Thursday, 1 July 2021

VÌ SAO DƯ LUẬN PHẪN NỘ VỀ CÁI CHẾT CỦA CHIẾN SĨ ĐÔ? (Chu Mộng Long)

 



 

NỘI DUNG :

 

VÌ SAO DƯ LUẬN PHẪN NỘ VỀ CÁI CHẾT CỦA CHIẾN SỸ ĐÔ?   

Chu Mộng Long

.

Anh trai tôi đã từng bị thủ trưởng đánh nhiều lần, không chịu được nên bỏ trốn

Đỗ Hoàng Diệu

.

Tôi đã từng bị đồng đội tra tấn gần chết

Tạ Duy Anh

 

=====================================================

 

 

VÌ SAO DƯ LUẬN PHẪN NỘ VỀ CÁI CHẾT CỦA CHIẾN SỸ ĐÔ?   

Chu Mộng Long

05:37  01/07/2021   

https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/4832491066765098

 

K. Marx trong lý thuyết về sự tha hoá (Theory of Alienation) có đặt vấn đề về “tâm lý ghẻ lạnh” (Entfremdung) và “sự phẫn nộ” (der zorn) của tầng lớp bị trị khi quyền lực áp đặt lên họ một thân phận nô lệ. Cái “tâm lý ghẻ lạnh” mà Marx nói dựa trên tinh thần phủ định biện chứng của Hegel, nói gọn là sự đánh mất nhân tính hay bản chất loài (Gattungswesen) với tư cách là một động vật có lý trí hay tính chủ thể người.

 

Sự trấn áp của quyền lực, sự tuyên truyền ru ngủ của tôn giáo đã biến con người thành một thứ công cụ, một thứ đồ vật bị sở hữu bởi những kẻ tự phong cho nó quyền hành hạ kẻ khác. Điều đáng sợ là kẻ bị hành hạ ấy không chỉ ghẻ lạnh với đồng loại bị hành hạ mà còn ghẻ lạnh cả với thân phận của mình. Marx tuyên bố, chỉ có thể cải thiện quan hệ người với người bằng sự phẫn nộ chính đáng của lý trí chứ không phải thực hiện một phép phủ định bằng cách quay về sự ru ngủ bởi những lời tuyên truyền dối trá mà Hegel chủ trương qua một kiểu nhà nước tôn giáo.

 

Rào trước là tôi không bình luận về cái chết của chiến sỹ Đô khi chưa có kết luận cuối cùng. Với tư cách là một cựu chiến binh, một phần máu thịt của Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi chỉ đề nghị điều tra khách quan, làm sáng tỏ sự thật, ngay cả trường hợp chiến sỹ Đô treo cổ tự sát. Tự sát cũng phải có lý do và người quản lý không phải không chịu trách nhiệm. Sinh mệnh con người là quý, ngay cả trong chiến tranh lẫn hoà bình. Sinh mệnh của người lính còn là sinh mệnh của quốc gia, dân tộc.

 

Không chỉ điều tra cái chết của chiến sỹ Đô mà còn phải điều tra những cái clip bạo lực trôi nổi trên mạng, rằng có bạo lực trong quân đội hay không và biện pháp xử lý thế nào để ngăn chặn bạo lực?

 

Trước một cái chết của người lính và những cách trả lời thiếu cẩn trọng, việc trấn áp hay hạ nhiệt sự phẫn nộ là bất khả!

 

Việc cho dư luận viên chụp mũ sự phẫn nộ chính đáng của người dân càng thể hiện một sự lạnh lùng phi nhân tính không thể dung thứ!

 

Phải đặt câu hỏi vì sao hàng triệu người lên tiếng phẫn nộ chứ không phải một số cá nhân thù địch lợi dụng tuyên truyền, chống phá chế độ. Tôi trả lời đơn giản vì lẽ này: nghĩa vụ quân sự là bắt buộc, ai cũng có con cháu tham gia nghĩa vụ quân sự, cho nên hàng triệu người đã xem chiến sỹ Đô và những nạn nhân bạo lực trong quân đội như là chính con em của mình. Không đau đớn, phẫn nộ không phải là người.

 

Lẽ ra, những người có trách nhiệm trong quân đội phải phát ngôn khách quan, cẩn trọng. Rằng “cái chết của chiến sỹ Đô là một sự mất mát lớn, không chỉ mất một sinh mạng mà còn dễ gây mất lòng tin của người dân đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng tôi sẽ điều tra khách quan và xử lý nghiêm minh, ngay cả khi đơn vị để cho chiến sỹ Đô tự sát”. Chưa điều tra khách quan mà đã phán như đúng rồi, chưa nói cách phát ngôn “định hướng” như vậy rất dễ làm cho điều tra bị méo mó lệch lạc, và đó mới là nguyên nhân làm cho dư luận đã phẫn nộ càng thêm phẫn nộ.

 

Tôi, một cựu quân nhân cộng sản, cũng không tránh khỏi phẫn nộ, kể cả bàng hoàng, vì trong thời gian tại ngũ chưa hề thấy có bạo lực nào diễn ra như các clip người ta đã quay và đưa lên mạng. Hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn luôn đẹp và đầy niềm tự hào trong tôi ngay cả sau 30 năm rời quân ngũ; nếu có chuyện bạo lực diễn ra như vậy thì cần phải nghiêm trị thì mới mong giữ được lòng tin của tôi và mọi người.

 

Trong trường hợp này, sự bàng quan, ghẻ lạnh mới là đáng sợ chứ không phải là sự phẫn nộ. Nếu một ngày kia, hàng triệu dân Việt mang tâm lý “chết ai mặc xác” thì đấy chính là sự tha hoá tột cùng của một dân tộc, tự nó biến thành một bầy đàn nô lệ, không tự chui vào cái gông do chính mình dựng nên thì cũng tự đeo ách nô lệ cho ngoại bang hành hạ. Marx nói, sự ghẻ lạnh là tình trạng thoát khỏi bản chất người, tức phi nhân tính, và vì vậy ghẻ lạnh là sự thiếu giá trị bản thân, sự thiếu vắng ý nghĩa trong cuộc sống của một người, hậu quả là bị ép buộc phải sống một cuộc sống không có cơ hội hoàn thiện bản thân, không có cơ hội trở thành hiện thực, trở thành chính bản thân mình.

 

Điều Marx nói có thể suy rộng ra, rằng dưới một áp lực của sự thống trị phi nhân tính sẽ làm cho cả một dân tộc trở thành phi nhân tính. Thảm hoạ này từng diễn ra trong lịch sử nhân loại.

 

Nếu muốn binh hùng nước mạnh, hãy xem sự phẫn nộ hiện tại của người dân là tác động tích cực, buộc các cấp quản lý trong quân đội nhìn lại chính mình và có những chấn chỉnh nghiêm túc. Mỗi người lính hiện đại là một chủ thể, không phải một bầy đàn công cụ. Tôi còn nhớ tướng Nguyễn Chơn, Tư lệnh quân khu 5, khi về nói chuyện với đơn vị của tôi, rằng, trong chiến tranh, vì nước buộc phải hy sinh, nhưng phải quý trọng từng giọt máu của người lính mới đúng nghĩa là yêu nước. Tôi nói thêm, người dân hiện nay có yêu nước mạnh mẽ thì mới phẫn nộ trước cái chết vô nghĩa của con em họ trong tư thế mặc áo lính.

 

– Chú thích:

 

Đây chỉ là một trong những clip bạo lực mà người ta cho là ở trong quân đội:

 

https://www.facebook.com/groups/435529837525435/posts/493887921689626

 

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2948107348850864&id=100009548839293

 

 52 BÌNH LUẬN    

.

 Liêm Tô Văn

https://www.facebook.com/groups/435529837525435/posts/493887921689626

.

Chu Mộng Long

Liêm Tô Văn Sĩ quan thứ thiệt: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2948107348850864&id=100009548839293

.

 Nguyen Thien Chuong

https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=838628487035366&id=100026646673783

 

.

Liêm Tô Văn

https://www.facebook.com/FanpageLivestream/posts/978889706224821

 

.

Lê Xuân Thọ  · 

Theo dõi

https://thanhnien.vn/.../cach-chuc-pho-tu-lenh-quan-khu-9...

THANHNIEN.VN

Cách chức Phó tư lệnh Quân khu 9 do 'những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng'

 

=================================================

.

.

Anh trai tôi đã từng bị thủ trưởng đánh nhiều lần, không chịu được nên bỏ trốn

Đỗ Hoàng Diệu

01/07/2021

https://baotiengdan.com/2021/07/01/anh-trai-toi-da-tung-bi-thu-truong-danh-nhieu-lan-khong-chiu-duoc-nen-bo-tron/

 

Anh trai tôi từng đi bộ đội sau khi tốt nghiệp cấp Ba. Nhập ngũ, phấn đấu, vào trường sĩ quan, đó là con đường mà bố và anh tôi đã vạch ra cho phù hợp với hoàn cảnh gia đình lúc đó, hoàn cảnh không thể nuôi cả năm đứa con học đại học ngoài Hà Nội. Anh tôi vừa mười tám, đẹp trai, thông minh, khuôn mặt sáng ngời trong bộ quân phục xanh trong tấm ảnh anh gửi về.

 

Mấy tháng sau, anh bất ngờ trở về. Nghỉ phép, không thể có chuyện đó, bố tôi không tin. Anh im lặng, lẩn tránh. Hai ngày sau mới nói thật là bị thủ trưởng đánh nhiều lần, không chịu được nên bỏ trốn.

 

Một người anh họ của chúng tôi từng phải đi cải tạo lao động vì bị kết tội đào ngũ, trong khi cũng bị đánh rồi bỏ trốn như anh tôi.

 

Bố tôi lập tức khăn gói đến đơn vị anh. Tất nhiên những người đánh anh chối tội, tất nhiên cấp cao hơn hứa hẹn làm rõ và thuyết phục bố tôi đưa anh trở lại đơn vị. Không, bố tôi không thể đưa con mình trở lại nơi anh đã xem là địa ngục. Bố tôi viết đơn thư gửi khắp các đài báo. Tôi nhớ Chương trình phát thanh Quân đội nhân dân của Đài 58 – Quán Sứ, nơi bố tôi thường xuyên cộng tác đã lên tiếng hai lần liền. Cuối cùng, sự việc được dàn xếp không theo quy tắc nào. Anh tôi rời quân ngũ không theo một quyết định nào. Không bị gọi là đào ngũ. Những người đánh anh đã phải viết thư xin lỗi.

 

Kết quả đó là nhờ công sức của bố tôi, cơ quan báo chí đã lên tiếng, và sự biết điều, biết dừng lại đúng lúc của các sĩ quan có trách nhiệm.

 

Khác em gái, anh tôi là người chịu khó và điềm tĩnh. Chắc chắn anh đã bị đánh rất đau, bị xúc phạm ghê gớm mới bỏ trốn như vậy.

 

48 BÌNH LUẬN

 

 

                                                         ***

 

Rise: Một người tự tử vì treo cổ sẽ có những dấu hiệu gì?

 

Qua trao đổi với Rise, luật sư X đã chia sẻ những kiến thức pháp y xung quanh những dấu hiệu nhận biết của một người treo cổ chết hay chết rồi treo lên.

 

Một điều dễ quan sát nhất đối với một người tự tử vì treo cổ đó là thi thể phải xuất hiện vết hằn ở cổ do dây siết gây ra. Nhìn vào vết hằn và tư thế đầu nạn nhân ta sẽ phán đoán được loại dây và vị trí nút thắt. Một thi thể đã chết được treo lên dây sẽ không gây ra vết hằn do máu huyết trong cơ thể không lưu thông nên không gây ra hiện tượng này.

Xây xát ở vùng cổ, móng tay có biểu bì của nạn nhân. Đây là phản ứng tự vùng vẫy của cơ thể để chống lại cái chết đang cận kề. Nạn nhân sẽ cố gắng dùng tay tháo dây ra khỏi vùng cổ bị siết.

 

Xuất huyết não cũng là hiện thường thường thấy khi tự tử bằng cách treo cổ. Lúc cận kề cái chết, tiềm thức muốn sống của nạn nhân trỗi dậy, vùng vẫy trong bực tức và bất lực nên gây ra hiện tượng xuất huyết ở não.

 

Ở nam giới, khi khám nghiệm ống niệu đạo sẽ phát hiện tinh dịch được tiết ra.

 

Ở một người sống, cơ thể được trao đổi chất, máu huyết đang lưu thông. Bất kỳ một tác động nào từ bên ngoài làm tổn thương sẽ biểu hiện lên cơ thể bằng những vết tích mang hình thù của vật tác động, điều mà một cơ thể đã chết không thể hiện được.

 

Rise hy vọng với những kiến thức được chi sẻ từ luật sư X sẽ giúp ích cho bạn đọc cái nhìn đúng nhất từ bản chất sự việc, từ đó chung tay kêu gọi minh bạch vì một cộng đồng đang bị yếu thế.

 

====================================================

.

.

Tôi đã từng bị đồng đội tra tấn gần chết

Tạ Duy Anh

01/07/2021

 

Xin có vài lời với Thượng tướng Phan Văn GiangTôi hy vọng ông sẽ làm đến nơi đến chốn vụ quân nhân Trần Đức Đô bị chết đầy khuất tất và đang khiến cả xã hội hoang mang. Tôi từng là nạn nhân của hiện tượng quân phiệt, vì thế tôi chia sẻ nỗi phẫn nộ không giới hạn của thân nhân chiến sỹ Trần Đức Đô và dư luận.

 

Đoạn trích dưới đây chỉ là phần nhỏ về vụ tôi bị đánh đập tàn nhẫn. Cái kết của nó là, nhờ sự can thiệp của báo “Chiến sỹ Tây Bắc”, những kẻ tra tấn tôi đều nhận một mức kỉ luật “tượng trưng” nào đó. Nhưng với tôi thì quan trọng nhất không phải là trả thù, mà là công lý được thực thi.

 

Chúc ngài Thượng tướng khỏe và mong ngài đừng dập tắt hy vọng của hàng triệu người.

                                                            ***

Hôm đó là ngày 13-8 năm 1985, gần tròn 6 tháng tôi khoác áo lính và đang đồn trú tại một phố nhỏ của thị xã Lào Cai đã bị bỏ hoang sau cuộc chiến ngắn ngủi nhưng tàn khốc năm 1979. Nấu xong chảo cơm cho hơn một trăm người ăn, rang nhanh khoảng 2kg muối trắng, tôi bảo với Minh, người Hà Nam Ninh (tên tỉnh lúc ấy) nhập ngũ năm 1983 và cùng làm anh nuôi với tôi, nhờ cậu ấy chia cơm giúp.

 

Vừa hay đúng lúc tiểu đoàn trưởng Phạm Lâm Hồng từ nhà chỉ huy đi xuống đường, gần nơi tôi đứng. Tôi bèn tiện thể báo cáo và xin phép ông cho tôi ra tiểu đoàn huấn luyện chơi và có lẽ sẽ ăn cơm tối với Phạm Văn Chiến ở đó. Chiến cùng công tác với tôi ở Trung tâm thí nghiệm, công trình thủy điện Hòa Bình và cùng nhập ngũ. Tiểu đoàn trưởng gật đầu, nheo nheo mắt bảo: “Đừng có về khuya quá nhé”.

 

Sau khi cơm no, đáng lẽ hết ấm trà pha kênh nắp, là chúng tôi ra về. Nhưng gần đến lúc đứng dậy thì Chiến bỗng như nhớ ra, reo lên: “A, bọn mày chưa về được, xuống nhà chị em “Bò Ma” (biệt danh lính đặt cho hai chị em tên là Bình và Minh) ăn mít đã. Lúc chiều nó hẹn tao

 

Từ chỗ Chiến, để đến được nhà chị em Bò Ma, chúng tôi phải đi hàng một, bám vai nhau xuống một cái dốc mà đường chỉ vừa đặt bàn chân. Đã thế lại ngoằn ngoèo, lồi lõm. Trời miền núi vào những ngày nhiều mây, không có trăng nên cực kỳ tối. Chúng tôi có cảm giác đêm đang quánh lại xung quanh mình. Cây cối rậm rạp nên chúng tôi đi rất chậm. Cuối cùng chúng tôi cũng xuống được chỗ đất bằng phẳng, cảm giác thấy rất rõ lớp cỏ khá dày và êm dưới đế giầy của mình.

 

Ánh đèn le lói, tiếng chó sủa, tiếng băm chặt đâu đó… cùng với mùi thơm của hành mỡ thật ấm lòng bởi nó gợi cảnh gia đình. Trước chiến tranh có lẽ làng xóm, phố xá ở khu vực này cũng sầm uất lắm… Tôi chỉ vừa kịp nghĩ thế và Chiến hay Tâm hay ai đó cũng vừa khẽ kêu lên thích thú khi nghe tiếng nước chảy ngay bên trong một bụi cây, thì thấy ánh đèn pin, loại nối thêm ống để tăng độ sáng, loé lên chĩa thẳng về phía chúng tôi.

 

Chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì tôi nghe tiếng quát đanh và nặng nề: “Đứng lại!” Ba bốn người đã ở ngay bên cạnh, trước mặt chúng tôi nhưng không thằng nào trong chúng tôi nhìn rõ họ là ai. Sau đó đèn pin quét một lượt xuống phía dưới, từ chân lên đầu cả bốn chúng tôi. Nhờ ánh phản quang mà tôi nhận ra trước mặt chúng tôi có ba người. Hai người mặc áo lính, thắt bao da, đeo súng AK, đầu đội mũ sắt sơn trắng, có mấy chữ cái mầu đỏ nhưng tôi không nhìn rõ, trông rất đáng gờm. Người còn lại, chính là người cầm đèn pin.

 

Trong ánh sáng hắt ngược lại của đèn pin, tôi nhận ra người này đội mũ lưỡi trai mềm, mặc áo sỹ quan, thấp hơn, có vẻ cứng tuổi. Trong hai người đội mũ sơn trắng thì một rất cao to, da như mầu đồng hun, mặt hình quả dưa, miệng thu lại y như miệng con rắn hổ mang, tướng mạo cực kỳ dữ dằn. Phải so sánh ngược lại, tức con rắn hổ mang giống anh ta mới đúng! Ống quần anh ta thắt lại ở phía cổ chân, để lộ ra một đôi Côsơgin đen và to.

Sau này tôi biết tên anh ta là Bùi Văn Nhừn, người Mường, quê ở Lạc Thuỷ (Hà Sơn Bình lúc ấy), nhập ngũ tháng 3-1983, làm vệ binh trung đoàn. Người thứ hai nhỏ hơn, mặt trắng trẻo và cũng bớt dữ dằn hơn, sau này tôi biết tên là Bùi Văn Tiển, cũng người Mường, cùng quê và cùng nhập ngũ, cùng làm vệ binh trung đoàn như Nhừn. Còn người mặc áo sỹ quan, như sau này tôi biết, là Nguyễn Văn Định, biệt danh Định Mắm, quê ở huyện Bảo Thắng, Lao Cai.

 

Cũng sau này tôi mới biết, Định Mắm được coi là một trong bốn con hổ ăn thịt người dữ nhất của trung đoàn 254… Còn khi ông ta soi đèn pin vào mặt từng đứa chúng tôi, thì trong khoảng mấy giây tôi lại nghĩ mình đang gặp thám báo Trung Quốc. Có thể lắm chứ! Đường biên chỉ cách chỗ chúng tôi chưa đầy 1km. Khi còn ở bên ngoài, tôi nghe những chuyện kể về thám báo Tầu rất rùng rợn. Chúng không chỉ nhiều mưu mô, tàn ác, thâm độc mà còn táo tợn, gỏi võ thuật và tinh quái.

 

Nếu đúng là thám báo Tầu thì sẽ phải làm gì đây? Tôi chưa nghĩ ra. Tôi đang tính toán trong đầu cho tình huống ấy. Tôi có lẽ đã làm động tác huých tay cho Chiến nhưng cậu ta không nhận được tín hiệu. Thì cũng vừa lúc gã chỉ huy lần lượt chĩa thẳng đèn pin sáng chói vào mặt từng đứa chúng tôi. Đầu tiên là Chiến. Chiến vội đứng nghiêm, hai tay nép vào chỉ quần như quy định, tín hiệu cho thấy cậu ta đang chấp hành mệnh lệnh vô điều kiện:

– Mày ở đơn vị nào?

Chiến run run đáp:

– Thưa thủ trưởng, em ở tiểu đoàn huấn luyện.

Đèn pin chĩa vào mặt Tâm:

– Mày ở đơn vị nào?

– Dạ, thưa- giọng Tâm còn run hơn- dạ, em ở tiểu đoàn bộ tiểu đoàn Bảy…

Đèn pin chĩa vào cậu lính đi cùng:

– Mày ở đơn vị nào?

Cậu lính cũng run run trả lời, cho thấy cậu ta rất biết lỗi.

– …Còn thằng này, mày ở đơn vị nào?

Đèn pin chĩa vào mặt tôi. Sau này tôi cứ băn khoăn tự hỏi tại sao mình lại là người bị hỏi cuối cùng mặc dù tôi đứng ở giữa.

 

Vốn là lính già, từng công tác ở cơ quan gần chục năm, lại có tính ngang tàng, nên tôi không thể quỵ lụy làm như ba đứa kia. Tôi mới chỉ vừa nói trọn vẹn từ “Tôi…” thì Định Mắm tức khắc ra đòn. Bị chói mắt nên tôi đương nhiên là không kịp có bất cứ động tác tự vệ nào. Tôi chỉ thấy một vầng pháo sáng bung lên ngay trước mắt mình. Trong vòng hàng chục giây tôi không ý thức cụ thể về bất cứ điều gì.

 

Nhiều năm sau tôi vẫn ghi dấu cảm giác mặt mình bị lệch sang một bên sau cú vả trái cực mạnh, đúng tầm của một gã võ biền luôn thích thú với việc đánh người. Tôi không hề có cảm giác đau mà chỉ thấy man mát, nhồn nhột, hơi tưng tức như bị ai đắp thêm đất dẻo vào một bên má! Sự thật thì nó cũng khá thú vị! Tôi cảm nhận rất rõ hình như mặt mình đang phồng lên từ từ và cũng từ từ chảy xệ về một bên.

 

Đúng hơn, nó như bị nung chảy rồi bị bóp méo. Không phải cứ muốn mà có được cái cảm giác ấy đâu nhé! Ngay lúc đó tôi đã nghĩ: “Nếu anh ta không làm một cú tương tự như vậy nhưng theo chiều ngược lại, thì mặt mình sẽ lệch vĩnh viễn mất”. (Và đúng là phải gần nửa năm sau tôi mới thấy mặt mình bình thường trở lại).

 

Tiếp theo đó là cú đá kẻ một vệt thẳng tắp từ háng tới cằm tôi nhưng chỉ sướt bên ngoài quần áo, cũng xứng đáng để coi là ngoạn mục.

 

Một cú đá mang tính hạ sát! Sau này tôi ngẫm lại và tin rằng vào thời điểm đó có bàn tay vô hình nào đấy đẩy nhẹ chân gã miệng rắn ra, khiến cữ chân của hắn không còn chuẩn như khi hắn đá hàng trăm người khác. Bởi chỉ cần cú đá ăn sâu chút nữa, khoảng vài cm thôi, thì cả hạ bộ của tôi đã bị bóc gọn cùng với cái cằm và chóp mũi. Hình như tôi có “a” lên một tiếng, người hơi ngửa ra phía sau. Chính cái tiếng “a” bản năng ấy lại là liều thuốc kích thích cơn say máu của kẻ đi săn. Nhừn lập tức lao vào tôi bằng một cú tạt cực mạnh khiến tôi hoa mắt và mất cân bằng. Bên này, Tiển kịp thời bồi thêm một phát báng súng. Thế là tôi lại ở tư thế nghiêm!

 

Tất cả diễn ra ngay trước mắt ba thằng đồng đội đi cùng đang run cầm cập vì sợ.

 

Không hiểu sao, dù lẻo khẻo như bộ gọng nhưng tôi vẫn quyết không đo ván trước những cú đòn của mấy gã võ biền cao to. Có lẽ linh cảm riêng thấy điều gì, hoặc cũng có thể thấy đấm đá chúng tôi ở đó không tiện, Định Mắm ra lệnh đưa chúng tôi về đồn.

 

Bốn chúng tôi thành hàng một, bập bõm bước phía trước, y như lũ tù binh bị áp giải. Ở phía sau, hai khẩu AK thúc hai bên, ánh đèn loang loáng. Định Mắm bước khệnh khạng theo kiểu quan lớn, như là mọi quyền lực, trong đó có cả quyền làm thịt chúng tôi, đang trong tay ông ta. Ông ta cho thấy có thể lột da, quay chả chúng tôi, tuỳ thích. Dọc đường về trạm gác trung đoàn, khoảng gần 1km, Nhừn và Tiển không ngớt bảo: “Về đồn rồi ông cho mày ăn cháo đĩa”.

 

Những lời ấy nhằm vào riêng tôi. Tôi biết vậy nhưng cũng chưa tìm ra cách chống lại. Tôi đã kịp thuộc vài từ lóng của lính để biết cháo đĩa là gì nên hiểu sự nghiêm trọng của lời đe doạ ấy. Ăn cháo đĩa có nghĩa là phải bò ra đất, dùng mồm vục vào đĩa cháo, tợp từng miếng như chó ăn. Chỉ những người liệt cả tứ chi mới phải ăn như vậy vì không còn sức cầm nổi bát đũa. Nhưng tôi, một tấc sắt không có trong tay, lại thuộc diện trói gà không chặt, đành phó mặc cho số phận.

 

Trời vẫn tối đen như mực nên tôi không nhìn rõ những người, về nguyên tắc là đồng đội, lầm lỳ ra đón chúng tôi ở cổng Trung đoàn bộ, góp thêm những câu chửi tục tĩu và thích thú. Trông họ giống như bầy linh cẩu đánh hơi thấy con mồi do đồng bọn săn được, đang ở đoạn cùng đường chờ bị cắn xé. Cả bốn chúng tôi bị đẩy về phía chiếc hầm được tạo nên bằng cách chôn một cái boong-ke sắt xuống đất. Chính xác thì nó là bồn đựng xăng lấy ra từ chiếc xe hỏng nào đó. Thông thường nó dùng làm hầm giam thám báo hoặc bọn lính vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm. Giờ thì chúng tôi sẽ bị tống xuống đó.

 

Nhừn và Tiển cùng vài người nữa mà tôi không có cơ hội biết mặt biết tên, bắt chúng tôi đứng dàn hàng ngang. Chúng tách tôi ra rồi “hỏi cung” vài câu. Thấy tôi vẫn xưng “tôi” một cách cứng rắn, Nhừn gầm lên: “Hỏi làm gì, tẩn cho nó nát nhừ đi”. Dứt lời, anh ta tông thẳng một phát báng súng vào ngực tôi khiến tôi bật ngửa ra sau. Ở phía sau đã có sẵn một vệ binh khác dùng chân đạp cho tôi bật trở lại. Tôi cố lấy thăng bằng để lát sau lại đứng vững và bỗng thấy mình có khả năng chịu được tra tấn.

 

Lúc đầu quả tình tôi cũng thấy hơi sợ. Khi ba bốn bóng đen cứ lượn xung quanh và không ngớt phóng ra hàng loạt cú đấm loang loáng, khó mà không hoang mang. Có thể tôi sẽ vĩnh viễn bỏ xác lại nơi hoang lạnh này, trong đêm tối mịt mùng và sẽ bị làm cho vô tăm tích. Một kết cục như vậy khó mà không khiến tinh thần hoang mang. Đúng là tôi có thấy ớn lạnh khắp cơ thể. Nhưng bỗng nỗi sợ tan biến mất, khiến tôi bình tĩnh trở lại, thậm chí còn có phần cao ngạo. Cứ coi như mình đang chiến đấu chống lại quỷ sứ đi!

Trong khi tôi nghĩ như vậy thì có thêm khoảng 4-5 cú đấm đạp và báng súng nữa giáng thẳng vào tôi. Lần này thì Tiển hay ai đó rít lên: “Mày quỳ xuống thì chúng tao tha mạng, bằng không có về được nhà cũng thành tật”. Đứng chứng kiến tôi bị đánh, cả Chiến, Tâm và cậu lính Hà Nội đều run rẩy lo tôi không chịu được. Vào thời điểm đó tôi chỉ có 45kg cả quần áo, có tiền sử đau dạ dầy và đang bị nghi là viêm cầu thận. Người tôi mảnh khảnh như sắp gẫy thành mấy khúc. Vì thế hình như Tâm thì thầm bảo tôi xin chúng nó một câu. Nhưng thay vì làm theo, tôi cười khẩy và đáp gọn lỏn: “Có con bu*i tao đây này”.

 

Cả mấy tay vệ binh đều không tin vào tai mình. Vì thế khi họ nghe rõ tôi nói đúng như vậy thì có đứa cảm thấy chùn tay. Riêng Nhừn và Tiển lại tiếp tục lao vào. Tôi bị chúng đè xuống đất, y như đè một cái bao tải lép. Chúng thọc tay vào ngực tôi như muốn moi ra bằng hết từng dẻ xương. Chúng vo tròn tôi như vo cái hình nộm bằng vải vụn. Sau đó chúng kêu lên như hứng chí bởi thấy máu con mồi, bẻ gập cổ tôi về phía ngực, đầu gối tì vào phần bụng dưới.

 

Bầy linh cẩu khi cùng xâu xé một con mồi, cũng kêu y như vậy. Vừa khoái trá vừa đầy mùi chết chóc! Sau đó tôi thấy những cú đấm lại liên tiếp giáng xuống, kèm theo những tiếng rít: “Đ. mẹ mày, chết đi này, đ. mẹ mày chết đi! Đ. mẹ mày, chết đi!” Đấm chán, chúng dùng chân di lên ngực tôi, chắc muốn tôi nát bét dưới chân chúng.

 

Nhưng tôi tin rằng có đấng Thần Phật nào đó đã che đỡ giúp nên tôi không ngất đi, không đau, không thấy kiệt sức mà còn đủ mạnh để chửi lại nham nhảm. Tôi bảo nếu chúng mày không giết được “bố mày” thì sẽ chẳng thằng nào thoát bị trừng phạt. Tôi rủa chúng là quân Pôn-pốt, bọn Mao-ít (lính Pôn-pốt chắc cũng chỉ ác đến thế là cùng!), những thằng vô phúc, những kẻ uống máu người không tanh, lũ đầu trâu mặt ngựa. Chúng lại dựng tôi dậy. Tôi bèn chỉ về phía chúng, bảo: “Chúng mày chỉ đáng tuổi em tao nhưng ác độc hơn quỷ dữ. Còn lâu chúng mày mới giết nổi tao”. Tôi gào lên bất chấp mọi hiểm nguy, cảm thấy rất sướng miệng, đến nỗi có thằng nào đó quát lên: “Thôi, bịt miệng thằng chó già lại, tống cổ chúng nó xuống hầm”.

 

Cả bốn thằng chúng tôi bị nhốt chung. Tôi bị đám vệ binh xúm vào túm chân dốc ngược lên rồi thả tõm một cái. Đến lúc ấy tôi mới biết trong hầm đầy nước, mùi thum thủm. Tôi lục sục một lúc rồi cũng ngoi đầu lên được để thở. Ba đứa kia vẫn chưa hết run, cùng đưa tay đỡ lấy tôi. Tôi bảo chúng nó là tôi không hề làm sao. Thậm chí tôi còn vừa nhổ nước bùn ra khỏi miệng, vuốt mặt, vừa pha trò rằng, có thế này mới biết đời lính là thế nào, tình đồng chí, đồng đội là thế nào, đạo đức cộng sản là thế nào, chứ cứ nghe đài thì ăn hết cả thóc giống của bố mẹ cũng không khôn ra được.

 

Bấy giờ tôi mới thấy đau toàn thân, đau như kiểu bị dần bằng búa, thịt da nhức nhối, các khớp xương như muốn rời ra.

 

(Còn rất dài – trích từ tự truyện DƯỚI BÀN TAY VÔ HÌNH – chưa xuất bản)

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats