Thursday, 12 December 2024

NHÓM LỢI ÍCH TRONG CÁC CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VẬN HÀNH RA SAO (Lê Việt Hoa  |  Luật Khoa)

 



Nhóm lợi ích trong các chế độ độc tài vận hành ra sao

Lê Việt Hoa  |  Luật Khoa

December 05 2024   11:42 AM

https://www.luatkhoa.com/2024/12/nhom-loi-ich-trong-cac-che-do-doc-tai-van-hanh-ra-sao/

 

Ở hai phần trước, tác giả đã giới thiệu về sự hình thành, một số đặc điểm và cách thức hoạt động của các nhóm lợi ích trong các chế độ dân chủ, điển hình là ở Mỹ. [1][2] Phần này xin giới thiệu về các nhóm lợi ích trong chế độ độc tài. 

 

Trong chế độ dân chủ đa nguyên, các nhóm lợi ích là một phần không thể tách rời của hoạt động xã hội. Nói chung, bất cứ nhóm công dân nào cũng có thể lập ra các nhóm lợi ích, đăng ký hoạt động, đóng phí, gây quỹ, tự đứng ra vận hành hoặc thuê các nhà vận động chuyên nghiệp để tìm cách đòi hỏi lợi ích cho nhóm của mình.

 

Do sự chênh lệch lớn về kinh phí, mạng lưới quan hệ và kỹ năng hoạt động, không phải tất cả các nhóm này đều đạt được hiệu quả ngang nhau. Tuy nhiên, đặc tính của cơ chế mở giúp cho các nhóm có nhiều cửa tiếp cận với chính quyền để đấu tranh cho quyền lợi của mình. 

 

Trái lại, trong các chế độ độc tài, các nhóm lợi ích tồn tại trong một môi trường và cơ chế hoạt động đặc biệt. 

 

Không cấm mà lại thành cấm 

 

Khác hẳn với không gian dân chủ, các nhóm lợi ích trong xã hội phi dân chủ như ở Việt Nam không có cùng thể thức. 

 

Trước hết, nhóm lợi ích theo nghĩa hiểu thông thường - sự tập hợp có tổ chức của một nhóm công dân để đấu tranh cho lợi ích của mình - thường bị cấm ở các chế độ độc tài. Mặc dù các nhà nước này không chính thức cấm người dân lên tiếng đòi hỏi quyền lợi cho bản thân, họ thường cấm công dân tổ chức thành các hội nhóm để đồng loại lên tiếng. 

 

Về mặt hình thức, Việt Nam cũng có các nhóm lợi ích được đăng ký và hoạt động chính thức. Xét về tên gọi, các nhóm lợi ích này cũng rất đa dạng về ngành nghề như hội nhà văn, hội nông dân, hội luật sư; về lợi ích đặc biệt như hội người mù, hội khuyến học, hội cây cảnh, hội phụ nữ, v.v. 

 

Ở một mức độ nhất định, cũng có lúc các hội này tỏ ra đấu tranh cho lợi ích cho các hội viên của mình. Ví dụ như khi ông Hữu Thỉnh - chủ tịch Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật Việt Nam -  có lần đã mừng rỡ tuyên bố cho các hội viên rằng “nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta”. [3]

 

Đây là ví dụ về việc một nhóm lợi ích đã đòi hỏi được tiếp tục chia phần trong tiền thuế của người dân để nuôi các hội viên của mình. Song điều này hoàn toàn trái ngược với logic hoạt động của một nhóm lợi ích đã bàn ở chế độ dân chủ - vốn phải hoạt động bằng tiền lệ phí hoặc bằng các phương pháp tự gây quỹ khác. 

 

Về bản chất, hoạt động của Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật hay tất cả các hội nhóm kể trên đều được thành lập từ trên xuống, do nhà nước chỉ định, không phải do người dân tự tập hợp lại và thiết lập ra theo cơ chế tự  nguyện. Nói chung, các hội nhóm tương tự như trên đều là các nhóm lợi ích về mặt danh nghĩa. Chỉ có điều không phải là nhóm lợi ích của người dân, không phải do người dân tự vận hành. 

 

Nói cách khác, các chế độ độc tài không thích các cây đũa tập hợp thành một bó đũa vững chắc để cùng nhau đòi hỏi quyền lợi. 

 

 

Nhóm lợi ích phi chính thức 

 

Dù không được phép tổ chức một cách bài bản, các nhóm dân có cùng mối quan tâm vẫn có thể tập hợp lại một cách phi chính thức để tương trợ cùng nhau. Ví dụcác nhóm dân oan mất đất Văn Giang, Dương Nội, Đồng Tâm, Thủ Thiêm tập hợp cùng nhau để biểu tình đòi được xử lý vấn đề đất đai một cách công bằng. [4]

 

Hay nhóm người dân thuộc một vùng địa lý nhất định, cố kết cùng nhau để kháng cự lại những điều họ cho là bất công, như nhóm người dân ở vườn rau Lộc Hưng. [5]

 

Cách tổ chức không chính thức để bảo vệ một lợi ích nhất định này khá phổ biến trên toàn thế giới. Ở Pháp, nông dân thường có các cuộc biểu tình, ngăn chặn các tuyến giao thông chính để đòi hỏi chính phủ thay đổi chính sách có lợi hơn cho nông dân, bao gồm giảm nhập khẩu nông sản rẻ hơn từ nước ngoài. [6]

 

Tuy nhiên, điều khác biệt lớn nhất là trong khi nhóm lợi ích phi chính thức như ở Pháp nói trên có thể gây áp lực, buộc chính quyền phải đàm phán và hứa hẹn thay đổi chính sách, thì các nhóm lợi ích phi chính thức ở Việt Nam phải đối mặt với nhiều hình thức đàn áp. 

 

Một lần nữa, nhóm lợi ích phi chính thức ở Việt Nam cũng chỉ là sự tồn tại non nớt, mới manh nha đã bị giải tán, của một số người dân cùng đồng cam cộng khổ. 

 

 

Nhóm lợi ích tài phiệt 

 

Nếu không được đăng ký chính thức, không được công khai hoạt động, vậy làm thế nào các nhóm có cùng đòi hỏi lợi ích kinh tế hay các chương trình xã hội có thể vận động cho các chính sách có lợi cho mình? 

 

Câu trả lời là không làm thế nào được cả.

 

Đại đa số người dân trong các chế độ độc tài không có quyền tự tổ chức để đòi hỏi quyền lợi. Họ phải trông chờ vào những tổ chức tự xưng là đại diện cho nhân dân ban phát lợi ích cho mình. Ngoại trừ một số khác. 

 

Một số ít, nhấn mạnh là rất ít, nhóm cá nhân có cơ hội tiếp cận với những người ra quyết định sẽ có cơ hội vận động cho lợi ích của mình. 

 

Chẳng hạn, đối với một dự án giải tỏa đất để xây dựng các khu đô thị mới, sẽ có rất nhiều bên có lợi ích trái ngược nhau. Người dân có đất muốn giá đất cao nhất. Nhà đầu tư muốn giá đất thấp nhất. Nhóm hoạt động môi trường muốn ít can thiệp vào quang cảnh thiên nhiên và quy chuẩn môi trường cao nhất. Nhà thầu xây dựng muốn ít luật lệ về môi trường nhất. 

 

Trong tất cả các nhóm này, mặc dù người dân và các nhóm hoạt động môi trường có ít điều kiện tài chính hơn cả, nhưng họ có tiềm năng về số lượng và sự ủng hộ của các cộng đồng và kênh truyền thông khác. 

 

Trong một cơ chế mở, họ có thể được nhân lên sức mạnh nếu được mạnh mẽ lên tiếng. Trong một cơ chế đóng, họ bị bịt miệng hoàn toàn. 

 

Còn các nhóm nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng, tuy số lượng ít, nhưng hiển nhiên có điều kiện tài chính vượt trội để có thể mặc cả với chính quyền. 

 

Nói cách khác, chế độ độc tài không chính thức công nhận nhóm lợi ích, không mở cửa cho phép người dân tự tổ chức đấu tranh cho lợi ích của mình. Ở Việt Nam không có ai được đăng ký là nhà vận động chính sách (lobbyist). Việc tiếp cận với chính quyền trở thành đặc quyền đặc lợi của một vài nhóm đặc biệt có quan hệ thân mật với người làm trong chính quyền. Những công ty lớn có thể hứa hẹn nhiều lợi ích đổi chác khổng lồ để quan chức chính quyền có thể sửa quy hoạch, thay tiêu chuẩn, viết lại chính sách. 

 

Như vậy, cuộc chơi về vận động chính sách trong một cơ chế phi dân chủ có phần giống với cơ chế dân chủ: các nhóm tài phiệt lớn mặc sức dùng các phương tiện tài chính và quan hệ cá nhân để vận động cho lợi ích của mình. Điểm khác biệt là còn các nhóm nhỏ thường dân thì bị cấm từ khâu tập hợp. 

 

Thực chất, việc cấm mọi nhóm lợi ích hoạt động là triệt tiêu các con đường bảo vệ lợi ích của đông đảo người dân, và chỉ dung dưỡng cho một số nhóm nhỏ chóp bu.

 

--------------

Đọc thêm:

Giải oan cho ‘nhóm lợi ích’

 

Các nhóm lợi ích hoạt động như thế nào?

 

Cấp tập ‘tinh gọn bộ máy’

 

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats