Vụ
quân nhân tử vong: Mô típ hành xử quen thuộc của chính quyền với những cái chết
bất minh
YÊN KHẮC CHÍNH - LUẬT
KHOA
01/07/2021
Ngày nào còn độc quyền
chân lý, ngày đó công lý còn bị bắt nạt
Tang lễ của quân
nhân Trần Đức Đô. Ảnh: Đ.X/ Zing News
Cái chết của quân nhân Trần Đức Đô, sinh năm
2002, đang làm dậy sóng mạng xã hội.
Báo Chính phủ dẫn thông tin từ Phòng Thông tấn Quân sự, Cục Tuyên huấn,
Bộ Quốc phòng mô tả sự việc là một vụ tự tử. [1] Theo đó, Trần Đức Đô bị phát
hiện treo cổ chết vào chiều ngày 28/6/2021 khi đang tham gia buổi huấn luyện
quân sự ngoài trời.
Vụ việc, như tường thuật, xảy ra vào chiều
ngày 28, nhưng phải hai ngày sau, vào chiều 30/6/2021, thông tin mới đồng loạt
được báo chí nhà nước đăng tải.
Lý do cho sự chậm trễ, hay chính xác hơn là việc
cuối cùng truyền thông nhà nước cũng phải lên tiếng, là vì gia đình nạn nhân đã
quay phim, chụp ảnh, đăng lên mạng xã hội để nêu nghi vấn về cái chết của người
thân. Dựa vào các dấu hiệu chấn thương bất thường trên cơ thể của Đô, người
nhà tin rằng đây là một vụ giết hại. [2] Các bài viết được lan
truyền nhanh chóng khiến dư luận sục sôi.
Đáp lại sự giận dữ của dư luận, chiều 30/6,
trang Facebook Thông tin Chính phủ mới đề cập sự việc, với nội dung lấy từ bài viết trên Báo Chính
phủ ở trên. [3] Bài viết chỉ tường thuật sự việc từ phía quân đội, không nói gì
đến những nghi vấn, bức xúc của người nhà nạn nhân, nhưng lại kết thúc bằng việc
khẳng định “cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ
việc”.
Tuy đang điều tra, nhiều tờ báo lớn dường như
đã sớm có kết luận. Báo Thanh Niên giật tít “Các vết thương trên người quân nhân Trần Đức Đô ‘không có tác động
ngoại lực’”, dẫn lời của Đại tá Nguyễn Xuân Thìn, Trưởng phòng Tuyên huấn
Quân khu 1. [4] Ông Thìn “khẳng định không có chuyện quân nhân Trần Đức Đô bị
đánh”.
Báo Vietnamnet cũng dẫn lời Trung tướng Dương Đình Thông, Bí thư Đảng ủy,
Chính ủy Quân khu 1, Bộ Quốc phòng, khẳng định “theo đánh giá ban đầu không có
việc đánh nhau dẫn đến tử vong”. [5]
Báo Dân Trí trong khi đó đăng bài “Xử lý thông tin xấu độc quy chụp vụ quân nhân Trần Đức Đô tử
vong”. [6] Bài báo dẫn lời của Đại tá Thìn cho biết “các thế lực thù địch
đang lợi dụng vụ việc” để dựng “các trang tin giả”, “thông tin xấu độc”.
Một số ít tờ báo như báo điện tử VTC tường thuật tương đối đầy đủ lời của
gia đình nạn nhân, đặt ra rất nhiều dấu hỏi về vụ việc. [7] Theo đó, cha của nạn
nhân cho biết từ lúc 17h ngày 28/6, gia đình liên tiếp nhận được các thông tin
trái ngược nhau từ phía quân đội: ban đầu là thông báo nạn nhân đột quỵ tại
thao trường, 10 phút sau cho biết đang cấp cứu tại bệnh viện, cuối cùng báo là
nạn nhân thắt cổ tự tử.
Đáng lưu ý, theo tin của Bộ Quốc phòng do các
tờ báo dẫn lại, Trần Đức Đô được phát hiện treo cổ tự tử vào lúc 14h30, sau đó
được đưa đi cấp cứu. Đến 15h30 ngày 28/6, Bệnh viện Gang thép, TP. Thái Nguyên
thông báo nạn nhân đã thiệt mạng.
Vào 17h cùng ngày, gia đình mới được phía quân
đội liên hệ, với các thông tin mâu thuẫn như trên.
Cái chết bất ngờ của quân nhân trẻ tuổi Trần Đức
Đô khiến dư luận bức xúc không chỉ vì hàng loạt câu hỏi từ phía gia đình nạn
nhân chưa được giải đáp.
Nó còn đến từ những thông tin trên mạng xã hội
về việc chính quyền tiến hành phong tỏa khu vực gia đình nạn nhân sinh sống, hạn
chế truy cập Internet, thậm chí cắt điện tại khu vực. Nhiều người chia sẻ hình ảnh
gia đình nạn nhân mua tủ đông để bảo quản thi thể, nhằm lưu giữ bằng chứng cho
đến khi họ nhận được câu trả lời thỏa đáng từ chính quyền.
Những thông tin này đến thời điểm hiện tại
chưa thể được kiểm chứng, khi chính quyền và hệ thống báo chí quốc doanh đều
không lên tiếng đề cập gì đến nó.
Và đây mới là gốc rễ của mọi vấn đề.
Khi nhà nước nắm giữ độc quyền thông tin, tự
cho mình quyền quyết định người dân biết gì và không được biết gì, họ đang nắm
độc quyền chân lý.
Một khi chân lý bị độc chiếm – chỉ có những gì
một nhóm người nói ra mới được tính là sự thật, mọi thứ khác đều là giả dối –
thì công lý luôn bị bắt nạt và trở nên què quặt.
***
Nhiều người liên hệ vụ việc này với văn hóa bắt
nạt (bullying culture) rất phổ biến trong quân đội.
Đó là sự liên hệ hợp lý. Môi trường quân đội từ
lâu đã có tai tiếng với vấn nạn bạo lực, đặc biệt kiểu “ma cũ bắt nạt ma mới”.
Đây là vấn đề xuất hiện ở mọi quốc gia, kể cả các nước phát triển như Mỹ, [8] Anh, [9] Đức [10] hay Hàn Quốc.
[11] Ngoài xâm hại bạo lực, các vụ xâm hại tình dục trong quân đội cũng là vấn đề phổ biến.
[12]
Tuy vậy, điểm khác biệt chính yếu là tại các
quốc gia trên, những vấn đề này đều được báo chí khai thác mổ xẻ, các chuyên
gia độc lập tập trung nghiên cứu, các tổ chức dân sự theo dõi chặt chẽ, và từ
đó gây áp lực buộc chính quyền phải hành động để thay đổi.
Dù điều này không đảm bảo công lý đến với mọi
trường hợp nạn nhân bị xâm hại, nhưng thể chế này đảm bảo chính quyền và quân đội
không đứng trên luật pháp.
Vào năm 2014, Tham mưu trưởng Quân đội Hàn Quốc
đã phải
từ chức sau khi báo chí thông tin về hàng loạt trường hợp xâm hại bạo
hành trong quân đội. [13] Tháng 6/2021, sau sự việc một nữ quân nhân lực lượng
không quân tự sát vì bị đồng nghiệp xâm hại tình dục, chỉ huy trưởng lực lượng
không quân của nước này cũng đã xin từ chức. [14] Năm 2017, Bộ trưởng Quốc phòng Anh phải nộp đơn từ chức sau khi báo chí phanh phui các hành vi
quấy rối tình dục của ông đối với phụ nữ. [15]
Tại Việt Nam, chưa có quan chức chính quyền
hay lãnh đạo quân đội nào thừa nhận sự tồn tại của văn hóa bắt nạt và xâm hại
trong quân đội. Không thừa nhận, dĩ nhiên cũng không bàn đến cách giải quyết.
Liên hệ vụ việc này với văn hóa bắt nạt trong
quân đội cũng không thể hiện được bức tranh toàn cảnh vấn đề của Việt Nam.
Cách thức chính quyền phản ứng với cái chết của
quân nhân Trần Đức Đô là một mô típ đã lặp đi lặp lại suốt nhiều năm qua với hàng loạt cái chết bất thường trong các trại tạm giam,
đồn công an. [16]
Đó là những cái chết mà nghi vấn của người
thân chưa bao giờ được giải thích thỏa đáng, còn chính quyền chỉ việc đưa ra những
lời giải thích khó tin, như “tự đâm kéo vào cổ”, hay thậm chí là “thắt cổ bằng dây thun quần”. [17]
Người ta cũng không thể không liên hệ với vụ
tấn công Đồng Tâm xảy ra vào đêm ngày 8, rạng sáng ngày 9/1/2020. [18]
Ngay sau sự việc, các phiên bản khác nhau và đầy mâu thuẫn của chính quyền được
tung ra. Cùng lúc đó, lực lượng dư luận viên hùng hậu được huy động để dập tắt
mọi chất vấn trong dư luận.
Tháng 9/2020, chính quyền đưa những người dân
Đồng Tâm ra xét
xử chóng vánh và khép lại vụ án, bất chấp hàng loạt nghi vấn vẫn không
được giải đáp. [19]
***
Nhiều người đặt niềm tin rằng khác với những vụ
việc trước, lần này nạn nhân và gia đình sẽ được trả lại công lý.
Đó là nội dung của nhiều bình luận để lại
trên bài viết được đăng ở trang Facebook Thông tin Chính phủ.
[20]
Kết quả điều tra như thế nào, dư luận sẽ cần
phải kiên nhẫn chờ đợi.
Nếu điều tra xác minh Trần Đức Đô bị đánh đập
và giết hại, và những kẻ thủ ác phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, đó có thể
xem là một niềm an ủi cho gia đình nạn nhân.
Tuy vậy, vẫn còn đó hàng trăm, hàng ngàn những
nạn nhân oan ức, không có nguồn lực lẫn ý chí để đấu tranh cho sự thật, không
được dư luận chú ý đến. Công lý đối với họ vẫn là một thứ xa xỉ.
Ngày nào chân lý còn nằm trong tay một nhóm
người, ngày đó bất kỳ người dân nào cũng có thể trở thành nạn nhân bị bắt nạt.
Luật Khoa hoan nghênh các quan điểm khác nhau. Mọi
bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
Chú thích
1. Thông tin bước đầu về vụ quân
nhân Trần Đức Đô, Trường Quân sự Quân khu 1 bị chết. (2021).
Baodientu.Chinhphu.Vn.
2. R. (2021, July 1). Quân nhân
tử vong khi làm nghĩa vụ, gia đình nghi ngờ người thân bị đánh đến chết.
Radio Free Asia.
3. Facebook Thông tin Chính phủ. (2021).
Facebook.
https://www.facebook.com/thongtinchinhphu/posts/4107720015971821
4. Cường, T. (2021, June 30). Các
vết thương trên người quân nhân Trần Đức Đô ‘không có tác động ngoại lực’.
Báo Thanh Niên.
5. News, V. N. N. (n.d.). Bộ Quốc
phòng thông tin vụ quân nhân Trần Đức Đô tử vong. VietNamNet.
6. Dân Trí. (2021, June 30). Xử
lý thông tin xấu độc quy chụp vụ quân nhân Trần Đức Đô tử vong. Báo điện tử
Dân Trí.
7. Dũng T. H. T.-. (2021, June
30). Nam quân nhân chết ở đơn vị: Trường quân sự Quân khu 1 báo cáo gì? Báo
điện tử VTC News.
https://vtc.vn/nam-quan-nhan-chet-o-don-vi-truong-quan-su-quan-khu-1-bao-cao-gi-ar621516.html
8. Schogol, A. (2018, February 9).
Military bullies beware — new policy means marks on records. Military
Times.
9. Rawlinson, K. (2019, July 16). MoD
promises changes after report into harassment in army. The Guardian.
10. Deutsche Welle (www.dw.com). (2004). When
Bullies Enter the Military. DW.COM.
https://www.dw.com/en/when-bullies-enter-the-military/a-1421418
11. Salmon, B. A. (2014, August
28). South Korea military under fire over abuse. BBC News.
https://www.bbc.com/news/world-asia-28933724
12. Godier-McBard, L., Fossey, M., &
Caddick, N. (2017, July 27). Why we need to talk about sexual violence
in the military. The Conversation.
https://theconversation.com/why-we-need-to-talk-about-sexual-violence-in-the-military-81289
13. Xem [11]
14. Al Jazeera. (2021, June 5). South
Korea air force chief quits over death, sex abuse case. Military News | Al
Jazeera.
https://www.aljazeera.com/news/2021/6/5/south-korea-air-force-chief-quits-over-death-sex-abuse-case
15. Jill Lawless, The Associated Press.
(2017, November 1). UK defense secretary resigns amid allegations about
behavior. Defense News.
16. R. (2020, October 11). 2018:
Có ít nhất 11 người chết trong đồn công an, quá nửa bị cho là tự tử. Radio
Free Asia.
17. Nguyên, C. (2017, June 15). Một
người tử vong do ‘thắt cổ bằng dây thun quần’. Báo Thanh Niên.
https://thanhnien.vn/thoi-su/mot-nguoi-tu-vong-do-that-co-bang-day-thun-quan-845661.html
18. Team, L. K. (2020, September
25). “Báo cáo Đồng Tâm”: Bạch hóa và lưu trữ. Luật Khoa Tạp
Chí.
https://www.luatkhoa.org/2020/09/bao-cao-dong-tam-bach-hoa-va-luu-tru/
19. Chính, Y. K. (2021, March 8). Tổng
hợp các thông tin cần biết về vụ án Đồng Tâm. Luật Khoa Tạp Chí.
https://www.luatkhoa.org/2021/03/tong-hop-cac-thong-tin-can-biet-ve-vu-an-dong-tam/
20. Xem [3]
No comments:
Post a Comment