CHĂM SÓC THAY
THẾ CHO TRẺ MẤT CHA MẸ
https://www.facebook.com/huylt88/posts/10158487714652616
Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền Trẻ Em nhấn mạnh,
rằng mỗi trẻ em có quyền lớn lên trong môi trường gia đình, và Hướng dẫn về
Chăm sóc Thay thế (khi trẻ mất đi chăm sóc từ cha mẹ) cũng nhấn mạnh rằng các
thiết chế chăm sóc (trung tâm trẻ mồ côi, trường trẻ mồ côi…) chỉ nên là “lựa
chọn cuối cùng”, “mang tính tạm thời” và “trong thời gian ngắn nhất có thể.” [1]
Kể cả khi trẻ được chuyển qua các thiết chế
chăm sóc thay thế, thì về nguyên tắc phải “xét từng trường hợp”, “giữ cho trẻ
càng gần càng tốt môi trường sống quen thuộc với trẻ”, nhất là những họ hàng gần
(ông bà, cô dì chú bác), và giảm thiểu tối đa sự đứt quãng trong đời sống học tập,
văn hóa, giáo dục của trẻ. Ông bà ta có câu “sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú vú dì”
chính là minh triết dân gian của nguyên tắc trẻ cần lớn lên trong môi trường
gia đình.
Andrea Freidus, nhà nghiên cứu nhân học, tiến
hành nghiên cứu quy mô lớn về trẻ mồ côi và trại trẻ mồ côi ở vùng Nam Phi, cho
thấy hệ thống họ hàng và mạng lưới xã hội xung quanh trẻ mồ côi là “rất bền bỉ,
mạnh mẽ” hơn so với các thiết chế chăm sóc thay thế. Bà nhận định rằng “trẻ mồ
côi không phải là hoàn toàn bị bỏ rơi như cách mà phương Tây nghĩ. Nếu có một mạng
lưới gia đình mà trẻ em mong muốn tới, thì không nên đưa trẻ vào các thiết chế
chăm sóc. Ở Mỹ, Châu Âu đều không còn trường mồ côi nữa, vì chúng ta đều biết
nó không tốt cho trẻ.”
Thật vậy, ở Mỹ thì “trại trẻ mồ côi/trại tế bần”
chỉ còn trong phim ảnh. Mô hình hiện đại chính là “chăm sóc tại cộng đồng” nơi
mà họ hàng, cộng đồng thay thế tạm thời trong lúc tìm cho trẻ gia đình mới. Các
chương trình này đều do nhà nước tài trợ, để tránh sự thúc đẩy lợi ích kinh tế,
tôn giáo, chính trị khi tư nhân trực tiếp quản lý.
Các trường trẻ mồ côi tư nhân đã dần lui vào lịch
sử. Hiện nay mô hình chăm sóc thay thế phổ biến cho trẻ mồ côi như “chăm sóc tại
cộng đồng” (foster care). Về lý thuyết trẻ mất cha mẹ vẫn đang còn một hệ thống
trợ giúp xã hội mà cha mẹ các em để lại: họ hàng, bạn bè của cha mẹ trẻ, nhà cửa,
làng xóm, trường học… nên vì lợi ích tốt nhất cho trẻ thì không nên bứng trẻ ra
khỏi hoàn toàn môi trường ấy, dù nó đã bất lợi hơn so với khi trẻ còn cha mẹ.
Trong thời gian này, trẻ có những mối quan hệ, tương tác với môi trường xung
quanh như mọi đứa trẻ khác.
Nói thêm về trường trẻ mồ côi, ngành công tác
xã hội đã chỉ ra nhiều bất cập của mô hình này, khi không đặt lợi ích của trẻ
làm trung tâm, cũng như phản đối cái mà họ gọi là “du lịch trại trẻ mồ côi”
(orphanage tourism) như việc có những chuyến viếng thăm định kỳ, ép buộc trẻ phải
tương tác với khách thăm, thậm chí phải trình diễn các tiết mục văn nghệ.
Nghiên cứu UNICEF tại Nga năm 2006 cũng cho thấy trẻ em trong các thiết chế
thay thế có tuổi trưởng thành khó khăn, bất lợi hơn nhiều lần so với trẻ lớn
lên trong môi trường gia đình: 1 trong 3 trẻ trở thành người vô gia cư sau khi
rời trường, 1 trong 5 trẻ vi phạm tội hình sự, 1 trong 10 trẻ từng tự tử. [2]
Thông điệp rút ra ở đây là: môi trường gia
đình, tại cộng đồng chính là môi trường tốt nhất để trẻ tiếp tục cuộc sống của
mình sau mất mát cha mẹ. Và nếu muốn giúp trẻ, hãy giúp cho gia đình, họ hàng,
nơi trẻ sinh sống. Các nguồn lực cộng đồng, tư nhân nên phối hợp cùng nhà nước,
các tổ chức/nhân viên công tác xã hội để kết nối các nguồn hỗ trợ lại với nhau,
lấy từng trẻ làm trung tâm của chăm sóc. Trẻ mồ côi không cần “cuộc sống mới”
mà cần tiếp tục được sống trong gia đình, cộng đồng của mình sau những mất mát.
[1]: https://digitallibrary.un.org/record/673583/?ln=en
No comments:
Post a Comment