Thursday, 1 July 2021

NHỮNG GIỚI HẠN TRONG HỢP TÁC AN NINH VIỆT - MỸ (Vũ Khang - Tạp Chí Nghiên Cứu Việt-Mỹ)

 



Những giới hạn trong hợp tác an ninh Việt Mỹ    

Vũ Khang 

25 Tháng Sáu, 2021

https://usvietnam.uoregon.edu/nhung-gioi-han-trong-hop-tac-an-ninh-viet-my/

 

Các học giả và các nhà hoạch định chính sách thường sử dụng mệnh đề “từ thù thành bạn” để mô tả những bước phát triển của quan hệ Việt Mỹ trong một phần tư thế kỷ qua. Thật vậy, mệnh đề này không phải là không có cơ sở chắc chắn. Hà Nội và Washington đã chọn vị trí đối đầu trong Chiến tranh Lạnh và đã tiến hành một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất thế kỷ 20 mà tác động vẫn còn kéo dài đến ngày nay. Hai bên đã tiến hành tiếp xúc ngay sau khi Việt Nam thống nhất vào năm 1975, rồi sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, nhưng ngay cả như thế, các cuộc chiến của Việt Nam chống lại Trung Quốc và Khmer Đỏ đã trì hoãn đáng kể mối quan hệ Việt Mỹ.

 

Hai nước chỉ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995 sau khi Hà Nội không còn gây ra mối đe dọa quân sự đối với Đông Nam Á và nhận lấy các khoản đầu tư kinh tế của phương Tây để cải cách kinh tế trong nước. 

 

Điều thú vị là tại thời điểm bình thường hóa, người ta suy đoán rằng Hoa Kỳ coi Việt Nam là đồng minh tương lai để kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc khi quan hệ Mỹ Trung trở nên căng thẳng.

 

Ngày nay, mối quan hệ Việt – Mỹ không chỉ là bạn bè đơn thuần. Cả hai nước đều có chung lợi ích an ninh quốc gia liên quan đến việc kháng cự chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Và bất chấp nội bộ Washington bị phân cực về mặt chính trị, cả hai đảng sẽ luôn ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập. Cả chính quyền Donald Trump và Joe Biden đều coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngay từ đầu trong nhiệm kỳ của mình. 

 

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng James N. Mattis thậm chí còn đi xa đến mức gọi hai nước là “đối tác cùng chí hướng” (“like-minded partners.”) Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết, Washington coi Hà Nội là “một trong những đối tác quan trọng nhất trên thế giới” và sẽ đóng vai trò trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. 

 

Lời nói của Hoa Kỳ đi kèm với hành động. Hai tàu sân bay Hoa Kỳ đã đến thăm Việt Nam lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Việt Nam, lần lượt vào năm 2018 và 2020, báo hiệu một thái độ cam kết chống lại yêu sách hàng hải “bất hợp pháp” của Trung Quốc.

 

Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ với Việt Nam nhất quán như vậy cho nên không có gì ngạc nhiên khi thấy những lời kêu gọi Hoa Kỳ liên minh với Việt Nam ngày càng gia tăng. Sự hội tụ trong chính sách đối ngoại này mạnh mẽ đến mức các giá trị cộng sản của Việt Nam không gây ra bất kỳ trở ngại nào cho mối quan hệ an ninh ngày càng tăng giữa Hà Nội với phương Tây. Các học giả nhanh chóng lưu ý rằng “Sách Trắng Quốc phòng” năm 2019 của Việt Nam để ngỏ khả năng Hà Nội cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ nếu có một sự thúc đẩy nào đó, rằng “tùy theo hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ xem xét phát triển quan hệ phù hợp về mặt quốc phòng, quân sự cần thiết với các nước khác.” Việt Nam liên minh với Hoa Kỳ sẽ đánh dấu việc Hà Nội rời bỏ “chính sách Ba không”, không liên minh quân sự, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam, và không dựa vào nước này để chống lại nước kia. Mặc dù chưa rõ liệu Việt Nam có đi xa đến thế hay không, nhưng quỹ đạo của mối quan hệ vẫn còn đi lên, chừng nào Trung Quốc còn chưa tiết chế tham vọng lãnh thổ của mình.

 

Nhưng nếu quỹ đạo của mối quan hệ hợp tác này đi lên, đâu là điểm giới hạn của quỹ đạo hợp tác an ninh Việt Mỹ này? Liệu sẽ có một liên minh chính thức Hoa Kỳ – Việt Nam, tuân theo các cam kết quốc phòng chính thức của Hoa Kỳ tương tự với các “đối tác cùng chí hướng” khác, như Nhật Bản và Úc? Hay mối quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam sẽ kết thúc như những cuộc “kết hôn giả”, phụ thuộc nhiều hơn vào sự hung hăng của Trung Quốc hơn là động lực nội tại giữa Hà Nội và Washington? Đây là một câu hỏi quan trọng vì nó đặt ra những kỳ vọng có tính thực tiễn và đặt ra những cạm bẫy tiềm ẩn trong mối quan hệ song phương. Không nắm bắt được giới hạn có thể dẫn đến kỳ vọng không phù hợp. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến chiến tranh giữa các quốc gia, và dẫn đến gia tăng sự rủi ro của việc mắc kẹt hoặc phá bỏ liên minh. 

 

Việt Nam, với tư cách là nạn nhân của sự bỏ rơi của cả Hoa Kỳ vào năm 1973 và của Liên Xô vào năm 1979 và 1988, muốn biết chính xác mức độ đáng tin cậy của việc dựa vào Hoa Kỳ để xử lý vấn đề của mình ở Biển Đông. Đồng thời, Hà Nội không muốn bị cuốn vào một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, hay trở thành chiến trường cho cường quốc khác giải quyết bế tắc của họ.

 

Mặc dù Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh trong những năm tới, giới hạn của mối quan hệ đối tác nằm ở sự khác biệt về hệ giá trị và tư tưởng giữa hai bên. Nếu lợi ích an ninh quốc gia liên quan đến an ninh bên ngoài, thì hệ tư tưởng liên quan đến an ninh nội bộ. Là một nhà nước cộng sản độc đảng, hệ tư tưởng đảm nhận vai trò chủ đạo trong cách thức điều hành công việc hàng ngày của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và nhà nước. Quan trọng nhất trong số đó là sự kiểm soát của đảng đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam (VPA). 

 

Khác với thể thức kiểm soát khách quan đối với quân đội ở các nền dân chủ, nơi quân đội phi chính trị hóa và cam kết trung thành với quốc gia, kiểu kiểm soát chủ quan của Việt Nam đối với quân đội đòi hỏi QĐNDVN trước hết phải trung thành với ĐCSVN và thề bảo vệ quyền lực của Đảng chống lại “phản động” và các thế lực thù địch. Với mục tiêu cuối cùng là “bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, đối với QĐNDVN, rèn luyện về mặt tư tưởng được coi là quan trọng như đào tạo nghiệp vụ.

 

Hoa Kỳ không phải là nước nguy hiểm về mặt an ninh đối với Việt Nam, nhưng là mối đe dọa về ý thức hệ đối với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Điều này sẽ khiến VPA chống lại Hoa Kỳ khi liên quan đến an ninh nội bộ. Chính phủ Việt Nam lo ngại rằng các “thế lực thù địch” do phương Tây hậu thuẫn có thể lợi dụng cuộc đấu tranh của Việt Nam ở Biển Đông để kêu gọi quần chúng phản đối chính phủ, từ bỏ chính sách đối ngoại không liên kết, đứng về phía Hoa Kỳ, và chia rẽ Đảng với QĐNDVN và nhân dân. Do đó, việc đồng minh với Washington sẽ giải quyết các vấn đề an ninh đối ngoại của Hà Nội nhưng đồng thời sẽ khiến sự an toàn của chế độ bị đặt vào nguy cơ bị Hoa Kỳ can thiệp. Sự liên minh đòi hỏi phải đánh đổi sự “độc lập về chính sách” để đổi lấy an ninh quốc phòng.

 

Nỗi sợ hãi đó bắt nguồn từ Hoa Kỳ, một nước có lịch sử ủng hộ thay đổi thể chế để đưa các nhà lãnh đạo có cảm tình với các căn nguyên của nó. Vì QĐNDVN được giao nhiệm vụ bảo vệ Đảng, nên họ có lý do chính đáng để nghi ngờ liệu Hoa Kỳ có áp đặt “các giá trị dân chủ phương Tây” lên Việt Nam thông qua các mối quan hệ quân sự thân thiết hay không. Do đó, như nó đã tuyên bố về sứ mệnh của mình, để bảo vệ quyền lực chính trị của ĐCSVN, QĐNDVN sẽ muốn hạn chế hợp tác với lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ, ngay cả khi nhu cầu an ninh quốc phòng cần đến một liên minh như vậy. Lịch sử đã chỉ ra rằng các quốc gia với các giá trị ý thức hệ khác nhau có xu hướng coi nhau như kẻ thù hơn là bạn.

 

Thế lưỡng nan của Việt Nam giữa một bên là an ninh quốc phòng và bên kia là an ninh chính trị nội bộ đã được phản ánh trong Sách trắng quốc phòng năm 2019. Báo cáo đưa ra hai mối đe dọa khác nhau đối với đất nước: một là từ nước ngoài và một là từ trong nước. Người ta thường quan tâm phân tích cách Việt Nam nhận thức về mối đe dọa từ bên ngoài trong vấn đề Biển Đông, nhưng ít chú ý đến mối bận tâm của họ đối với an ninh nội bộ. 

 

Báo cáo nêu rõ rằng các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị trong nước chưa từ bỏ âm mưu “chống phá cách mạng Việt Nam”. Hà Nội cảnh báo rõ ràng rằng các “thế lực thù địch” này muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của ĐCSVN và “phi chính trị hóa” QĐNDVN, do đó chúng là đối tượng đấu tranh của Việt Nam. Theo logic này, Việt Nam sẽ không hy sinh an ninh chính trị nội bộ cho an ninh quốc phòng. Thay vào đó, Hà Nội sẽ tìm kiếm sự cân bằng giữa cả hai: cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ đủ để bảo vệ các yêu sách hàng hải của mình, trong khi đó vẫn duy trì khoảng cách an toàn với nước này, để ngăn chặn những can thiệp tiềm năng của Hoa Kỳ. Xét từ góc độ này, việc Việt Nam nói không với các căn cứ quân sự nước ngoài trên đất của mình có thể được coi là một nỗ lực nhằm hạn chế ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với nền chính trị trong nước.

 

Washington hiểu rõ nhu cầu cân bằng giữa an ninh quốc phòng và an ninh chính trị của Hà Nội, do đó họ đã thực hiện một số biện pháp để đảm bảo với ĐCSVN về một Hoa Kỳ không có ý định thù địch. Tuyên bố chung năm 2013 về Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam (The 2013 Joint Statement on the U.S.-Vietnam Comprehensive Partnership) nêu rõ thái độ tôn trọng lẫn nhau đối với “hệ thống chính trị của nhau” như là một trong những nền tảng của quan hệ đối tác. Năm 2015, Tổng thống Barack Obama đã đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Nhà Trắng. Động thái này được nhiều người diễn giải là Hoa Kỳ công nhận tính hợp pháp của ĐCSVN, vì đây là cuộc gặp giữa nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu một đảng chính trị, phá vỡ các quy chế ngoại giao truyền thống. Trong nhiều cuộc họp giữa các quan chức Hoa Kỳ và Việt Nam, sự tôn trọng lẫn nhau đối với các thể chế chính trị của hai bên đã thường được cam kết lặp đi lặp lại. Hà Nội hoan nghênh các sáng kiến ​​của Hoa Kỳ và tuyên bố rằng chỉ khi Hoa Kỳ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam thì quan hệ song phương mới có thể tiến triển.

 

Tuy nhiên, không dễ vượt qua sự khác biệt về ý thức hệ với Hà Nội nếu Hoa Kỳ nhận thức về sự cạnh tranh của họ với Trung Quốc về mặt ý thức hệ một cách rõ ràng. Cựu Tổng thống Trump là người ủng hộ mạnh mẽ lối suy nghĩ này khi tuyên bố rằng “Sự cạnh tranh mà chúng ta đang đối mặt không phải là Trung Quốc và Hoa Kỳ đối đầu nhau. Mà đó là Đảng Cộng sản Trung Quốc, với tầm nhìn theo chủ nghĩa Mác-Lê-nin và chủ nghĩa trọng thương đối với thế giới, chống lại những người yêu tự do ở khắp mọi nơi”. Ngoại trưởng Mike Pompeo của Trump cũng tuyên bố rằng “Cộng sản hầu như luôn nói dối”, bất chấp ông đang tìm cách thắt chặt hơn quan hệ với Hà Nội. 

 

Tổng thống Biden cũng không khác người tiền nhiệm. Biden quan niệm rằng cuộc tranh giành quyền lực lớn hiện nay là “cuộc chiến giữa lợi ích của các nền dân chủ trong thế kỷ 21 và các chế độ chuyên quyền”. Ông ấy muốn xướng lên một “hội nghị thượng đỉnh của các nền dân chủ” để tập hợp các đồng minh của Hoa Kỳ chống lại các đối thủ của nó, đáng chú ý nhất là Trung Quốc và Nga. 

 

Do đó, Hà Nội có lý do để đặt câu hỏi liệu Hoa Kỳ có lợi dụng sự cạnh tranh với Trung Quốc để thúc đẩy thay đổi chế độ ở Việt Nam một cách hợp pháp hay không. Bài phát biểu của ông Trọng, lãnh đạo ĐCSVN, ngay trước cuộc Bầu cử Quốc hội năm 2021 của Việt Nam một lần nữa cảnh báo về các “thế lực thù địch” muốn lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa.

 

Trung Quốc hiểu rõ điểm yếu này trong quan hệ Việt – Mỹ và đã tận dụng các giá trị ý thức hệ chung của họ với Hà Nội để cảnh cáo Việt Nam về những ý định thù địch tiềm tàng của Hoa Kỳ sau này. Trung Quốc dùng được chiêu này vì họ không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với chế độ chính trị của Việt Nam như Hoa Kỳ. Một cộng tác viên của Hoàn cầu Thời báo đã viết nhân dịp tàu USS Theodore Roosevelt đến thăm Đà Nẵng vào năm 2020, “Mỹ và Việt Nam có ý thức hệ khác nhau cực độ, và họ đã có nhiều tranh chấp về nhân quyền, dân chủ và tự do ngôn luận.

 

Điều này không thể đột ngột thay đổi khi họ tìm thấy một mục tiêu chiến lược chung.” Hoàn cầu Thời báo một lần nữa nhấn mạnh sự khác biệt về mặt ý thức hệ, khi đưa tin về chuyến thăm Việt Nam của ông Pompeo vào năm 2020, trong bối cảnh những nỗ lực này của ông bị nghi ngờ là nhằm đưa Việt Nam tham gia vào Đối thoại Tứ giác An ninh (the Quadrilateral Security Dialogue), “Việt Nam không nên mắc sai lầm khi đánh giá rằng Mỹ sẽ gạt bỏ những định kiến về ý thức hệ của mình và những khác biệt với một nước Cộng sản. Nếu nhầm tưởng điều này, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn”.

 

Không rõ cho đến nay, chiến thuật ly gián của Trung Quốc đã hiệu quả đến mức nào, nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục ưu tiên phát triển quan hệ với Trung Quốc, bất chấp sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc (trên Biển Đông). Xếp hạng của Hà Nội về quan hệ đối ngoại vẫn đặt quan hệ với Trung Quốc (“Đối tác Toàn diện Chiến lược) lên trên Hoa Kỳ (“Đối tác Toàn diện”). Ngay cả khi Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cấp quan hệ của họ lên tầm Quan hệ Đối tác Chiến lược, điều đó vẫn sẽ khiến Hoa Kỳ thấp hơn Trung Quốc một bậc trong mắt Hà Nội. Đáng chú ý, Hà Nội đã chống lại nỗ lực của những “thế lực thù địch” đang cố gắng “chia rẽ mối quan hệ Việt Trung”. Tình cảm này chắc chắn sẽ đặt ra những thách thức đối với nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc đưa Việt Nam đứng về phía mình.

 

Các nhà lãnh đạo, khi cân nhắc về việc có nên tham gia một liên minh hay không, phải tính toán cả rủi ro an ninh chính trị nội bộ và an ninh quốc phòng. Kết quả tối ưu nhất là tìm được một đồng minh ít đe dọa đến cả chế độ lẫn sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Kết quả là, trong lịch sử, Hà Nội chỉ liên minh với các quốc gia, cụ thể là Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên và Lào, thỏa mãn hai tiêu chí. Mặc dù Washington và Hà Nội đã nâng cấp quan hệ quốc phòng của họ trong thập kỷ qua, nhưng lo lắng của Việt Nam về an ninh nội bộ của mình sẽ hạn chế hợp tác an ninh giữa hai bên. Và thẳng thắn mà nói, những tiến triển tích cực trong quan hệ Việt – Mỹ là hệ quả trực tiếp của mối quan tâm chung của Hoa Kỳ và Việt Nam đối với Trung Quốc, chứ không phải nhờ thái độ bất tin tưởng lẫn nhau vào hệ thống chính trị của hai bên đã suy giảm, vì Washington vẫn lên án chủ nghĩa cộng sản và Hà Nội vẫn cảnh giác với can thiệp của phương Tây. Chúng ta có thể mong đợi mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ tốt hơn trong những năm tới, nhưng sẽ là quá phóng đại khi kết luận rằng hai nước sẽ trở thành đồng minh tương tự như cách Hoa Kỳ đối xử với Nhật Bản hoặc Úc.

 

(Bản tiếng Anh của bài viết này được đăng tại đây.)

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats