Đăng
ngày 04-06-2018
Biểu thuế quan mới nhắm
vào mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ có hiệu lực từ ngày 01/06/2018.
Trong bài viết « Chiến tranh thương mại : sự thảm bại của các biện pháp bảo hộ
mậu dịch trước đây của Hoa Kỳ » đăng trên website của mình, đài truyền hình
France 24 cho rằng, sự việc này làm nhớ lại đạo luật Hawley-Smoot năm 1930 đã
châm ngòi cho cuộc chiến thương mại lớn sau cùng trên thế giới.
« Chúng
tôi tin rằng việc thông qua các biện pháp bảo hộ mậu dịch sẽ là một sai lầm.
Các biện pháp này có thể dẫn đến việc tăng giá đối với người tiêu dùng Mỹ […]
và làm giảm mức sống của người dân ». Chính bằng những lời lẽ này, một
tập thể gồm 1.028 nhà kinh tế đã bắt đầu lá thư ngỏ gởi đến tổng thống Mỹ
Herbert Hoover năm 1930, nhằm cảnh báo ông về việc áp đặt thuế quan đánh vào
nhiều loại sản phẩm.
Giờ
đây, 88 năm sau, khoảng 12 kinh tế gia Mỹ đã dùng lại chính bức thư này, chỉ
khác nhau vài từ, nhằm báo động tổng thống Donald Trump về những mối nguy hiểm
trong việc đánh thuế thép và nhôm nhập khẩu. Đối với họ, nước Mỹ ngày nay có
nguy cơ chịu cùng số phận như năm 1930 chỉ vì các loại thuế quan.
Thép
năm 2018, nông nghiệp 1929
Trong
cả hai trường hợp, bức thư ngỏ đã bị chính quyền phớt lờ bởi vì Washington đã
quyết định áp thuế đối với châu Âu, Canada và Mêhicô ngay từ 01/06/2018. Nếu
như năm 2018 này, không ai có thể dự đoán được lối thoát nào cho cuộc chiến
thương mại tới đây, thì lịch sử đã cho chúng ta thấy hậu quả của các biện pháp
bảo hộ mậu dịch năm 1930.
Các
biện pháp đó đã gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ và đó là một trong
những lý do mà Hoa Kỳ đã « làm mọi cách để đề cao tự do mậu dịch sau Đệ
Nhị Thế Chiến », theo như nhận định của Marc-William Palen, chuyên gia
kinh tế trường đại học Exeter, Anh Quốc, trong một bài viết đăng trên trang mạng
của đài truyền hình Mỹ NBC.
Vào
mùa xuân năm 1929, kinh tế Mỹ dường như phát triển tốt. Tỷ lệ thất nghiệp thấp,
tăng trưởng cao như mong đợi và công nghiệp phát triển. Trong bối cảnh đó, một
lĩnh vực duy nhất có những dấu hiệu suy yếu : đó là nông nghiệp. Herbert
Hoover, vừa đắc cử tổng thống, đã dùng lại một ý tưởng mà giới vận động hành
lang của các nhà sản xuất nông nghiệp đưa ra : các chủ trang trại Mỹ gặp khó
khăn do cạnh tranh quốc tế. Ông đã đề nghị đánh thuế các mặt hàng nông sản nhập
khẩu.
Thế
nhưng Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ đã nắm lấy chủ đề này và quyết định mở rộng phạm
vi đánh thuế, vượt ra ngoài lĩnh vực nông nghiệp. Dưới sự thúc đẩy của hai nghị
sĩ đảng Cộng Hòa – Willis Hawley và Reed Smoot -, cả Thượng và Hạ Viện đều
thông qua một danh sách gần 900 mặt hàng phải chịu thuế (trong đó có cả cá
vàng).
Sau
nhiều tháng bàn thảo, đạo luật được gọi là Hawley-Smoot đã được thông qua đầu
năm 1930 vào lúc cuộc khủng hoảng chứng khoán năm 1929 bắt đầu có những tác động
đầu tiên đối với nền kinh tế Mỹ. Dự báo của các kinh tế gia đã được nhanh chóng
kiểm chứng ; trước đó trong bức thư cảnh báo Herbert Hoover, họ đã đề cập đến
những tác động tai hại của chính sách bảo hộ này.
Nông
nghiệp Mỹ không hưởng được lợi lộc gì từ việc nâng thuế nhập khẩu và các đối
tác thương mại đã gia tăng các biện pháp trả đũa. Cơn sốt bảo hộ mậu dịch mà thế
giới hứng chịu đã dẫn đến sự sụt giảm thê thảm thương mại toàn cầu, trao đổi
thương mại quốc tế giảm hơn 40%.
Mối
nguy hiểm chủ nghĩa dân tộc
Tác
động của đạo luật Hawley-Smoot vẫn còn gây tranh luận cho đến ngày nay. Đối với
một số người, đạo luật làm tăng tăng giá sản phẩm nhập khẩu, làm cho cuộc khủng
hoảng năm 1929 thêm trầm trọng. Theo một số người khác, thì cũng như nạn đầu cơ
chứng khoán, chính sách bảo hộ này là một trong những nguyên nhân chính của cuộc
Đại Suy Thoái.
Sau
cùng, một số sử gia thậm chí còn đánh giá rằng đạo luật này đã góp phần làm trỗi
dậy chủ nghĩa phát xít ở Đức. France 24 trích dẫn một nhận định trên tờ
Financial Times cho rằng qua việc tạo thuận lợi cho chủ nghĩa biệt lập và làm
cho cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng hơn, các biện pháp bảo hộ này đã làm
« gia tăng thêm tình trạng đói nghèo trên thế giới, và tình trạng này
là một nguyên nhân quan trọng gây ra Đệ Nhị Thế Chiến ».
Quan
điểm này cũng được tổng thống Pháp Emmanuel Macron chia sẻ. Ông đã dẫn lại phát
biểu của tướng De Gaulle để lên án quyết định của Donald Trump áp dụng « tư
tưởng dân tộc chủ nghĩa về kinh tế. Và tư tưởng dân tộc chủ nghĩa dẫn đến chiến
tranh. Đó chính là điều đã xẩy ra trong năm 1930 ».
Liệu
tình hình hồi đó có thể so sánh được với tình hình hiện nay hay không, như nhiều
chuyên gia kinh tế nhắc đến, những người đã ký phiên bản mới của bức thư năm
1930 ? Điểm giống nhau chủ yếu là những động cơ đã thúc đẩy Herbert Hoover và
Donald Trump thông qua các biểu thuế quan này. Theo tờ Wall Street Journal, cả hai vị tổng thống « đã
hành động trước hết vì những tính toán chính trị mà không thật sự suy tính đến
lợi ích kinh tế của những biện pháp đó ».
Nhật
báo Mỹ nhắc lại rằng Herbert Hoover đã tìm cách thỏa mãn giới vận động hành lang
ngành nông nghiệp và để có được sự ủng hộ của các nghị sĩ bảo thủ tại Quốc Hội,
còn Donald Trump thì nhắm đến việc làm hài lòng cử tri Mỹ ở những bang công
nghiệp phía Bắc, có truyền thống ủng hộ đảng Dân Chủ, và có thể ngả theo phe Cộng
Hòa trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11/2018 tới đây.
Trong
cả hai trường hợp, Hoa Kỳ luôn là quốc gia khởi chiến. Các biện pháp bảo hộ mậu
dịch của Mỹ đã làm dấy lên làn sóng lên án mạnh mẽ từ các đối tác thương mại,
và những đối tác này sẵn sàng áp đặt thuế quan của họ đối với các sản phẩm thuộc
các bang phía Bắc Hoa Kỳ.
Tuy
vậy, cũng có không ít các khác biệt đáng kể. Tình hình kinh tế Mỹ hiện nay
không giống như cuối thập niên 1920 ; vào lúc đó, đầu cơ chứng khoán đã lên đến
đỉnh điểm. Một cuộc chiến thương mại có thể sẽ không có cùng tác động làm gia
tăng cuộc khủng hoảng mà đạo luật Hawley-Smoot gây ra. Ngược lại, thương mại quốc
tế đã phát triển mạnh mẽ từ năm 1930. Do vậy, một sự ngưng trệ trong trao đổi
thế giới do thuế quan gây ra có thể sẽ tác động mạnh hơn vào tăng trưởng trên
thế giới.
----------------------------------------------
XEM THÊM
Tú Anh –RFI | ĐIỂM
BÁO
Đăng
ngày 04-06-2018
Chiến tranh thương mại
1 chống 7, thượng đỉnh Mỹ-Triều, vùng Vịnh trỗi dậy, châu Âu đau đầu với chính
phủ mới tại Ý là những vấn đề chiếm nhiều trang và gây tốn kém giấy mực tranh
luận trên báo Pháp hôm nay. Nhân kỷ niệm 29 năm thảm sát tại Thiên An Môn, Le
Figaro giới thiệu nhà thơ cựu tù nhân Liêu Diệc Vũ, vượt biên sang Việt Nam và
sau đó tị nạn tại Đức.
Cuộc
chiến của Donald Trump chống đồng minh
Một
mặt trận chung « G6 +1 » (tức 6 cường quốc kinh tế của nhóm G7
(không kể Mỹ) cộng với Trung Quốc) chống Hoa Kỳ, tựa của Les Echos kèm theo bài
nhận định bi quan : nền công nghiệp châu Âu lo ngại lãnh hệ quả. Trong khi đó
Le Monde và La Croix nhìn về tương lai với những đề nghị « thực tế ».
Trước
hết, trong bài phân tích : giờ sự thật của Liên Hiệp Châu Âu, nhật báo Le Monde
nhấn mạnh thái độ kiên quyết của Bruxelles cứng rắn không mặc cả với Washington
trong thế yếu, bị đối tác « kê súng vào đầu ».
Trước
thái độ này của Liên Hiệp Châu Âu, nước Mỹ của Donald Trump ban hành biện pháp
áp thuế bất chấp những hệ quả xấu : phá hoại nguyên tắc tự do thương mại của Tổ
Chức Thương Mại Thế Giới, làm quan hệ đồng minh suy yếu thêm kể từ khi
Washington bỏ hiệp định hạt nhân với Iran và dời sứ quán Mỹ ở Israel từ Tel
Aviv về Jerusalem. Về chuyện nhôm và thép, biện pháp áp thuế của Mỹ đánh trật mục
tiêu, bởi vì thủ phạm sản xuất dư thừa làm giá thép sụt giảm và làm mất việc
làm ở Tây phương, nhưng Bắc Kinh thì lại được tha.
Trong
cái rủi có cái may
Tuy
nhiên, theo Le Monde, thái độ hung hăng của Washington cũng có một cái hay :
Liên Hiệp Châu Âu bị đặt trước trách nhiệm của chính mình. Trong cái rủi có cái
may, đây là cơ hội để các thành viên chứng tỏ tinh thần đoàn kết và sự vững chắc
của toàn khối.
Donald
Trump biết rõ thiết giáp hạm châu Âu có một nhược điểm, đó là quyền lợi không
tương đồng giữa Pháp và Đức. Liệu Berlin, để bảo vệ thặng dư thương mại với Mỹ,
có tìm cách ép buộc Paris nhượng bộ Mỹ hay không ? Theo Le Monde, thái độ khôn
ngoan nhất sẽ là « chuẩn bị các biện pháp trả đũa Mỹ », nhưng
cùng lúc tìm một giải pháp quân bình giữa trả đòn và tôn trọng luật lệ quốc tế,
hầu tránh cho cả hai bên rơi vào chiếc bẫy chiến tranh thương mại.
Cũng
trong chiều hướng này, La Croix đặt câu hỏi là cuộc đọ sức thương mại sẽ leo
thang đến đâu ? G7 không giấu thái độ bất bình đối với Washington. Vấn đề là
Hoa Kỳ đã bước vào mùa bầu cử giữa nhiệm kỳ, tổng thống Donald Trump có khả
năng sẽ « đánh » vào lĩnh vực nông sản nhập khẩu để lấy lòng
nông dân Mỹ.
Cũng
như đồng nghiệp Le Monde, La Croix cho rằng chiến tranh thương mại chưa xảy ra,
nhưng thách thức lớn là ngăn chận Donald Trump tiến tới chiến tranh, ông ta đã
đe dọa lãnh vực xe hơi. Đây là quyền lợi chung của Đức và Pháp. Đối sách của
Liên Hiệp Châu Âu là vừa tự vệ, vừa lôi kéo Donald Trump vào khuôn khổ một thế
cờ đa phương mà đối thủ nguy hiểm thật sự chính là các xí nghiệp luyện kim
Trung Quốc được chính quyền hỗ trợ cạnh tranh bất chính.
Thượng
đỉnh Mỹ-Triều : Lừa đảo lên ngôi, Hàn Quốc ngây thơ ?
Tổng
thống 45 của Mỹ xuất hiện trên nhiều cột báo khác. Donald Trump xác nhận ngày
thượng đỉnh Mỹ-Triều, tựa của Le Monde. Les Echos khuyến cáo : Ngoại giao không
phải là sự mặc cả theo kiểu con buôn, Washington sẽ thất bại trước Bình Nhưỡng
vì Kim Jong Un nắm hết các lá chủ bài, thượng đỉnh Singapore sẽ được Lịch sử
ghi chép lại là cuộc họp của hai tay « lừa đảo ».
Theo
Les Echos, « ai dám nghĩ rằng Bắc Triều Tiên sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân
» cho dù họ tuyên bố như thế trong những ngày qua. Donald Trump thêu dệt
một miền Bắc phồn vinh nhờ đầu tư quốc tế, nếu ký hiệp định giải trừ vũ khí.
Nhưng
trong ván cờ này, chỉ có một số người Nam Hàn là có thể bị ru ngủ. Seoul bị giằng
co giữa một bên là nguy cơ chiến tranh tàn phá và một bên là niềm hy vọng hòa
bình với một nước Bắc Triều Tiên anh em phồn thịnh. Nhưng nhãn quan của Seoul
không phải là tầm nhìn của Bình Nhưỡng, cho dù niềm hy vọng của miền Nam bị miền
Bắc khai thác một cách thâm hiểm. Liệu tổng thống Mỹ thật sự muốn sử dụng cuộc
thương lượng hạt nhân với Bắc Triều Tiên để làm bàn đạp phi hạt nhân hóa Iran
hay chẳng qua, đối với Donald Trump « ngoại giao chỉ là mặc cả thị trường
» mà chủ đích là thuyết phục cử tri Mỹ dồn phiếu cho đảng Cộng hoà
trong mùa bầu cử tháng 11 ?
Cũng
như Les Echos, Libération cho rằng trong nội bộ chính quyền Trump, không ai
nghĩ rằng có thể nhanh chóng đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa. Tuy vậy,
trong bài phỏng vấn, sử gia Pháp François Godement, tin rằng Trump và Kim đều
có chủ đích chiến lược. Tổng thống Mỹ muốn chấm dứt nguy cơ tên lửa hạt nhân của
Bắc Triều Tiên đe dọa lãnh thổ Mỹ còn Bình Nhưỡng thì muốn « an toàn
» : Mỹ phải công nhận chế độ miền Bắc và xem như bán đảo Triều Tiên
vĩnh viễn cưa đôi.
Abou
Dhabi và tham vọng bá chủ hàng hải cấp vùng
Tình
hình địa chính trị vùng Vịnh nổi bật trên Le Figaro và Le Monde hôm nay. Ả Rập
Xê Út dọa đánh Qatar trong khi Tiểu Vương Quốc Ả Rập từng bước trở thành cường
quốc hàng hải trong mục tiêu chung với Ryad là « đê điều ảnh hưởng của
Iran ».
Theo
Le Figaro, Ả Rập Xê Út không khuất phục được Qatar một năm sau ngày Riyad, lãnh
đạo hệ phái Sunni, huy động các đồng minh khu vực cấm vận Qatar vì tiểu quốc
này « chơi thân » với Iran Shia. Trong cuộc chiến tranh cân
não với Iran, tổng thống Mỹ cần các đồng minh vùng Vịnh đoàn kết thành một khối
nhưng Qatar, được Pháp « dung thứ » tiếp tục đương đầu với
liên minh chống Iran. Hệ quả là theo tin riêng của Le Monde, Riyad đã viết thư
cho tổng thống Macron kêu gọi gây áp lực với Qatar. Trong thư, Ả Rập Xê Út dọa
là sẽ sử dụng « vũ lực » để đánh Qatar, nếu Qatar mua tên lửa
phòng không S-400 của Nga như đã thông báo ý định.
Trong
cuộc đọ sức này, Riyad được hỗ trợ của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập. Dưới ảnh hưởng
của thái tử Abou Dhabi, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất theo đuổi một
chính sách « ngoại giao chiến thuyền », từ Yemen cho đến vùng
Sừng Phi Châu và hướng đến Ấn Độ Dương. Trong khi Ả Rập Xê Út, can thiệp vào
Yemen đánh phe Houthi-Shia thân Iran một cách khó khăn và thiếu vắng một chiến
lược thì đồng minh Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập kiểm soát toàn bộ đảo Socotra của
Yemen, biến đảo này thành một « hàng không mẫu hạm »khổng lồ.
Trong
chiến lược phát huy ảnh hưởng, hạm đội của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập «
phong tỏa » hải phận Yemen, kiểm soát một hải cảng nhỏ ở Erythrea.
Theo Le Monde, về mặt quân sự, Abou Dhabi xây dựng một đế quốc hàng hải để chống
lại mối đe dọa của Iran, nhưng trận chiến thương mại, tham vọng chiến lược của
Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập to lớn hơn nhiều. Các chiến lược gia của Abou Dhabi
nghiên cứu các bản đồ cũ của Liên xô trước đây trên khắp khu vực, đầu tư vào những
hải cảng, quân cảng bị bỏ quên từ khi chiến tranh lạnh kết thúc qua trung gian
tập đoàn xây dựng Dubai Port World có sự hợp tác « thông minh » của
quân đội.
Tuy
nhiên, vùng ảnh hưởng của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập đang bị Trung Quốc cạnh
tranh ráo riết. Sau khi đánh bật Abou Dhabi ra khỏi một hải cảng của Djibouti,
Bắc Kinh cắm dùi tại hải cảng Hobyo của Somalia một cách lặng lẽ.
Thiên
An Môn : Món « Vịt quay Tứ Xuyên » trong tù cải tạo
Cũng
liên quan đến Trung Quốc, Le Figaro, nhân tưởng niệm 29 năm vụ thảm sát Thiên
An Môn (04/06/1989), dành cho độc giả một trang giới thiệu nhà thơ Liêu Diệc Vũ
(Liao Yi Wu), « Soljennitsine Trung Hoa », bạn thân của khôi nguyên
Nobel Hoà Bình Lưu Hiểu Ba.
Với
đầu cạo trọc, cặp kính trắng và nụ cười đôn hậu, Liêu Diệc Vũ trông giống như một
nhà sư. Nhà thơ được mệnh danh là « Soljennitsine Trung Hoa » sau
bốn năm tù « cải tạo lao động », vượt biên sang Việt Nam và cuối
cùng tị nạn tại Berlin. Theo Herta Muller, Nobel văn học, Liêu Diệc Vũ là nhà
thơ Trung hoa lớn nhất của thế hệ « lời thơ là tiếng nói từ những vết
thương không lành của cơ thể » : Thảm sát, Âm Phủ, kể lại những nhục
hình trong bốn năm bị giam cầm trong khuôn khổ chiến dịch đàn áp phong trào dân
chủ Mùa Xuân Bắc Kinh.
Trong
nhà giam, ông chịu nhiều nhục hình tra tấn được đặt tên bằng một món ăn ngon
: « Vịt quay Tứ Xuyên » là dùng lửa đốt bộ phận sinh dục. «
Mỳ nước trong » là nhét giấy toilette nhúng nước tiểu vào miệng tù
nhân, còn món « Lẩu Cá vàng » là ghìm đầu tù nhân vào cầu
xí….. Nhờ sự can thiệp của thủ tướng Angela Merkel, nhà thơ « lý tưởng
», theo sự mô tả của chính đương sự, mới được tạm tha để sang Đức dự liên
hoan sách ở Kiel, nhưng cuối cùng bị chận ở phi trường Bắc kinh. Đó là lần «
vượt biên » thứ 18 bị thất bại.
Năm
sau, chính quyền Trung Quốc nhượng bộ, Liêu Diệc Vũ được sang Đức dự liên hoan
sách, được tiếp đón như một anh hùng. Nobel văn học Herta Muller nài nỉ ông ở lại,
nhưng ông từ chối. Trở về nước ông bị ba công an « đón » tại
phi trường Bắc kinh, « mời uống trà » để thông báo giấy phép
xuất cảnh đã bị rút lại. Cuối cùng, năm 2011, Liêu Diệc Vũ đi lậu sang Việt Nam
và ông được sứ quán Đức tại Hà Nội âm thầm giúp sang Đức.
Mẹ
nhà thơ còn ở lại không bị khó khăn gì, nhưng « kẻ khốn khổ » là
anh chàng công an quản chế, than thở là « nhiều đêm mất ngủ », theo
lời mẹ ông kể lại qua điện thoại.
Đối
với nhà thơ sinh năm 1958 thì chế độ cộng sản « hậu Mao » còn
tàn độc hơn Mao : chính quyền đã thành công đưa người dân Trung Hoa vào quỹ đạo
của tiền bạc, cả xã hội chỉ lo chạy theo đồng tiền, cả một dân tộc bị mù quáng.
Tâm sự với nhà báo Pháp Patrick Saint Paul, Liêu Diệc Vũ tiếc thương cho một thế
hệ sinh viên 1989 « bị hy sinh » và những người bạn đã chết.
Ông nói là không bao giờ trở về Trung Quốc. Người dân có mắt, được đi ra ngoài
để thấy sự khác biệt giữa chế độ Bắc Kinh với thế giới Tây phương nhưng họ
không dám tranh đấu. Bởi vì tranh đấu là chết ngay.
Niềm
hy vọng duy nhất của Liêu Diệc Vũ là cứu được bà Lưu Hà, vợ góa của cố giáo sư
Lưu Hiểu Ba . Công an đặt điều kiện là nếu nhà tranh đấu này chấp nhận ra nước
ngoài thì họ sẽ thả kể từ ngày 13 tháng 07, ngày giỗ của khôi nguyên Nobel Hoà
Bình 2010. Liệu chính quyền có thực hiện lời hứa ?
Macron-SNCF
: ai thắng ?
Cuối
cùng, về thời sự Pháp, Liberation thẩm định tổng thống Macron thắng lớn
trong cuộc đọ sức với các công đoàn xe lửa : đình công yếu dần, quốc hội sẽ biểu
quyết luật cải cách SNCF. Tuy thua, giới công đoàn đã đạt được thành công cốt yếu
là đánh, Le Figaro cho biết tất cả các đảng chính trị Pháp đều chưa lập được
danh sách ứng cử viên tranh Nghị Viện Châu Âu. Xin miễn kể ra các lý do «
nát óc » để tránh làm phiền độc giả.
Châu
Âu còn điên đầu hơn nữa vì lập trường bài di dân của tân chính phủ Ý, thuộc
liên minh dân túy và cực hữu : Matteo Salvini, tân bộ trưởng Nội Vụ Ý tuyên bố
« di dân phải xếp hành trang », tựa của Le Figaro.
No comments:
Post a Comment