Phạm Phú Khải
27/06/2018
Về
bạo lực, tôi nghĩ đến ba điều chính: một, nguồn gốc; hai, tiến hoá; ba, chuyển
hoá.
Nguồn
gốc của bạo lực có từ thời tiền sử, thời ăn lông ở lỗ, từ lúc con người hiện hữu
trên thế gian này. Con người là một động vật, như bao động vật khác, nhưng
thông minh hơn và bạo lực hơn nhiều. Để chống chọi với thiên nhiên đầy hiểm
nguy và bạo lực chung quanh, trong đó có các loài thú dữ tợn hơn rình rập mọi
lúc, cũng như với các gia đình hay bộ tộc khác (hay về sau này quốc gia hay
liên quốc gia) luôn cạnh tranh và đe dọa, con người thời đó không có sự chọn lựa
nào khác hơn là dựa vào sức mạnh bắp thịt để sống còn. Họ không có khả năng và
cũng không thể nói lẽ phải với người khác, cái chưa hề hiện hữu. Thành phần nào
bạo lực hơn và biết tính toán để tổng hợp được sức mạnh hơn, thì có khả năng tồn
tại. Bộ não của con người thời đó phát triển về mặt cảm xúc nhiều hơn lý trí.
Nói tóm lại, bạo lực là đặc tính, là bản chất của con người, trước đe doạ sống
còn.
Qua
thời gian, qua quá trình tiến hoá, con người trở nên “văn minh” hơn. Họ biết kết
đoàn và liên minh để tổ chức làm việc, để cùng nhau xây dựng những nền tảng
chung, luật lệ chung, về mặt vật chất và tinh thần, hay nói chung là nền tảng
giá trị và quyền lợi chung, để cùng nhau bảo vệ những hiểm họa có thể đe dọa đến
sự sống còn không phải chỉ cho cá nhân, gia đình hay bộ tộc họ, mà còn cho dân
tộc, đất nước họ đang sống. Họ biết học hỏi những cái hay cái mới, và biết rút
tỉa kinh nghiệm từ những thất bại trong quá khứ. Qua thời gian bộ óc con người
phát triển hơn về mặt lý trí, lý luận, từ đó giúp họ suy nghĩ khoa học hơn. Có
tiếng nói, có ngôn ngữ, có chữ viết v.v… để truyền đạt thông tin, để “truyền
thông” nhau, nên hiểu nhau nhiều hơn, và hiểu lầm ít hơn, tránh bớt những xung
đột bạo lực không cần thiết. Những điều này phần lớn chỉ xảy ra trong vòng bốn
đến năm ngàn năm nay thôi. Tức là từ khi chúng ta gọi chung là có văn minh. Trước
đó nó không được như vậy.
Tuy
thế, những hiểm nguy và mối đe doạ đối với con người vẫn hiện hữu, ở mức độ và
tốc độ khác nhau. Càng thông minh, con người càng chế ra bao nhiêu vũ khí và dụng
cụ khác nhau để tiêu diệt nhau và tiêu diệt hàng loạt. Tâm lý sợ hãi của con
người văn minh cũng khác, nhất là khi người ta phải nghe, thấy hoặc đọc từ vô số
nguồn thông tin “tiêu cực” tràn ngập từ trong nhà ra đến ngoài xã hội. Do đó nỗi
sợ hãi và bất an trước những thay đổi to lớn vẫn lấn át bộ não. Khi bị chỉ
trích, khiêu khích hay đe dọa tính mạng, phần của não có tên là amygdala, đóng
vai trò như cái chuông trong bộ não, nhận diện mối đe dọa như sống chết, nên la
lên cần phải “chiến đấu hay chạy trốn” (fight or flight response). Trong tình
trạng đó, Amygdala chiếm cứ phần cao trung của bộ não, điều khiển “hành động
trước, suy nghĩ sau”, và đóng băng phần não chịu trách nhiệm về lý luận phân
tích. Qua thời gian, bộ não được cài đặt chương trình như thế, và vận hành như
thế, một cách vô ý thức [1].
Mặc
dầu trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới và cuộc chiến tranh lạnh cũng như
bao nhiêu cuộc nội chiến, tàn sát và diệt chủng ở mức độ tàn khốc diễn ra trong
thế kỷ 20, mức độ bạo lực tổng thể đã gia giảm đáng kể so với trước đây, đặc biệt
là từ sau Chiến tranh Lạnh cho đến nay. Tuy thế, tính chất bạo lực vẫn tiềm ẩn
trong con người, ngay cả những người đang sống trong các quốc gia văn minh hàng
đầu như Hoa Kỳ, chẳng hạn. Theo thống kê năm 2015 thì có 372 vụ xả súng (mass
shooting), khiến cho 475 người bị giết và 1.870 người bị thương [2]. Tính theo
tỷ lệ thì số người bị giết vì súng tại Hoa Kỳ nhiều gấp 30 lần so với Anh. Từ
năm 1968 đến năm 2011, có 1,4 triệu người chết vì súng, trong khi đó chỉ có 1,2
triệu người chết trong mọi cuộc xung đột từ chiến tranh giành độc lập của Hoa Kỳ
đến cuộc chiến Iraq. Các tội phạm mang tính bạo lực, từ giết người, hiếm dâm hoạc
xâm phạm tình dục, cướp bóc và bạo hành, chỉ vào năm 2015 thôi, đã là 1,25 triệu
vụ [3].
Bạo
lực, nhất là bạo lực gia đình, là khá phổ biến trong mọi nền văn hoá. Nhưng điều
oái ăm là nó lại phổ biến nhất trong những nền văn hoá đề cao giá trị gia đình.
Bạo lực lại duy trì bạo lực. Cái vòng luẩn quẩn của bạo lực sẽ không có lối
thoát nếu không nhìn ra được và không ý thức được phương cách giải quyết nó.
Nếu
lòng tốt và sự tử tế ảnh hưởng tích cực và sâu rộng lên con người chung quanh,
thì ngược lại, bạo lực mang tính truyền nhiễm nhanh và mạnh.
Theo
các nghiên cứu năm 2016, thanh thiếu niên tại Hoa Kỳ có khả năng lên đến 183 phần
trăm gây nên bạo lực nếu một trong những người bạn của họ đã phạm tội đó [4].
Những người nghĩ đến bạo lực hay sử dụng bạo lực thường tìm đến nhau, và các mạng
lưới xã hội như thế là nơi dung dưỡng bạo lực. Nghiên cứu này kết luận rằng một
người tiếp xúc với bạo lực thường có nguy cơ dẫn đến bạo lực hơn là một người
không bị ảnh hưởng bởi vòng truyền nhiễm này. Một khi bạo lực bắt đầu với các mạng
lưới xã hội này, nó có nguy cơ lan rộng đến toàn thể thành viên trong mạng lưới.
Bạo lực từ một người có khả năng ảnh hưởng lan rộng đến hai độ xa cách (bạn của
bạn) như gây thương tích trầm trọng, ba độ xa cách (bạn của bạn của bạn) như sử
dụng vũ khí, và bốn độ xa cách (bạn của bạn của bạn của bạn) như đánh nhau nặng
nề.
Kết
luận của các nghiên cứu này có thể giải thích các hành động bạo lực mang tính tập
thể, từ khủng bố, các cuộc cách mạng chính trị, và những cuộc đấu đá giữa các
băng đảng.
Để
gia giảm hay chấm dứt bạo lực trong xã hội, nó cần phải bắt đầu từ mỗi một người,
bởi một người là đã có khả năng gây nên bạo lực và lan tràn đến tất cả các
thành viên trong mạng lưới xã hội đó.
Làm
sao để chuyển hoá bạo lực cho một tập thể, một cộng đồng, một quốc gia? Nhất là
một quốc gia mà chế độ cầm quyền lại chủ trương dùng bạo lực để cai trị, đàn áp
mọi tiếng nói phản biện? Đề cao lý trí hơn cảm xúc là một cách, cũng như việc đề
cao khả năng sử dụng trí cảm (emotional intelligence) là điều cần thiết và hệ
trọng hiện nay. Ai cũng có cảm xúc, nhưng biết sử dụng nó, biết chuyển hoá những
cảm xúc tiêu cực sang tích cực, chứ không tránh né nó, là phương pháp hữu hiệu.
Đeo nơ trắng (white ribbon) để ủng hộ tinh thần chống lại bạo hành gia đình
cũng là một cách hay để gây ý thức. Và còn bao nhiêu cách sáng tạo và độc đáo
khác để nói không đối với bạo lực. Điều thiết yếu là phải ý thức được rằng bạo
lực nó rất là nguy hiểm và dễ lan truyền, nó lan rất nhanh và rất mạnh. Hơn nữa,
một người kiểm soát được từng suy nghĩ, lời nói và hành động của mình là điều rất
khó. Khó hơn nữa là vì người đó có thể kiểm soát được mình, nhưng không kiểm
soát được người khác. Và khi bị kích động mạnh thì ai có thể điều khiển được
mình hay người khác, nhất là khi chưa có kinh nghiệm từng trải và chưa chuẩn bị
tinh thần?
Một
số kết quả nghiên cứu trên có thể hữu dụng trong trong trường hợp Việt Nam. Trong
và sau các cuộc biểu tình chống Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng vừa qua, vấn
đề bạo lực một lần nữa được bàn cãi sôi nổi, nhất là trên mạng xã hội. Có nhiều
người trước đây không hề cổ võ cho bạo lực, nhưng khi thấy người biểu tình bị
đàn áp thô bạo, nó làm cho họ suy nghĩ lại lập trường bất bạo động như thế có
thật sự hiệu quả không và đúng đắn không. Rồi cũng có những người khác nặng lời
hơn cho rằng kêu gọi bất bạo động để chống chế độ phi nhân, vô pháp và tàn bạo
thì là ngu đần, hèn nhát và nguỵ trá.
Thay
vì phân tích chính đáng về ích lợi hay thiệt hại của bạo lực hay ôn hoà, rất
nhiều người Việt thường có khuynh hướng lên án kết tội, xem mình như quan toà,
mà không dựa vào bằng chứng hay nghiên cứu khoa học. Cảm tính vẫn cứ tiếp tục lấn
át các tranh luận bấy lâu nay.
Những
cuộc biểu tình chủ trương ôn hoà tại Việt Nam, chẳng hạn như những cuộc quy tụ
vài chục ngàn người của các tôn giáo trong thời gian qua, chứng minh sức mạnh của
tinh thần và niềm tin vào lẽ phải.
Không
những thế, đấu tranh bất bạo động sẽ giúp cho người đấu tranh kỷ luật hơn về
tinh thần, hiểu biết hơn về lý trí, bảo toàn được lực lượng và ý thức hơn về mục
tiêu đấu tranh. Chế độ cầm quyền vô cùng lo sợ sức mạnh của lẽ phải. Những người
như Trần Huỳnh Duy Thức hay Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, không có đến một tấc sắt
trong tay, nhưng chế độ đã kết án họ 16 và 10 năm tù. Sức mạnh của lý lẽ, của lời
nói, của sự thật, tuy chưa nhưng rồi một ngày nào đó sẽ chiến thắng họng súng,
lưỡi gươm.
Không
còn con đường nào khác ngoài đấu tranh bất bạo động nếu muốn thay đổi Việt Nam
theo chiều hướng tốt hơn. Các cuộc đấu tranh bất bạo động thành công của
Mohandas Gandhi, Martin Luther King là những bài học đáng noi theo cho con đường
Việt Nam. Lẽ ra Việt Nam có thể đi trước các quốc gia này, vì chúng ta có cụ
Phan Chu Trinh, người cổ võ cho tri thức và bất bạo động. Nhưng văn hoá bạo lực
đã thấm quá sâu vào dân tộc Việt Nam.
Đã
đến lúc chúng ta cùng đồng lòng quyết tâm đề cao tinh thần ôn hoà nhưng vô úy,
tinh thần bất bạo lực nhưng bất tuân phục đối với cường quyền, vì ba lý do sau
đây.
Một,
đối đầu với cả một hệ thống quyền lực chuyên sử dụng bạo lực để cai trị, lại đối
đầu bằng tinh thần bất bạo động, thật ra là một tinh thần bất khuất, vô uý. Một
người có vũ khí trong tay thì còn có thể nghĩ rằng mình tự bảo vệ được khi bị tấn
công, dù lập luận hay tâm lý như thế không vững trên thực tế. Trong khi đó, một
người không có gì cả ngoài tinh thần bất khuất, lại đối đầu với súng đạn, vũ
khí và ngay cả cái chết trước mặt họ, quả là can trường. Những kẻ dùng vũ khí để
tấn công những người này, và những người bàng quan chung quanh, sẽ rung động
trước tinh thần vô uý như thế. Có thể nó không xảy ra một sớm một chiều, nhưng
rồi chắc chắn tinh thần vô uý như thế sẽ lan toả để chôn vùi bạo lực.
Hai,
sử dụng biện pháp bạo lực đối với cả một hệ thống quyền lực chuyên sử dụng bạo
lực trong hoàn cảnh ngày hôm nay chẳng khác gì trứng chọi đá, hay đá chọi súng.
Đó là cuộc đấu tranh bất cân xứng về lực lượng, giữa tỷ lệ một so với một trăm
hay một ngàn. Rõ ràng những người đấu tranh có tất cả mọi lý do chính đáng để
phẫn nộ, và vì sự phẫn uất chồng chất nên dễ trở thành bạo động qua các cuộc biểu
tình này. Nhưng những người đấu tranh bạo động cùng lắm thì chỉ có thể thắng nhất
thời, thắng trận đánh, nhưng không thể nào thắng cuộc. Họ sẽ bị nghiền nát bằng
bạo lực ngay sau đó. Đó là điều dứt khoát. Như thế, cái thoả mãn cảm xúc nhất
thời sẽ gây thiệt hại cho mục tiêu chiến lược lâu dài.
Ba,
với sự bất cân xứng về tương quan lực lượng hiện nay, cuộc đấu tranh sẽ không
đưa đến kết quả mong đợi nếu không có các thành phần khác trong xã hội nhập cuộc.
Nhiều thành phần xã hội khác sẽ nhập cuộc nếu có lãnh đạo và tổ chức, và phải bằng
phương pháp bất bạo động. Nghĩa là khi họ có được hy vọng là có những tổ chức
chính trị đủ khả năng, tầm nhìn và phương thức đấu tranh để đem lại thay đổi,
đem lại thắng lợi, nhưng ít tổn thất và xáo trộn, thì họ sẽ mạnh dạn hơn để
tham gia. Đa số không muốn ủng hộ cho một thay đổi mà họ không rõ sẽ đi về đâu,
hay bạo loạn và bất ổn. Xu hướng chung, và tâm lý chung, của mọi xã hội đều như
thế. Lịch sử đất nước Việt Nam đã triền miên trong khói lửa, chiến tranh và hận
thù, và không còn mấy ai muốn nó tiếp diễn như thế nữa. Bao nhiêu mất mát chồng
chất để được gì? Nếu chủ trương bạo động, dù có thành công đi nữa, thì khi lên
nắm quyền họ có tự động chuyển hoá sang ôn hoà và dân chủ không?
Do
đó những người điều hợp và phối hợp đấu tranh hiện nay cần giữ vững niềm tin sắc
son vào bất bạo động. Cương quyết, kỷ luật và không nao núng tinh thần trước bạo
lực là điều rất khó. Bạo động, như đã nói trên, dễ bùng nổ và lan truyền nhanh
như lửa hoang, nhất là trong xã hội và môi trường đã bị dồn nén quá lâu mà áp
xuất chỉ chờ dịp bùng nổ. Cho nên nếu không giữ vững nguyên tắc và kỹ luật khắc
khe về đấu tranh bất bạo động trong hàng ngũ đấu tranh thì những kẻ cầm quyền
chỉ cần lý do như thế để dập tắt. Có khi chính họ tạo ra cái cớ như thế, và họ
thừa khả năng và thủ đoạn để làm chuyện đó. Tất nhiên đấu tranh bất bạo động
thì vẫn sẽ có đàn áp. Vẫn sẽ tiếp tục có đổ máu. Nhưng mọi cuộc đấu tranh đều
theo quy trình đó. Đàn áp bằng bạo lực càng gia tăng khi càng nhiều người dân
nhập cuộc cũng là lúc sự cáo chung của chế độ độc tài đang đến gần.
Phạm Phú Khải
Úc
Châu, 26/06/2018
*
Tài liệu tham khảo:
1.
Laura Delizonna, “High-Performing
Teams Need Psychological Safety. Here’s How to Create It”, Harvard Business
Review, 24 August 2017.
2.
BBC, “Guns in the
US: The statistics behind the violence”, BBC, 5 January 2016.
3.
Statista, “Violent
crime in the U.S. - statistics & facts”, The Statistics Portal,
accessed on 23 June 2018.
4.
Christopher Bergland, “Why
Is Violence So Contagious?”, Psychology Today, 26 December 2016.
No comments:
Post a Comment