The
Economist
Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch
26/07/2021
http://nghiencuuquocte.org/2021/07/26/the-gioi-hom-nay-26-07-2021/
Người biểu tình ở một số thành phố Tunisia đã
tấn công các văn phòng của Ennahda, một đảng Hồi giáo ôn hòa đang giữ đa số
trong quốc hội. Số ca nhiễm covid-19 gia tăng trở lại và đại dịch nói chung đã
gây áp lực lớn lên nền kinh tế của Tunisia, trong khi chính phủ thường chìm
trong đấu đá nội bộ. Những người biểu tình — một số đòi giải tán quốc hội — đã
đụng độ với cảnh sát.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy
Pelosi cho biết sẽ bổ nhiệm một nghị sĩ Cộng hòa chống Trump, Adam Kinzinger,
vào ủy ban điều tra vụ tấn công Điện Capitol của đám đông ủng hộ Trump vào ngày
6 tháng 1. Trước ông là Liz Cheney, một người Cộng hòa chống Trump khác. Lãnh đạo
Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy đã rút tất cả các đề cử của ông vào ủy ban này, giữa
lúc hai bên tranh cãi về cơ cấu thành viên. Ủy ban dự kiến sẽ bắt đầu điều trần
từ ngày 27 tháng 7.
Chánh văn phòng của Thủ tướng Đức Angela
Merkel cho biết có thể sẽ áp dụng nhiều hạn chế hơn đối với người chưa tiêm ngừa
covid-19. Cụ thể, Helge Braun nói những người chưa tiêm có thể bị cấm đến rạp
chiếu phim, nhà hàng và các địa điểm khác. Các chính trị gia đối thủ từ nhiều đảng
khác nhau ngay lập tức phản đối. Có thể thấy một số chính phủ châu Âu đang tìm
cách gây áp lực lên những người từ chối tiêm chủng.
Hàng trăm nghìn người khắp các nước đã biểu
tình phản đối các hạn chế covid-19. Ở Pháp và Ý, người biểu
tình chủ yếu nhắm vào việc chính phủ yêu cầu bằng chứng tiêm phòng để vào một số
địa điểm nhất định. Ở Úc người ta biểu tình phản đối phong tỏa ở Sydney,
Melbourne và Adelaide, trong khi ở Anh, họ tụ tập cho một “cuộc biểu tình toàn
thế giới vì tự do”, dù hầu hết các hạn chế đã được dỡ bỏ từ lâu.
Chính phủ Israel cam kết nước
này sẽ giảm 85% lượng khí thải hiệu ứng nhà kính vào năm 2050, so với mức năm
2015. Họ cũng hứa giảm 27% lượng khí thải vào năm 2030. Các mục tiêu mới đặc biệt
tập trung vào giảm khí thải của ba lĩnh vực: giao thông (96%), điện (85%) và
rác thải đô thị (92%). Trước đây Israel từng cho biết muốn ngừng sử dụng nhiên
liệu hóa thạch vào giữa thế kỷ này
Ô tô và vỉa hè ở thị trấn Dinant của Bỉ đã
bị cuốn trôi khi mưa lớn tạo ra trận lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua.
Không có thương vong, nhưng chính quyền thị trấn cho biết thiệt hại là “đáng kể”.
Dinant vốn tránh được trận lụt thảm khốc ở Bỉ, Đức và Hà Lan một tuần trước.
Cuối cùng thì nước chủ nhà của Olympics 2020
cũng có thể ăn mừng, khi các vận động viên của họ thi đấu tốt ngoài mong đợi ở
nhiều môn khác nhau. Dù không quá quan tâm, các khán giả Nhật Bản giờ đây có thể
sẽ trở nên háo hức khi thấy các vận động viên của họ giành liên tiếp huy chương
vàng (ở môn trượt ván và judo) chỉ trong một ngày. Trong khi đó, Trung Quốc và Mỹ
tranh đua ngôi đầu bảng tổng sắp huy chương, đúng như dự đoán.
TIÊU
ĐIỂM
Quốc hội Malaysia
nhóm họp lần đầu trong năm
Hôm nay Quốc hội Malaysia triệu tập phiên họp
đầu tiên trong năm. Thủ tướng Muhyiddin Yassin đã trì hoãn kì họp này từ lâu,
và ông muốn giữ nguyên tình huống lấp lửng hiện tại đồng thời áp đặt tình trạng
khẩn cấp. Song ông đã bị ngăn lại bởi Sultan Abdullah – quốc vương hiện tại
trong hệ thống các nguyên thủ quốc gia luân phiên của Malaysia – người về mặt
lý thuyết đứng ngoài chính trị đảng phái và hiếm khi can thiệp.
Thế đa số nghị viện của ông Muhyiddin vô cùng
mong manh. Nhưng lần này nó không phải một vấn đề quá lớn. Hạ viện sẽ chỉ họp
năm ngày và không có khả năng tổ chức bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào. Và họ cũng sẽ
không tranh cãi về các biện pháp khẩn cấp của chính phủ trong những tháng gần
đây. Các đảng đối lập rất muốn hạ bệ ông Muhyiddin. Nhưng trong bối cảnh số ca
nhiễm covid-19 tăng nhanh, người dân Malaysia bình thường chán ngấy với phong tỏa
và suy thoái kinh tế, dĩ nhiên không ai hứng thú tổ chức bầu cử. Ông Muhyiddin
sẽ tiếp tục chiến đấu và trì hoãn bầu cử.
Iraq xoay sở dàn xếp
giữa Mỹ và Iran
Hôm nay thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi sẽ gặp
tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng. Hồi tháng 6, ông Kadhimi đã đến dự một
cuộc diễu binh với người đứng đầu của Hashd al-Shaabi, một liên đoàn các nhóm
dân quân được Iran hậu thuẫn ở Trung Đông.
Xoay sở giữa hai đối thủ là một nhiệm vụ khó
khăn cho bất kỳ nhà lãnh đạo Iraq nào kể từ khi Mỹ tiến quân vào nước này hồi
năm 2003. Hiện ông Kadhimi đang loay hoay hơn cả. Iran đã tiến hành nhiều đợt
không kích vào các căn cứ của Mỹ và đại sứ quán Mỹ ở Baghdad trong tháng này,
còn Mỹ tấn công các lực lượng dân quân thân Iran gần biên giới Iraq-Syria. Những
diễn biến này phần nào làm suy yếu các tuyên bố của ông Kadhimi về chủ quyền và
rằng ông được người dân tôn trọng. Ngoài ra ông còn không thể cung cấp đủ nước
và điện giữa cái nóng mùa hè, trong khi các vụ hỏa hoạn gần đây đã phá hủy nhiều
bệnh viện ngay giữa một đợt tăng ca nhiễm covid-19. Tháng 10 này sẽ có một cuộc
bầu cử để quyết định số phận của ông Kadhimi.
Giá thực phẩm tăng
cao trên toàn cầu
Giá lương thực toàn cầu đã tăng cao kể từ mùa
thu năm ngoái. Chỉ số các mặt hàng nông sản chính của Bloomberg hiện cao hơn tới
57% so với một năm trước. Nguyên nhân phần nào là do nhu cầu. Trung Quốc đã
tăng cường nhập khẩu vì bị thiệt hại bởi dịch cúm lợn. Việc các nền kinh tế mở
cửa trở lại cũng dẫn đến tiêu thụ nhiều sản phẩm động vật hơn, từ đó cần nhiều
ngũ cốc hơn cho chăn nuôi. Ngoài ra còn có các yếu tố từ bên cung, bao gồm hạn
hán ở Bắc và Nam Mỹ, giá dầu tăng (khiến thực phẩm được chuyển hướng sang sản
xuất nhiên liệu sinh học) cũng như gián đoạn chuỗi cung ứng.
Các nhà kinh tế lo ngại về tác động lên lạm
phát; trong khi những người khác cảnh báo về nạn đói gia tăng. May mắn là một số
áp lực có thể sẽ sớm giảm bớt. Dự báo thu hoạch ở các nước sản xuất chính có vẻ
khả quan; khi tủ hàng của người Trung Quốc đang đầy trở lại. Trong khi đó, các
công ty buôn bán hàng hóa cơ bản khổng lồ chuyên cung cấp, lưu trữ và vận chuyển
thực phẩm trên khắp thế giới đang khá bận rộn. ADM và Bunge, hai trong số những
công ty lớn nhất thế giới, đều sẽ công bố thu nhập trong tuần này. Giới phân
tích dự đoán một loạt các tin tốt lành.
No comments:
Post a Comment