Kinh
tế thị trường mang lại lợi ích cho người dân và làm lung lay chế độ như thế
nào?
Bài
phân tích của TS. Phạm Quý Thọ
2021-07-12
Kinh tế thị trường thúc đẩy tăng trưởng, giảm đói
nghèo. Nhưng nếu cải cách đặt sự tồn vong chế độ lên trên lợi ích người dân có
thể làm tổn hại quá trình chuyển đổi dân chủ.
Hình minh hoạ: Người
bán hàng rong đi qua một lá cờ của Đảng Cộng sản VN trên đường phố Hà Nội hôm
22/1/2021. AFP
Trước “Đổi mới” năm 1986, nền kinh tế kế hoạch
hoá tập trung, bao cấp, nông nghiệp lạc hậu của Việt Nam đứng trước nguy cơ sụp
đổ, người dân nghèo nàn, kiệt quệ và không có tự do kinh tế.
Ngày nay, sau hơn 30 năm, Việt Nam đã vươn lên
là quốc gia có thu nhập trên đầu người ở mức trung bình thấp. Từ năm 2002 đến
năm 2018, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng hơn 2,7 lần. Theo ước tính của Quỹ
Tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2020 theo GDP danh nghĩa
đạt 340,6 tỷ đô la Mỹ hay 3.498 USD/người, và nếu tính theo sức mua tương đương
đạt 1.047 tỷ đô la Mỹ và 10.755 USD/người.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối nhanh của
Việt Nam trong suốt giai đoạn qua, mặc dù bất bình đẳng cũng gia tăng, đã mang
lại lợi ích cho phần lớn dân số, trước hết tác động đến việc xoá đói giảm
nghèo. Số người nghèo, tính theo chuẩn nghèo quốc tế, đã giảm liên tục từ khoảng
40 triệu vào năm 1990, xuống còn 14 triệu vào năm 2004 và theo chuẩn nghèo mới
(đa chiều) tính đến cuối năm 2019, số nguời nghèo còn khoảng 10 triệu… Như vậy,
mặc dù chuẩn nghèo thay đổi theo hướng nâng cao, thì trong một phần ba thế kỷ
có hơn 40 triệu người Việt Nam thoát đói nghèo.
Thực tế quá trình chuyển đổi kinh tế cho thấy
về sức mạnh của kinh tế tư bản, vốn, năng lực và động lực thị trường cho tăng
trưởng. Các nguyên lý của kinh tế thị trường tự do đã từng bước được áp dụng, sở
hữu tư nhân được khuyến khích. Hầu như toàn bộ nền kinh tế đang chuyển động
theo những nguyên tắc kinh tế như nhau – hoạt động sản xuất kinh doanh hướng đến
lợi nhuận, dùng lao động làm công ăn lương và tự do về phương diện pháp lý, các
doanh nghiệp phối hợp phi tập trung theo quy luật cung cầu. Đồng thời với việc
sử dụng các công cụ, thước đo, chỉ tiêu của kinh tế thị trường, sự can thiệp của
nhà nước toàn trị đối với nền kinh tế cũng giảm dần.
Một người bán hàng
rong đi qua một tấm biển cổ động cho Đại hội 13 Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội
hôm 27/1/2021. AFP
Những thay đổi như trên chứng tỏ sức mạnh của
kinh tế thị trường đối với sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, cách giải thích
các thành tựu kinh tế thường gắn với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản (ĐCS) về
công lao trong giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội có thể khắc phục các mặt
trái của thị trường như thể biện minh cho tính chính danh của chế độ khi các
lãnh đạo không được bầu bởi tất cả người dân.
Các chế độ chính trị đều phải thay đổi để
thích nghi với kinh tế thị trường thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh toàn cầu
hoá, trong đó chế độ Đảng Cộng sản toàn trị ở Việt Nam không là ngoại lệ. Những
đặc điểm chủ yếu của mô hình chính trị này là tập trung quyền lực quá mức,
tính chính danh của đảng yếu, dựa quá nhiều vào áp bức, và để cho quyền
lực cá nhân chi phối các chuẩn mực thể chế. Giữ nguyên chế độ đảng trị với
cấu trúc tháp tập trung quyền lực: Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban
Chấp hành trung ương…. quá trình thích nghi của chế độ với sự chuyển đổi kinh tế
sang thị trường diễn ra theo hướng thể chế hoá, nghĩa là tạo dựng các quy
tắc, chính thức hoặc không chính thức, để ràng buộc các hành vi của con
người, đặc biệt đối với quan chức bộ máy cai trị.
Đồng thời với cải thiện môi trường khuyến
khích đầu tư, kinh doanh và khởi nghiệp thì quá trình thể chế hoá, tăng cường
pháp trị được thực hiện trên các phương diện sau: Một là, xác lập các tiêu chuẩn
để chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ lãnh đạo. Không quá hai nhiệm kỳ
năm năm làm lãnh đạo trong bộ máy công quyền, tổ chức công lập và giới hạn tuổi
được quy định trong các văn bản pháp lý, thậm chí trong Điều lệ Đảng CS; Hai
là, tuyển chọn, sử dụng cán bộ dựa trên năng lực hơn là quan hệ bè phái, ưu
tiên quá trình ‘thử thách’ và kinh nghiệm công tác; Ba là, phân công, phân quyền
theo hướng chuyên môn hoá chức năng trong bộ máy nhà nước. Các nhánh quyền lực
như chính phủ, quốc hội, tư pháp có nhiều không gian hoạt động hơn; Bốn là, nới
lỏng sự tham gia chính trị qua các tổ chức như xã hội dân sự, phi chính phủ,
thiện nguyện… nhằm tăng sự hấp dẫn với người dân và củng cố tính chính
danh của đảng.
Tổng bí thư Nguyễn
Phú Trọng phát biểu tại họp báo kết thúc Đại hội 13 ĐCSVN ở Hà Nội hôm
1/2/2021. Ông Trọng đã giữ chức TBT ba nhiệm kỳ liên tiếp và đã quá tuổi theo
quy định của Đảng. AFP
Tuy nhiên, những thay đổi như trên về thể chế
chính trị đã không đáp ứng được sự phát triển của kinh tế thị trường. Sự quản
lý của Đảng, Chính phủ đối với toàn bộ tài nguyên, đất đai và sự can thiệp quá
mức vào nền kinh tế, mà quyền lực công thiếu cơ chế kiểm soát hữu hiệu, là
nguyên nhân trực tiếp của chủ nghĩa thân hữu, sự liên kết giữa quan chức và
doanh nhân, sinh sôi nạn tham nhũng nghiệm trọng, nạn hối lộ, trục lợi bất
chính tràn lan, thất thoát tài sản công, suy thoái đạo đức và lối sống, văn
hóa, phá hỏng luật chơi của thị trường. Tình hình nghiêm trọng đến mức đe doạ sự
tồn vong của chế độ.
Đảng đang tìm cách cứu vãn chế độ, thoát ra khỏi
khủng hoảng. Tuy nhiên, việc “củng cố” nội bộ đảng đồng thời với chống tham
nhũng bằng tập trung quyền lực cao hơn, đang đi ngược với quá trình thể chế hoá
nêu trên. “Các trường hợp đặc biệt” đã phá vỡ các chuẩn tắc chuyển giao quyền lực;
đề bạt cán bộ dựa trên lòng trung thành với lãnh tụ, lý tưởng thay thế cho năng
lực kỹ trị; quyền lực của Chính phủ bị kiểm soát chặt chẽ hơn; dân chủ trong Đảng
bị hạn chế, các tổ chức xã hội dân sự như hội, đoàn bị hạn chế. Ngoài ra, kỷ luật
Đảng đang được siết chặt hơn. Hội nghị Trung ương 3 khoá 13 vừa sửa đổi hoặc
ban hành các quy định thực hiện Điều lệ Đảng, quy chế làm việc và phối hợp giữa
các cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng, tăng cường quyền lực cho Uỷ ban kiểm
tra Đảng…
Những động thái trên là nỗ lực đưa chế độ theo
đúng đặc điểm toàn trị mà các nhà nghiên cứu có ảnh hưởng nhất về chủ nghĩa
toàn trị đã chỉ ra. Đó là đảng, nhà nước cố gắng động viên toàn thể dân chúng
theo ý thức hệ chủ nghĩa xã hội và không khoan nhượng đối với những hoạt động
không hướng về mục tiêu của đảng, lãnh đạo toàn diện các cơ quan quyền lực nhà
nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp, công an, quân đội...), tăng cường lãnh đạo
các tổ chức trong hệ thống chính trị và quần chúng, đồng thời với kiểm soát
truyền thông, các cơ sở học thuật, các cơ sở tôn giáo….
Thực tế chỉ ra rằng, trong cùng bối cảnh toàn
cầu hoá, sau những thành công kinh tế nhờ thị trường, chế độ chính trị độc đoán
trong các quốc gia như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… đã từng chuyển đổi sang
chế độ dân chủ. Tuy nhiên, chế độ đảng CS toàn trị không lựa chọn cách thay đổi
này. Quá trình cải cách thể chế chính trị chưa bao giờ suôn sẻ và nhất quán, đặc
biệt trong những năm gần đây, còn chứa đựng những mâu thuẫn, chủ trương xây dựng
“Đảng mạnh, nhà nước mạnh” hiện nay theo kiểu “thể chế hoá ngược” có thể cản trở
chuyển đổi kinh tế sang thị trường.
--------------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể
hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
No comments:
Post a Comment