Thursday, 12 December 2024

VÌ SAO 5 CỰU ĐẢNG VIÊN LÃNH ÁN TÙ CÙNG BLOGGER ĐƯỜNG VĂN THÁI? (BBC News Tiếng Việt)

 



Vì sao 5 cựu đảng viên lãnh án tù cùng blogger Đường Văn Thái?

BBC News Tiếng Việt

12 tháng 12 2024, 15:28 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ce8evlg4v9zo

 

Đã có năm cựu đảng viên, đa phần là viên chức nhà nước, bị xét xử với cáo buộc cung cấp thông tin cho ông Đường Văn Thái, một blogger bất đồng chính kiến từng được cho là bị chính phủ Việt Nam bắt cóc năm 2023 khi đang tị nạn tại Thái Lan.

 

HÌNH : https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/9c0f/live/bbc0b430-b7a5-11ef-a0f2-fd81ae5962f4.png.webp

 

Thông tin này vừa được Dự án 88 - một tổ chức phi chính phủ vận động nhân quyền cho Việt Nam - công bố, kèm theo bản chụp bản án mà tổ chức này cho hay họ có được từ một nguồn tin đáng tin cậy.

 

Theo đó, năm cựu đảng viên nói trên nằm trong số bảy người cùng bị đưa ra xét xử với ông Đường Văn Thái (hay còn gọi là Thái Văn Đường) trong phiên tòa kín hôm 30/10/2024.

 

Ông Thái bị kết án 12 năm tù giam, ba năm quản chế với tội danh "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 Bộ luật Hình sự.

 

Báo cáo vừa công bố của Dự án 88 cho hay đã có ít nhất 60 người khác bị điều tra hình sự trong vụ án.

 

Việt Nam cung cấp rất ít thông tin về vụ án này.

 

Chính quyền không công khai kết luận điều tra, cáo trạng và bản án hay bất kỳ chi tiết nào về những gì ông Thái hoặc đồng phạm của ông đã làm cũng như lý do tại sao họ bị đưa ra xử kín.

 

Một luật sư bào chữa cho một trong năm cựu đảng viên này nói với BBC hôm 12/12 rằng vấn đề "liên quan tới vụ Đường Văn Thái thì tôi xin phép không thể cung cấp thông tin gì."

 

Trước khi bị bắt, ông Thái đã viết bài và sản xuất video đăng trên các kênh cá nhân, chỉ trích một số lãnh đạo, quan chức hàng đầu Việt Nam.

 

Trong một số video được xem nhiều nhất trên các kênh YouTube của mình, ông Thái đã cáo buộc các quan chức chính phủ tham gia vào các đại án tham nhũng, các đường dây rửa tiền và đàn áp người dân Việt Nam.

 

Nguồn tin của ông Thái được cho là rộng khắp, bao gồm cả các viên chức nhà nước.

Do lo ngại bị đàn áp chính trị, ông Thái đã rời Việt Nam sang Thái Lan năm 2019 để tìm kiếm tị nạn.

 

Ngày 13/4/2023, ông Thái đột ngột biến mất ở Bangkok khi đang trong thời gian chờ Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn tại Bangkok thảo luận về các lựa chọn tái định cư.

 

Một số tổ chức nhân quyền đã công bố các bằng chứng mà họ tin là ông Thái đã bị bắt cóc và đưa về Việt Nam.

 

 

Bản án nói gì?

 

Theo bản án, ông Đường Văn Thái bắt đầu viết về chính trị Việt Nam vào năm 2018 và việc làm của ông bị cho là "bôi nhọ uy tín, danh dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước".

 

Sau khi bị cảnh sát triệu tập để thẩm vấn vào tháng 2/2019, ông Thái đã trốn sang Bangkok, Thái Lan.

 

Trong thời gian sống tại Bangkok, ông đã tạo hai tài khoản YouTube là Thái Văn Đường và Thai Dong Anh để đăng tải các bài chỉ trích chính quyền. Ông cũng tạo và quản lý nhóm Facebook Thai and Friends và nhóm Telegram Đường Văn Thái Channel, nơi ông chia sẻ các video và bài viết.

 

Trong quá trình điều tra, Bộ Công an đã giám định 35 video và hai bài viết trên các kênh YouTube của ông Thái và kết luận rằng chúng "có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, phỉ báng chính quyền nhân dân, gây hoang mang trong nhân dân, xúc phạm danh dự, uy tín của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp".

 

Theo bản án, 35 video và hai bài viết liên quan trong vụ án có nội dung chỉ trích tình trạng tham nhũng và hối lộ của các quan chức cấp cao ở Việt Nam và phổ biến các thông tin mật về tình hình kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước.

 

Cơ quan An ninh Điều tra kết luận mục đích của ông Đường Văn Thái khi đăng các video là nhằm "chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam".

 

Các video có nhiều nội dung khác nhau như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp xếp nhân sự cấp cao, cáo buộc Bộ trưởng Công an Tô Lâm tham nhũng, vụ Việt Á và mối liên hệ với cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vấn đề ngân hàng SCB, nhân thân ông Võ Văn Thưởng, các cáo buộc chính quyền Việt Nam phân biệt tôn giáo,…

 

Theo số liệu từ Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Bộ Công an, các video mà ông Thái đăng tải trên các kênh YouTube của mình, gồm cả những video trên, đã thu hút hơn 50 triệu lượt xem.

 

Ai cung cấp thông tin cho ông Thái?

 

Ngoài ông Thái, bảy người khác cũng lãnh án tù trong cùng vụ án, trong đó có năm người là đảng viên ở thời điểm bị bắt.

 

Theo bản án, Cơ quan An ninh Điều tra kết luận nội dung các bài viết và video đăng tải trên các kênh YouTube và Facebook của ông Thái là do một số người, trong đó có các quan chức trong bộ máy nhà nước, cung cấp thông tin và tài liệu.

 

Theo bản án, năm người bị kết án gồm các cán bộ trong cơ quan nhà nước cấp tỉnh, Đoàn Thanh niên, lãnh đạo các công ty.

 

Họ đã bị khai trừ đảng, khởi tố và truy tố, sau đó bị kết án từ hai năm rưỡi tới năm năm rưỡi tù giam.

 

Những người này bị cáo buộc đã cung cấp thông tin, tài liệu để ông Thái sử dụng trong các video mà chính quyền Việt Nam coi là "phạm pháp" nói trên.

 

Một người trong số họ là tổng giám đốc một công ty cổ phần, lãnh án 30 tháng tù giam. Ông này bị cáo buộc đã thu thập các văn bản pháp luật, nghị quyết của Đảng, Nhà nước từ các trang mạng chính thức của Chính phủ, Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương… để cung cấp cho ông Thái.

 

Người lãnh án nặng nhất, 5 năm rưỡi tù giam, bị cáo buộc đã gửi thông tin mật về tình hình kinh tế và chính trị của Việt Nam để ông Thái đưa vào 11 video.

 

 

Siết quyền tiếp cận thông tin và tự do ngôn luận

 

Báo cáo của Dự án 88 được đưa ra không lâu sau khi chính quyền Việt Nam công bố Nghị định 147/2024 điều chỉnh việc sử dụng và cung cấp dịch vụ internet và thông tin trực tuyến.

Nghị định này, sẽ có hiệu lực từ ngày 25/12/2024, mở rộng quyền kiểm soát của chính phủ đối với quyền truy cập thông tin trên internet vì những lý do mà các tổ chức nhân quyền nói là "mơ hồ", như "an ninh quốc gia" và "trật tự xã hội", và để ngăn chặn các hành vi vi phạm "đạo đức, phong tục và truyền thống tốt đẹp" của Việt Nam.

 

Nghị định này yêu cầu các nền tảng mạng xã hội cung cấp dịch vụ cho người dùng tại Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu người dùng, cung cấp cho chính quyền theo yêu cầu và gỡ bỏ bất kỳ nội dung nào mà chính quyền coi là "nội dung bất hợp pháp" trong vòng 24 giờ.

 

Nghị định 147 yêu cầu "các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài" phải xác minh tài khoản của người dùng thông qua số điện thoại hoặc mã số định danh cá nhân của họ.

 

Điều này, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW), khiến những người bất đồng chính kiến, những người có xu hướng đăng bài ẩn danh, có nguy cơ bị bắt giữ.

 

Điều 23 của nghị định yêu cầu "các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài" cung cấp thông tin xuyên biên giới phải sử dụng dịch vụ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam.

 

Trong trường hợp nếu có 100.000 lượt truy cập từ người dùng tại Việt Nam thì phải thực hiện một số việc như lưu trữ dữ liệu cá nhân, theo dõi, kiểm tra, chặn và xóa thông tin, cũng như cung cấp các công cụ tìm kiếm và quét nội dung theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an.

 

Theo HRW, nghị định này cũng yêu cầu chủ sở hữu các điểm truy cập internet công cộng, như các khách sạn, nhà hàng, sân bay... phải ngăn chặn người dùng internet thực hiện "tuyên truyền chống nhà nước" dù không quy định rõ các chủ sở hữu này phải làm gì để ngăn chặn các hành vi như vậy, hay hình phạt nào sẽ áp dụng cho họ nếu các hành vi như vậy xảy ra.

 

HRW nhận định rằng Nghị định 147 "không đáp ứng được các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế ở nhiều khía cạnh".

 

Chỉ riêng năm 2024, các tòa án Việt Nam đã kết án ít nhất 36 nhà người với các mức tù dài hạn vì các bài đăng hoặc livestream chỉ trích hành động hay chính sách của chính phủ.

Tất cả đều bị buộc tội "tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 117 hoặc "lợi dụng quyền tự do và dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước" theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.

 

Năm 2024, tổ chức Freedom House đã liệt kê Việt Nam là quốc gia không có tự do internet.

"Nghị định 147 mới của Việt Nam và các luật an ninh mạng khác không bảo vệ công chúng khỏi bất kỳ mối lo ngại thực sự nào về an ninh cũng như không tôn trọng các quyền cơ bản của con người," Patricia Gossman, phó giám đốc khu vực châu Á của HRW, đánh giá.

 

"Vì cảnh sát Việt Nam coi bất kỳ lời chỉ trích nào đối với Đảng Cộng sản Việt Nam là vấn đề an ninh quốc gia, nên nghị định này sẽ mang đến cho họ thêm một công cụ nữa để đàn áp hững người bất đồng chính kiến," HRW cho hay trong thông cáo báo chí phát đi ngày 11/12.

 

-----------------------

TIN LIÊN QUAN

 

Ông Đường Văn Thái lãnh án 12 năm tù: các tổ chức nhân quyền quốc tế phản đối

31 tháng 10 năm 2024

.

Vụ Y Quynh Bđăp: Thái Lan còn an toàn cho người tị nạn?

12 tháng 10 năm 2024

.

Luật Dữ liệu: Bộ Công an thúc đẩy, doanh nghiệp lo ngại

27 tháng 11 năm 2024

 

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats