Friday, 2 July 2021

VIỆT NAM CHỐNG DỊCH COVID-19 : THAM LAM và ĐỘC ÁC! (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Việt Nam chống dịch COVID-19: Tham lam và độc ác!

Hiếu Chân/Người Việt

Jne 29/06/2021

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/viet-nam-chong-dich-covid-19-tham-lam-va-doc-ac/

 

Những ngày này, người Việt xa quê không khỏi đau xót, buồn thương và phẫn nộ khi theo dõi tin tức về tình hình dịch bệnh ở trong nước. Đằng sau những con số vô hồn về số người bị nhiễm bệnh, bị tử vong, số khu dân cư bị cách ly, số công ty và người lao động bị mất việc… nổi lên hình ảnh những con người thấp cổ bé miệng trong xã hội đang ngấp nghé bờ vực chết đói. Và trên hết, nổi lên hình ảnh một chính quyền vừa bất tài vừa tham lam và ngu dốt trong cuộc chống dịch, mà những chính sách tàn bạo của họ đang đẩy cả đất nước vào thảm trạng khó cứu vãn nổi.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/06/A1-Viet-Nam-chong-dich-tham-lam-1-1068x1021.jpg

Nếu kinh tế sụp đổ thì đại dịch COVID-19 chỉ là một phần nguyên nhân, trách nhiệm chính gây ra sự sụp đổ đó là chính sách điều hành xã hội vừa bất tài, vừa ngu dốt và tàn ác của chính quyền cộng sản Việt Nam.

 

Theo Bộ Y Tế CSVN và truyền thông quốc nội, trong ngày Thứ Ba, 29 Tháng Sáu, Việt Nam ghi nhận thêm 372 trường hợp nhiễm COVID-19, dẫn đầu là Sài Gòn với 155 ca mới. Tính đến cuối ngày, Việt Nam có tổng cộng 16,413 trường hợp nhiễm COVID-19 và 78 trường hợp tử vong; trong số này có 14,624 ca nhiễm được ghi nhận trong nước và 1,789 ca nhiễm nhập cảnh từ nước ngoài.

 

Theo cơ sở dữ liệu về COVID-19 được cập nhật thường xuyên Worldometer, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia ít bị COVID-19 tác động, số trường hợp nhiễm COVID trong một triệu dân chỉ là 164 trường hợp, tỷ lệ tử vong trong một triệu dân chỉ là 0.8 người. Để so sánh, có thể xem số liệu của Hoa Kỳ hoặc Úc là những nơi có cộng đồng người Việt đông đảo. Ở Hoa Kỳ, số người nhiễm bệnh trong một triệu dân là 103,665 người, tỷ lệ tử vong trong một triệu dân là 1,861 người. Ở Úc tình hình khả quan hơn với số người nhiễm bệnh trong một triệu dân là 1,185 người và số tử vong trong một triệu dân là 35 người.

 

Xem ra, so với Hoa Kỳ, Úc và đa số các nước khác trên thế giới, dịch COVID-19 ở Việt Nam chỉ là “muỗi;” căn cứ vào số trường hợp nhiễm bệnh, Worldometer xếp Việt Nam vào vị trí 140 trong 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, chỉ trầm trọng hơn các đảo quốc nhỏ bé và biệt lập ở Nam Thái Bình Dương và sa mạc Châu Phi.

 

Ấy vậy mà theo truyền thông trong nước, hình ảnh nước Việt Nam hiện nay hết sức ảm đạm, các tỉnh ra sức ngăn sông cấm chợ, người dân từ tỉnh này không được sang tỉnh khác nếu không có giấy xét nghiệm âm tính, hàng trăm khu dân cư bị phong tỏa nội bất xuất ngoại bất nhập, hàng quán đóng cửa im lìm, đường phố vắng ngắt với những tấm bảng “khu vực cách ly” dựng lên khắp mọi nơi.

 

Ông Nguyễn Thông, một người chơi Facebook, nguyên là biên tập viên báo Thanh Niên, kể một lần ra chợ xếp hàng mua một vỉ trứng gà: “Phố phường vắng vẻ xơ xác, con người lo lắng sợ sệt, không khí cảnh giác e dè trùm lên mọi thứ. Hồi nhỏ, tôi từng chứng kiến cảnh sống và con người kiểu này sắp có bão. Giờ cũng như trong cơn bão.”

 

Ông Đào Tuấn, một người chơi Facebook khác, làm việc cho báo Lao Động, kể lại cảnh một cặp vợ chồng trẻ, Thanh và Ngọc, bị mất việc do nhà máy đóng cửa, làm đủ cách mà vẫn không thể cáng đáng nổi cuộc sống gia đình trong thời buổi dịch giã, giá cả hàng hóa tăng gấp đôi gấp ba, đành phải “cha mẹ ăn ít lại, nhường cho hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn.” “Sài Gòn có khoảng 60,000 những ‘anh Thanh’ đang mất việc, mất sinh kế và không có bất cứ xu cắc dự trữ nào,” ông Tuấn viết.

 

                                                         ***

 

Khi đối đầu với đại dịch, chính quyền nước nào cũng phải cân nhắc các lựa chọn chính sách sao cho cân bằng giữa việc ngăn chặn sự truyền nhiễm của dịch với việc duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và bảo đảm đời sống của người dân, nhất là người nghèo. Điều đó đặc biệt quan trọng ở Việt Nam là nơi nền kinh tế “bán chính thức” lan tràn và mạng lưới an sinh, phúc lợi xã hội hầu như không tồn tại. Hàng chục triệu người dân nghèo, từ những ông bà cụ gần đất xa trời cho đến những đứa trẻ ở độ tuổi đi học phải sống cảnh tay làm hàm nhai, cuộc sống phụ thuộc vào việc mưu sinh trên đường phố như những người bán hàng rong, bán vé số, chạy xe ôm, những người buôn gánh bán bưng trong các khu chợ tồi tàn, thậm chí những tiệm ăn, tiệm dịch vụ các kiểu.

 

Nhà cầm quyền Việt Nam dường như chỉ lo lập “thành tích chống dịch” mà chẳng hề quan tâm tới chuyện người dân làm thế nào để sống trong hoàn cảnh nhà nhà đóng cửa. Rồi viện cớ chống dịch, chính quyền áp đặt lệnh phong tỏa gắt gao lên phần lớn các thành phố, trong khi không có biện pháp hỗ trợ tiền bạc, lương thực thực phẩm, đẩy hàng triệu người vào cảnh đói rách khốn cùng; rải rác đã có những người ở Sài Gòn không chịu đựng nổi đã phải nhảy xuống sông tự tử!

 

Nói cho công bằng, Việt Nam đã có một số thành công ban đầu trong việc ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch hồi năm ngoái. Việt Nam là quốc gia sớm đóng cửa biên giới với Trung Quốc và áp dụng rộng rãi việc truy vết, cách ly, phong tỏa những người, những khu vực có dấu hiệu của dịch. Những biện pháp này có hiệu quả ban đầu, không phải do chính Việt Nam tài giỏi gì mà học từ nước láng giềng Trung Quốc, và áp dụng được trong một xã hội theo thể chế Cộng Sản toàn trị, trong đó quyền sống, quyền tự do cá nhân của người dân chẳng có ý nghĩa gì. Bản chất của những biện pháp này là đàn áp – một việc mà chính quyền Cộng Sản hết sức thành thạo.

 

Tuy “thành tích chống dịch” của Việt Nam năm 2020 còn có nhiều ý kiến tranh cãi, không loại trừ khả năng giấu dịch hoặc virus truyền nhiễm rộng rãi trong cộng đồng mà không bị phát hiện do năng lực xét nghiệm của hệ thống y tế quá yếu kém và thiếu phương tiện. Nhưng để có thành tích đáng nể đó, Việt Nam đã phải trả cái giá không hề nhỏ: ngành du lịch gần như tê liệt, ngành hàng không và vận tải đường sắt, đường bộ lâm vào cảnh nợ nần, liên tục kêu cứu.

 

Ấy vậy mà, hoang tưởng với thành tích, trong cơn tự sướng cao độ, đảng trưởng đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng vẫn khoe khoang “mặt trời vẫn chiếu sáng rực rỡ ở Việt Nam trong lúc cả thế giới chìm trong đêm tối” (!), còn  thủ tướng Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc còn cao giọng tuyên bố cái trụ điện bên Mỹ mà có chân nó cũng chạy sang Việt Nam để tránh dịch (!).

 

Bất chấp những lời cảnh báo thống thiết của các y bác sĩ, bất chấp tình hình dịch COVID-19 có những chuyển biến mới như các biến thể Alpha xuất hiện ở Anh, Nam Phi, Brazil, biến thể Delta xuất hiện ở Ấn Độ đẩy các nước này vào những đợt cao điểm chết chóc khủng khiếp, chính quyền Việt Nam vẫn tổ chức ăn mừng ngày 30 Tháng Tư và tổ chức “ngày hội non sông” huy động toàn dân đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giả hiệu ngày 23 Tháng Năm.

 

Cái gì phải đến rồi cũng đến; từ tuần cuối Tháng Năm trở đi cả nước lại rơi vào những đợt bùng phát dịch mới, khốc liệt hơn nhiều. Lần này, COVID-19 không chỉ truyền nhiễm trong các nhóm dân cư lẻ tẻ mà tập trung ở các khu công nghiệp ở Bắc Ninh và Bắc Giang – nơi có nhiều nhà máy sản xuất của các công ty điện tử nước ngoài – và lan rộng ở Đồng Nai, Bình Dương – trung tâm sản xuất hàng xuất cảng của miền Nam và làm tê liệt Sài Gòn, thủ phủ kinh tế của cả nước. Đất nước và người dân đang phải trả giá đắt cho chứng hoang tưởng, “ngạo nghễ,” của một số kẻ cầm quyền chóp bu trong đảng CSVN.

 

Chính quyền Việt Nam cũng quên rằng, đất nước nằm kề một quốc gia láng giềng to xác, giàu mạnh nhưng hết sức nham hiểm và độc ác là Trung Quốc. Từ đầu năm nay, các địa phương Việt Nam liên tục phát hiện những nhóm người Trung Quốc nhập cảnh “chui,” vượt qua đường biên giới được kiểm soát lỏng lẻo rồi thuê phương tiện đi sâu vào lãnh thổ Việt Nam, tới tận Sài Gòn, Bình Dương.

 

Một chuyện lạ là trong lúc Bắc Kinh tuyên bố đã xóa được dịch COVID-19, mỗi ngày chỉ ghi nhận vài ca nhiễm thì số công dân Trung Quốc nhập cảnh chui và bị bắt ở Việt Nam hầu hết đều dương tính với virus Corona! Họ vào Việt Nam để làm gì? Cứ mỗi lần tóm được một nhóm người Trung Quốc thì các địa phương Việt Nam lại bắt đầu truy vết, phong tỏa; cứ lúc đóng lúc mở như vậy từ cuối năm ngoái đến nay làm cho các hoạt động kinh tế bị đình đốn vô phương cứu vãn. Trong số người nhiễm COVID-19 ở Việt Nam có tới 1,789 ca nhập cảnh, chủ yếu là người Trung Quốc vì Việt Nam đã đóng cửa với tất cả các nước, theo báo chí trong nước.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/06/A1-Viet-Nam-chong-dich-tham-lam-2-1068x535.jpg

Một bé 5 tuổi một mình bước lên xe y tế của bệnh viện Huyện Bình Chánh để đến khu điều trị COVID-19 của bệnh viện Trưng Vương, Sài Gòn. (Hình: Quân Đội Nhân Dân)

 

Nhìn lại quá trình chống dịch COVID-19 ở Việt Nam, người ta thấy chính quyền Cộng Sản hầu như bất tài và bất lực, không chuẩn bị các phương tiện kỹ thuật cần thiết để thực hiện xét nghiệm, không đặt mua vaccine để chích cho người dân hầu tạo ra miễn dịch cho từng cá nhân và cho cộng đồng. Việc duy nhất mà chính quyền ra sức thực hiện là đàn áp: truy dấu vết virus, cách ly và phong tỏa các cộng đồng dân cư, dồn hàng chục ngàn người vào các trại lính được tạm dùng làm trung tâm cách ly, không phân biệt người bệnh với người khỏe mạnh, thanh niên trai tráng hay ông lão bà lão, thậm chí cả trẻ em còn ẵm ngửa.

 

Nhìn hình ảnh những đứa bé bị buộc mặc áo quần bảo hộ như phi hành gia – loại quần áo bảo hộ chỉ dành cho nhân viên y tế trực tiếp thăm khám và điều trị cho bệnh nhân COVID – và bị giam trong trại cách ly thật khó mà ngăn được nỗi tức giận! Cũng nên lưu ý rằng những ngày qua đã có 308 ca nhiễm virus được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

 

Có những điều thậm vô lý nhưng họ vẫn thực hiện như phong tỏa toàn bộ một bệnh viện mỗi khi phát hiện có một bệnh nhân, một nhân viên y tế bị dương tính với virus (?). Không chỉ một mà rất nhiều bệnh viện, phòng khám đã bị phong tỏa như vậy, làm cho ngành y tế vốn đã yếu và thiếu, lại càng thảm hại hơn trong lúc đại dịch lan nhanh mà người dân thiếu nơi để thăm khám, xét nghiệm và điều trị.

 

Rồi những người chẳng may bị “dính” virus thì cuộc sống của họ, của gia đình và thân nhân của họ bỗng trở thành địa ngục trước sự dè bỉu, lên án, lăng nhục của truyền thông và cộng đồng. Thay vì được chăm sóc như những nạn nhân của cái đại dịch quái ác mang tên Vũ Hán, họ lại bị đối xử như những kẻ tội phạm, những tội đồ mang virus đến cộng đồng. Trường hợp của Hội Thánh Truyền Giáo Phục Hưng ở Gò Vấp là một ví dụ, một “vật tế thần” hứng chịu sự phẫn nộ của cộng đồng vì sự bất lực và bất tài của nhà cầm quyền.

 

Mấy tháng nay, ở Việt Nam đi đâu cũng nghe nói tới những từ ngữ lạ tai: F0, F1, F2 để chỉ những người bị nhiễm virus. Thật ra đây chỉ là những khái niệm chuyên môn dùng trong y học điều trị lâm sàng để theo dõi đường đi của mầm bệnh, nhà cầm quyền đem áp dụng tràn lan trên truyền thông và trong đời sống xã hội làm dấy lên một xu hướng phân biệt đối xử hết sức nặng nề; những người không may bị nhiễm bệnh (F0) hoặc vô tình tiếp xúc với một người bị nhiễm bệnh (F1) thì coi như bị bệnh hủi mà không ai dám đến gần! Thật là lố bịch và vô nhân đạo.

 

Những biện pháp chống dịch nặng về trấn áp của chính quyền đã và đang gây ra những hậu quả hết sức nặng nề cho người dân và xã hội nói chung.

 

Bác Sĩ Võ Xuân Sơn, chủ phòng khám Exson tại Sài Gòn – một trong những cơ sở y tế bị đóng cửa gần đây, phẫn nộ viết trên Facebook: “Nếu cứ truy vết, phong tỏa, cách ly, thì liệu ai sẽ đi làm việc đó? Đi lấy mẫu, có người dương tính: phong tỏa, cách ly. Đi chích ngừa, có người dương tính: phong tỏa, cách ly. Bệnh viện có bệnh nhân dương tính: phong tỏa, cách ly. Bệnh viện có nhân viên dương tính: phong tỏa, cách ly… Nếu cứ xét nghiệm thế này thì ai còn ở ngoài, không bị phong tỏa, cách ly, để đi phong tỏa, cách ly người khác nữa?”

 

“Theo số liệu ngày 28 Tháng Sáu, chúng ta có 12,788 ca nhiễm kể từ 27 Tháng Tư, trong đó có 3,745 đã khỏi bệnh, còn lại 9,043 ca. Trong khi đó, chúng ta đang cách ly 204,159 người. Trung bình, mỗi người dương tính có 22.5 người phải cách ly; tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng khoảng 2.5%. Với tỷ lệ đó, có khoảng 2.3 triệu người Việt Nam bị nhiễm, và sẽ phải cách ly gần 52 triệu người,” Bác Sĩ Sơn nói thêm.

 

Trong hoàn cảnh Việt Nam chỉ mới có 16,413 ca nhiễm được xác nhận, tỷ lệ nhiễm chỉ 164 phần triệu như số liệu của Worldometer nêu trên mà phải cách ly hàng chục triệu người như vậy quả là một điều không thể hiểu nổi, dù nhìn bằng con mắt chuyên môn của nhà dịch tễ học hay của một người có suy nghĩ bình thường.

 

Có một việc mà chính quyền Việt Nam không hề lơ là kể cả khi đại dịch lan tràn: tìm mọi cách moi tiền của người dân. Ở mọi quốc gia khác, người dân đóng thuế và chính quyền phải bảo vệ sinh mạng của họ; mỗi khi dịch bệnh thì chính quyền phải cung cấp thuốc ngừa và thuốc điều trị cho dân miễn phí, có nơi như Hoa Kỳ, Canada và Úc người dân còn được khuyến khích đi chích ngừa COVID-19 qua các hình thức xổ số may mắn, tặng quà, tặng học bổng.

 

Việt Nam chưa giàu để có thể khuyến khích tiêm ngừa như Mỹ nhưng bổn phận tối thiểu của nhà cầm quyền là bảo đảm việc chích ngừa miễn phí cho người dân họ cũng không làm. Thay vì vậy, Hà Nội lập ra “quỹ vaccine” và vận động người dân góp tiền vào để nhà nước có tiền mua vaccine! Ai từng ở Việt Nam đều biết cái gọi là “vận động” của chính quyền, thực chất là biện pháp bắt buộc, không ai tránh được nếu không muốn bị quấy rầy và gây khó dễ sau này.

 

Ngay đến các công ty ngoại quốc, và “Việt kiều ở nước ngoài” cũng bị vận động góp tiền vào “quỹ vaccine.” Truyền thông của đảng đăng bài ca ngợi những cụ già 85 tuổi lấy tiền để dành lo hậu sự góp vào quỹ, trẻ em 5 tuổi nói chưa sõi cũng đập heo đất lấy tiền góp vào quỹ, mỗi người cả trăm triệu đồng! Lối tuyên truyền lố bịch đó tưởng rằng nêu gương tốt nhưng thực tế đã làm cho người đọc thấy rõ thêm bộ mặt trâng tráo và lòng tham vô đáy của nhà cầm quyền, cố vơ vét tiền bạc bằng mọi cách, không chừa cả trẻ em và bà lão. Chuyện trâng tráo này càng lộ rõ khi quan chức cao cấp của chính quyền thừa nhận trên báo rằng tiền góp vào “quỹ vaccine” là “tiền nhàn rỗi,” được gửi vào ngân hàng thương mại để lấy tiền lời!

 

Bây giờ thì Việt Nam đang chông chênh trên bờ vực, kinh doanh đình đốn, phận người mong manh. Một Sài Gòn mỗi ngày phải đóng 1,000 tỷ đồng tiền thuế vào két sắt của nhà cầm quyền CSVN mà “Phố phường vắng vẻ xơ xác, con người lo lắng sợ sệt, không khí cảnh giác e dè trùm lên mọi thứ” như miêu tả của ông Nguyễn Thông dẫn trên thì có thể đoán biết tương lai gần của nền kinh tế Việt Nam dù chính quyền vẫn lớn tiếng tự hào dự báo năm nay sẽ đạt thành tích tăng trưởng 5.65%! Nếu kinh tế sụp đổ thì đại dịch COVID-19 chỉ là một phần nguyên nhân, trách nhiệm chính gây ra sự sụp đổ đó là chính sách điều hành xã hội vừa bất tài, vừa ngu dốt và tàn ác của chính quyền cộng sản Việt Nam.

 

Thế giới đang dần dần chặn đứng đại dịch COVID-19; tại nhiều nơi cuộc sống đã gần trở lại mức bình thường như một năm rưỡi về trước, chẳng phải vì họ giàu có hay tài giỏi mà vì các nhà khoa học của họ làm việc hết mình, chính quyền của họ thật sự do dân và vì dân, đã thực thi những chính sách thiết thực vừa kiềm chế con virus quái ác vừa mở rộng phúc lợi xã hội và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh khi dịch lắng xuống. Bao giờ Việt Nam có một chính quyền do dân và vì dân như vậy, chứ không phải vì đảng vì chủ nghĩa xã hội thì chúng ta mới có chút hy vọng vào tương lai đất nước. [qd]

 





 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats