28/06/2018
Bộ
Giáo dục-Đào tạo tổng kết cuộc thi trung học phổ thông (THPT) 2018 với những
con số sau: Kỳ thi có 925.753 thí sinh đăng ký, tổ chức tại 2.144 điểm với
39.689 phòng thi; được giám sát bởi gần 45.000 cán bộ, giảng viên từ 216 đại
học, học viện... Bộ GD&ĐT “báo cáo”: kỳ thi đã được tổ chức “đúng kế hoạch,
đảm bảo nghiêm túc, khách quan, an toàn đúng quy chế, đáp ứng các mục tiêu đề
ra, đảm bảo phù hợp với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào
tạo”.
Học sinh bãi khóa,
tiểu thương bãi thị ở Ninh Hiệp phản đối dự án lấy đất trường học làm trung tâm
thương mại.
Khoan
nói về việc “đúng kế hoạch, đảm bảo nghiêm túc…”. Cũng khoan nói về kết quả thi
của học sinh. Những cuộc thi THPT cũng như thi đại học chỉ cho thấy một kết quả
chung: hệ thống giáo dục-đào tạo Việt Nam gần như không đóng góp được gì cho
phát triển, ở một quốc gia mà yếu tố phát triển không quan trọng bằng “ổn định
chính trị”. Sau mỗi cuộc thi tốn kém là những gánh nặng cộng thêm chồng chất
lên vai những người đóng thuế - để tiếp tục nuôi một bộ máy giáo dục tồi tệ rệu
rã và tiếp tục nuôi một tỷ lệ sinh viên thấp nghiệp tăng dần mỗi năm, với thống
kê mới nhất là 200.000 người mà Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vẫn “lạc
quan” cho rằng con số đó là “không quá lớn” (trong báo cáo Quốc hội đầu tháng
6-2018).
Trong
thực tế, có một “cuộc thi” khác khốc liệt và gay góc hơn nhiều. Nó “được tổ
chức” không phải trong phòng thi mà là tại các văn phòng tư vấn du học. Đó là
“cuộc thi” của người lớn, một cuộc chạy đua đưa con đi tỵ nạn giáo dục. “Thí
sinh” tham gia cuộc thi này không chỉ là những phụ huynh có tiền. Không ít
người đã phải cắn răng chấp nhận bán cả nhà cửa đất đai để lo cho con du học.
Nó là cuộc đánh đổi phần đời còn lại của phụ huynh để lo cho tương lai lâu dài
hơn của con em. Đi đâu gặp nhau bây giờ người ta cũng hỏi thăm nhau cách thức
du học “an toàn” và “vừa túi tiền”. Các thành phố lớn đang nở rộ dịch vụ tư vấn
du học. Dịch vụ tư vấn du học tấn công cả vào học đường đến mức hồi cuối tháng
5-2018, Sở GD&ĐT TPHCM đã ra văn bản cấm quảng cáo du học trong trường học.
Báo Tuổi Trẻ (25-6-2018) thậm chí cho biết, ngay sau khi môn
thi đầu tiên kết thúc, các công ty du học đã rải tờ rơi tư vấn tuyển sinh tại
nhiều điểm thi ở miền Trung (năm nay, ngoài tờ rơi, thông tin tư vấn du học còn
được in lên quạt tay và nước đóng chai!).
Cơn
sốt bùng nổ tìm đường tỵ nạn giáo dục đã cho thấy rõ bi kịch thất bại chua chát
của nền giáo dục XHCN. Nó cũng cho thấy nhiều đường nét nghịch lý của bức tranh
giáo dục. Có hơn 8,1 triệu kết quả khi tìm kiếm cụm từ “nhà nghèo đậu đại học”
từ Google nhưng báo chí gần như không có bài viết nào về chân dung con cái quan
chức thi và đậu đại học từ các trường trong nước, con của quan chức trong ngành
giáo dục càng không! Hệ thống chính trị lẫn bộ máy giáo dục của hệ thống đó đã
“mạnh mẽ khước từ” chính sản phẩm giáo dục của họ. Trong gần một triệu thí sinh
THPT hàng năm, dường như không có “sĩ tử” nào là con cái quan chức nói chung và
quan chức giáo dục nói riêng. Bộ máy lãnh đạo giáo dục vẫn ra rả “tính ưu việt”
của nền giáo dục XHCN nhưng họ chứ không ai khác đã kinh hãi và thậm chí trong
thâm tâm có thể khinh bỉ chính hệ thống giáo dục quái dị của họ. Không như các
phụ huynh mất ăn mất ngủ lo “chạy” cho con đi du học, quan chức đã “bí mật” cho
con họ đi tỵ nạn giáo dục tại các nước tư bản, năm này sang năm kia, và con số
đó chắc chắn ngày càng tăng dù không bao giờ có một thống kê chính xác và minh
bạch. Nói cách khác, họ đã mặc nhiên thừa nhận sự thất bại của hệ thống giáo
dục do họ tạo ra.
Điều
tồi tệ nhất trong tất cả những điều tồi tệ là sự mặc nhiên thừa nhận thất bại
đã không đi cùng với sự xấu hổ và liêm sỉ để có thể chỉnh đốn hệ thống giáo
dục. Họ tống ra xã hội một sản phẩm nhàu nát nhưng bản thân họ tìm kiếm sản
phẩm tốt đẹp hơn. Tương lai quốc gia không bằng tương lai con cái hoặc bản thân
họ. Và họ cũng chẳng hề thể hiện lương tâm. Đòi hỏi yếu tố trách nhiệm đối với
bộ máy lãnh đạo giáo dục cũng chẳng khác gì yêu cầu một đứa bé vô giáo dục từ
căn bản phải biết xin lỗi và nhận trách nhiệm cho một hành vi phá phách
có-ý-thức.
Giáo
dục Việt Nam đến mức này đã không còn là một vấn đề. Nó là vấn nạn quốc gia. Nó
là cuộc lao dốc không có điểm dừng. Nó không còn mang lại chút niềm tin nào.
Ngược hướng với đà tuột dốc giáo dục là cuộc chạy đua quyết liệt của những phụ
huynh dáo dác tìm đường đưa con du học - chạy đua kiếm tiền hoặc vay tiền, chạy
đua tìm dịch vụ tư vấn, chạy đua tìm trường nước ngoài có chi phí rẻ… Một cuộc
chạy thi và chạy đua tìm kiếm tương lai, không phải ở Việt Nam. Trong “cuộc
thi” khốc liệt này, bài toán mà một số phụ huynh phải giải cho bằng được luôn
khó gấp vạn lần phương trình số học trong phòng thi mà con em họ làm. Trong
“cuộc thi” này, thật mỉa mai, có những trường hợp được “đặc cách”: dành cho
người “có công với cách mạng”, những kẻ thuộc hệ thống cai trị, những kẻ bây
giờ cần phải nêu chính xác là những tay tư bản đỏ, đã và đang vơ vét cạn kiệt
ngân khố quốc gia, để lại những đổ nát hoang tàn, trong đó có vũng lầy giáo
dục. Họ thừa tiền và dư điều kiện để trải thảm cho con mình du học. Họ còn có
thể có thừa nhiều thứ khác. Họ chỉ thiếu vài thứ: lòng liêm sỉ và sự dũng cảm
giẫm lên “bãi phân giáo dục” mà chính họ tạo thành.
----------------------
CÙNG TÁC GIẢ
Mạnh Kim
30/06/2018
Dân
Luận: Vừa
qua nhiều trang Facebook hoạt động xã hội nổi tiếng đã phải ngưng hoạt động vì
bị báo cáo, hoặc khóa không rõ lý do, điển hình là trang FB Việt Tân và Nhật Ký
Yêu Nước. Để đối phó với sự kiểm duyệt này, các nhà hoạt động xã hội Việt Nam
đang đồng loạt rủ nhau chuyển nhà qua Minds.com, một hệ thống mạng xã hội thay
thế cho FB. Để theo kịp thời đại, Dân Luận cũng đã mở trang đại diện trên Minds
tại địa chỉ sau: https://www.minds.com/DanLuan.
Mời bà con chú ý theo dõi :D
----------------------
Việc
Facebook có những thỏa hiệp ngầm với một số chính phủ thật ra không mới. Một
bài báo của Mike Isaac trên New York Times (22-11-2016) cho biết, Facebook đã
“tương nhượng” trong việc kiểm duyệt nội dung với một số nước như Pakistan,
Nga, Thổ Nhĩ Kỳ…
Chỉ
trong 5 tháng, từ tháng 7-2015 đến tháng 12 cùng năm, Facebook đã chặn 55.000
tin bài tại khoảng 20 quốc gia. Với Việt Nam, thỏa thuận mật giữa Facebook và
chính quyền Việt Nam có thể bắt đầu được bàn chi tiết từ cuộc gặp giữa Monika
Bickert (Giám đốc chính sách quản lý toàn cầu của Facebook) và Bộ trưởng Bộ
Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn vào ngày 26-4-2017 tại Hà Nội.
Câu hỏi bây giờ là
tại sao Facebook bắt tay “dưới gầm bàn” với Hà Nội? Việt Nam, với khoảng
52 triệu tài khoản, là thị trường béo bở đối với Facebook. Tuy nhiên, yếu tố
doanh thu thị trường từ Việt Nam có thể chưa đến mức quan trọng hàng đầu. Trung
Quốc mới là đích ngắm thật sự! Một nhận định của Rogier Creemers, chuyên gia về
Trung Quốc thuộc Đại học Leiden (Hà Lan), rất đáng chú ý (theo nguồn VOA).
Rogier Creemers cho rằng, bằng việc “thí điểm” mô hình kiểm duyệt tại Việt Nam,
Facebook muốn chứng minh cho Trung Quốc thấy họ có thể làm điều tương tự, một
khi được chính quyền Bắc Kinh cho phép thâm nhập thị trường nước này.
Việc
Facebook “thèm khát” thị trường Trung Quốc chẳng là chuyện lạ. Từ khi bị chặn
tại Trung Quốc năm 2009, Mark Zuckerberg luôn cố ve vãn Bắc Kinh, có khi bằng
những hành động nực cười. Trong cuộc gặp Tập Cận Bình tại Nhà trắng năm 2015,
Mark Zuckerberg đã xin Tập đặt tên cho đứa con sắp chào đời của mình. Facebook
cũng giúp quảng bá hình ảnh các chuyến công du nước ngoài của Tập bằng cách lập
“fanpage” cho Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) với các bản tin cập
nhật liên quan Tập.
Năm
2016, Facebook phát triển một công cụ kiểm duyệt giúp chặn tin bài theo vùng
địa lý, với mục đích giúp chính quyền sở tại giám sát được nội dung trên
Facebook (công cụ này, được New York Times cho rằng nó được thiết kế cho thị
trường tương lai Trung Quốc, sau đó đã không được ứng dụng). Tháng 3-2016 Mark
Zuckerberg đến Bắc Kinh gặp các viên chức an ninh mạng Trung Quốc. Tháng
10-2017, Mark Zuckerberg lại đến Trung Quốc để nghe Tập nói chuyện tại Đại học
Thanh Hoa. Mới đây, thêm một tai tiếng mà New York Times vừa phanh phui vào
tháng 6-2018. Bài báo cho biết, Facebook đã chia sẻ dữ liệu cá nhân người sử
dụng với ít nhất bốn công ty điện tử Trung Quốc từ năm 2010 hoặc có thể sớm
hơn, những công ty mà cộng đồng tình báo Mỹ luôn cảnh giác bởi khả năng đe dọa
an ninh quốc gia Hoa Kỳ, gồm Huawei, Lenovo, Oppo và TCL.
Ý
kiến nói trên của Rogier Creemers là nhận định của một nhà quan sát. Khó có thể
nói nó đúng hay sai nhưng nếu Facebook chọn Việt Nam làm nơi “thí điểm” thì
không nơi nào có thể “tốt” hơn Việt Nam – một phiên bản Trung Quốc thu nhỏ về
nhiều mặt, đặc biệt về kiểm soát và khống chế thông tin – để Facebook làm bàn
đạp xây dựng “độ tin cậy thực tế” cho Bắc Kinh.
(Một
cuộc “chuyển nhà” quyết liệt từ Facebook sang Minds đang diễn ra. Phản ứng
của cộng đồng mạng Việt Nam đang gửi một thông điệp rất mạnh đến Facebook)
No comments:
Post a Comment