Tuesday, 19 June 2018

LS NGUYỄN VĂN ĐÀI NÓI LÝ DO SANG ĐỨC (BBC Tiếng Việt)




BBC Tiếng Việt
19/6/2018

'Chúng tôi đi Đức còn bốn người khác vẫn trong tù'

Luật sư Nguyễn Văn Đài hôm 13/06 đã nhận Giải thưởng Nhân quyền 2017 của Liên đoàn Thẩm phán Đức.  NGUYEN VAN DAI

"Việc tôi được trả tự do và xuất cảnh sang Đức là quá trình rất dài," luật sư Nguyễn Văn Đài từ Berlin nói với BBC.

Đêm 7/06/2018, ông Đài và cộng sự bà Lê Thu Hà được đưa khỏi nhà tù, tới sân bay quốc tế Nội Bài rời Việt Nam.
Cùng đi với hai tù nhân vừa được thả là vợ luật sư Đài, bà Vũ Thị Minh Khánh.

Ông Đài và bà Thu Hà bị bắt tạm giam từ tháng 12/2015.
Trong phiên tòa sơ thẩm hôm 5/4/2018, ông bị kết án 15 năm tù, 5 năm quản chế. Bà Lê Thu Hà bị án 9 năm tù, 2 năm quản chế.
Cùng bị xét xử với hai người là bốn thành viên thuộc Hội Anh em Dân chủ.
Chỉ ít hôm sau phiên phúc thẩm ngày 4/06, ông Đài cùng bà Thu Hà được đưa sang Đức. Bốn người kia vẫn tiếp tục thụ án.

BBC đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Văn Đài về vấn đề này:

Luật sư Nguyễn Văn Đài: Ngay sau khi bị bắt [16/12/2015], tôi nói với cơ quan an ninh điều tra rằng nếu họ bắt tôi với mục đích để cầm tù tôi lâu dài ở Việt Nam thì tôi không có gì để nói cả. Họ cứ đưa tôi ra tòa xét xử với những gì mà họ cho là bằng chứng phạm tội mà họ có trong tay. Tôi không bao giờ hợp tác với cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án trong suốt quá trình tố tụng.
Nếu họ bắt tôi với mục đích nhằm đẩy tôi đi nước ngoài thì lần này tôi vui lòng rời khỏi Việt Nam.
Sau đó bốn ngày, họ vào trại giam, đồng ý cho tôi làm đơn để đi định cư ở nước ngoài theo diện nhân đạo.
Đến ngày 12/5/2016, họ vào trại giam khuyên tôi đi định cư ở Úc. Họ nói tới thời điểm đó chưa có một quốc gia nào nhận tôi mặc dù phía Việt Nam đã nỗ lực làm việc với các nước.
Vào thời điểm đó, vợ tôi đã hai tháng không gửi quà vào cho tôi và tôi không biết thông tin gì về vợ tôi cả. Tôi yêu cầu họ cung cấp thông tin đầy đủ về tình trạng sức khỏe của vợ tôi thì tôi mới đưa ra quyết định có đi hay không.
Sau này tôi được biết lúc đó vợ tôi đang đi vận động cho tôi ở Mỹ và rất nhiều nước khác. Họ đã không đưa cho tôi thông tin đầy đủ cho nên tôi đã quyết định không đi Úc vào thời điểm 5/2016.
Đến 1/11/2016, họ cho tôi gặp vợ tôi sau gần một năm bị tạm giam. Trong lần gặp đó, vợ tôi nói chính phủ Đức nói sẵn sàng tiếp nhận nếu gia đình tôi muốn đi. Vậy là gia đình tôi đã quyết định lựa chọn đi định cư ở Cộng hòa Liên bang Đức.
Bắt đầu từ 1/11/2016, gia đình tôi và những người bạn ở Đức bắt đầu vận động để tôi được sớm trả tự do và đi định cư tại Cộng hòa Liên bang Đức.

Ông Nguyễn Văn Đài nói ông đã từ chối lời đề nghị đi Úc hồi 5/2016 vì ông khi đó không được cho biết tin tức về vợ mình, bà Vũ Minh Khánh. NGUYEN VAN DAI

BBC: Ông đã bị bắt tạm giam từ 2015, đến 4/2018 thì bị đưa ra xét xử sơ thẩm. Ông nói rằng ông đã nhận được lời đề nghị và ông đã chấp nhận rời khỏi Việt Nam để đi định cư ở nước ngoài từ cuối 2016. Vậy tại sao tiến trình định cư không được thúc đẩy sớm hơn để ông có thể ra khỏi Việt Nam sớm mà không cần qua phiên tòa xét xử?

Luật sư Nguyễn Văn Đài: Tôi được biết là bạn bè tôi đã vận động để tôi được ra đi mà không qua xét xử.
Tuy nhiên, sau này, khi họ tiến hành điều tra bổ sung tôi với tội danh "nhằm lật đổ chính quyền nhân dân "theo Điều 79 và bỏ [tội danh theo] Điều 88 đi, trong quá trình họ cho tôi xem hồ sơ thì tôi biết rằng từ cuối 2016 họ đã có sự chuẩn bị, tập hợp hồ sơ nhằm chuyển tội danh, kết tội tôi theo Điều 79.
Mục đích của họ trước khi đẩy tôi đi nước ngoài là muốn làm một mẻ lưới lớn, bắt tất cả các thành viên của Hội Anh em Dân chủ, đe dọa những người không bị bắt để tìm cách thúc đẩy họ chạy trốn ra nước ngoài. Họ muốn xóa Hội Anh em Dân chủ trên đất nước Việt Nam rồi họ mới cho tôi đi.

Luật sư Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà khi đang thụ án về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" bất ngờ được đưa khỏi nhà tù ra sân bay, rời Việt Nam sang Đức đêm 7/06. HOI ANH EM DAN CHU

BBC: Phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào đầu tháng 6/2018, tức là khá nhanh sau phiên tòa sơ thẩm. Ông và cộng sự Lê Thu Hà đã không kháng cáo, trong lúc bốn người còn lại thì có. Lý do gì khiến ông và bà Lê Thu Hà quyết định không kháng cáo?

Luật sư Nguyễn Văn Đài: Tất cả các phiên tòa xét xử ở Việt Nam nhằm vào những người bất đồng chính kiến, hoạt động nhân quyền, hoạt động chính trị đối lập như chúng tôi đều là những phiên tòa hết sức bất công.
Tôi đã trải qua hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm hồi năm 2007, và phiên tòa sơ thẩm tháng 4/2018. Đó đều là những phiên tòa hết sức phi lý, bất công.
Trong suốt phiên tòa sơ thẩm 5/4/2018, đại diện Viện Kiểm sát không hề hỏi sáu bị cáo chúng tôi bất kỳ câu hỏi nào. Đây là chuyện không thể xảy ra ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Về nguyên tắc, luật Việt Nam yêu cầu tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát phải chất vấn các bị cáo để làm rõ tất cả các chứng cứ trong quá trình điều tra để làm rõ sự thật vụ án, nhưng họ không hề hỏi tôi một câu nào. Cho nên tôi cho rằng nếu kháng cáo, mọi việc cũng sẽ diễn ra tương tự như vậy.
Thêm nữa, tôi cũng muốn bản án sơ thẩm nhanh chóng có hiệu lực để chúng tôi có thể rời khỏi Việt Nam sớm hơn.


BBC:Sau hơn 10 ngày rời khỏi Việt Nam, ông có cảm nhận thế nào khi rời từ môi trường trong tù sang một môi trường hoàn toàn khác biệt, và có lẽ là điều kiện sống cũng tốt hơn nhiều so với điều kiện sống nói chung của người dân ở trong nước?

Luật sư Nguyễn Văn Đài: Cảm giác khó tả. Tôi từng sống ở Đức cách đây 29 năm và khi đó tôi hoàn toàn có cơ hội ở lại nước Đức như các Việt kiều đang định cư tại Đức bây giờ, nhưng tôi vẫn đã quyết định trở về Việt Nam vào cuối 1990 với cuộc sống rất khó khăn.
Sau khi học [luật] xong, tôi đã dấn thân vào con đường đấu tranh. Trong suốt hơn 10 năm qua, tôi chịu rất nhiều cảnh cơ cực. Tôi đã một lần vào tù bốn năm và chịu bốn năm quản chế. Tôi đã từng bị đánh, có một lần bị đập vỡ đầu, phải khâu bốn mũi. Một lần tôi bị đánh, bị ném ra bờ biển trong một buổi tối mùa đông giá lạnh, bị cướp hết cả tài sản tiền bạc. Rồi tôi tiếp tục bị bắt, bị xử 15 năm tù.
Trong suốt thời gian tạm giam hai năm rưỡi vừa qua trong trại tạm giam B14, tôi đã phải đối diện với rất nhiều 'chiêu trò' nhằm áp chế tinh thần chúng tôi.
Tôi trở lại Đức với cảm giác trở lại nơi mình từng sinh sống trong gần một năm. Cảm giác như đó cũng là quê hương của mình.
Sống trong sự an toàn, không sợ an ninh rình rập theo dõi, không phải chịu sự đối xử bất công trong nhà tù, tôi cảm giác vừa vui mừng, vừa đau buồn. Đồng bào, anh em đấu tranh của tôi thì người phải trốn chạy ra nước ngoài, người đang phải lẩn trốn ở đất nước Việt Nam, đều đang trong cảnh rất khó khăn. Tôi cảm thấy thương và buồn cho thân phận của đất nước, dân tộc mình.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Đài gặp gỡ cựu Tham tán Chính trị Đại sứ quán Đức ở Hà Nội, ông Felix Schwarz, bên trong tòa nhà của Bộ Ngoại giao Đức ở Berlin. NGUYEN VAN DAI

BBC: Cùng được thả khỏi nhà tù và cùng được đưa sang Đức với ông là cộng sự của ông, bà Lê Thu Hà. Ông từng ở Đức trước đây, có lẽ vẫn ít nhiều cảm thấy quen thuộc cả về cuộc sống lẫn ngôn ngữ Đức. Nhưng với bà Lê Thu Hà, có lẽ đây là lần đầu tiên bà ấysang Đức phải không? Vì sao bà Hà cũng được bảo lãnh để sang Đức cùng ông?

Luật sư Nguyễn Văn Đài: Tôi và cô Hà bị bắt đầu tiên, chỉ có hai người chúng tôi thôi. Bốn người kia mãi về sau họ mới bắt.
Thủ tục bảo lãnh để chúng tôi được sang Đức định cư đã được tiến hành trước khi bốn người đó bị bắt. Những người vận động đã vận động cho cả hai chứ không phải cho riêng mình tôi. Tôi và cô Hà đều nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ phía Đức như nhau, hoàn toàn bình đẳng không có gì khác biệt.
Khi tới Đức, cô Hà có gặp một số vấn đề về sức khỏe, có hơi choáng ngợp trước cuộc sống ở nước Đức. Đến hôm nay cô ấy đã trở lại tương đối bình thường. Tôi hy vọng cô Hà sẽ sớm hội nhập được cuộc sống ở nước Đức như tôi.

Bốn nhà hoạt động cùng bị bắt trong ngày 30/7/2017 đều là thành viên Hội Anh Em Dân Chủ. OTHER

BBC: Có bốn người khác bị bắt và cùng bị đưa ra xét xử với ông và bà Hà, hiện vẫn đang ở trong tù tại Việt Nam với các mức án nặng. Họ là những người đã nghe theo lời kêu gọi, hay sự vận động của ông, hoặc bởi họ tin tưởng ông, hoặc vì lý do gì khác liên quan tới ông mà họ mới bị bắt, bị xử tù. Bây giờ ông đã sang Đức, vậy ông có kế hoạch hay ý tưởng gì để giúp đỡ cho bốn người còn lại để họ cũng được sớm ra tù không?

Luật sư Nguyễn Văn Đài: Chắc chắn là có. Với những người vẫn cương quyết ở lại Việt Nam, chúng tôi sẽ vận động để họ sớm được tự do. Với những người thấy cần thiết phải đi định cư ở nước ngoài, chúng tôi sẽ vận động để họ và gia đình sớm được rời khỏi nhà tù để đi định cư.
Trong 10 ngày vừa qua, tôi đã gặp gỡ các vị dân biểu của Quốc hội Đức, gặp Bộ ngoại giao Đức. Tôi đã nói chuyện với họ, đề đạt với họ những mong muốn của tôi là họ tiếp tục vận động, đấu tranh cho những người bạn của tôi đang còn trong tù.
Sắp tới, tôi đã nhận được lời mời đi sang Hoa Kỳ và đi thăm một số nước khác. Trong quá trình làm việc với chính phủ các nước khác, tôi cũng sẽ vận động để cho những người bạn của tôi sớm được rời khỏi Việt Nam nếu họ muốn, hoặc được ra khỏi tù và ở lại Việt Nam, nếu họ mong muốn như vậy.


BBC:Có một số luật sư từng bị bắt, từng bị xét xử, từng bị vào tù và bị quản chế tương tự như ông, ví dụ như luật sư Lê Công Định hay luật sư Lê Thị Công Nhân. Họ hiện vẫn đang ở Việt Nam, còn ông thì đi ra nước ngoài. So sánh cách đấu tranh của ông với của hai người kia, ông thấy có điểm gì giống, điểm gì khác nhau?

Luật sư Nguyễn Văn Đài: Chúng tôi dù cùng đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, nhưng mỗi người có một sự lựa chọn rất khác nhau.
Luật sư Định sử dụng những bài viết của mình trên Facebook để giúp người dân hiểu về luật pháp, nhân quyền. Chị Công Nhân chọn cách giúp đỡ nhân đạo cho những người bị cầm tù hay những người yếu thế trong xã hội.
Tôi đấu tranh theo cách khác. Tôi cổ súy cho việc thành lập và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, tiến tới việc hình thành các đảng phái chính trị ở Việt Nam. Mỗi người có một lựa chọn khác nhau nhưng điều mà tôi lựa chọn thì phiêu lưu, mạo hiểm và nguy hiểm hơn sự lựa chọn của người khác.











No comments:

Post a Comment

View My Stats