Friday, 9 July 2021

ÔI EM TÔI, SÀI GÒN KHÔNG . . . VỈA HÈ (Nguyễn An Nam)

 


Ôi em tôi, Sài Gòn không... vỉa hè    -  

Nguyễn An Nam 

09:03 | Thứ sáu, 09/07/2021

https://nguoidothi.net.vn/oi-em-toi-sai-gon-khong-via-he-29370.html

 

Nhiều người đã bỏ dở gánh hàng rong để chạy về quê từ đợt dịch thứ nhất. Có người lay lắt dọn hàng ra rồi lại dẹp hàng vào. Và đến đợt phong tỏa của trận dịch thứ tư, kinh tế vỉa hè thuộc về phe nước mắt.

 

·         TP.HCM tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về, xe công nghệ trong 15 ngày

·         TP.HCM giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày từ 0 giờ ngày 9.7

 

Anh bạn mua được ổ bánh mì rồi chạy lòng vòng tìm không ra quán nước để ngồi lót dạ buổi sáng, cho đến khi tìm thấy một quán cóc trong hẻm để dừng chân thì ổ bánh mì đã ỉu xìu. 

 

Câu chuyện trên được kể trên mạng và nhận được nhiều lượt chia sẻ, bày tỏ sự đồng cảm. 

 

Sài Gòn thời giãn cách, một việc rất bình thường như là mua ổ bánh mì và kéo ghế ngồi lại quán cóc đã trở nên khó khăn đến vậy khi mà hàng quán vỉa hè đa số đã dẹp tiệm theo lệnh giãn cách. Thói quen la cà của thị dân đã bị “phong tỏa” theo các chỉ thị được đánh số.

 

Sài Gòn, trống rỗng vì mất đi cảnh sống động muôn hình muôn vẻ trên các vỉa hè. 

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/37e565ac-3d3d-45a5-92c0-bea68764f0a0.jpg

Đường phố Sài Gòn vắng lặng trong buổi sáng đầu tiên thực hiện giãn cách toàn thành phố 9.7. Ảnh: HB

 

Thành phố “phát bệnh” ngay trên chính những vỉa hè, con hẻm, nơi ngày hôm qua đã là không gian của những mắt xích kinh tế vận hành và diễn tiến theo một trật tự riêng mà các chuyên gia đã không tìm ra một từ nào gọi tên chính xác hơn: “kinh tế vỉa hè”.

 

Cửa hiệu đóng kín, các bảng sang nhượng, cho thuê mặt bằng dày đặc, những chậu kiểng héo khô vì không còn được chăm sóc, những bờ tường bong tróc nếp sơn và những cửa sắt phủ lớp bụi qua mấy mùa không người vào ra. Và kia nữa, những khoảng trống nối những khoảng trống thay cho hình ảnh gốc cây nọ có tủ nước giải khát, góc đường kia có gánh bún bò, mái hiên đó có chị bán cà phê, đầu hẻm này có bà bán trái cây... 

 

Sinh khí vỉa hè bị rút kiệt dần dần theo từng đợt sóng của đại dịch. Thỉnh thoảng ta chỉ còn có thể thấy dấu vết của những ánh mắt âu lo thoáng qua trên lớp khẩu trang kín.

Đó có phải là ánh mắt của anh xe ôm công nghệ lo lắng đến lượt mình cũng sẽ bị cắt đường mưu sinh như những người ngày trước cùng che chung bóng mát một vòm cây góc phố? Đó cũng có thể là bà cụ bán vé số ngày trước có vỉa hè đông vui thì chặng di chuyển ngắn, nay phải đi lại nhiều hơn mà xấp vé bán ước mơ đổi đời vẫn còn dày trên tay? Đó có phải là cô nhân viên văn phòng quen hẹn hò bạn bè tán gẫu mỗi trưa nơi quán cóc quen thuộc cạnh cao ốc văn phòng? Nhớ vỉa hè, là nhớ nhịp mưu sinh của một đời sống bình dân từng làm nên hình ảnh, mùi vị và giác quan của thành phố.

 

Kinh tế vỉa hè Sài Gòn đã được ngợi ca như một thứ sản phẩm du lịch tự nhiên đem lại hương sắc văn hóa hấp dẫn khách quốc tế. Nhưng trước mỗi một biến động, đó lại là nơi dễ gánh chịu sự tổn thương bởi chính nó không thể tự biện hộ cho mình.

 

Nó không thể tìm thấy thế giá của mình trong hệ thống những quy định hợp pháp của một cấu trúc kinh tế tổng thể nặng số liệu thành tích và hào nhoáng. Nó đóng góp vào những chỉ số chính thức nhưng lại được xem là ngoại vi, bên lề, tự phát.

 

Và thật chua chát, nó còn là đứa con của đường phố, khi cần thì được đưa vào thành tích, được nhắc đến để đánh bóng cho cuộc sống phồn vinh, đa dạng nhưng sau đó lại trở thành tội đồ của kẹt xe, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, bị quy tội đem lại sự nhếch nhác phản văn minh... 

 

Cuộc sống “bên lề” của những chủ thể làm nên kinh tế vỉa hè vì thế đã trải qua nhiều co giãn, linh động muôn hình muôn vẻ. Những bài học không có trong bất cứ một sách kinh tế nào, những ký hiệu linh hoạt để đạt được cứu cánh là sinh tồn.

 

Nhưng lần này thì khó khăn. Nhiều người đã bỏ dở gánh hàng rong để chạy về quê từ đợt dịch thứ nhất. Có người lay lắt dọn hàng ra rồi lại dẹp hàng vào. Và đến đợt phong tỏa của trận dịch thứ tư, kinh tế vỉa hè thuộc về phe nước mắt.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/5788f47b-aff0-4a89-849c-f1a4f85a7c1c.jpg   

Sài Gòn trống rỗng vì mất đi cảnh sống động muôn hình muôn vẻ trên các vỉa hè. Ảnh: HB

 

Văn hóa vỉa hè, văn hóa quán cóc đi vào văn chương, âm nhạc thật thơ mộng nhưng trong đời thực, lại là đời thực của thời giãn cách, là một nỗi trống rỗng lặng câm. Những con đường, góc phố rộng hơn nhưng dường như thiếu vắng sinh khí được làm nên bởi một nếp sống bình dân quen thuộc.

 

Ta chợt hiểu rằng, điều làm nên sắc vóc thành phố có khi lại không phải là những tòa cao ốc tráng lệ, mà lại là những gánh hàng rong, những góc quán cóc - nơi khái niệm nghĩa tình, sự bao dung hay hào sảng được trình hiện trong gieo neo khắc khoải. 

 

Nhà kinh tế sẽ nhìn ra ở đó một biểu hiện đáng ngại của sức khỏe nền kinh tế. Còn khi ta nhìn sâu vào sự trống rỗng đó, thử hình dung xem, có biết bao số phận đang nổi trôi bất định trong thời cuộc tai ương. 

 

Nguyễn An Nam

 

-----------------------------

 

TP.HCM tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về, xe công nghệ trong 15 ngày

 

Cái đói của con cái chúng ta

 

TP.HCM giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày từ 0 giờ ngày 9.7

 

'Lá chắn' vaccine và cơ hội để thoát khỏi đại dịch COVID-19

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats