THUỐC CỔ
TRUYỀN VÀ CUỘC LÀM TIỀN THỜI COVID-19
https://www.facebook.com/mitodohung/posts/10165419333310612
Vào năm ngoái, khi Trung Quốc ở giữa đỉnh dịch
Covid-19, bà con dân tình bên ấy bèn kháo nhau đi mua xi rô Song Hoàng Liên về
uống vì nghe đâu thuốc này có thể làm cho con vi rút corona đời mới (mà sau này
được đặt tên là SARV-CoV-2) bán thân bất toại.
(1)
SONG HOÀNG LIÊN ‘ỨC
CHẾ VI RÚT CORONA’
Song Hoàng Liên (双黄连) là một loại thuốc cổ truyền Trung Hoa được cấp bằng sáng chế.
https://www.facebook.com/photo/?fbid=10165419320520612&set=pcb.10165419333310612
Sản phẩm Song Hoàng
Liên của Trung Quốc (giờ hết sốt rồi). Ảnh trên mạng
Nó vốn đã được sử dụng từ thập niên 1960 vào
việc trị cảm sốt, ho, viêm nhiễm thông thường. Thuốc này được chiết xuất từ ba
loại thảo dược, gồm nhẫn đông (忍冬) tức kim ngân (lonicera), hoàng cầm (黄芩, scutellaria) và liên kiều
(连翘, forsythia).
Hồi đầu năm ngoái, nhóm do Tưởng Hoa Lương (蒋华良) thuộc Viện Nghiên cứu Dược liệu Thượng Hải (Thượng Hải Dược vật
Nghiên cứu Sở -上海药物研究所) dẫn đầu phối hợp với Viện
Nghiên cứu Vi rút Vũ Hán (Vũ Hán Bệnh độc Nghiên cứu Sở -武汉病毒研究所) đã tiến hành thí nghiệm và đi tới kết luận Song Hoàng Liên có tác dụng
ức chế vi rút corona.
Sau khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm,
nhóm của họ Tưởng đã cung cấp cho báo chí kết luận ban đầu rằng Song Hoàng Liên
“có tiềm năng ức chế vi rút corona”. Tất nhiên là nhóm cũng nói cần các nghiên
cứu lâm sàng mới có kết luận chắc chắn (2).
Nhưng dân tình đâu có quan tâm tới nghiên cứu
đang ở giai đoạn nào, kết luận chắc cú hay chưa. Đối với họ, trong cơn hoảng loạn,
có được chỗ để bấu víu thì cứ với tay chụp lấy cái đã, bất kể đó là gì.
Khỏi phải nói, sau khi những thông tin ban đầu
được công bố trên truyền thông đại chúng, bà con bèn kéo nhau đi hốt bất kỳ loại
Song Hoàng Liên nào có mặt trên đời (3).
Các loại thuốc khác mà có chứa các thành phần
nhẫn đông hoặc/và hoàng cầm hoặc/và liên kiều đều bị vét sạch. Thậm chí thuốc
thú y có chứa các dược chất trên cũng bị bà con xử luôn. (4)
Nghiên cứu của nhóm Tưởng Hoa Lương sau đó được
đăng tải trên Nature. (5)
“QUÁ CẨU THẢ!”
Tuy nhiên, tình hình sau đó có vẻ không khả
quan. Nhóm Y học Cổ truyền Đằng Tấn (Tencent, 腾讯 医 典) nói rằng không có bằng chứng mạnh mẽ trong
thử nghiệm lâm sàng củng cố tuyên bố về tác dụng của thuốc đối với vi rút
corona. (6)
Trần Tân Vũ (陈新宇), Giám đốc Bệnh viện Đại học Trung Y Dược Hồ
Nam, nói rằng việc xi rô Song Hoàng Liên ức chế vi rút corona mới chỉ là nghiên
cứu trong phòng thí nghiệm, không được khuyến khích sử dụng rộng rãi (7).
Một bác sĩ từ một bệnh viện cấp ba nói với
kênh Tin tức Kinh tài (第一财经, Đệ nhất Tài kinh, CBN
hay Yicai) rằng chỉ mới nghiên cứu trong phòng thí nghiệm mà đã kết luận về hiệu
quả rồi là “quá cẩu thả và vội vàng”. “Vi rút bên ngoài cơ thể rất mong manh,
thuốc có thể diệt được, nhưng khi thuốc vào cơ thể có tác dụng thế nào lại là
chuyện khác. Chưa thử nghiệm trên người thì không thể nói được điều gì,” vị bác
sĩ này nhận xét. (6)
Tất nhiên là Tổ chức Y tế Thế giới không đưa
Song Hoàng Liên vào danh mục thuốc có thể được sử dụng để điều trị Covid-19.
AI ĐƯỢC LỢI?
Ngành y dược cổ truyền Trung Quốc mang về
doanh thu 130 tỉ đôla vào năm 2017, nên có thể hiểu là vụ Song Hoàng Liên này tạo
ra lợi nhuận khổng lồ.
Phóng viên Kinh Vĩ của Trung Tân (China News)
cho biết, có 12 công ty được cấp phép sản xuất dung dịch uống Song Hoàng Liên,
với 13 lô sản xuất. (6)
Có thể kể ra một số công ty như Hà Nam Thái
Long (河南太龙), Tam Tinh Cáp Nhĩ Tân (三精) và Phúc Sâm (福森).
Một ví dụ nhỏ về lợi nhuận mà các công ty thu
được: Sau khi các bài báo đại chúng dẫn nghiên cứu của nhóm Tưởng Hoa Lương được
đăng tải vào cuối tháng 1.2020, ngày 3.2 cùng năm, cổ phiếu công ty Phúc Sâm
tăng 2,48 lần. (8)
Sản phẩm Song Hoàng Liên của Tam Tinh trước đó
đã được đưa vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế quốc gia và sau đó được Cục Y học
Cổ truyền Bắc Kinh đưa vào chương trình phòng chống Covid-19.
TẠI VIỆT NAM
Việt Nam mình mấy hôm rày cũng xôn xao vụ
Xuyên Tâm Liên chữa Covid-19. Thông tin này được lan truyền sau khi Bộ Y tế có
văn bản 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống bệnh dịch bệnh COVID-19 bằng
thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu, trong đó liệt kê danh mục 12 loại thuốc
cổ truyền (sao giống 12 công ty bên Trung Quốc vậy nhỉ?) phòng và hỗ trợ điều
trị Covid-19, gồm:
1. Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên (Bệnh viện
Y học Cổ truyền, Bộ Công an);
2. Viên nang Kovir (Công ty Cổ phần Sao Thái
Dương);
3. Bạch địa căn (Bệnh viện Y học Cổ truyền, Bộ
Công an);
4. Siro Viêm họng (Bệnh viện Y học Cổ truyền,
Bộ Công an);
5. Siro Dưỡng âm bổ phế (Bệnh viện Y học Cổ
truyền, Bộ Công an);
6. Siro Ngân kiều (Viện Y học Cổ truyền Quân đội
– Bộ Quốc phòng);
7. Hạnh tô (Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung
ương);
8. Vệ khí khang (Viện Y học Cổ truyền Quân đội
– Bộ Quốc phòng);
9. Hoạt huyết Nhất Nhất (Công ty TNHH Dược phẩm
Nhất Nhất);
10. Imboot;
11. Xuyên tâm liên;
12. Nasagast – KG (9)
Nhà báo Nguyễn Quyết nhận xét: “Trên mạng lan truyền
status của bà Nguyễn Thị Hương Liên, đồng sáng lập công ty Sao Thái Dương, ‘Tin
vui từ Bộ Y tế’. Trong số 12 sản phẩm thuốc cổ truyền được đưa vào danh sách của
Bộ Y tế, thì có tới 6 sản phẩm của Sao Thái Dương.
https://www.facebook.com/photo/?fbid=10165419389610612&set=pcb.10165419333310612
Ông Nguyễn Thế Thịnh
– Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế. Ảnh: BSCC
Thật trùng hợp làm sao, Sao Thái Dương đã tăng
giá viên viên nang Kovir không chỉ chóng mặt mà còn xây xẩm mặt mày. Từ 180.000
đồng lên 1.000.000 đồng.
Và bằng cách nào mà Hoạt huyết nhất Nhất không
liên quan gì tới việc điều trị viêm phổi lại nằm trong danh sách? Ngạc nhiên
chưa, ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế)
nói rằng: ‘Sản phẩm hoạt huyết không phải là thuốc điều trị Covid-19 mà là sản
phẩm trong danh sách đơn vị tài trợ, nên chúng tôi hướng dẫn sử dụng’.
Một lý do vô cùng đáng yêu nếu ông Thịnh không
phải giữ cương vị ở cơ quan Nhà nước đang chịu trách nhiệm cao nhất về vấn đề
điều trị Covid, mà đang đi thu mua nông sản cho nông dân mất mùa, tiện thể giúp
họ thêm vài xe hàng.” (hết trích).
Mình không có thông tin và cũng không có
chuyên môn để đánh giá các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hoặc lâm sàng liên
quan tới tác dụng chống Covid-19 của 12 loại thuốc trên nên không dám bình. Thấy
trên báo đại chúng có các tuyên bố “đã cho thấy hiệu quả trong phòng thí nghiệm,
đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng” nhưng phương pháp thử nghiệm trong phòng
thí nghiệm như thế nào, kết quả ra làm sao không biết đã có công bố khoa học
hay chưa (bên Trung Quốc ít nhất đã công bố trên Nature).
Bên cạnh đó, việc tăng giá đậm chất làm tiền,
đưa thuốc không liên quan vào danh mục, cơ sở để chọn các loại thuốc này khiến
nhiều người đặt câu hỏi: đây có phải là chỉ định thầu, trục lợi?
Báo Viettimes sau khi có văn bản của Bộ Y tế,
giá nhiều loại thuốc cổ truyền đã “tăng vùn vụt”. (10)
Có vẻ quả này nghẹn nên Bộ Y tế đã thu hồi lại
cái văn bản 5944/BYT-YDCT kia do “có một số nội dung chưa phù hợp”.
_____
Nguồn tham khảo:
(2) https://www.chinanews.com/gn/2020/02-02/9075671.shtml
(3) http://scitech.people.com.cn/n1/2020/0131/c1007-31566098.html
(4) http://www.bjnews.com.cn/wevideo/2020/02/01/682720.html
(5) https://www.nature.com/articles/s41401-020-0483-6
(6) https://m.chinanews.com/wap/detail/zw/cj/2020/02-01/9074862.shtml
(7) https://hunan.voc.com.cn/article/202002/202002011414415974.html?mobile
(8) https://hk.on.cc/hk/bkn/cnt/finance/20200203/bkn-20200203080701201-0203_00842_001.html
No comments:
Post a Comment