Thursday, 12 December 2024

HUMAN RIGHTS WATCH : NGHỊ ĐỊNH 147 CỦA VIỆT NAM VI PHẠM QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN & BIỂU ĐẠT (VOA Tiếng Việt)

 



Human Rights Watch : Nghị định 147 của Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận và biểu đạt

VOA Tiếng Việt

13/12/2024

https://www.voatiengviet.com/a/hrw-nghi-dinh-147-cua-viet-nam-vi-pham-quyen-tu-do-ngon-luan-va-bieu-dat/7899819.html

 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vừa kêu gọi Việt Nam bãi bỏ nghị định mới về việc buộc người dùng mạng xã hội phải xác thực tài khoản, cho rằng quy định này siết chặt quyền tự do biểu đạt và tự do ngôn luận.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-d916-08db5d3af574_w1023_r1_s.jpg

Một người dùng Facebook qua điện thoại di động ở Hà Nội.

 

“Nghị định 147 mới của Việt Nam và các luật an ninh mạng khác không bảo vệ công chúng khỏi bất kỳ mối lo ngại an ninh thực sự nào cũng như không tôn trọng các quyền cơ bản của con người”, Bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc Châu Á của HRW, nêu quan điểm trong thông cáo hôm 10/12.

 

“Do công an Việt Nam coi bất kỳ lời chỉ trích nào đối với Đảng Cộng sản Việt Nam đều là vấn đề an ninh quốc gia, nghị định này sẽ tiếp tay cho họ một công cụ nữa để đàn áp bất đồng chính kiến”, vẫn lời bà Gossman.

 

Ngày 9/11, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng. Theo đó, chính thức bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại. Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/12 năm nay.

 

Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định 147 là người dùng mạng xã hội phải cung cấp thông tin cá nhân cơ bản gồm họ tên, ngày sinh, số điện thoại di động tại Việt Nam hoặc ID, nếu không có số điện thoại. Mạng xã hội phải thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân đã đăng ký.

 

“Chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội”, nghị định có đoạn.

 

https://gdb.voanews.com/1593CA47-8A7D-4E79-9DBB-D9623BF7881A_cx0_cy10_cw0_w256_r1.jpg

Một người dùng mạng xã hội Facebook trên điện thoại của mình tại một quán cà phê ở Hà Nội, Việt Nam.

 

XEM THÊM:

Việt Nam yêu cầu các công ty mạng xã hội xác minh danh tính người dùng

 

HRW đánh giá rằng nghị định này mở rộng khả năng kiểm soát của chính quyền đối với việc tiếp cận thông tin trên mạng internet với các lý do mơ hồ như “an ninh quốc gia”, hay “trật tự an toàn xã hội”.

 

“Ngăn chặn những hành vi lợi dụng internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và vi phạm quy định của pháp luật”, Điều 4 của nghị định viết.

 

Ngoài ra, nghị định này yêu cầu các nền tảng mạng xã hội đang cung cấp dịch vụ tới người sử dụng ở Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu về người sử dụng và cung cấp các dữ liệu đó cho chính quyền khi có yêu cầu, và gỡ bỏ bất cứ nội dung gì mà chính quyền cho là “nội dung vi phạm pháp luật” trong vòng 24 tiếng.

 

Bà Gossman nói: “Việt Nam cần phải bãi bỏ Nghị định 147 và Luật An ninh mạng vi phạm nhân quyền, đồng thời trả tự do cho những người bị cầm tù vì thực hiện quyền tự do ngôn luận trên internet”.

 

“Các nhà lãnh đạo Việt Nam cần phải coi quyền tự do ngôn luận là một quyền cơ bản của con người cần được tôn trọng chứ không phải bị hạn chế”, vị đại diện của HRW kêu gọi.

 

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ đưa ra bình luận về các phát biểu trên của HRW, nhưng chưa được phản hồi.

 

Truyền thông trong nước đánh giá cao những điểm mới trong nghị định, cho rằng văn bản pháp luật này sẽ giúp “kiến tạo không gian mạng xã hội minh bạch, an toàn và trách nhiệm”.

 

Trang Lao Động hôm 9/12 dẫn lời ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, nói rằng các quy định mới trong nghị định sẽ giải quyết được tình trạng “vô danh nên vô trách nhiệm”.

 

Theo nhà chức trách, việc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại hoặc mã số định danh “sẽ giúp ngăn chặn và xử lý các hành vi lừa đảo, phát tán tin tức giả mạo… trên các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam”.

 

XEM THÊM:

Giới công nghệ Mỹ cảnh báo luật sắp ban hành của Việt Nam sẽ gây nhiều khó khăn

 

Facebook là mạng xã hội được sử dụng rộng rãi nhất ở Việt Nam với ước tính hơn 86 triệu người có tài khoản. VOA đã gửi đề nghị đưa ra bình luận tới Meta, công ty quản lý mạng xã hội này, về những yêu cầu trong nghị định mới của Việt Nam, tuy nhiên, hãng này vẫn chưa phản hồi.

 

Theo Dự án 88, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ vận động cho nhân quyền ở Việt Nam, hiện có 180 nhà hoạt động đang bị bỏ tù ở quốc gia cộng sản, trong khi con số các blogger, nhà báo độc lập bị bắt vì các bài đăng trực tuyến ngày càng tăng.

 

Theo tổ chức phi chính phủ này, 41% những người bất đồng chính kiến bị bỏ tù vì “phát biểu ôn hòa trên mạng xã hội”.

 

Hồi tháng 10, tổ chức Freedom House ở Mỹ công bố báo cáo về tự do internet, nói rằng quyền tự do internet vẫn bị hạn chế ở Việt Nam khi chính phủ nước này tiếp tục thực thi các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với môi trường trực tuyến của đất nước.

 

Đáp lại, trang Công An Nhân Dân (CAND) của Bộ Công an viết: “Đảng, Nhà nước ta luôn có đường lối, chủ trương đúng đắn nhằm bảo đảm quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do internet của mỗi người dân”.

 

Trang CAND đồng thời phản bác các báo cáo của Freedom House và lên án các cáo buộc tương tự của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Ân xá Quốc tế …lập luận rằng đó là “những điệu xuyên tạc về quyền tự do internet tại Việt Nam”.

 

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats