14/06/2018
LTS: Ủy ban Bảo vệ Ký giả vừa công bố danh sách
những người được giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm nay, gồm bốn người,
trong đó có cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm.
Ông Joel Simon, Giám đốc điều hành của Ủy ban Bảo vệ Ký giả,
nói: “Vào thời điểm báo chí bị phỉ báng, chế giễu và làm suy yếu bởi
rất nhiều nhà lãnh đạo chính trị, Ủy ban Bảo vệ Ký giả công nhận một số phóng
viên dũng cảm và tận tụy nhất thế giới vì những đóng góp của họ để thông tin
cho cộng đồng và thế giới. Những nhà báo này đã đặt cuộc sống và sự tự do của
họ vào sự nguy hiểm hàng ngày chỉ để thực hiện công việc của họ. Không có sự
khẳng định nào lớn hơn rằng báo chí là quan trọng“.
Tiếng
Dân xin hân hạnh giới thiệu bản dịch công bố giải thưởng của Ủy ban Bảo vệ Ký giả.
***
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Việt Nam, Giải
thưởng Tự do Báo chí Quốc tế
Dịch
giả: Trúc Lam
14-6-2018
Ủy
ban Bảo vệ Ký giả vinh dự được trao giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm 2018
cho nhà báo Việt Nam Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Nguyễn
Ngọc Như Quỳnh là một trong những blogger độc lập nổi bật nhất ở Việt Nam, được
biết đến nhiều nhất qua bút danh “Mẹ Nấm” của cô. Cô đã bị bỏ tù kể từ năm
2016.
Năm
2017, Quỳnh bị kết án 10 năm tù tại một phiên tòa diễn ra trong một ngày. Các
cáo buộc liên quan đến 18 bài báo mà cô đã đăng trên mạng, bao gồm các báo cáo
về vụ xả thải công nghiệp, tàn phá các khu vực rộng lớn dọc bờ biển của đất nước.
Cô
bị kết án về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88, Bộ luật Hình sự
Việt Nam. Nghiên cứu của Ủy ban Bảo vệ Ký giả đã phát hiện rằng, các nhà chức
trách thường xuyên sử dụng luật này để bịt miệng tiếng nói bất đồng.
Trước
khi bị bắt, cô Quỳnh đã viết trên blog cá nhân của mình và các trang mạng khác.
Cô đưa tin về các vấn đề nhạy cảm bị kiểm duyệt bởi các phương tiện truyền
thông do nhà nước kiểm soát, bao gồm cả việc thu hồi đất đai, suy thoái môi
trường và sự tàn bạo của cảnh sát. Cô cũng đã giúp sáng lập Mạng lưới Blogger
Việt Nam, một nhóm nhà báo độc lập đã tập họp cùng nhau kêu gọi tự do báo chí.
Quỳnh
thường xuyên bị chính quyền Việt Nam quấy nhiễu trước khi bị bắt. Cảnh sát địa
phương liên tục gọi cô đến để thẩm vấn và tạm giam cô, liên quan đến các hoạt
động viết bài trên mạng. Tháng 12 năm 2013, chính quyền đã cấm cô đi ra khỏi
nước.
Cô
nói với Ủy ban Bảo vệ Ký giả trong năm 2014, rằng cô sợ cuối cùng cô sẽ bị bắt
bỏ tù. Đầu năm đó, Quỳnh nói với Ủy ban Bảo vệ Ký giả về cách cô thường che
giấu sự xuất hiện của mình để né tránh các viên chức giám sát các cuộc họp và
các phong trào của cô.
Các
viên cai ngục nhà tù đã từ chối điều trị y tế cho Quỳnh kể từ khi cô bị bắt,
tin tức cho biết. Đầu năm nay, cô bị chuyển đến một nhà tù xa quê nhà, khiến
gia đình cô gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thăm nuôi. Hồi tháng Năm, cô đã
thực hiện một cuộc tuyệt thực kéo dài một tuần để phản đối các điều kiện tồi tệ
trong tù, theo các tin tức trích dẫn từ mẹ cô.
Việt
Nam đã giam giữ ít nhất 10 nhà báo, trong đó có Quỳnh, khi Ủy ban Bảo vệ Ký giả
tiến hành điều tra nhà tù hàng năm vào cuối năm 2017. Tất cả đều bị cầm tù vì
tội chống nhà nước.
--------------------------------
Tổ
chức Committee to Protect Journalists (CPJ) vừa công bố là
đã chọn blogger Mẹ Nấm cho giải thưởng Tự Do Báo Chí 2018.
Đây là một giải thưởng cao quý dành cho những nhà báo trên thế giới có những nỗ
lực tranh đấu và là biểu tượng cho tự do ngôn luận.
Đây
là lần thứ 23 CPJ trao giải thưởng này và blogger Mẹ Nấm là người Việt Nam thứ
2 đã được vinh danh sau khi blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải nhận giải thưởng
vào năm 2013. Năm ngoái giải TDBC được trao cho 4 người là Ahmed Abba
(Cameroon), Patricia Mayorga (Mexico), Afrah Nasser (Yemen), Pravit Rojanaphruk
(Thailand).
Vào
năm 2017 Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là người Việt Nam duy nhất có tên trong
danh sách 13 phụ nữ trên toàn cầu được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh Giải
Phụ nữ Can đảm Quốc tế năm 2017. Cô là người duy nhất vắng mặt trong số
những người nhận giải trong khi đang bị nhà cầm quyền CSVN bỏ tù.
Năm
2016, Mạng Lưới Blogger Việt Nam do Mẹ Nấm là người điều hợp và thành viên chủ
chốt đã được vinh dự nhận giải thưởng Nhân quyền Việt Nam do
Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở tại Hoa Kỳ trao tặng vì các thành tích
tranh đấu cho nhân quyền.
Vào
năm 2015 Mẹ Nấm là phụ nữ Châu Á đầu tiên được nhận giải thưởng cao quý Người
Bảo Vệ Dân Quyền Năm 2015 của tổ chức Bảo Vệ Nhân Quyền Quốc Tế
(Civil Rights Defenders).
Trước
đó, vào năm 2010 cô nhận giải Hellman / Hammett Award 2010 của
Human Rights Watch nhằm tôn vinh lòng can đảm trong các nỗ lực bảo vệ nhân
quyền.
Sinh
năm 1979, theo học ngành học báo chí ở Sài Gòn và khoa Anh Văn tại trường Cao
đẳng Sư phạm Nha Trang, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh khởi sự viết blog và tham gia vào
công cuộc tranh đấu cho nhân quyền và toàn vẹn lãnh thổ VN vào năm 2006. Bút
hiệu Mẹ Nấm khởi đi từ tên gọi ở nhà của con gái nhỏ: bé Nấm.
Trong
suốt hơn 10 năm trước khi bị cầm tù, blogger Mẹ Nấm bằng ngòi bút của mình đã
lên tiếng bảo vệ người dân, vạch trần tình trạng tham nhũng của các quan chức
cộng sản, tố cáo những vi phạm về nhân quyền, hiểm họa bành trướng của Bắc Kinh
cũng như trình bày thảm họa và nguồn cơn của những thảm họa môi trường - đặc
biệt là những công trình của Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam.
Bên
cạnh ngòi bút, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cũng là người hăng say trong các hoạt động
tranh đấu của các phong trào quần chúng. Cô là một trong những sáng lập viên và
điều hợp viên của Mạng Lưới Blogger Việt Nam và là
người tham gia khởi xướng nhiều chiến dịch như Lời Kêu Gọi Công Dân Tự
Do, Chúng Tôi Muốn Biết, We Are One, và đặc biệt là tranh đấu bảo vệ môi
trường sau thảm họa cá chết do Formosa gây ra.
Ngày
10/10/ 2016 nhà cầm quyền CSVN bắt giam Mẹ Nấm và tại phiên toà xử vào ngày
29/06/2017 đã tuyên án 10 năm tù vì những hoạt động bảo vệ lãnh thổ, nhân
quyền, môi trường của cô.
15.06.2018
CPJ
trao giải Tự do Báo chí Quốc tế 2018 cho Blogger Mẹ Nấm
BBC
Tiếng Việt
15
tháng 6 2018
Tin
con gái vừa đoạt giải Tự do Báo chí Quốc tế 2018 của Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả
(CPJ), khiến thân mẫu của Blogger Mẹ Nấm 'vừa nghẹn ngào vừa cay đắng'.
Tự
do Báo chí Quốc tế là giải thưởng hàng năm do tổ chức phi chính phủ CPJ trao
cho những cá nhân được chọn vì có hành vi dũng cảm trong việc bảo vệ tự do báo
chí ở khắp nơi trên thế giới.
Blogger
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh "Mẹ Nấm" là người Á châu duy nhất trong năm nữ
nhà báo đoạt giải năm nay, và cũng là nhà báo duy nhất đoạt giải khi đang bị
giam cầm.
'Vừa
nghẹn ngào, vừa cay đắng'
Trả
lời phóng viên BBC ở Bangkok, bà Nguyễn Tuyết Lan ngập ngừng:
"Nghe tin tôi
chỉ có một thoáng vui, nhưng thật ra là vừa nghẹn ngào, vừa cay đắng... [khi
nghĩ về] cái giá Quỳnh phải trả để nói lên sự thật mà Quỳnh đã viết, đã nói từ
năm 2009 đến bây giờ..."
Bà cho biết lần gần
nhất bà gặp Blogger Mẹ Nấm là hôm 31/5, ở trại giam số 5 Yên Định, Thanh Hóa.
"Nhưng tôi đang
rất lo lắng, vì Quỳnh nói từ ngày 5 - 11/6 nó tuyệt thực phản đối cách đối xử
trong tù."
"Quỳnh ốm và
không nhận thức ăn trong trại, vì nói thức ăn trong trại rất là lạ và khó chịu,
chỉ ăn đồ ăn nhà gửi hàng tháng. Mà có 5 ký một tháng thì tôi không biết Quỳnh
sống ra sao."
Về
việc blogger Như Quỳnh được nhận thêm giải thưởng, bà Tuyết Lan nói tiếp:
"Tôi muốn tri ân
các tổ chức đã trao giải cho Quỳnh, vì như vậy họ đã công nhận những điều Quỳnh
làm là đúng, và muốn tri ân những người đã ủng hộ, mong mọi người tiếp tục
nâng đỡ chúng tôi bằng cách này hay cách khác."
"Khát vọng của
tôi, với tư cách là một người bà và là một người mẹ, tôi mong con tôi được trả
tự do, để ở bên hai đứa con nhỏ."
"Thời gian qua
con tôi đã trải qua nhiều những nhục hình bất công, và những điều con tôi làm
đã được công nhận là đúng, tại sao không thả con tôi ra?"
"Lúc Quỳnh gặp
lại bé Gấu (con trai út 6 tuổi của bà Quỳnh), Gấu có nói 'Mình đi về đi mẹ à,
tôi bảo 'Mẹ không về được', Gấu nó nhìn ngơ ngác," bà Lan kể lại.
"Qua tấm kính
dày đó, Quỳnh chỉ có thể nói với Gấu qua điện thoại là 'Mẹ không làm gì sai
nhưng người ta bắt mẹ rồi, lớn lên con sẽ hiểu,' bà Lan nghẹn ngào.
Nhiều
lần bị bắt bớ
Trong
thông cáo báo chí phổ biến hôm 14/6, xướng danh 4 nhà báo nữ được trao giải,
CPJ có đoạn viết về Mẹ Nấm: "Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một trong những
bloggers độc lập nổi bật nhất Việt Nam, được biết đến nhiều nhất với tên bút là
"Mother Mushroom".
"Blogger Mẹ Nấm
bị giam giữ kể từ năm 2016 về các cáo buộc tường trình về những vấn đề nhạy
cảm bị kiểm duyệt bởi các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát, bao
gồm việc chính quyền lấy đất của dân, suy thoái môi trường và sự tàn bạo của
cảnh sát."
Song
song với việc công bố tên những người được trao giải, CPJ cũng thúc giục chính
phủ Việt Nam "trả tự do cho Mẹ Nấm ngay lập tức.
Blogger
Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh từng bị bắt giữ chín ngày hồi năm 2009 khi kêu gọi
mọi người chú ý tới vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa và việc khai thác bauxite. Giới
chức nói khi đó bà được thả bởi "phạm tội lần đầu" và "cam kết
ăn năn hối cải".
Tháng
6/2017, blogger Mẹ Nấm bị Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tuyên án 10 năm tù vì
tội "Tuyên truyền chống phá nhà nước" trong phiên sơ thẩm.
Bộ
Ngoại giao Hoa Kỳ sau đó kêu gọi Hà Nội trả tự do cho bà Quỳnh 'ngay lập tức'.
Cuối
tháng 11/2017, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng không có căn cứ xét
giảm án, bác kháng cáo và giữ nguyên án 10 năm tù với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Mẹ Nấm đã bị tuyên án
10 năm tù hôm 29/6. GETTY IMAGES
Nhiều
lần đoạt giải thưởng
Nếu
Blogger Mẹ Nấm nhiều lần bị nhà nước Việt Nam bắt bớ, thì bà cũng từng đoạt
nhiều giải thưởng.
Năm
2010, bà đoạt giải Hellman/Hammett của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.
Năm
2015, bà đoạt giải Người Bảo vệ Quyền Dân sự của tổ chức Civil Rights
Defenders.
Năm
2017 bà được giải Phụ nữ Dũng cảm Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Buổi
lễ trao giải Tự do Báo chí Quốc tế 2018 sẽ diễn ra ngày 20/11 năm nay, tại
thành phố New York.
Và
như những lần trước, chiếc ghế dành cho bà trong lễ trao giải năm nay chắc sẽ
không có người ngồi.
Truyền
thông nhà nước nói gì?
Truyền
thông nhà nước hôm 10/10/2016 đồng loạt đưa tin Nguyễn Ngọc Như Quỳnh "có
quá trình hoạt động chống đối quyết liệt" và "ngày càng nguy
hiểm", và bị truy tố phạm tội tuyên truyền chống nhà nước theo Khoản 1
Điều 88.
Bản
tin của VietnamNet liệt kê các hoạt động được cho là "phản động"
của bà Như Quỳnh, trong đó có việc viết bài trên trang blog cá nhân "Mẹ
Nấm", nhận tiền của Việt Tân để "in áo phản đối dự án bauxite Tây
Nguyên".
Báo
Tuổi Trẻ nói việc khởi tố được đưa ra sau khi giới chức có kết luận giám định
đối với 400 bài viết trên trang Facebook cá nhân của bà Như Quỳnh cùng một
tập tài liệu có tiêu đề "Stop Police Killing Civillians - SKC"
("Chấm dứt tình trạng cảnh sát giết hại dân thường") mà giới chức xác
định là do bà biên tập.
Đáng
chú ý, giới chức xác nhận các thông tin trên đều được lấy từ "các báo
điện tử, trang thông tin điện tử trong nước", và cho rằng đó là hành vi
"rất thù nghịch với lực lượng công an", báo Tuổi Trẻ dẫn lời cơ quan
an ninh điều tra thuộc Công an tỉnh Khánh Hòa.
Những
hình ảnh trong chương trình truyền hình an ninh về việc khám xét nhà bà Như
Quỳnh cho thấy trong số những thứ công an tìm thấy có các tờ giấy, khẩu hiệu
in chữ "Khởi tố Formosa" hay "Cá cần nước sạch, Nước cần minh
bạch".
No comments:
Post a Comment