Friday, 13 December 2024

VỀ CUỐN SÁCH "HƯƠNG BAY NGƯỢC GIÓ : BƯỚC CHÂN TẬP HỌC CỦA HÀNH GIẢ MINH TUỆ" DO PHẠM HIỀN MÂY BIÊN SOẠN (Hoàng Nhơn / Facebook)

 



Về cuốn sách “Hương bay ngược gió: Bước chân tập học của hành giả Minh Tuệ” do Phạm Hiền Mây biên soạn  

Hoàng Nhơn

13-12-2024  01:46   

https://www.facebook.com/hoangnhon/posts/pfbid02FqwbMJLB869iTFfL67a3tPGD9iEXJmtpkGeJBBxBGpHnquVUGwS735QKnVkiyjyxl

 

Bài 1: Nhẫn…

 

Chưa bao giờ làm một cuốn sách nào mà tôi phải nhẫn nại từ đầu đến cuối như thế này. Nhẫn đến tận cùng, đến nghẹt thở, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế/ sức mua hết sức ảm đạm từ năm ngoái đến nay. Phải làm trái cái nguyên lý kinh doanh cơ bản, là “phải quảng bá trước khi tung sản phẩm”. Tuyệt nhiên không! Tôi không hề đá động gì đến cái tên sách từ lúc khởi sự làm, từ tháng 7/2024 đến nay, như mọi cuốn khác, nhưng đến hôm nay thì không thể nhẫn được nữa vì bị dồn vào đường cùng – HỌ KHÔNG CHO PHÁT HÀNH.

 

Cuốn sách này đã được cấp phép vào ngày 20/09/2024, với số giấy phép 853/QĐ-NXBĐaN bởi Nhà xuất bản Đà Đẵng (NXBĐN), và đã được Cục Xuất bản (CXB) xác nhận nộp lưu chiểu vào ngày 14/10/2024 (hình đính kèm).

 

Theo quy định hiện hành, tính từ ngày nộp lưu chiểu, thì trong vòng 14 ngày sau đó sẽ có văn bản thông báo quyết định phát hành từ CXB và NXB, tuy nhiên đến ngày thứ 58, tôi vẫn không nhận được thông báo nào về việc này, ngoài sự kiên nhẫn đợi chờ… Hơn nữa, cũng không biết khi nào sẽ nhận được thông báo này?!

 

 

Theo Tổ thẩm định của CXB, mà NXB đã cho tôi biết, thì nội dung của cuốn sách là “không có gì”, nghĩa là lành mạnh, tốt đời đẹp đạo theo đúng chủ trương của Nhà nước. Tôi cũng hiểu hiện tượng “hành giả Minh Tuệ” là một hiện tượng đang có sức ảnh hưởng đến xã hội dưới vài góc nhìn khác nhau, như về Tôn giáo chẳng hạn, nên Tổ thẩm định cần thêm ý kiến từ cơ quan ban ngành chuyên trách – Ban Tôn giáo.

 

Tôi rất tôn trọng điều này nên đã kiên nhẫn đợi chờ trong suốt 58 ngày qua. Và mãi đến hôm qua (12/12/2024), khi hay tin hành giả Minh Tuệ đã rời Việt Nam lên đường đi Ấn Độ, tôi gọi điện cho NXB Đà Nẵng để hỏi tin thì họ mới chính thức cho biết: Cuốn sách KHÔNG ĐƯỢC PHÁT HÀNH. (Họ sẽ gửi cho tôi văn bản trong vài ngày tới).

 

Về mặt thông tin, tôi xin nói rõ:

 

– Nhà xuất bản Đà Nẵng đã đọc kỹ, góp ý chỉnh sửa những chỗ cần thiết. Họ đã làm hết sức, tôi rất trân trọng điều này và cám ơn họ. Tuy nhiên việc phát hành cuốn sách thì vượt quá thẩm quyền của họ. Trên họ còn có Ủy ban Nhân dân TP. Đà Nẵng (UBND TPĐN) và Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng (STTTT ĐN). Trên nữa, còn có Cục xuất bản.

 

– Cục xuất bản: Như đã nói ở trên, Tổ thẩm định đánh giá nội dung của cuốn sách là “không có gì”, nghĩa là lành mạnh, không đụng chạm đến ai, tổ chức nào. Nó đơn giản chỉ là kể lại bước đường tập học của hành giả Minh Tuệ trong 6 năm qua, được chuyển soạn từ 27 video đã đăng trên youtube trong mấy năm qua cho đến nay. Và Tổ thẩm định cần thêm ý kiến từ Ban Tôn giáo. Theo tôi, việc ra quyết định cho phát hành hay không, trong sự việc này, cũng vượt quá thẩm quyền của Cục xuất bản, dù chính họ đã đánh giá cuốn sách là “không có gì”. Vậy:

 

1/ Phải chăng việc Cục xuất bản ra quyết định “không cho phát hành” là dưới sự tác động trực tiếp của Ban Tôn giáo, hay bởi một cơ quan nào khác nữa? Dù nội dung cuốn sách thì không hề có liên quan gì đến Tôn giáo! Nó chỉ liên quan đến một việc duy nhất – là lời dạy của Đức Phật được thực hành bởi một công dân Việt Nam. Mà theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo thì mọi công dân đều có quyền tự do tín ngưỡng theo cách của riêng mình, miễn không vi phạm pháp luật.

 

Tôi biết khi cuốn sách này được cấp phép in và nộp lưu chiểu thì UBND TPĐN và STTTT ĐN đã tổ chức một buổi hợp với NXB ĐN như thể là có chuyện gì đó rất nghiêm trọng; như thể NXB ĐN đã dám cả gan làm điều gì đó tày đình – là cấp phép cho cuốn sách này. Rồi họ cứ “làm việc lên, làm việc xuống” với NXB vì chuyện này. Phải chăng họ – UBND TPĐN và STTTT ĐN, cũng đã góp phần tác động chính trong việc không cho phát hành cuốn sách?

 

2/ Tại sao lại sợ một công dân đang tập học theo lời Phật dạy một cách hết sức đàng hoàng? Sợ những câu chuyện về ông ấy đi vào đời sống, đến với bạn đọc? Trong khi những lời đó thì đã được đăng tải trên youtube từ nhiều năm qua cho đến nay.

 

3/ Chủ trương của Nhà nước là “tốt đời đẹp đạo”, và cuốn sách hoàn toàn đáp ứng được điều đó – nó hết sức lành mạnh, mà ngay cả CXB cũng đã công nhận. Vậy mà tại sao lại ra sức ngăn cấm nó?

 

4/ Những tổn hại về kinh tế (sách đã in tồn kho) mà công ty tôi đã xoay sở vất vả mới làm được thì ai/cơ quan nào chịu trách nhiệm? Rồi xử lý thế nào? Đó là chưa kể sự mất mát lớn về cơ hội kinh doanh sắp tới.

 

Rốt cuộc, ai/ những ai, cơ quan nào muốn triệt nó?

 

Tôi biết rất nhiều cán bộ nhà nước đã bày tỏ công khai lòng kính mộ của mình với hành giả Minh Tuệ, như anh Đoàn Văn Báu (là Thượng tá Công An, đã nghỉ hưu, và là trưởng đoàn trong chuyến hành hương đi Ấn Độ đang diễn ra); ông Nguyễn Thanh Sơn (nguyên Thứ trưởng Bộ ngoại giao, đã công khai nói quan điểm ủng hộ của mình trên youtube); một cựu cán bộ Bộ Tư pháp đã nghỉ hưu lên tận Gia Lai với mong muốn nhìn thấy và đảnh lễ hành giả (mà tôi có xem trên youtube); nhà báo Nguyễn Hồng Lam (Thượng tá, Phó trưởng Cơ quan đại diện Cục Truyền thông Công an nhân dân tại TP.HCM); cũng như có những vị tu sĩ trong Giáo hội cũng ủng hộ hành giả vì đã hành trì giới luật rất đúng lời Phật dạy; v.v… Và bên cạnh đó cũng có những người không ưa hành giả.

 

Vậy rốt cuộc, lại hỏi: Ai/ những ai, cơ quan nào muốn triệt cuốn sách về ông – một cuốn sách hết sức lành mạnh?

____

 

TB: Nếu các bạn có quan tâm, bình luận thì vui lòng dùng lời lịch thiệp. Những sự chỉ trích, chửi bới đều không mang lại hiệu quả. Trân trọng cám ơn! Tôi đưa chuyện này lên mạng như một sự trải lòng từ sự thất vọng, buồn bực với kết quả trên.

 

HÌNH :

https://www.facebook.com/photo/?fbid=9641729229174557&set=pcb.9642212539126226

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=9641729209174559&set=pcb.9642212539126226

 

.

60 BÌNH LUẬN

 

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats