Friday, 13 December 2024

CHẾ ĐỘ AL-ASSAD SỤP ĐỔ : IRAN MẤT MẮT XÍCH QUAN TRỌNG NHẤT CỦA "TRỤC KHÁNG CHIẾN" (Thanh Hà / RFI)

 



Chế độ Al Assad sụp đổ: Iran mất mắt xích quan trọng nhất của « trục kháng chiến »

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 12/12/2024 - 13:34

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20241212-ch%E1%BA%BF-%C4%91%E1%BB%99-al-assad-s%E1%BB%A5p-%C4%91%E1%BB%95-iran-m%E1%BA%A5t-m%E1%BA%AFt-x%C3%ADch-quan-tr%E1%BB%8Dng-nh%E1%BA%A5t-c%E1%BB%A7a-tr%E1%BB%A5c-kh%C3%A1ng-chi%E1%BA%BFn

 

2024 là một năm vận hạn với chính quyền ở Teheran. Triều đại Al Assad tại Syria sụp đổ trong vỏn vẹn 12 ngày. Chỉ sau có tổng thống Bachar và gia đình, Iran là nạn nhân thứ hai từ cuộc tấn công bất ngờ của phe nổi dậy và tổ chức Hồi Giáo cực đoan Hayat Tahrir al Sham (HTS). Chính quyền ở Teheran mất nhiều, từ tài chính, quân sự đến địa chính trị. Thậm chí sự tồn tại của chế độ cũng bị đe dọa. 

 

HÌNH :

Các chiến binh nổi dậy chụp hình trước sứ quán Iran bị đập phá tại Damas sau khi lật đổ chế độ Bachar Al Assad, ngày 08/12/2024. AP - Hussein Malla

 

Tương tự như Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ, hai điểm tựa quan trọng khác của chính quyền Bachar Al Assad từ khi Syria lâm vào nội chiến năm 2011, Iran cũng đã bị bất ngờ trước đà tiến quá nhanh của phiến quân Syria. Quyền lực ở Damas giờ đây trong tay tổ chức HTS, hậu thân của phong trào thánh chiến Jabhat Al Nostra mà đến nay Teheran vẫn xem là một « tổ chức khủng bố » và chính vì lý do này Iran đã can thiệp quân sự vào Syria ngay từ 2011. Giáo chủ Ali Khamenei 13 năm trước từng khẳng định giúp chế độ Bachar Al Assad tồn tại « tránh để Syria trở thành một Nhà Nước Hồi Giáo » và đó cũng là vì an ninh của chính Iran.

 

Thủ lĩnh của HTS ngay trong phát biểu đầu tiên đã mạnh mẽ lên án Iran yểm trợ Bachar Al Assad. Tòa đại sứ Iran tại Damas bị đập phá, toàn bộ nhân viên ngoại giao Iran bỏ chạy : Khó có thể tin rằng, Iran vẫn giữ được ảnh hưởng tại Syria trong tay một chế độ mới.

 

Teheran mất lá chủ bài quan trọng

 

Đây là một vố đau, vì từ 1979, Syria liên tục là quốc gia đồng minh duy nhất của Cộng Hòa Hồi Giáo Iran. Syria từng ủng hộ Teheran trong cuộc chiến giữa Iran và Irak (1980-1988). Syria dưới hai đời tổng thống cha truyền con nối luôn là « hành lang » để trung chuyển vũ khí của Iran đến tay phong trào Hồi Giáo Hezbollah tại Liban. Chính vì vị trí « chiến lược » này của Syria mà từ đầu cuộc nội chiến trên quê hương Bachar Al Assad, Iran đã viện trợ và đầu tư từ 50 đến 60 tỷ đô la vào quốc gia này. Về nhân sự thì đã có trên dưới 6.000 lính Iran thiệt mạng tại Syria.

Publicité

 

Chuyên gia về Iran Thierry Coville thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS nhấn mạnh : Hai cánh tay nối dài của Iran Hamas và Hezbollah Liban đều đang trong tình trạng rắn không đầu sau những chiến dịch quân sự Israel tiến hành từ hơn một năm nay. Mất thêm Syria, « một trong những mắt xích của trục kháng chiến » mà Iran từng bước xây dựng để « chống lại Nhà nước Do Thái và quỷ dữ Satan » Hoa Kỳ, là một « thất bại ê chề » đối với Iran. Đó là chưa kể, giữ Syria trong vòng kềm tỏa của mình cũng là một lá chủ bài của Teheran để dằn mặt một số cường quốc khác trong khu vực, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Ả Rập Xê Út…

 

Cộng Hòa Hồi Giáo Iran lung lay vì Syria ?

 

Song chuyên gia người Pháp này cho rằng còn quá sớm để vĩnh viễn chôn vùi « trục kháng chiến » nói trên, bởi Teheran vẫn có thể trông cậy vào lực lượng nổi dậy Hồi Giáo ở Yemen vào các kháng chiến quân theo hệ phái Shia ở Irak. Dù vậy, vào lúc nhân vật quyền lực nhất tại Teheran, giáo chủ Ali Khamenei, 85 tuổi, tuổi cao sức yếu và Iran chuẩn bị bước vào giai đoạn chuyển tiếp, việc lần lượt mất đi các đồng minh trong khu vực cho thấy rõ Iran đang mất dần ảnh hưởng trong khu vực.

 

Điều nguy hiểm ở đây là một chính quyền ở Teheran suy yếu « liệu có còn giá trị gì nữa hay không trong mắt nước Nga ? ». Đó là câu hỏi mà Clément Therme, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại đại học Paul Valéry ở Montpellier (miền nam nước Pháp) và trường Khoa Học Chính Trị Paris đã nêu lên. Ông cho rằng, do cần hợp tác bảo vệ Bachar Al Assad mà phần nào quan hệ giữa Nga và Iran đã phát triển tốt đẹp. Giờ đây, khi Matxcơva đã bỏ rơi Damas, giới lãnh đạo ở Iran hoang mang và sợ rằng nếu bị Israel tấn công, chưa chắc Teheran sẽ được Nga bảo vệ. Mất đi những lá chủ bài ở Trung Cận Đông, Iran chưa chắc còn sức « hấp dẫn » đối với điện Kremlin.

 

Trông người lại nghĩ đến ta

 

Cuối cùng, hai chuyên gia Pháp Thierry Coville và Clément Therme cùng nêu bật lý do khác khiến giới lãnh đạo ở Iran đang thực sự bất an vì hồ sơ Syria, đó là « yếu tố từ bên trong », tức là chế độ Bachar Al Assad đã dễ dàng bị lật đổ không phải là bởi các lực lượng « từ bên ngoài ». Phong trào Mùa Xuân Ả Rập đã bùng lên từ khát vọng dân chủ và tự do của chính người dân Syria. Tại Iran, từ tháng 9/2022 phong trào « đòi tự do cho phụ nữ » tuy bị đàn áp thẳng tay nhưng vẫn là « mầm mống » của một cuộc nổi dậy.

 

Chính trường Iran cũng đang bị chia rẽ sâu sắc giữa hai phe bảo thủ và cải tổ. Một bên thì tin vào sức mạnh và thiên về những giải pháp « quân sự », tức là phải tiếp tục nuôi dưỡng Syria. Còn bên kia thì xem Syria là một gánh nặng tài chính, trong lúc  kinh tế Iran đang bị kiệt quệ. Sau cái chết của tổng thống Ebrahim Raissi hồi tháng 5/2024, người kế nhiệm ông Massoud Pezechkian, một gương mặt tiêu biểu cho cánh ôn hòa, đã liên tục đưa ra nhiều dấu hiệu hòa hoãn với phương Tây. 

 

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats