Friday, 9 July 2021

CỖ XE THẮNG GẤP (Jan Rybnik)

 


Cỗ xe thắng gấp    

Jan Rybnik

Chuyên viên xuất nhập khẩu

Thứ sáu, 9/7/2021, 00:05 (GMT+7)

https://vnexpress.net/co-xe-thang-gap-4306640.html

 

Khi chỉ thị cấm những hàng buôn bán tự phát ban ra, chị Tâm nhìn tôi mếu máo khóc: “Giờ lấy gì mà ăn đây, chú Tây ơi?”.

 

Chị Tâm là người buôn bán nhỏ gần khu nhà tôi đang sống ở quận Gò Vấp. Gia đình bảy người nhà chị hàng ngày trông chờ vào khoản lời từ việc bán vài con cá và mấy mớ rau trước nhà. Khoản lời này là sự chênh lệch giữa giá hàng hóa mua ở chợ đầu mối Bình Điền cộng với công chuyên chở của chị bằng xe máy. Tôi đoán khoảng vài ba trăm nghìn một ngày là cùng.

 

Khánh là em họ bên vợ tôi, một thanh niên câm điếc. Khánh rời vùng quê nghèo Quảng Ngãi để vào TP HCM kiếm việc từ năm 18 tuổi. Nơi phố thị rộng lớn, Khánh trở thành công nhân may công nghiệp trong một xưởng may. Thu nhập của cậu khoảng năm triệu đồng một tháng, chỉ đủ để nuôi gia đình nhỏ. Đó là trước khi xưởng may đóng cửa do liên quan đến một ca Covid.

 

Khánh và vợ - cũng là một người câm điếc mất việc, không tiền lương, không trợ cấp. Cậu tìm đủ mọi cách xoay sở như đi bốc vác hàng hóa, đi phụ việc. Hơn một tháng qua, cơ hội việc làm gần như không còn, tiền kiếm được không đủ ăn trong khi vợ chồng Khánh còn phải thuê nhà. Họ đành cắt giảm chi phí ăn uống, mặc dù vợ Khánh đang mang thai đứa con thứ hai, cần được bổ sung dinh dưỡng. Nhìn bữa cơm đạm bạc nhà Khánh, chỉ có ít cơm cùng với rau mắm, có lúc thêm một quả trứng, tôi không khỏi xót xa.

 

Tôi biết không chỉ chị Tâm hay vợ chồng Khánh mà còn nhiều mảnh đời lao đao như vậy trong đại dịch này. Câu hỏi "giờ lấy gì mà ăn" của chị Tâm rất khó trả lời. Ngay cả việc kinh doanh của tôi cũng gặp khó khăn khi châu Âu bị phong tỏa nhiều đợt, tôi có lúc đã phải đi dạy thêm tiếng Anh để có thu nhập.

 

Những người thuộc tầng lớp trung lưu như tôi còn cầm cự, xoay sở được do có nền tảng như tấm bằng đại học hay một quỹ tiết kiệm nho nhỏ, các khoản đầu tư từ trước đó. Những lao động nghèo, theo tôi, không nhiều người có cùng điều kiện này. Cuộc sống của họ hầu như quanh năm chạy ăn theo từng bữa, từng tuần.

 

Có người sẽ nói: "Ồ, Chính phủ có chương trình hỗ trợ rồi mà". Với những người mà tôi quen biết ở TP HCM thì sự hỗ trợ đó còn nhiều bất cập. Khánh không sinh sống tại nơi mình đăng ký hộ khẩu, vì thế cậu không có tên trong danh sách được hỗ trợ ở quê, cũng không thuộc danh sách ở thành phố. Chị Tâm thì chờ mãi vẫn chưa nhận được hỗ trợ do không có giấy xác nhận hộ nghèo. Cô Chi gần nhà tôi thuộc hộ gia đình chính sách (thương binh, liệt sĩ), cô được nhận hỗ trợ mỗi tháng năm trăm nghìn đồng từ gói cứu trợ lần trước, nhưng cô bảo chỉ được ba tháng. Với khoản tiền ít ỏi như vậy, tôi nghĩ không lâu nữa, những người này sẽ lâm vào khốn cùng.

 

Thực sự việc hỗ trợ những nhóm yếu thế trong đại dịch là vấn đề nan giải không chỉ với Việt Nam. Các nước châu Âu, ví dụ như Ba Lan, cũng chỉ hỗ trợ chủ yếu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó ở nước Anh, người lao động bị buộc phải ở nhà trong thời gian phong tỏa được nhận 80% lương tháng, chính phủ chuyển thẳng vào tài khoản.

Thomas L. Friedman trong cuốn "Nóng, phẳng, chật" đã ví nền kinh tế toàn cầu như một chiếc xe tải khổng lồ đang đi rất nhanh và chúng ta không thể dừng nó một cách đột ngột. Vì vậy, những gì đang diễn ra giống như sự thắng gấp cỗ xe kinh tế.

 

Và bạn biết rồi đó, khi xe bị thắng gấp sẽ có hệ lụy. Tôi để ý thấy ngày càng nhiều người ngủ trên vỉa hè đường phố Sài Gòn hơn, đó là hệ lụy trước mắt. Còn lâu dài, việc cắt giảm bữa ăn sẽ ảnh hưởng không tốt đến phát triển thể chất của nguồn lao động trong tương lai. Đó là chưa nói đến những tệ nạn xã hội khác khi người nghèo bị bần cùng hóa.

 

Tôi có cảm giác đại dịch lần này đang chia nhân loại thành hai phe, thua cuộc hoặc trở thành người hùng, không có nhóm lơ lửng ở giữa. Ngay trong cùng một cộng đồng như xóm tôi cũng có nhóm vẫn sống ổn và nhóm nghèo hoặc tái nghèo.

 

Theo tổ chức Oxfarm, người nghèo sau đại dịch Covid sẽ mất nhiều năm để phục hồi, có thể là hàng chục năm hoặc hơn. "Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng bất bình đẳng chưa từng thấy trong lịch sử. Tình trạng phân hóa giàu nghèo sâu sắc cũng nguy hiểm chết người không kém gì virus", Gabriela Bucher - Giám đốc điều hành của Oxfarm toàn cầu nói.

 

Đợt dịch này kéo theo 12,8 triệu lao động tại Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực, tăng 3,7 triệu người so với quý đầu năm, theo công bố của Tổng cục Thống kê hôm 6/7. Ngoài ra, 1,8 triệu người lâm vào cảnh không có việc và 1,4 triệu lao động đang mong manh do không có việc làm một cách chính thức.

 

Để giải bài toán cân bằng giữa tuân thủ các quy định phòng dịch mà vẫn đảm bảo phát triển kinh tế và đời sống, Nhà nước đang nỗ lực giải ngân gói hỗ trợ mới 26.000 tỷ đồng. Tôi thấy hy vọng khi nhà chức trách cho hay gói hỗ trợ mới sẽ không yêu cầu những giấy tờ như hộ khẩu thành phố, giấy xác nhận chứng minh hộ nghèo. Những người như vợ chồng Khánh hay gia đình chị Tâm sẽ có cơ hội nhận được hỗ trợ. Hai tuần giãn cách nghiêm ngặt hơn đã bắt đầu, chúng tôi đang chờ hy vọng nhanh biến thành hiện thực.

 

Thay cho các loại giấy tờ, nếu cán bộ phát gói cứu trợ hay đại diện xã phường cần thêm "bằng chứng", người dân chúng tôi luôn sẵn sàng cung cấp thông tin rằng quanh tôi đang có ai đếm bữa từng ngày.

 

Nhiều người sẽ nói rằng chúng ta nên bớt kêu ca, cố chịu đựng vì lợi ích chung của xã hội, nhất là khi dịch đang căng thẳng. Nhưng tôi vẫn luôn nghĩ, tốt hơn nhiều nếu chiếc xe của chúng ta không thắng gấp, mà chỉ đi chậm lại. Dù chậm đến mấy, quan trọng là chúng ta vẫn bước cùng nhau.

 

Jan Rybnik
(Nguyên tác tiếng Việt)

 

141 Ý KIẾN   

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats