấy chúng được triển khai đến hoạt động ở những khu vực ranh giới của cái gọi là “đường lưỡi bò” như một tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ không từ bỏ yêu sách phi pháp này mà ngược lại còn ra sức đẩy mạnh nó.

 

https://cdn.substack.com/image/fetch/w_1456,c_limit,f_auto,q_auto:good,fl_progressive:steep/https%3A%2F%2Fbucketeer-e05bbc84-baa3-437e-9518-adb32be77984.s3.amazonaws.com%2Fpublic%2Fimages%2Fa5720c81-dbff-4d44-ab1b-2bc495e3319b_1000x707.jpeg

 

Chẳng hạn, tàu Hải Dương Địa Chất 10 được triển khai hoạt động trong vùng biển và thềm lục địa của Indonesia. Những chuyển động của tàu này cho thấy đây là một chiến dịch được thiết kế để gây sức ép với Jakarta.

 

Cụ thể, cho đến nay nó chỉ hoạt động trong vùng biển Indonesia và chủ động né vùng biển Việt Nam và Malaysia. Chuyển động của nó cũng nằm trong khu vực mà Trung Quốc xác định là khu vực “đường lưỡi bò”.

 

Nó không phải là hoạt động nghiên cứu khoa học, bởi nghiên cứu khoa học thì sẽ không bị ràng buộc bởi ranh giới biển như chuyển động của tàu này cho thấy.

 

Ở phía tây Biển Đông, cuối tháng 8, tàu Hải Dương Địa Chất 8 chỉ thực hiện một đường khảo sát xuống vùng đặc quyền kinh tế Philippines ở gần đảo Palawan, tiến tới gần một “đoạn” trong cái gọi là “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò”. Nhiều khả năng đó chỉ mới là một tín hiệu cảnh báo Philippines trước kế hoạch xúc tiến thăm dò dầu khí ở khu vực Bãi Cỏ Rong.

 

Trong khi đó, tàu Hướng Dương Hồng 10 thì hết hoạt động ở vùng biển Malaysia và Brunei lại chuyển sang vùng biển Việt Nam.

 


3. Trung Quốc tập trận đổ bộ chiếm đảo

Trung Quốc công bố hình ảnh cuộc tập trận đổ bộ chiếm đảo từ tàu đổ bộ tấn công Ngũ Chỉ Sơn được cho là diễn ra rạng sáng 8.9. Hình ảnh cho thấy cuộc tập trận nhiều khả năng diễn ra ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.

 

Cuộc tập trận được công bố sau khi tàu khu trục USS Benfold của Mỹ tiến hành chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở Đá Vành Khăn.

 

Nó cũng được tiết lộ ngay trước khi Ngoại trưởng Vương Nghị công du ba nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

 


4. Tàu sân bay Mỹ

 

Ngày 9.9, Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đã di chuyển xuống khu vực tây nam Biển Đông, theo ghi nhận của ảnh vệ tinh.

 

Vị trí này gần đảo Natuna của Indonesia và khu vực hoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất 10.

 

https://cdn.substack.com/image/fetch/w_1456,c_limit,f_auto,q_auto:good,fl_progressive:steep/https%3A%2F%2Fbucketeer-e05bbc84-baa3-437e-9518-adb32be77984.s3.amazonaws.com%2Fpublic%2Fimages%2Fac469f34-3aaa-450e-8332-3d8578a3a496_1000x454.jpeg

 

Hải quân Mỹ cũng thông báo một diễn biến đáng chú ý là tàu tác chiến cận bờ USS Tulsa gia nhập nhóm tác chiến của tàu USS Carl Vinson. Đây là lần đầu tiên một tàu tác chiến cận bờ hoạt động như một phần của nhóm tác chiến tàu sân bay trong khu vực phụ trách của Hạm đội 7.

 

Tuy nhiên, theo ghi nhận của tôi, tàu USS Tulsa đã rời Biển Đông thông qua eo Balabac vào hôm qua.

 

https://cdn.substack.com/image/fetch/w_1456,c_limit,f_auto,q_auto:good,fl_progressive:steep/https%3A%2F%2Fbucketeer-e05bbc84-baa3-437e-9518-adb32be77984.s3.amazonaws.com%2Fpublic%2Fimages%2Fd6756410-26ca-4184-9321-446a321311c9_1000x707.jpeg

 

Hải quân Mỹ cũng công bố hình ảnh cho thấy chiến đấu cơ F-35C cất cánh từ tàu sân bay. Đây cũng là lần đầu tiên chiến đấu cơ F-35C cất cánh từ tàu sân bay ở Biển Đông.


 

II. Mỹ - Trung

 

Sáng 10.9, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc điện đàm kéo dài 90 phút.

 

Đây là cuộc điện đàm thứ ha giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức. Theo các quan chức Mỹ, cuộc điện đàm này do phía Mỹ đề xuất. Nó diễn ra sau khi những cuộc tiếp xúc giữa hai phía ở Alaska, Thiên Tân và các cuộc đối thoại về biến đổi khí hậu không mang lại kết quả.

 

Theo Reuters:

Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói với các phóng viên trước cuộc gọi rằng Washington đã rất thất vọng khi các quan chức Trung Quốc dường như chỉ sẵn sàng đọc các ý kiến trong các cuộc đàm phán cấp cao gần đây và phía Mỹ coi cuộc gọi giữa các nhà lãnh đạo như một phép thử về việc sự tiếp xúc trực tiếp với ông Tập có thể chấm dứt những gì đã trở thành bế tắc trong quan hệ hay không.

 

Nhà Trắng chỉ đưa ra một thông báo ngắn về cuộc điện đàm:

 

Cuộc thảo luận này, như Tổng thống Biden đã nói rõ, là một phần trong nỗ lực không ngừng của Hoa Kỳ nhằm quản lý có trách nhiệm sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và CHND Trung Hoa. Tổng thống Biden nhấn mạnh mối quan tâm lâu dài của Hoa Kỳ đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới và hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về trách nhiệm của cả hai quốc gia trong việc đảm bảo cạnh tranh không trở thành xung đột.

 

Top of Form

 

Bottom of Form

Trong khi đó, Tân Hoa xã tường thuật chi tiết những phát biểu của ông Tập:

 

Ông Tập Cận Bình chỉ ra rằng chính sách Trung Quốc mà Hoa Kỳ áp dụng trong một thời gian đã gây ra những khó khăn nghiêm trọng trong quan hệ Trung-Mỹ, điều này không nằm trong lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước và lợi ích chung của tất cả các nước trên thế giới.

 

Trung Quốc và Hoa Kỳ lần lượt là nước đang phát triển lớn nhất và nước phát triển lớn nhất. Việc Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể xử lý tốt các mối quan hệ của họ hay không sẽ ảnh hưởng đến tương lai và vận mệnh của thế giới. Đó là câu hỏi thế kỷ mà hai nước phải trả lời.

 

Hợp tác Trung-Mỹ sẽ mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia và thế giới; đối đầu Trung-Mỹ sẽ mang lại thảm họa cho cả hai quốc gia và thế giới. Quan hệ Trung - Mỹ không phải là một câu hỏi lựa chọn rằng liệu nó có cần được thực hiện tốt hay không, mà là một câu hỏi bắt buộc rằng làm thế nào để thực hiện tốt.

 

Theo tường thuật của Bloomberg:

 

Trung Quốc cho biết hai bên nhất trí liên lạc thường xuyên giữa các nguyên thủ quốc gia là điều quan trọng để thúc đẩy quan hệ, trong khi các quan chức Mỹ không cam kết sẽ tiến hành cuộc trao đổi trong tương lai.

 

Mục tiêu của Biden là xem liệu tiếp xúc cá nhân với ông Tập có thể đưa mối quan hệ đi theo hướng nghiêm túc hơn và giúp thúc đẩy các vấn đề mà cả hai bên có thể hợp tác hay không, quan chức này cho biết. Giọng điệu giữa hai nhà lãnh đạo rất quen thuộc và thẳng thắn, và ông Biden đã có cơ hội để giải thích ý định đằng sau các hành động của Hoa Kỳ mà đôi khi bị Bắc Kinh hiểu sai là một phương tiện để làm suy yếu Trung Quốc, vị quan chức Mỹ cho biết sau cuộc điện đàm.

 

Duân


Đây là bản tin mở được gửi đến tất cả những người đã đăng ký nhận bản tin miễn phí! Các bạn có thể đăng ký nhận bản tin có trả một khoản phí nhỏ để nhận được nhiều hơn nữa những bản tin như thế này, bao gồm những tin tức độc quyền và những bài bình luận về các diễn biến ở Biển Đông và khu vực. Sự ủng hộ của các bạn sẽ giúp bản tin được duy trì thường xuyên và lâu dài hơn. Xin trân trọng cảm ơn!





No comments:

Post a Comment

View My Stats