Sunday, 24 June 2018

BẮC KINH SỬ DỤNG CƠ SỞ HẠ TẦNG NHƯ TIỀN TRẠM THÂN MẬT CHO QUYỀN LỰC CHÍNH TRỊ (Peter Hartcher - The Sydney Morning Herald)




Peter Hartcher
The Sydney Morning Herald, 18 June 2018 
Trùng Dương dịch
23/06/2018

Bạn có thấy một mô hình ở đây không? 

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xây dựng một con đường vào Tây Tạng và người Tây Tạng rất hứng thú - đó là đường cao tốc đầu tiên của họ: "Chúng tôi được hứa là với đường cao tốc chúng tôi sẽ có hòa bình và thịnh vượng, và cha mẹ và ông bà của chúng tôi đã tham gia xây dựng con đường đó". Lobsang Sangay, Chủ tịch của chính phủ lưu vong Tây Tạng, kể.


"Trong thực tế, họ đã được trả bằng đồng tiền bạc để giúp họ xây dựng con đường đó. Vì vậy, trong thời gian ấy có một bài hát phổ biến, và nó như thế này: người Trung Quốc giống như cha mẹ của chúng tôi; khi họ đến, họ trút xuống tiền bạc như mưa lên chúng tôi," người luật sư được đào tạo tại Harvard kể lại tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia (National Press Club) ở Canberra năm ngoái.

Các binh sĩ Trung Quốc đã kiên nhẫn với những đứa trẻ địa phương và chịu đựng các châm chọc của chúng với những nụ cười, ông nói.

“Thế rồi họ xây một con đường. Khi con đường đến tới Lhasa - thủ đô của Tây Tạng – thì đầu tiên là xe tải đến, sau đó súng đến, rồi xe tăng đến. Chẳng bao lâu, Tây Tạng bị chiếm đóng. Vì vậy, mọi sự bắt đầu bằng con đường".

Bắc Kinh nói rằng Tây Tạng đã được giải phóng và phát triển một cách hòa bình. "Nhưng đây là định nghĩa của hòa bình - gần 1 triệu người đã chết dưới nhiều hình thức khác nhau", Sangay nói.
"Họ đã chết vì đói, họ đã chết trong tù, họ đã chết trong các trại lao động".

Sự thanh lọc văn hóa và tôn giáo của Phật giáo Tây Tạng đã được nhiều người biết đến. Chính quyền Trung Quốc đã san bằng hơn 90% các tu viện.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xây dựng đường vào Tân Cương, vùng đất với đa số dân là người Hồi giáo, ngay ở phía bắc Tây Tạng. "Khi người Trung Quốc đầu tiên đến Tân Cương, tất cả chúng ta đều nghĩ đó là những người tốt," bà Rebiya Kadeer, tiếng nói của phong trào giành độc lập của người Duy Ngô Nhĩ (Uighur), nói.

"Chúng tôi đối xử với họ một cách tử tế, chúng tôi mong đợi một số đầu tư và phát triển", bà nói với tôi.

"Ban đầu họ nói ‘chúng tôi sẽ giúp bạn phát triển nhưng bạn sẽ cai trị đất đai ‘". Bà Kadeer, trước đây là một trong những người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc và từng là thành viên của Quốc hội Nhân dân Trung Quốc nhưng hiện đang sống lưu vong ở Mỹ, nói.

"Chỉ có ba phần trăm người dân ở Tân Cương là người Trung Quốc," dân tộc Hán nói tiếng Hoa, khác biệt với người Duy Ngô Nhĩ (Uighur) nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ (Turkic), nhóm dân tộc lớn nhất sống tại nơi mà hiện nay là một tỉnh của Trung Quốc.

Chính phủ Bắc Kinh thực hành một chính sách nhập cư ở Tây Tạng và Tân Cương, di dời người Hán từ miền Nam đến để thay đổi thành phần dân tộc và chính trị ở các nơi đó. Tỷ lệ phần trăm người Hán hiện nay là khoảng 40% ở Tân Cương.

"Họ đã đông lên, và đông lên, và bây giờ họ đang giết chúng tôi". Bà Kadeer nói.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới các trại cải tạo cho người Duy Ngô Nhĩ . Kadeer gọi họ là trại tập trung, nơi mọi người bị giam giữ vô thời hạn mà không có thủ tục pháp lý.

Tại thành phố lớn nhất của người Uighur, Kashgar, có 120.000 người, hoặc khoảng một phần tư dân số, đã bị giam trong các trại vào năm 2017, theo một giám đốc an ninh địa phương. Maya Wang của Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) ước tính tổng số trên toàn Tân Cương có tới 800.000 người.

Tạp chí The Economist trong một bài báo về các trại giam cưỡng bức lao động (gulags) của Trung Quốc ở Tân Cương đã để tiêu đề: " Sự kỳ thị chủng tộc (apartheid) với đặc điểm Trung Quốc."

Đây là cả hai trường hợp mà Trung Quốc có yêu sách lịch sử qua nhiều thế kỷ để khẳng định có quyền sở hữu chủ quyền. Cả hai đều liên quan đến các vùng đất liền kề trung tâm của Trung Quốc.

Đây là những trường hợp Trung Quốc củng cố quyền lực trên vùng ngoại biên của họ. Đó không phải là những chuyện Đảng Cộng sản Trung Quốc chinh phục các quốc gia khác.
Tuy nhiên, đó là những chuyện để minh họa về cách mà Bắc Kinh sử dụng cơ sở hạ tầng như một tiền trạm thân mật cho quyền lực chính trị. 

Chủ tịch Tập Cận Bình miêu tả sáng kiến
​​Vành Đai và Con Đường (Belt and Road Initiative) như là món quà hào phóng của Trung Quốc dành cho nhân loại. Phạm vi đầy tham vọng của nó được trưng ra như một lối đi đến sự chia sẻ thịnh vượng và hài hòa, một "cộng đồng có cùng chung số phận".

Nhưng nó cũng là một sáng kiến ​​chiến lược. Một vị tướng trong Không Quân Giải phóng Nhân Dân, Qiao Liang, vào năm 2015 đã mô tả nó "thực sự là chiến lược của kẻ sắc sảo”. Là một nhà lý thuyết quân sự, ông giải thích rằng "nếu bạn nói với mọi người, ‘tôi đến với ý định chính trị và ý thức hệ’, ai sẽ chấp nhận bạn?"

Đó là một kế hoạch cơ sở hạ tầng với một ý định chiến lược tiềm ẩn: "Kéo chặt chẽ hơn nữa vào quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc". Nadege Rolland của cơ quan nghiên cứu phi lợi nhuận Mỹ, Văn Phòng Nghiên Cứu Quốc Gia về Châu Á (National Bureau of Asian Research), nói tóm lại là các quốc gia ôm lấy Vành Đai và Con Đường sẽ thấy là càng ngày họ càng khó đứng lên để đối đầu với Bắc Kinh.

"Khi Trung Quốc có ảnh hưởng chính trị đối với khu vực lân cận, họ sẽ có thể đẩy lùi sự thống trị của Mỹ và giành lại không gian chiến lược của khu vực mình", bà kết luận trong cuốn sách "Thế kỷ Á-Âu của Trung Quốc" (China’s Eurasian Century).


Tất nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc không phải là quyền lực đầu tiên đã nghĩ đến một mạng lưới cơ sở hạ tầng với hai mục tiêu sử dụng (dual-use). Người La Mã cổ đại đã xây dựng 80.000 km đường lát gạch, thẳng và bền, giúp quân đội di chuyển nhanh chóng để mở rộng và duy trì đế quốc, nhưng cũng giúp cho thương mại có hiệu quả.

Hệ thống đường La Mã rất hùng vĩ và lợi ích thương mại của nó bền vững nên nó mang lại lợi ích kinh tế cho ngay cả ngày hôm nay. Bốn học giả Bắc Âu trong năm nay có sắp xếp các tuyến đường La Mã cổ đại vào cường độ ánh sáng ban đêm của ngày hôm nay và thấy bằng chứng là mạng lưới đường La Mã có "đóng một vai trò quan trọng trong sự bền bỉ của sự phát triển tiếp theo". Ngay cả đến bây giờ, hàng nghìn năm sau đó.

Vậy điều gì thật khủng khiếp nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc tạo ra một cái tương đương hiện đại? Họ có thể có các động cơ chiến lược, nhưng lợi ích kinh tế cho hàng triệu người trên hàng chục quốc gia có thể là đổi đời và vững bền.

Nhưng không may, cái giá phải trả về chính trị có thể cao. Trong số 68 quốc gia đã đăng ký, 33 quốc gia được các cơ quan xếp hạng của thế giới xếp vào hạng dưới mức có thể đầu tư (investment grade). Vì vậy, họ không phải là những nước có đủ tin cậy để cho vay (creditworthy) nhưng Trung Quốc thì vui vẻ cho họ vay hàng tỷ mà họ có thể không đủ khả năng trả nợ.

Ngay trong giai đoạn phôi thai này của chương trình Vành Đai và Con Đường, sự cho vay của Trung Quốc đã phô ra tám quốc gia có nguy cơ bị hiểm nguy tài chính (financial distress), theo một báo cáo của Trung Tâm Phát Triển Toàn Cầu (Centre for Global Development), một think-tank phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ.

Và nếu họ không thể trả nợ? Năm ngoái, khi Sri Lanka yêu cầu đàm phán lại khoản nợ Trung Quốc 8 tỷ đô la Mỹ cho dự án cảng Hambantota, Bắc Kinh đã chuyển số nợ đó thành vốn chủ sở hữu và hợp đồng thuê quản lý cảng trong 99 năm.

Nợ là một cách viết khác của nghĩa vụ. Đảng Cộng sản Trung Quốc có một lịch sử sử dụng cơ sở hạ tầng như một con ngựa thành Troy cho sự thống trị.

Vành Đai và Con Đường, trừ khi được tiếp cận với sự thận trọng, có thể cuối cùng chỉ là một cách viết khác của mua và bán, với đặc điểm Trung Quốc.

P.H.

Nguồn bản gốc:
Peter Hartcher là biên tập viên quốc tế.

Dich giả gửi BVN









No comments:

Post a Comment

View My Stats