KHỞI ĐỘNG DỰ
ÁN KỶ NIỆM 100 NĂM HOÀNG CẦM
https://www.facebook.com/nhavandoclap/posts/1178416139337924
KHỞI ĐỘNG DỰ ÁN KỶ NIỆM 100 NĂM HOÀNG CẦM
Do gia đình và thân hữu nhà thơ chuẩn bị
Theo
Hoàng Cầm tuần du miền Kinh Bắc
Nhà thơ Hoàng Cầm đã viết tập thơ “Về Kinh Bắc”
hồi cuối những năm năm mươi thế kỷ trước, khi ông đang trong những ngày đen tối
của cuộc đời. Sau đó vì tập thơ này mà ông cùng với vài người bạn còn bị những
tai ương còn khốn nạn hơn nữa. Những thế hệ sau này đọc lại tập thơ, luôn bàng
hoàng tự hỏi, một tập thơ chứa chan tình yêu quê hương đất nước, chứa chan hồn
dân tộc. Và nó thấm đẫm tình yêu nam nữ muôn thủa bất diệt như vậy, mà sao người
ta có thể quy cho tác giả những tội tầy trời như đã từng? Nhưng thôi, thời gian
đã minh bạch tất cả, tôi không muốn nói thêm gì nữa. Tôi, với tư cách một người
yêu thơ Hoàng Cầm, và cũng là một người con của quê hương Kinh Bắc chỉ muốn mời
các bạn cùng nhà thơ, cùng tôi, ta về Kinh Bắc trong một chuyến “tuần du”- chữ
của nhà thơ, qua các làng xóm, sông núi thân thương của quê nhà mà mỗi khi nhắc
đến, trong sâu thẳm trái tim ông lại rung lên muôn nỗi niềm thương nhớ.
Xứ (hay là trấn) Kinh Bắc là một thực tế địa
lý, hành chính xuất hiện từ thời hậu Lê. Thời Lý- Trần, vùng này được gọi là lộ
Bắc Giang: vùng đất phía bắc sông Cái (sông Lô khi ấy, là tên của sông Hồng
ngày nay). Còn về mặt văn hóa, người ta hay dùng khái niệm miền- vùng: miền văn
hóa Kinh Bắc, vùng văn hóa Kinh Bắc. Đây thật sự là một vùng đất “địa linh nhân
kiệt”, là phên dậu che chắn cho phía bắc kinh thành Thăng Long của nước Đại Việt.
Thời Lý, nơi này là đất phát tích của vương triều. Thời Trần, do Hưng Đạo Đại
Vương Trần Quốc Tuấn được triều đình giao cai quản. Trong cuộc kháng chiến quân
Nguyên lần thứ hai, trên vùng đất này đã diễn ra nhiều trận đánh bi hùng trên ải
Động Bản (Sơn Động nay), ải Nội Bàng (vùng Chũ bây giờ), sông Thiên Đức, sông
Như Nguyệt. Còn sang thời hậu Lê, trận quyết chiến kết thúc 10 năm chinh chiến
của quân ta với bọn giặc Minh xảy ra tại thành Xương Giang (thành phố Bắc Giang
bây giờ) và vùng xung quanh.
Xứ Kinh Bắc, về mặt địa lý từ thời đó cho đến
gần đây bao gồm địa giới toàn bộ các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang. Và các huyện
Văn Giang, Văn Lâm của tỉnh Hưng Yên nay. Các huyện quận Gia Lâm, Long Biên,
Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh của thành phố Hà Nội. Huyện Phổ Yên của tỉnh Thái
Nguyên và Phúc Yên của tỉnh Vĩnh Phúc xưa cũng thuộc về đất Kinh Bắc. Một vùng
đất rộng lớn bên bờ bắc sông Hồng. Vật đổi sao dời, sự chia tách hành chính dẫn
đến nay tỉnh Bắc Ninh, vốn được coi là trung tâm của xứ Kinh Bắc, trở thành tỉnh
có diện tích bé nhất nước. Thời gian gần đây trên truyền thông, người ta có một
cặp từ ngữ cửa miệng: Bắc Ninh- Kinh Bắc, khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng
vùng Kinh Bắc chỉ là mảnh đất bé xíu phía bắc Hà Nội. Không phải thế. Xứ Kinh Bắc
vốn là một miền đất trù phú rộng lớn như đã nói, nó còn là một miền văn hóa thẳm
sâu hồn dân tộc Việt, một vùng đất trấn giữ cho kinh đô nước nhà được yên ổn
trước kẻ cừu thù muôn đời từ phương Bắc luôn lăm le tràn sang.
Xứ Kinh Bắc có địa hình gồm cả núi đồi và đồng
bằng. Những cánh đồng vùng này nổi tiếng màu mỡ, mưa thuận gió hòa, cắm cây mạ
xuống là thành cây lúa cho mùa màng bội thu. Nên cư dân thường có đời sống kinh
tế dễ chịu hơn so với những nơi khác. Chính vì điều đó nên vùng Kinh Bắc mới
sinh ra nhiều lễ hội và điệu hát quan họ huê tình lả lơi chăng? Nhưng muốn nói
gì thì nói, văn hóa Kinh Bắc xưa nay nổi tiếng nhất là văn hóa làng xã. Bởi
Kinh Bắc có rất nhiều làng cổ. Nhiều làng không biết ra đời từ bao giờ, có lẽ từ
thời Hùng Vương dựng nước đã có rồi. Làng Kinh Bắc nói không ngoa, tiêu biểu
cho làng Việt. Nên văn hóa làng xã Kinh Bắc cũng tiêu biểu cho văn hóa hồn cốt
của nước Việt xưa. Có điều kiện để đi sâu nghiên cứu luận giải vấn đề này, ta sẽ
thấy nhiều điều độc đáo. Ví như câu: “thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ
Pháp”, vốn loan truyền khắp vùng. Làng Cổ Pháp- Đình Bảng, là nơi phát tích triều
Lý, nổi tiếng giàu có từ xưa. Thời cuối của hai triều đại Lý- Trần, các ông vua
đều chểnh mảng chính sự, ham ăn chơi, nhà giàu làng này thường vào cung đánh bạc
với vua. Chuyện này Đại Việt Sử Ký toàn thư còn chép, sao lại xếp hàng thứ ba,
so về độ to chăng?
Vùng đồng bằng Kinh Bắc sở dĩ màu mỡ khiến cho
dân tình no đủ sung túc là do được cả một hệ thống sông ngòi tưới tắm. Nằm ở bờ
bắc sông Cái dĩ nhiên là được phù sa con sông vĩ đại của nước Việt bồi đắp hàng
năm. Nhưng trong nội vùng Kinh Bắc còn có 4 con sông rất đặc biệt, mang chữ Đức
ở trong tên chữ của nó: sông Đuống- Thiên Đức, sông Cầu- Nguyệt Đức, sông
Thương- Nhật Đức, sông Lục- Minh Đức. Cả bốn con sông này sau khi chảy quanh co
tắm mát cho đất đai cư dân vùng Kinh Bắc, đều gặp nhau dưới Lục Đầu giang huyền
thoại để nhập vào sông Kinh Thầy và sông Thái Bình đổ ra biển Đông. Ngoài ra
còn có vô vàn con sông, ngòi nhỏ khác, có tên và không tên: sông Cà Lồ trên mạn
Sóc Sơn, Đông Anh. Sông Ngũ Huyện Khê ở mạn Yên Phong, Tiên Du. Sông Tiêu Tương
với câu chuyện tình huyền thoại Trương Chi- Mỵ Nương ở Từ Sơn, Tiên Du. Và đặc
biệt không thể không nhắc đến sông Dâu, con sông đã mất dòng từ cả ngàn năm
nay, nhưng những dấu tích của nó vẫn còn trong sử sách và thực địa. Bởi dòng
sông Dâu bắt đầu từ sông Thiên Đức: cửa sông được xác định ở chỗ gần chùa Bút
Tháp nay, chảy qua Thuận Thành xuống Hưng Yên rồi đổ vào sông Hồng. Bên dòng
sông Dâu này đã từng có một đô thành sầm uất trên bến dưới thuyền, từng là lỵ sở
của nước Việt cổ: đô thành Luy Lâu. Đô thành Luy Lâu bên bờ sông Dâu có lẽ đã
được hình thành ngay sau thất bại của An Dương Vương với câu chuyện bi thảm về
con gái Mỵ Châu của ngài. Trót yêu lầm chàng Trọng Thủy để đến nỗi nước mất nhà
tan, mình thì chết dưới tay cha. Sau vụ đó có lẽ những kẻ thống trị nước ta đến
từ phương Bắc đã di chuyển lỵ sở quận Giao Chỉ (tên gọi nước ta thời Bắc thuộc)
đến thành Luy Lâu bên con sông Dâu. Ngàn năm Bắc thuộc của dân tộc Việt tưởng
như là một đêm dài đen thẳm, nhưng thực ra không bao giờ hết những ngọn lửa phản
kháng cháy lên. Để rồi đến mùa xuân năm 40, toàn dân tộc Việt đã nhất tề vùng dậy
theo Hai Bà Trưng tiến về Luy Lâu đánh đuổi tên thái thú Tô Định về nước, dựng
lại bờ cõi “Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”. Nhưng triều đình của Hai Bà
không tồn tại lâu trên đất Việt. Sông Dâu rồi cạn nước mất dòng. Nay ở đất làng
Khương Tự, xã Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh vẫn còn ngổn ngang gò đống cũ
xưa vốn là thành Luy Lâu. Vẫn còn chùa Dâu, ngôi chùa cổ nhất Việt Nam được dựng
lên bởi các nhà sư Ấn Độ đi theo thuyền buôn cập bến Luy Lâu. Và muôn vàn các
di tích khác chứng tỏ một thời huy hoàng của đô thành lỵ sở trong quá khứ.
Nhà thơ Hoàng Cầm là một người con của vùng
Kinh Bắc. Bố ông là một nhà nho người xóm Vinh, làng Hồ- Lạc Thổ, Thuận Thành,
Bắc Ninh. Mẹ ông là một thôn nữ của làng quan họ nổi tiếng: làng Bựu- Hoài Thị,
Liên Bão, Tiên Du, Bắc Ninh. Nhân đây cũng nói thêm là tại vùng Kinh Bắc, mỗi địa
danh, làng xóm, dòng sông… đều có hai tên: một tên nôm và một tên chữ. Tên nôm
thường chỉ có một từ, để nói chuyện với nhau hàng ngày. Còn tên chữ (tên tự)
thường có hai từ để viết vào khi làm văn bản. Ví dụ như người làng Hồ, khi nói
chuyện với người làng khác thường chỉ nói: “tôi ở Hồ”, nhưng khi làm một văn bản
gì đó sẽ viết đầy đủ là: “làng Lạc Thổ”. Không rõ tại sao lại có lệ đó. Điều
này cần các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian lý giải.
Sau khi lấy nhau, bố mẹ ông lên lập nghiệp tại
thôn Phúc Tằng, xã Tăng Tiến, Việt Yên, Bắc Giang. Cha làm thuốc Bắc, mẹ bán
hàng xén các chợ quanh vùng. Chính vì vậy mà nhà thơ có tên khai sinh là: Bùi Tằng
Việt, tên ghép của nơi chôn nhau cắt rốn. Bút danh Hoàng Cầm, tên một vị thuốc
bắc khá phổ biến trên các ô thuốc của cụ thân sinh, có lẽ được hình thành khi cậu
thiếu niên bắt đầu cầm bút làm những bài thơ tình đầu tiên của đời mình. Cho đến
khi viết tập thơ “Về Kinh Bắc” thì cái tên Hoàng Cầm đã là một tên tuổi lớn
trong văn đàn nước Việt. Những giá trị của tập thơ đã tôn vinh, nâng cao hơn vị
thế của ông trong nền văn học nước nhà. Và đây cũng là nguồn cơn lận đận của
ông trên bước đường đời.
Tập thơ “Về Kinh Bắc” gồm 48 bài, tám
nhịp. Nhịp, một cách bố cục tổ chức tập thơ lạ lẫm chưa từng có. Như nhịp đàn,
nhịp múa, nhịp trống chiêng sênh phách của những đêm hội hè đầy mê dụ. Một cách
kết cấu mới, không giống bất cứ một tập thơ nào như mọi người đã từng biết đến
khi ấy. Đó là một tập thơ tuyệt hay, nhưng không dễ dọc dễ cảm. Muốn cảm được
thơ Hoàng Cầm người đọc phải có chút phiêu, đồng cảm thậm chí như mộng mị cùng
ông. Hiểu được con người, văn hóa, địa danh vùng Kinh Bắc quê hương ông. Rồi
trong sâu thẳm cõi lòng mới rung lên sợi tơ cảm xúc…
Trong phạm vi bài viết này, kẻ hậu sinh vốn
cũng là người sinh ra lớn lên ở miền Kinh Bắc. Nay lại đang sống trên mảnh đất
làng Hồ quê gốc của ông. Chỉ có mong muốn cùng các bạn làm một chuyến “tuần
du”, một chuyến du khảo lãng đãng, qua các địa chỉ đất và người miền quê tươi đẹp
đã sinh ra một người thơ đẫm chất văn hóa Kinh Bắc kia.
Ta sẽ men theo từng nhịp của tập thơ này.
Nhịp một- Khấn nguyện. Mở đầu là bài thơ có
cái tên khá lạ lẫm: “Đêm Thổ”, với câu thơ đầu như một lời đề từ cho cả
tập thơ:
“Cúi lạy Mẹ con trở về Kinh Bắc
Chiều xưa giẻ quạt voi lồng
Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc
Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông…”
Nhà thơ Hoàng Cầm sinh ra lớn lên ở Kinh Bắc.
Cả tuổi thơ ông hầu như trôi qua trên cái phố nhỏ, cạnh ga xép bên quốc lộ 1,
nơi ông từ đó hàng ngày lên Phủ Lạng Thương (thành phố Bắc Giang bây giờ) học
tiểu học và trung học cơ sở. Lên trung học, ông mới về Hà Nội và hầu như không
còn dịp nào trở về nơi phố nhỏ có căn nhà của cha mẹ nữa. Chiến tranh loạn lạc
đã cuốn gia đình ông tan tác đi. Về quê cũ làng Hồ. Ra Hà Nội. Lên chiến khu. Rồi
lại trở về Hà Nội sinh sống cho đến cuối cuộc đời.
Văn Giang, địa danh ông nói tới trong bài này
là vùng đất Kinh Bắc ngay bên kia sông Hồng. Nay thì chỉ cần qua cầu Thanh Trì,
rẽ phải dăm cây số là tới. Mà sông Hồng thời đó nước mùa lũ dữ lắm. Nước đỏ đục
ngầu mênh mông từ bờ này đến bãi bên kia như biển. Mười tám khúc đê Văn Giang
đã vỡ không biết bao lần, gây nên bao cảnh đau thương nhức nhối khiến cho
chuông chùa Bách Môn mỗi chiều buông xuống còn day diết. Mà chùa Bách Môn mãi tận
trên núi Long Khám, Việt Đoàn, Tiên Du. Chùa bốn phương tám hướng có tới một
trăm cửa nên nghe vọng được lời ai oán của chúng sinh muôn nơi chăng? Khá khen
cho bà chúa Chè, Đặng Thị Huệ vốn là thiếp yêu của chúa Trịnh Sâm, lúc hết ân sủng
đã về quy Phật, xây ngôi chùa này làm nên danh thắng trong vùng. Tiếng tăm linh
thiêng của chùa vọng mãi về tới vùng núi đá Đông Triều- “triều đình xứ đông” của
miền Hải Đông xa ngái. Trí tưởng tượng vô biên của nhà thơ, thoắt từ núi Đông
Triều đã lại quay về núi Thiên Thai gần quê nhà mình ngay. Núi Thiên Thai nằm cạnh
sông Đuống, có chín ngọn lô xô trông như đàn gấu đang đẩy đá núi về phía biển,
chứ núi chẳng có gấu thật. Chim loan phượng cũng chưa từng thấy. Núi Thiên
Thai, cái tên đẹp đẽ biết bao, đã vào thơ văn và những lời ca quan họ, mà xung
quanh chân núi lại lưu di tích của ba vụ án oan bậc nhất trong lịch sử Việt: vụ
Lệ Chi Viên, giết công thần Nguyễn Trãi cùng vợ là Nguyễn Thị Lộ và ba họ. Vụ
án oan bị vu cáo giết vua của trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh. Vụ trạng
nguyên Nguyễn Quang Bật bị ép nhảy xuống sông Lam tự tử. Đó là không kể, lui
vào xa chút nữa vẫn bên dòng sông Thiên Đức là nơi ẩn khuất của tướng quân Cao
Lỗ sau khi thất sủng với An Dương Vương. Thiên Thai là thế đó. Thế mà không hiểu
sao, nhà thơ lại kết bài bằng câu: “Bưởi Nga My sao mẹ bắt đèo bòng”
Bưởi Nga My vốn là đặc sản Kinh Bắc xưa nay đã
thất truyền. Xã Nga My nay cũng không còn nằm trong huyện Hiệp Hòa, phủ Bắc Hà,
xứ Kinh Bắc mà đã về huyện Phú Bình, Thái Nguyên rồi. Nhưng cái câu “bưởi
Nga My…” vẫn ngân nga như một niềm nuối tiếc.
Đọc tiếp “Đêm Kim”:
“Về Kinh Bắc phải đâu con nghẹn khóc
Con không cười
Con thoảng nhớ thoảng quên…”
Bởi chẳng ai tìm được gấm đẹp Song Cầu, mía ngọt
Đường Trèo nữa, đã thất truyền từ lâu. Để sang đến “Đêm Mộc”, ta được lang mang
cùng nhà thơ về Ba Vì xứ Đoài đưa ít đá ong về xây cổng ngõ. Rồi vào Thanh mua
cói. Cói Nga Sơn nổi tiếng lâu rồi. Chiếu cạp điều, giữa có chữ “phúc” để trải
giường đêm tân hôn phải từ cói xứ Thanh mới êm đẹp. Đến bài “Đêm Thủy”, nhà thơ
đưa ta về chùa Phật Tích, ngôi chùa cổ đã ngàn năm tuổi. Ngôi chùa này được xây
trên núi Phật Tích, thuộc xã Phật Tích, huyện Tiên Du từ lâu, gần cùng thời xây
chùa Dâu. Đến thời nhà Lý được xây cất lại quy mô rất lớn. Hiện vẫn còn nhiều cổ
vật có giá trị: các bức tượng thú và đặc biệt bức tượng A di đà rất đẹp và lớn.
Chùa này gắn với lễ hội ngắm hoa mẫu đơn trên núi Phật Tích vào ngày mùng 4 tết.
Bởi truyền rằng xưa trên núi Phật Tích có rất nhiều hoa mẫu đơn. Câu chuyện
chàng Từ Thức gặp nàng tiên Giáng Hương ở đây. Nàng tiên trên trời xuống dự hội,
mê hoa mải ngắm trót vin gãy cành nên bị phạt vạ, khiến chàng Từ Thức động lòng
cởi áo chuộc. Rồi nên duyên thiên cổ. Nay lên núi Phật Tích ngắm cảnh sơn thủy
hữu tình, cũng có lúc người ta chợt thấy mình như chàng Từ Thức xưa, quên cả lối
đi về.
Bài thơ “Đêm Hỏa”, kết thúc cho nhịp một của tập
thơ với những hình ảnh hoán dụ đầy ẩn ức trong tâm trí của một người thơ đang
lang thang trong miền ký ức của mình. Miền ký ức về Kinh Bắc quê hương:
“Về Kinh Bắc tìm chơi đàn kiến lửa
Ngón tay di sợi chỉ nâu…”
Thế là đủ ngũ hành Thổ- Kim- Mộc- Thủy- Hỏa. Đủ
để làm nên một thế giới. Một thế giới thơ Hoàng Cầm. Ám ảnh.
Để rồi mở ra nhịp hai- Kiếp trước.
Bắt đầu bằng một câu như lời đề từ lạ lùng: “Giếng
ngọc ễnh ương quát đêm tiền sử”. Lạ. Những cái giếng ở làng quê Kinh Bắc vốn
là một nơi vừa linh thiêng cao quý, lại vừa gần gũi bình dị. Là nơi lấy nước ăn
cho cả làng nên được giữ gìn như ngọc như ngà. Rất nhiều làng quê vùng này đặt
tên giếng của mình là giếng ngọc, thể hiện sự trân quý. Đặt miếu thờ canh giữ,
đắp nổi dòng chữ “Ẩm hà tư nguyên- uống nước nhớ nguồn” để nhắc nhở. Nước giếng
ngọc trong mát ngọt lành đã nuôi nấng bao giọng ca quan họ liền anh liền chị ngọt
ngào đắm đuối. Giếng ngọc vốn có từ lâu đời. Từ thủa hồng hoang tiền sử, đêm
đen ma quái. Đêm xưa vậy đêm nay vẫn vậy, dưới giếng, con ễnh ương quát gọi bạn
tình như ngàn xưa vẫn vậy.
“Nắng phù sa” ươm vàng ngoài bãi sông xưa, bài
đầu nhịp hai, người thơ kể:
“Ướm vết chân bãi phù sa sông Đuống
Dựng tre làng Cháy
Sạt năm tầng mây rực lửa Phong Châu…”
Một miền cổ tích của thánh Gióng ba tuổi vùng
lên lưng ngựa sắt đi đánh giặc. Nơi sinh là bãi bờ sông Đuống- sông Thiên Đức vốn
bắt nguồn từ chỗ cửa Đức Giang, sông Hồng rồi chảy dọc Long Biên, Đông Anh, Gia
Lâm, Từ Sơn, Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình, Lương Tài nhập vào Lục Đầu giang.
Nhưng trước khi hòa nước, dòng Thiên Đức đã kịp tưới tắm làm nên cả một dải
châu thổ mướt mát phù sa, cây cối tốt tươi mùa nào thức ấy. Bà mẹ làng Gióng,
xã Phù Đổng, Gia Lâm đã ướm chân trên bãi phù sa nâu non tinh khôi, hoài thai đẻ
ra Gióng ba tuổi chưa biết nói cười. Rồi vùng đứng lên cưỡi ngựa sắt phun ra lửa
đi đánh giặc. Để bây giờ làng bên cạnh, Roi Sóc được gọi là làng Cháy bởi ngựa
ông Gióng phun lửa thiêu, tre xanh thành vàng óng đằng ngà. Phong Châu, Đông
Anh, Sóc Sơn cả một dải làng quê Kinh Bắc còn in dấu ngựa sắt của ông Gióng phi
qua đánh đuổi giặc, xong bay về trời trên núi Sóc. Nên ngày 6 tháng giêng âm lịch
núi Sóc mở hội đưa ông Gióng về trời. Còn ngày 9 tháng 4 âm lịch dưới làng
Gióng, Phù Đổng, Gia Lâm mở hội mừng ngày ông sinh. Cũng là thời điểm kết thúc
cho một mùa lễ hội của cả vùng Kinh Bắc: “Mùng bảy hội Khám, mùng tám hội
Dâu, mùng chín đâu đâu thì về hội Gióng”. Tạm biệt làng Gióng, cùng nắng vẫn
đang chói ngời triền đê sông Đuống, ta theo nhà thơ lên Cổ Loa, nơi đô thành của
nước Âu Lạc xưa. Thành ốc Cổ Loa, thuộc xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội vốn là kinh
đô của nước Âu Lạc dưới sự trị vì của An Dương Vương. Đến nơi kinh đô cũ, đứng
trên bờ thành cũ nhìn xa xăm mây trắng tưởng như thấy lông ngỗng đang bay tơi tả.
Đứng bên bờ giếng ngọc để cho tâm trí bay vào núi Mộ Dạ, Diễn Châu. Nơi nàng
công chúa Mỵ Châu oan nghiệt ngàn năm máu còn nhỏ xuống biển, để viên trai ngọc
phải tìm về đất cổ, rửa nước giếng thần cho sáng rõ tấm lòng trung trinh. Cổ
Loa thành quách lâu đài, tên đồng… đâu khuất bóng. Chỉ còn hòn đá cụt đầu xiêm
y rực rỡ trong hậu cung khán thờ. Chỉ còn làng Cổ Loa nay may sắp biến thành phố
rồi. An Dương Vương, Mỵ Châu, Trọng Thủy, Cao Lỗ tướng quân… hồn các thần sẽ
trú ngụ nơi đâu?
Từ Cổ Loa, nhà thơ đưa chúng ta về Cầu Lim với
những câu quan họ ngọt ngào tình tứ, những cô gái xinh tươi đảm đang yểu điệu
má đào, “Gái Nội Duệ Cầu Lim”. Hội Lim mở vào đầu xuân, chính hội ngày
13 tháng giêng trên đồi Lim. Hội của cả tổng chứ không riêng làng Lim nên to lắm.
Hội thi hát quan họ lớn nhất vùng. Liền anh liền chị nón thúng quai thao lúng
liếng lả lơi dùng dằng cả đêm không hát xong câu giã bạn. Mẹ của nhà thơ Hoàng
Cầm là một liền chị quan họ hát hay nức tiếng làng Bựu gần đấy, chắc cũng đi hội
và hát thi ở đồi Lim bên dòng sông Tiêu Tương nhiều lần. Thủa ấu thơ hẳn ông đã
được mẹ ru bằng nhiều làn điệu quan họ, nên thơ ông mới trữ tình thế. Trữ tình
và mờ ảo như “sương Cầu Lim” mỗi sáng xuân mơ màng. Chỉ có mơ màng trong hư thực
nhà thơ mới đưa chúng ta từ vùng chiêm trũng Quế Dương, nơi cánh đồng xa, bầy ếch
béo tròn căng mọng ngồi xếp đùi gõ trống. Ộp ộp ộp. Ếch đồng chiêm trũng Quế
Dương ngon có tiếng, nhưng phải tậu con sáo sậu tận đất Phù Ninh, Phú Thọ về
nuôi chơi mới thỏa. Rồi đến rằm tháng bảy cầm lồng sáo sậu, leo lên núi Dạm (xã
Nam Sơn, trước thuộc huyện Quế Võ, nay thuộc tp Bắc Ninh) vào chùa thắp hương
khấn Phật, phóng sinh cho sáo đậu vui vườn chùa nghe kinh. Còn ta thì ngồi ngắm
cột đá thiêng linga dựng từ thời Lý vẫn sừng sững uy nghiêm. Ra giếng Bống soi
mình xem có con cá nào từ thời Lý Nhân Tông- Nguyên phi Ỷ Lan nổi lên không.
Trong bóng chiều thinh không nghe vang vọng tiếng trống Sấm làng Chờ mãi trên mạn
Yên Phong vọng về. Cái trống huyền thoại đánh lên rền như tiếng sấm ắt hẳn xưa
đã cùng đức ông Lý Thường Kiệt thúc quân đánh giặc bên bờ sông Như Nguyệt- Nguyệt
Đức- sông Cầu. Có tiếng chuông lanh lảnh làng Trõ bên phủ Đông Ngàn vọng sang
hòa cùng tiếng mõ Phù Lưu. Bộ ba “trống Chờ, chuông Trõ, mõ Phù Lưu” đã mấy ai
vùng Kinh Bắc không từng nghe?
“Trống Chờ thúc chín tiếng
Chuông Trõ nện ba hồi
Mõ Phù Lưu khua bến đò Lo…”
Nhưng làng Phù Lưu đất Từ Sơn nổi tiếng là
làng Giầu thì cả nước nhiều người biết. Đất Phù Lưu văn vật, quê hương nhiều
người giỏi giang thành đạt quê gốc nơi đây. Còn bến đò Lo qua sông Cà Lồ đi lên
ngã ba Phù Lỗ không xa chợ Chờ, chợ Giầu mấy đỗi đường. Ngày xưa đò xa làng đường
vắng, đi chợ sớm qua đò mà ngay ngáy lo lắng cướp giật đạo tặc rình mò. Thế rồi
thành tên bến đò Lo. Nay đường, cầu xong hết cả rồi, sông Cà Lồ chỉ còn thoi
thóp chảy, bến đò chỉ có mỗi cái tên còn lại mà thôi.
Mà từ đò Lo đi sang Yên Thế cũng xa. Phải qua
Hiệp Hòa, Tân Yên mới tới đất cụ Đề. “Đất này là đất cụ Đề/ Tây lên thì có
Tây về thì không”. Bởi xưa nay trên ấy vẫn lừng lẫy “trai cầu vồng Yên Thế”
xứng với “gái Nội Duệ Cầu Lim” dưới kia. Trai tài dũng cảm sánh với gái đảm
xinh tươi, duyên ưa cá nước nào ai sánh tày. Giờ thuận đường xe chả cần ngựa Ô
truy ta bon lên Yên Thế, tìm đến Cầu Vồng, Cầu Gồ hay vào ấp Cầu Đen có nhà lưu
niệm của nhà văn Nguyên Hồng thăm thú cũng thật là hay. Nếu quá trưa sang chiều,
món gà đồi nổi tiếng luôn chờ bạn hữu cùng nhau nâng cốc. Từ biệt trai Cầu Vồng
Yên Thế ta cùng nhà thơ trở về thăm dinh Bồ Đề, bến Bồ Đề, chùa Bồ Đề trên bãi
sông Hồng xưa nay là phường Bồ Đề ngay chân cầu Chương Dương. “Nhong nhong ngựa
ông đã về/ cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn”. Chả có cỏ nào tên là Bồ Đề. Chỉ có cỏ
mật, cỏ mía ngọt ngào trên cánh bãi Bồ Đề cắt lên cho ngựa của đức ông Lê Lợi
ăn no đi đánh giặc Minh. Còn cánh bãi làng Bồ Đề, cánh bãi sông Hồng xưa nay vẫn
nhiều cây Bồ Đề thiêng liêng của đức Thích Ca Mâu Ni. Dịp này, có ai hay đi qua
các cây cầu Chương Dương, Long Biên để vào thành phố, sẽ thấy ngoài bãi giữa
sông Hồng bạt ngàn cây bồ đề mọc như rừng. Chợt hiểu tại sao đất kia có tên Bồ
Đề…
Nhịp ba của tập thơ -- Rũ bụi gia phả.
Những bài thơ dài: “Đèn nhang 1”, “Đèn nhang
2”, “Ngựa 1”, “Ngựa 2”, “Lính thú”, nhà thơ đưa chúng ta vào miền thẳm sâu hơn
nữa của Kinh Bắc. Miền ký ức. Mà chỉ có miền ký ức nhà thơ mới kéo người đọc về
với những trang sử bi hùng của nước nhà đã diễn ra trên Chi Lăng, Lạng Sơn gần
kề Kinh Bắc. Chắc hẳn các trận chiến đó đã có nhiều người con quê Kinh Bắc khi
xưa từng can dự. Nhưng đất Gia Bình văn vật có liên quan gì đến Bạch Hạc trên
Việt Trì để nhà thơ Hoàng Cầm phải nhắc tới? Nó là lịch sử hay là một dải sông
nối liền từ Bạch Hạc, xuôi sông Hồng, rẽ vào cửa Đức Giang sang sông Đuống để về
đến Gia Bình quê hương?
“Đường nắng bay từng đám hỏa hoàng
San sát rừng gươm
Gia Bình- Bạch Hạc
Tràn lên thốc ngược cờ đốc đồng Kinh Bắc”
Có lẽ là miền ký ức hầu như vô thức đã dắt nhà
thơ đi một chuyến lãng du như vậy. Và viết ra những câu thơ như vậy. Giặc giã,
quan tướng, đốc đồng, cào cào, gái quê, núi đá, biên cương. Mơ mòng trong trí
tưởng tượng hầu như vô giới hạn của ông. Miên man. Mê mị…
Gia Bình là một huyện ở bờ nam sông Đuống, có
núi Thiên Thai là ngọn núi duy nhất của cả vùng nam Kinh Bắc. Tới Gia Bình mà
không lên núi Thiên Thai thì coi như chưa đến Gia Bình. Đến Thiên Thai ghé đền
Lê Văn Thịnh thắp cho ngài nén hương và ngắm bức tượng cổ con rồng đá “miệng cắn
thân, chân xé mình, tai thông tai điếc”, nghĩ về nỗi oan khuất của vị trạng
nguyên khai khoa tài đức. Rồi ta theo đê sông Đuống vào thăm Lệ Chi Viên cách
đó vài cây số, thắp nén nhang tưởng nhớ cặp tình nhân bi thảm nhất thiên cổ nước
Việt: Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ trên mảnh đất xưa vốn là hành cung, nơi xảy ra
vụ việc Lê Thái Tông chết yểu ở tuổi 20. Cũng trên đường đê ấy, tiếp tục xuôi về
phía biển ta sẽ đến quê hương tướng quân Cao Lỗ, thăm bến Bình Than nơi Trần Quốc
Toản đã để lại tên tuổi mình.
Nếu bạn về thăm Kinh Bắc vào mùa xuân, đi trên
đường sẽ nghe văng vẳng tiếng thì thùng trống hội khắp đó đây. Mùa xuân là mùa
lễ hội. Kinh Bắc là miền lễ hội. Lễ hội suốt 3 tháng, bắt đầu từ lễ hội ngắm
hoa mẫu đơn trên núi Phật Tích vào ngày mùng 4 tháng giêng âm lịch cho đến hội
Gióng mùng 9 tháng tư âm lịch mới là kết thúc. Làng nào cũng hội. Làng nhỏ mở hội
1-2 ngày, làng lớn tổng to mở đến 3-5 ngày, thậm chí nửa tháng mới rã đám. Mở hội
để làm lễ tế thành hoàng làng, cầu cho mưa thuận gió hòa mùa màng tốt tươi,
nhân khang vật thịnh. Và bày nhiều trò chơi cho nhân dân vui vẻ sau một năm lao
động vất vả. Hội thi hát quan họ, thi nấu cơm, thi làm cỗ, thi các sản vật của
làng, đánh cờ người, tổ tôm điếm…
Ngày xưa chưa có bóng chuyền bóng đá, rất nhiều
làng mở hội Vật. Hầu như làng nào cũng có sới vật. Giải to lắm. Các đô vật
trong vùng mùa xuân nô nức rủ nhau đi giật giải các làng treo. Đất Kinh Bắc vốn
có truyền thống thượng võ. Tên tuổi các đô vật với các miếng đánh thần sầu vẫn
còn lưu truyền mãi trong dân gian: Tổng Dong đất Võ Giàng, Bá Ngạc bên Tiên Du,
Tư Đang người Yên Dũng, Bảy Kình khét tiếng đất Yên Phong. Rồi Bá Ngư người
Siêu Loại. Từ hội vật làng quê, ra thẳng sa trường. Ơn đền nợ nước hay mưu lập
công danh. Nhưng tâm thức nhà thơ đau đáu nỗi thương người thì viết:
“Chiều tím bặt sa trường màu giun chết
Thân mười thước đổ ngang rụng ngửa
Phơi mồi quạ xúm đen ngòm
Bắp thịt đường gân ngày thí võ hôm xưa
Thoắt đã bầy nhầy phân ngựa…”
Siêu Loại là tên cũ của huyện Thuận Thành quê
gốc nhà thơ Hoàng Cầm. Tên này vốn đã có từ thời trước khi vua Đinh lập nước Đại
Cồ Việt. Khi đó sứ quân Lý Khuê cai quản đất này. Đinh Bộ Lĩnh bèn cho người cầu
hôn con gái ông. Làm rể. Thế là Lý Khuê trao quyền binh mã lại. Xong một sứ
quân. Cái tên “Siêu Loại”, nghĩa là loại người siêu đẳng, nghe đồn vốn là do một
vị quân vương nào đó đặt, bởi ngài về vùng này kinh lý, thấy nhiều người học giỏi
tài cao quá, bèn đặt tên là “Siêu Loại”. Học giỏi thì dĩ nhiên thôi, bởi đất
Thuận Thành- Siêu Loại là nơi mở trường học chính quy đầu tiên của nước Việt,
nay di tích vẫn còn ở đền thờ Sĩ Nhiếp- Nam Giao Học Tổ, làng Tam Á, xã Gia
Đông. Tiện đường về thăm lăng mộ Sĩ Nhiếp trên đất Thuận Thành sao ta không tới
chùa Dâu, ngôi chùa cổ nhất Việt Nam để chiêm ngưỡng các bức tượng tứ pháp:
“Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện” và bảo vật trứ danh đặt trong cái khán
nhỏ trước mặt bà Pháp Vân trong hậu cung nhỉ? Bảo vật này nhà chùa gọi là “Phật
thạch linh”, dân gian bảo là sinh thực khí, giáo sư Trần Quốc Vượng sinh thời về
nghiên cứu rồi bảo là linga. Còn bạn cho là gì thì hãy đến xem. Xem xong tản bộ
vào thành Luy Lâu ngắm cây cầu đá cổ sót lại rất đẹp, nhìn tấm bia đá khắc từ đời
Tùy mà thấy nao lòng. Tiền nhân nhắn gửi lại gì trong đó mà chữ nghĩa ngàn năm
đã mờ hết rồi.
“Thôn cũ
Đầu sân chiếc guốc nằm nghiêng
Cung quăng đo thân cây
Vại lưng chừng nước
Đuôi nắng quệt ngang cành ớt
Lưng trâu mười tuổi ngủ đồng xa.”
Khổ thơ cuối của bài “Lính thú”, đọc lên khiến
ta xao xuyến lòng, như kẻ xa nhà lâu năm chợt về, thấy thềm hoang sân vắng…
Để cho lòng tĩnh lại, ta lên chùa Bút Tháp,
ngôi chùa cổ đẹp nhất Việt Nam mà nay còn giữ lại được hầu như nguyên vẹn hình
hài. Ngắm tháp bút bằng đá vươn lên kiêu hãnh dưới trời xanh. Vào chùa cúi đầu
trước tượng Phật bà quan âm nghìn mắt nghìn tay, bảo vật quốc gia có một không
hai. Xuống nhà hậu thắp nén nhang cho bà Hoàng hậu thông tuệ Trịnh Thị Ngọc
Trúc, người đã tu hành nơi đây cùng các hoàng tử công chúa. Nên chùa Bút Tháp
còn được coi là ngôi chùa của hoàng gia. Nhưng đi hết các di tích đất Thuận
Thành- Siêu Loại thì nhiều lắm, bởi đây là vùng đất cổ của người Việt, mỗi làng
xóm, mỗi cánh đồng, mỗi bước chân là một câu chuyện lịch sử hào hùng, khổ đau,
day dứt khôn nguôi. Hội vật các làng mùa xuân xưa còn như là cuộc thi võ nghệ
phân tài cao thấp rồi nay mai triều đình ứng thí bổ dụng. Trai anh hùng, võ nghệ
cao cường để cho “Gái Tam Sơn đờ đẫn môi trầu” khi nhìn các đô vật đang múa se
đài rồi lao vào nhau tung đòn đánh ngã đối thủ hòng chiếm giải. Chiếm được giải
làng. Chiếm lòng người đẹp Tam Sơn đi kén chồng. “Tam Sơn là đất ba gò/ của trời
một đống cả kho người tài”. Tam Sơn thuộc phủ Đông Ngàn xưa, nay là thị xã Từ
Sơn. Nơi nổi danh đất Kinh Bắc lắm người tài. Nơi duy nhất có đủ tam khôi: Trạng
nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Từ Thuận Thành sang Tam Sơn cũng chả bao xa. Qua một
chuyến đò ngang sông Đuống, thêm vài thôi đường là tới.
Ngày xưa vùng Kinh Bắc có một vật dụng khá
quen thuộc đó là thúng sơn. Đan bằng tre rồi phủ sơn ta lên khiến cho thúng bền
không thấm nước, có thể dùng gánh nước từ giếng về bể nhà hoặc đựng đồ khi đi
xa không sợ mưa thấm ướt. Nay xã hội tiến lên, rất nhiều đồ vật thay thế cái
thúng Nha Kiều đã thất truyền. Nhưng ngay cả tên làng hình như cũng chả còn
nguyên nghĩa. Có thể là làng Nha bên Gia Lâm hoặc làng Kiều xã Hiên Vân, Tiên
Du bây giờ. Nhưng nếu có thời gian ta ghé vào Hiên Vân chơi cũng thú, những
ngôi làng rất đẹp nằm bên sườn núi thấp với những ngõ quanh co, những bức tường
xám mầu thời gian, những ngôi nhà cổ. Đặc biệt con gái Hiên Vân nổi tiếng hát
quan họ hay, say đắm. Nơi đây đã sinh ra nhiều nghệ sĩ quan họ nổi tiếng cả nước.
Trong nhịp bốn của tập thơ - Rồi cùng đi tất cả,
Hoàng Cầm dùng nhan đề cho hai bài thơ như những khái niệm, thành ngữ: “Trai đời
Trần” và “Gái hậu Lê”. Trai đời Trần nổi tiếng anh hùng, làm nên những chiến
công lẫy lừng. Trai đời Trần là trai thời loạn: “Các con trai đi cả/ nợ nước
xóa ơn vua”. Gái thời hậu Lê, đất nước thanh bình, nhan sắc lên ngôi: “Sợi
tóc ba nghìn dặm/ ôi giải xiêm đào ngày tuyển lựa hoàng phi”. Những cô gái
hậu Lê nổi tiếng tài đảm. Tiếc là trai anh hùng và gái thuyền quyên mà họ chẳng
phùng thời. Để cho nước Việt cứ long đong chinh chiến…
Trong bài thơ “Gái hậu Lê”, tác giả nhắc đến
núi Tam Tầng cạnh bờ bắc sông Cầu thuộc xã Quang Châu huyện Việt Yên. Gần nơi
sinh ra và lớn lên của ông. Tôi dám chắc nhiều buổi chiều hôm đi lang thang
theo “Chị” nơi đồng chiều, ông đã ngắm núi Tam Tầng và mơ về những canh quan họ.
Bởi nơi đó có mấy làng quan họ cổ: Nam Ngạn, Tam Tầng. Nay chúng ta theo dấu
nhà thơ tìm về, núi Tam Tầng vẫn vậy, sông Cầu nước vẫn chảy xuôi về biển. Những
người xưa đã đi về đâu, Ba Vì, Lục Đầu giang, xứ Lạng, Cao Bằng hay về Thăng
Long kinh kỳ hoa lệ. Họ đã “Đi xa”, “Đi mãi” rồi. Họ chẳng nghe được tiếng lòng
người vợ da diết:
“Mình ơi
Anh đi lúa chửa chia vè…”
Theo Nhịp năm
- Còn em, ta cùng nhà thơ lang thang ra đồng chiều.
Cánh đồng mùa đông vừa gặt, chưa cày ải lao
xao cuống rạ có một vẻ hoang vu kỳ lạ. Mênh mang. Buồn thảm. Trên nền đó, “Chị”
đẹp tha thẩn tìm gì, làm cho kẻ đa tình bỗng bật lên cảm xúc:
“Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ...”
Kể từ khi bài thơ “Lá Diêu bông” ra đời đến
nay, đã có biết bao câu hỏi về chiếc lá thần thánh kỳ ảo kia, nó ở đâu, như thế
nào… Thi sĩ chẳng trả lời. Và người yêu thơ, yêu nhau cứ mải miết đi tìm. Nhưng
hãy tạm quên lá Diêu bông, ta cùng về thăm làng Đình Bảng, một làng Kinh Bắc nổi
tiếng xưa nay. Làng này có tên nôm là kẻ Báng, làng Báng vì xưa bên cạnh có rừng
Báng. Đây là quê mẹ của Lý Công Uẩn, vị vua mở triều nhà Lý. Cạnh làng vẫn còn
lăng mộ và đền thờ của tám vị vua nhà Lý, đền Lý Bát Đế. Và đền Rồng, thờ Lý
Chiêu Hoàng riêng một chỗ, vì người ta quy kết rằng bà là người làm mất triều
nên không được thờ chung. Kể là quá đáng, khi buộc phải nhường ngôi cho chồng
là Trần Cảnh, Lý Chiêu Hoàng mới tám tuổi, biết gì đâu mà gánh vác nổi sơn hà.
Triều nhà Lý cũng như muôn vàn triều đại trên trái đất này, hết thịnh thì suy
thôi. Vậy mà miệng thế đời sau cứ đổ riệt cho một người con gái ngây thơ. Bất
công. Đình Bảng xưa là làng, nay là phường của thị xã Từ Sơn, từ Hà Nội sang chỉ
mất 20 phút nhẩn nha quãng đường hơn chục cây số. Vừa đi vừa ngắm cảnh. Đình Bảng
là một trong những làng to, giàu nhất vùng Kinh Bắc. Cỗ ở đây có tiếng là to nhất
nước. Và thể nào cũng được nếm món bánh phu thê ngọt ngào thơm nức. Con gái
làng Đình Bảng nổi tiếng đảm đang, làm ăn buôn bán giỏi. Giỏi đến nỗi mà nghe
nói, các ông chồng làng này ngày xưa chỉ đóng vai ở nhà trông con, đi ăn cỗ và
chơi tổ tôm. Bởi mọi việc kinh tế đã có vợ đảm lo hết rồi. Đảm, xinh, biết ăn mặc.
Mốt xưa của thiếu nữ vùng Kinh Bắc là phải váy kiểu Đình Bảng. Thế nhưng bây giờ
không có hy vọng gì tìm được một cô thôn nữ mặc váy buông chùng cửa võng như
xưa nữa đâu. Cái váy Đình Bảng lừng lẫy xưa đã đi vào quá khứ, nay chả ai còn mặc
váy xếp rõ nhiều pli, chùng xuống tận gần mu bàn chân, rộng mênh mông để mỗi bước
đi, sóng lụa rập rềnh như sóng biển làm tan nát trái tim thi sĩ non trẻ khi
xưa. Nhân nói đến chuyện váy Đình Bảng, xin kể chuyện này mà tôi được chứng kiến.
Chả là đình làng Lạc Thổ (làng Hồ), nơi quê cha đất tổ của nhà thơ bị đốt hồi
chống Pháp, cho đến mãi những năm 90 thế kỷ trước mới xây dựng lại được. Hôm
khánh thành, làng bèn mời nhà thơ Hoàng Cầm về đọc thơ ở đêm hội mừng. Nhà thơ
đọc nhiều bài. Có bài “Lá Diêu bông”: “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng…”.
Các bậc bô lão nông dân trong làng tím mặt. Bởi họ cho là nhà thơ xúc phạm cả
thánh thần, dám ví cái váy con đĩ với cái cửa võng ban thờ thành hoàng làng ở
đình: đang ngồi dưới ban thờ mà ví váy đàn bà với cửa võng. Ví với von. Họ giận.
Thề không mời nhà thơ về quê nữa…
Thật khó mà giải thích cho những cái đầu u mê
và nông cạn. Có lẽ chỉ những người yêu thơ ông, có cùng trường mỹ cảm mới hiểu
và rung động với những câu thơ bất hủ trong bài “Lá Diêu bông” và cả tập “Về
Kinh Bắc” mà thôi. Thôi cứ để cho các đấng bậc nào đó ngồi rung đùi với cái cửa
võng sơn son thiếp vàng trước ban thờ thành hoàng đình làng vậy. Còn thơ của
Hoàng Cầm đã thăng hoa ra khỏi làng Hồ, ra khỏi xứ Kinh Bắc và nước Việt. Thơ
Hoàng Cầm đã là một giá trị văn hóa chung của tất cả.
Không gian trong thơ Hoàng Cầm thật rộng lớn.
Theo trí tưởng tượng của nhà thơ, từ Đình Bảng, ta vân du về tận Núi Neo, một
ngọn núi thiêng trong dãy núi Phượng Hoàng thuộc huyện Yên Dũng, trên mạn Bắc
Giang kia. Rồi nhà thơ lại đưa phắt ta trở lại với hội Lim. Hội Lim ngày 13
tháng giêng, đã có bao thơ nhạc viết về canh hội quan họ lớn nhất miền Kinh Bắc
này rồi, nói nữa thêm thừa. Chỉ biết mời bạn tháng giêng, ngày 13 đến đồi Lim ở
giữa thị trấn Lim, Tiên Du nghe hát. Và thịnh tình nếm chén rượu nồng của chị
hai anh hai quan họ vốn trọng chữ tình, mến khách quý người. Rồi miên man vào
canh hát:
“Lý lý ơi khát khô cháy giọng
Tình tình ơi chớ động mành thưa
Chìa vôi quệt gió hững hờ
Bờ ao sáo tắm bao giờ…
…hở Em.”
Ta sang nhịp sáu - Điểm trang, “những hội
hè Kinh Bắc/ có thi nhau giật giải pháo toàn hồng”.
Kinh Bắc còn được định danh là “miền lễ hội”.
Mùa xuân là mùa lễ hội. Suốt ba tháng, cả vùng tưng bừng lễ hội. Làng nào cũng
mở hội. Rã đám làng này, lại sang làng khác vào hội, hát quan họ, thi kéo co, vật,
đánh cờ người, tổ tôm điếm và muôn vàn môn đặc sắc khác, mỗi làng mỗi kiểu:
“Thi sợi bún”, “Thi ăn mía thổi cơm”, “Thi đánh đu”, “Thi hát đúm”, “Thi dệt vải”,
“Thi thêu gấm”…
Làng Hồ, thị trấn Hồ, Thuận Thành là quê gốc của
nhà thơ, nằm bên cạnh sông Đuống, bờ Nam. Nên những năm xa nhà đi kháng chiến
chống Pháp trên chiến khu Việt Bắc, nhà thơ mới đau đáu nhìn về “Bên kia sông Đuống”:
“Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp…”
Lân cận xung quanh làng Hồ- Lạc Thổ, còn nhiều
làng trong tên có chữ Hồ: làng Mái- Đông Hồ, làng Đạo Tú- Tú Hồ, làng Tháp- Hồ
Tháp, làng Chương- Hồ Chương, Ấp Hồ…
Lạc Thổ là một làng Kinh Bắc cổ và lớn. Có tới hơn chục ngõ xóm, mà mỗi ngõ xóm
tương đương với một làng ở nơi khác. Ngõ Vinh, quê gốc của nhà thơ ở đầu làng gần
về phía cánh đồng. Dân làng Lạc Thổ làm ruộng, chạy chợ, làm thày đồ dạy học,
làm thuốc. Ông thân sinh nhà thơ là một nhà nho thi không đỗ đã bỏ quê lên ở đất
làng Phúc Tằng, xã Tăng Tiến, Việt Yên mở hàng thuốc bắc lập nghiệp. Mẹ nhà thơ
vốn là một cô gái làng Bựu, Tiên Du theo chồng về Việt Yên. Có lẽ vì có một bà
mẹ vốn là một cô gái quan họ nổi tiếng hát hay, xinh đẹp làm nghề bán hàng xén
các chợ quanh vùng, nên ông mới viết được câu thơ đẹp như thế về các cô hàng
xén: “Những cô hàng xén răng đen/ cười như mùa thu tỏa nắng…”
Làng Hồ cách làng Đông Hồ một thôi đê quãng
non cây số. Hội làng Hồ mở ngày mùng 10 tháng hai âm lịch, có môn thi gà Hồ nổi
tiếng. Gà Hồ to đẹp nức tiếng. Các ông túc nho trong làng còn phán, con gà Hồ
như người quân tử, có đủ cả nhân, nghĩa, lễ, trí, dũng. Nhưng thi xong thì gà Hồ
nào cũng lên mâm cho các cụ đánh nhắm. Thịt gà Hồ rất ngon.
Hội làng tranh Đông Hồ- làng Mái mở sau hội
làng Hồ, mãi đến 15 tháng ba âm lịch mới là chính hội. Chị em bên Lạc Thổ điểm
trang má đỏ môi hồng, quần áo mớ ba mớ bảy, nón thúng quai thao. Liền anh thì
áo the khăn xếp, ô lục soạn chỉnh tề sang Đông Hồ dự hội. Đi bộ nhẩn nha trên
đê vừa ngắm tiết trời cuối xuân đang mở ra bừng sáng, cỏ cây đua sắc. Thú vị.
Làng Đông Hồ xưa có nghề làm tranh bán đi khắp nước. Đời sống nhân dân no đủ phồn
thịnh. Vậy nên mới có câu ca dao: “Làng Mái có lịch có lề/ có ao tắm mát có
nghề vẽ tranh”. Dân Đông Hồ xưa nổi tiếng lịch sự, “có lề”, rất trọng lời
ăn tiếng nói, thưa gửi cẩn thận, hiếm khi trong làng đánh cãi chửi nhau. Nay
Đông Hồ chỉ còn vài nhà làm tranh. Thế nhưng cũng đủ cho bạn về ngắm những rộn
ràng đám cưới chuột, đàn lợn âm dương hay vén váy hứng dừa…
Từ Đông Hồ ta cũng chỉ một chuyến đò ngang,
băng qua cánh bãi với vài quãng đê là sang tới Yên Viên, dự hội có cuộc thi thổi
cơm độc đáo: ăn mía rồi lấy bã nhóm đốt nấu chín niêu cơm. Mía bãi phù sa sông
Đuống của Yên Viên ngọt nức tiếng, cơ mà để nhai, hít cho khô, nhóm lửa bã mía
nấu chín cơm thì quả là kỳ tài! Yên Viên chỉ cách nội thành mươi cây số, theo
đường quốc lộ một hôm nào rỗi rãi ta nên thử đi ăn mía bãi sông Yên Viên, cũng
là một sự thú vị.
Nhưng vùng Kinh Bắc thì mía trồng ở bãi ven
sông Cầu cũng ngọt có tiếng chả kém mía bãi sông Đuống. Theo nhà thơ ta về với
sông Cầu- sông Nguyệt Đức- sông Như Nguyệt nằm ở trung tâm miền Kinh Bắc. Con
sông khi xưa nước trong vắt, lơ thơ chảy giữa các rặng tre xanh la hẳn xuống mặt
nước. Con sông đẹp như tranh vẽ, mang trong mình đầy chất thơ chất nhạc đã sản
sinh ra miền văn hóa quan họ. Hai bên bờ sông Cầu: Tiên Du, Tp. Bắc Ninh, Quế
Võ, Yên Phong bờ nam. Bên bờ bắc là Việt Yên, Yên Dũng là một loạt các làng
quan họ cổ. Sông Cầu chính là trục trung tâm của văn hóa quan họ. Danh sách các
làng quan họ cổ đã trình lên cả UNESCO để cùng ghi danh là “Di sản văn hóa phi
vật thể đại diện của nhân loại”. Quan họ không chỉ là hát. Quan họ là trang phục,
là lời ăn tiếng nói, là cách sống, cách ứng xử…Nói về quan họ xin để lại cho
các chuyên gia. Chỉ muốn mời các bạn cùng nhà thơ yêu quý của chúng ta làm một
chuyến lãng du dọc sông Cầu để cảm nhận cái dòng chảy văn hóa Kinh Bắc trữ tình
xuyên suốt ngàn năm mà thôi.
Nhưng nói đến sông Cầu mà không nhắc đến sông
Thương là một thiếu sót lớn. Nhà thơ đã viết một bài về “Nước Sông Thương”:
“Ngày Chị bảo Em quên
Tắm nước sông Thương không mát
…
Ngày Chị bảo Em quên
Em tơ tưởng sao bắt Em đừng nhớ
…
Tha cho Em
Tha Em
Sông Thương nước chảy đôi dòng…”
Sông Thương- Nhật Đức, dòng sông mặt trời.
Sông Cầu- Nguyệt Đức, dòng sông trăng. Hai con sông này như một cặp phạm trù, một
cặp âm dương sản sinh ra văn hóa Kinh Bắc. Sông Thương được bắt nguồn từ các tỉnh
Bắc Cạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn. Hai con sông chi lưu chính là Sông Trung mạn
Thái Nguyên sang vốn chảy qua các vùng đồi núi đất. Và sông Hóa từ mạn Lạng Sơn
chảy xuống, vốn chảy qua các dãy núi đá. Nên mùa mưa nước hai con sông có màu
khác nhau: sông Trung nước đục, sông Hóa nước trong. Khi hợp lưu ở mạn Hữu Lũng
rồi xuôi về đến Phủ Lạng Thương hai dòng trong đục vẫn chưa hòa làm một, khiến
ra con sông Thương nước chảy đôi dòng, làm cho bao văn nghệ sĩ ngẩn ngơ tức cảnh
sinh tình. Thơ và nhạc khá nhiều về con sông này. Nhưng nay có lẽ do nạn phá rừng,
sông Thương mùa lũ cũng chỉ còn một màu đục mà thôi. Nhưng mùa xuân nước lặng
trong, làm một chuyến du ngoạn dọc sông Thương ngắm cảnh cũng thật hữu tình.
Kinh Bắc không chỉ có quan họ. Hội làng nhiều
nơi hát hầu thánh cửa đình là ca trù, trống quân, chèo và tuồng. Sân đình làng
nào cũng được lát gạch Bát Tràng đỏ au. Làng Bát Tràng ngay bờ sông Hồng làm gốm
sứ nhưng cũng làm cả đồ sành và nung gạch lá nem lát sân. Nhà giàu Kinh Bắc xưa
mới có tiền mua gạch Bát Tràng về lát sân. Chàng trai Kinh Bắc đi tán vợ đã “ước
gì anh lấy được nàng/ để anh mua gạch Bát Tràng về xây…”. Xây bể nước cho nàng
rửa chân thôi đấy. Cơ mà làng Bát Tràng giờ chả còn làm gạch, chỉ làm đồ gốm sứ
mỹ nghệ thôi. Quá bộ qua cầu Thanh Trì rẽ phải vào thăm làng cổ Kinh Bắc ven
sông Hồng cũng là một tua du lịch nên thử. Tua du lịch văn hóa làng nghề đem lại
rất nhiều trải nghiệm thú vị.
Nhưng nói đến hội hè Kinh Bắc xưa mà không nói
đến “Hội chen Nga Hoàng” là khiếm khuyết lớn:
“Chen Nga Hoàng
Len chèn nguyệt tận
Phụt nửa đêm đèn nến lặn
Ba hồi trống giãi dầm dề
Lim dim bao dong ba nghìn mắt Phật
Tóc tung tình bờ xôi ruộng mật
Quanh co tỏa bốn hướng đình…”
Nga Hoàng – làng Ngà, thuộc xã Yên Giả, huyện
Quế Võ (xưa là Quế Dương và Võ Giàng). Huyện này ngay cạnh thành phố Bắc Ninh,
giáp cả sông Đuống lẫn sông Cầu. Hội chen Nga Hoàng thú vị ở chỗ nó kéo dài từ
mùng 6 tháng giêng đến rằm tháng ấy mới rã đám, chia làm rất nhiều kỳ “chen”
nhau bằng thích! Nam thanh nữ tú chen lấn xô đẩy trong đêm. Cánh trung niên
cũng chen nhau không kém. Bọn trẻ con thì càng hăng hái hơn. Thôi thì cứ là tự
do thoải mái chen lấn đụng chạm dấm dúi nhau vào bờ sông bến bãi bụi chuối gốc
đa… cứ vô tư! Lễ hội phồn thực cầu cho mùa màng tốt tươi, nhân khang vật thịnh
nên càng chen mạnh, càng chèn ép người ta càng tốt. Nam chen nữ. Nữ lại chen
nam. Chủ chen khách. Khách chen lại chủ… vui lắm. Tiếc là mấy chục năm nay hội
chen Nga Hoàng thất truyền, nếu còn thì vui phải biết.
Trên xã Việt Đoàn, Tiên Du có Hội làng Long
Khám, nhiều trò vui, có tính chất thượng võ. Trò cướp cây mộc tất thông qua cả
đêm nên nhà thơ mới viết “Hội Long Khám đêm sao trời chi chít”. Và thế nào cũng
có sới vật cho các đô trong vùng về thi tài. Hội mở ngày 20 tháng 8 âm lịch là
ngày giỗ của Đức Thánh Trần mà làng thờ là thành hoàng. Từ Việt Đoàn đến bờ
sông Cầu đi đò sang Vân Hà cũng chẳng bao xa. Vân Hà có nghề làm gốm, bún bánh
đa và đặc biệt là nấu rượu. Rượu làng Vân nức tiếng một thời trong nam ngoài bắc.
Vân hương mỹ tửu đã từng được chọn tiến vua. Về dự lễ hội Vân Hà khách kinh ngạc
về những mâm cỗ đãi ngày hội:
“Cỗ ba tầng
Giò lụa nổi
Giò mỡ chìm
Nem bối rối
Lá sung bay rụng đầy nong…”
Toàn những món ăn đặc sệt hương vị Kinh Bắc. Đặc
biệt là món nem làm từ thịt lợn tái, trộn thính rang, gói lá sung, chấm nước mắm
chanh ớt tỏi, nhắm với rượu nếp làng Vân thì say lúc nào không biết. Đây là món
nhắm rượu đầu bảng của dân Kinh Bắc, hầu như ai cũng biết làm. Thế nhưng món
nem thính gói lá sung ngon nhất vùng là do dân làng Bùi, Ninh Xá, Thuận Thành
làm. Nay nem Bùi đã thành thương hiệu nổi tiếng khắp nước. Câu ca dao xưa: “Tay
cầm bầu rượu nắm nem/ mảng vui quên hết lời em dặn dò”, là nói về cái nắm nem
gói lá chuối tươi này đó. Mùa xuân về Vân Hà dự hội, nhắm rượu nắm nem thính
thơm phức, không còn biết đến đường về nữa đâu…
Đặc biệt đây còn là làng quan họ cổ, có đình rất
to đẹp, mỗi kỳ hội làng thôi thì liền anh liền chị cả hai bên sông Cầu trên bến
dưới thuyền về giao duyên nhộn nhịp đón đưa, thâu đêm suốt sáng.
Đầu nhịp bảy của tập thơ - “Rồi lại đi”. Nhà
thơ đề từ “Bước sắp qua cầu nghẹn tiếng”. Về để rồi lại đi, sắp đi lại
nghẹn ngào nhớ quê:
“Con đấy ư
Con đã về Kinh Bắc
…
Con đấy ư
Mười ngày không khóc
Mười thày lang dờ dẫm
Ven giường ẩm ướt
Mười đêm
Tiếng trống chèo vuốt ngực Châu Long
Bước ‘sắp qua cầu’ nghẹn tiếng.”
Nhịp này có những bài thơ: “Luân hồi”, “Đợi
mùa”, “Quà mẹ”, “Nhớ”. Đặc biệt là bài “Mưa Thuận Thành”. Mỗi bài một giọng.
Nhưng một trong những bài thơ xuất sắc nhất tập là “Mưa Thuận Thành”. Thuận Thành
là quê cha, lại có thời gian loạn lạc do chiến tranh nhà thơ đã cùng với gia
đình về lại ngõ Vinh, đầu làng Lạc Thổ tá túc. Nhà thơ đã tham gia Việt Minh ở
đây rồi quay lại Hà Nội, lên chiến khu đi kháng chiến. Chính thời gian này, bài
thơ nổi tiếng “Bên kia sông Đuống” đã ra đời. Một người con của Thuận Thành,
làng Hồ bên bờ nam sông Đuống đang ở bên bờ bắc nhìn về quê hương ngập tràn
trong khói lửa “xót xa như rụng bàn tay”. Yên hàn rồi, ở Hà Nội cách quê
không xa mà vẫn trắc trở nhiễu nhường. Nên nỗi nhớ quê, nỗi khát khao về quê mới
đong đầy:
“Nhớ mưa Thuận Thành
Long lanh mắt ướt
Là mưa ái phi
Tơ tằm óng chuốt
Ngón tay trắng nuột
Nâng bồng Thiên Thai…”
Thuận Thành xưa là huyện Siêu Loại trong phủ
Thuận An xứ Kinh Bắc. Đi từ trung tâm thủ đô về không quá 30 km. Một vùng quê
văn hiến, một vùng đất cổ dày đặc những di tích, sự tích, đền chùa miếu mạo. Từ
làng Hồ, quê gốc của nhà thơ đi vào núi Thiên Thai, ngọn núi thiêng của cả vùng
chưa đến 7 km. Thiên Thai trong tâm thức của nhà thơ, của cả dân quanh vùng vẫn
là một điều gì linh thiêng hiện hữu. Không như bến Luy Lâu chỉ còn là quá vãng.
Bến Luy Lâu tấp nập thương thuyền từ muôn nơi về buôn bán với dân Giao Chỉ, nay
thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành. Chỉ còn là ngòi nước nhỏ sót lại.
Lòng sông Dâu đã thành làng xóm trù phú. Nếu có về nơi đây ta chỉ còn biết yên
lặng dạo trên gò đống ngổn ngang của thành cũ Luy Lâu mà dùng trí tưởng tượng:
“ Ngoài bến Luy Lâu
Tóc mưa nghiêng đầu
Vành khăn lỏng lẻo…
………………..
Thuận Thành đang mưa…”
Tập thơ “Về Kinh Bắc” đóng lại ở nhịp cuối- Về
với ta, cùng lời đề từ “Ngủ say rồi cá đòng đong”. Lạ lẫm. Hai bài thơ cuối “Về
với ta”, “Ước nguyện”, như một tiếng thở dài khoan khoái của nhà thơ, của chúng
ta sau khi làm xong cuộc “tuần du” về miền Kinh Bắc:
“Ta con bê vàng lạc dáng chiều xanh
Đi mãi tìm sim chẳng chín
…
Ta con chào mào khát nước
Về vườn xưa hạt nhãn đã đâm mầm
…
Ta con phù du ao trời chật chội
Đứng cánh bèo đo gió lặng tìm sao…”
Bốn mươi tám bài thơ, bốn mươi tám dáng thơ đi
tám nhịp, nhà thơ đã đưa chúng ta tuần du miền Kinh Bắc. Tuần du. Chữ của nhà
thơ. Nó không đơn thuần là sự dịch chuyển địa lý từ nơi này sang nơi kia. Nó cả
là sự dịch chuyển trong tâm tưởng từ miền thời gian này đến miền thời gian
khác. Từ cảnh huống này sang ngay trạng thái khác. Tức thời. Không phụ thuộc điều
gì thuộc về vật lý. Nó là ý thức, là trái tim khối óc nhà thơ, chỉ muốn tức khắc
lao vào, hòa vào, tan vào miền quê yêu dấu của ông. Bởi thơ và đời ông là Kinh
Bắc. Thấm đẫm. Cùng với Hoàng Cầm xong một cuộc tuần du trên miền Kinh Bắc, ta
mới hiểu tại sao thơ Hoàng Cầm lại da diết và tràn ngập tình yêu quê hương đất
nước, con người đến vậy. Bởi Kinh Bắc là vậy. Miền quê của non sông cẩm tú, của
những con người nhân hậu, của những lễ hội rộn ràng, của những canh hát thâu đêm.
Miền quê của những tên đất, tên làng, tên núi, tên sông đã thổi hồn vào trong từng
con chữ lời thơ của ông. Và Hoàng Cầm, cũng bằng những con chữ lời thơ đã lại
làm bừng sáng lên miền quê Kinh Bắc thân thương của mình.
TTC.
Hình :
https://www.facebook.com/photo/?fbid=1178419289337609&set=pcb.1178416139337924
https://www.facebook.com/photo?fbid=1178419366004268&set=pcb.1178416139337924
No comments:
Post a Comment