Thursday, 24 October 2024

VỤN VẶT VỀ CUỘC CHIẾN TRANH CỦA PUTOX Ở UKRAINE – NGÀY 23/10/2024   (Phúc Lai GB)

 



VỤN VẶT VỀ CUỘC CHIẾN TRANH CỦA PUTOX Ở UKRAINE – NGÀY 23/10/2024  

Phúc Lai GB

23-10-2024  lúc 05:27  

https://www.facebook.com/phuc.lai.07/posts/pfbid02ksc8mYW4E4K81jp8vcsDCRyjoUXrPqiooYmhSvaw3giB4yeSFo7qoyvkpiheC5GZl

 

1. Hôm rồi trên đường về nhà, con đường đông đúc đúng giờ tan tầm. Chợt để ý thấy có tiếng rên như của cháu bé nào đó, nó cứ rền rĩ ra trong khi môi trường xung quanh thật là ồn ào, gây tò mò kinh khủng. Mãi đến một chỗ xe cộ dồn hết cả lại tôi mới nhận ra, tiếng rên phát ra từ một chiếc xe tay ga 50cc do hai cháu gái học sinh đang đi. Chiếc xe còn khá mới, và chắc chắn là một sản phẩm của Trung Quốc…

 

Tiếng rên này phát ra từ một hệ bánh răng phía sau pulley thứ cấp (driven pulley – trong hình) tiếng Anh gọi là “gear train.” Tùy từng xe thiết kế có thể khác nhau đôi chút, nhưng về cơ bản thì giống nhau. Hầu hết các xe scooter phổ thông đều thiết kế hệ bánh răng này là răng thẳng, do yêu cầu giảm giá thành sản phẩm, nhưng điều đó sẽ dẫn đến tiếng kêu rền rĩ. Những bác nào ngày xưa chơi xe HONDA 67 (SS-50V, SS-50M, CL-50…) và thậm chí các đời cao hơn như CD50… đều rất rõ nỗi khổ… “nhông hú”, chính là chuyện này. Chạy một thời gian dài ngắn tùy thuộc độ bền của chi tiết (trình độ của công nghệ), cặp bánh răng thẳng sẽ bị mòn và phát ra tiếng hú, nghe rất rùng rợn. Ngày xưa phụ tùng hiếm, giải pháp của dân chơi xe thường là cưa bánh răng ra, lật mặt và hàn lại, để phần chưa mòn nhiều của bánh răng tiếp xúc với nhau, chạy được thêm một thời gian nữa.

 

Với bánh răng của xe Trung Quốc, thì nó kêu từ mới luôn và đi một thời gian, không những không đỡ kêu (do mòn hết các ba-via, các chi tiết chuyển động ăn khớp với nhau) mà còn kêu to hơn. Khoảng năm 2000 khi tham gia những dự án mua linh kiện ô tô về lắp ráp, trước đó là xe máy, tôi đã tiếp xúc với chuyện này và nói chuyện với một kỹ sư Trung Quốc, đặt câu hỏi cho ông ấy trước câu chuyện là, các chi tiết quan trọng trên xe máy muốn chạy tốt, thì mua của Thái Lan sản xuất; còn các chi tiết động cơ ô tô thì bét ra là của Hàn Quốc: “Liệu bao nhiêu lâu nữa thì Trung Quốc có thể sản xuất được chi tiết động cơ tốt được như của Hàn Quốc?”

 

Ông này trả lời: Hàn Quốc thì có thể đạt được, nhưng Nhật Bản, xa hơn là Đức, Anh và Mỹ thì chưa biết. Đến nay, câu chuyện đó đã diễn ra được 1/4 thế kỷ và động cơ ô tô Hàn Quốc đã tương đối tốt với tỉ lệ nội địa hóa 100%, nhưng cũng chỉ là “tương đối”, một số bộ phận quan trọng vẫn nên lắp của các nước có công nghệ cao hơn như Đức – bộ bơm cao áp là một ví dụ điển hình. Ông kỹ sư Trung Quốc kia đáng nhẽ ra phải nói rằng: phụ thuộc vào khả năng ăn cắp công nghệ của các gián điệp công nghiệp Trung Quốc, thì họ có thể sản xuất được đến đâu đó với chất lượng có thể chấp nhận được. Như tàu điện cao tốc, ăn cắp được thì công nghệ của họ trở nên hàng đầu thế giới luôn.

 

Với cái xe máy kia cũng vậy: một chiếc động cơ phải trải qua quá trình thử nghiệm lâu dài với các loại vật liệu chế tạo chi tiết khác nhau, với kinh nghiệm luyện kim cũng phải là truyền thống và lâu đời. Tại sao cái động cơ xe H. của Thái Lan trên chiếc Wave nó êm đến vậy, chạy “ngọt ngào” đến vậy, mà cũng cái thiết kế đó mà là Alpha, thì lọc xà lọc xọc?  Động cơ trên xe Viva 110 của hãng S. thời 1997 – 98 nhập Thái Lan nó còn êm nữa. Đặc điểm của các động cơ này chạy nóng lên, nó vẫn giữ được ổn định. Trong khi đó cũng hãng H. mà từ khoảng 2005 về sau, ngoài sự lọc xọc thì càng nóng lên, chạy càng “bó”, cực kỳ khó chịu. Đó là do sử dụng nhiều chi tiết của nhà máy cùng hệ thống đó, sản xuất bên Trung Quốc. Khi tôi tiếp xúc sâu thì biết nhà máy bên Trung Quốc sử dụng nhiều phôi sản xuất trong nước để chế tạo chi tiết máy.

 

Anh bạn Long của tôi, người vẫn bàn luận về chiến sự có người anh họ, kiên quyết tháo cái động cơ origin trên xe của hãng H. (loại động cơ rất khá) nhưng 125cc, để thay thế bằng một cái động cơ Lifan của Trung Quốc 250cc. Hồi đó hỏi tôi, tôi có nêu ý kiến cá nhân rằng với tôi điều quan trọng không phải là chạy mạnh do động cơ có dung tích lớn hơn, mà độ êm ả, “ngọt ngào” và đáng tin cậy, đặc biệt đáp ứng đều đặn ở các dải nhiệt độ là cực kỳ quan trọng. Mặc dù anh này nói hãng đó được BMW thuê sản xuất động cơ, thì tôi nói rằng: vật liệu để sản xuất chi tiết có phải BMW mang sang không? Và các chi tiết đó có được áp dụng vào cái động cơ của anh không? Hai chuyện này hoàn toàn khác nhau.

 

Nó giống như các mô tô phân khối nhỡ hãng L, hãng B… có hãng bảo là của Thái Lan, nhưng Trung Quốc cả. Đi những cái xe đó thà đi cái xe Nhật nhỏ hơn, còn hơn.

 

Cái xe scooter của hai cháu gái đi, là xe gần như mới – như vậy nó kêu to không chỉ là vấn đề vật liệu (chuyện này sẽ ảnh hưởng đến độ bền) mà còn là trình độ công nghệ hạn chế khi chế tạo chi tiết. Như vậy sau 1/4 thế kỷ, Trung Quốc vẫn chưa sản xuất được chi tiết thực sự tốt cho động cơ. Câu chuyện này giải thích một điều: các mẫu ô tô Trung Quốc mới đang được bán trên thị trường hiện nay, trông đẹp long lanh (như xe máy Trung Quốc ngày xưa, trên dây chuyền đẹp lắm) nhưng vẫn phải lắp động cơ của các hãng nước ngoài. Bạn thân của tôi mua chiếc BAIC có động cơ của Mitsubishi cách đây hơn 1 năm.

 

Tầm tầm thì sản xuất được, nhưng cao cấp thì chưa.

 

Bọn Dư Luận Viên hay có trò lý luận: đến cái tàu vũ trụ còn làm được, thì xe máy với ô tô là cái gì? Loại lý luận ngu hết phần thiên hạ. Tàu vũ trụ là chế tạo đơn chiếc và nguồn lực cả đất nước chỉ làm một cái, trong khi đó sản xuất ô tô, xe máy nó là cả một nền công nghệ.

Câu chuyện này thì liên quan gì đến cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine? Liên quan, khá liên quan. Cái động cơ của Zil-157 vẫn tốt hơn rất nhiều so với động cơ của Hoàng Hà 3 cầu giống nhau như hai giọt nước. Về luyện kim, công nghệ vật liệu Trung Quốc vẫn thua Ng@ ở nhiều lĩnh vực, phổ biến nhất là chuyện động cơ phản lực. Như vậy, Ng@ có thể sản xuất được ít sản phẩm nhưng chất lượng cao hơn của Trung Quốc, nhưng không sản xuất được số lượng lớn, nhất là hàng quốc phòng hiện nay. Trung Quốc có thể sản xuất được số lượng cực lớn “nhanh, nhiều, rẻ” nhưng tốt thì chưa chắc.

 

Nói chuyện này để lần nữa giải ảo cái vụ “đồ Ng@ tốt, nồi đồng cối đá” với “Ng@ cái gì cũng sản xuất được” như nhiều người lầm tưởng. Làm được vài cái xe tăng T-14 “Armata” đi duyệt binh thế thôi, chứ ăn cấm vận 1 phát thì đứng đường hết.

 

2. Về lính Bắc Kim Chi kéo nhau sang tham chiến ở Ukraine

Như hôm trước tôi đã viết một ý: trước mắt chúng cho đánh nhau ở Kursk để cùng với quân đội Ng@ đòi lại đất bị người Ukraine chiếm cái đã. Làm như thế đỡ gây căng thẳng hơn là cho bọn này “kề vai sát cánh” ở chiến trường đông Ukraine. Tuy nhiên cũng chỉ đỡ hơn một chút thôi, chứ không nhiều vì giống như câu chuyện “xe tăng Đức trên đất Ng@,” nếu cứ lý luận là có lính Bắc Kim Chi cầm súng bắn vào người Ukraine thì hoàn toàn có thể trở thành cái cớ để đẩy các sự kiện lên được. Chính vì lẽ đó mà trước mắt, bọn chúng… cãi cái đã. Tin này báo chí xứ phía đông nước Lào đưa.

 

Tất nhiên cãi để mà cãi, chính cái bài báo này cũng đưa tin có quốc kỳ của Bắc Kim Chi xuất hiện ở Pokrovsk. Về hậu quả của nó trong khả năng lôi kéo Hàn Quốc dính dáng sâu hơn vào cuộc chiến, tôi đồng ý với anh TDL tại đây:

https://www.facebook.com/longsd/posts/pfbid02o8SSVsPrjY9eeaAk55PVUM1v86urT9gwwvxmVn28yqr6U8GtRUXpuFV24XJ7WdXBl

 

Chúng ta thì biết thừa rằng, cái mà Putox cần là QUÂN SỐ rất quan trọng, nhưng nó không thay đổi tình thế chiến tranh. Nói cách khác, Ng@ không có cách nào để đưa chiến tranh đến bước ngoặt. Nhìn chung những nội dung chúng ta trao đổi, đến nay thực tiễn đã chứng minh đúng cả:

https://www.facebook.com/longsd/posts/pfbid0bUDDeAyXhkeJfnrFrZvwDqUpATC3ZeB1TosnGv1TbhSXBoVG11MQpgMGTVhucaQKl

 

Từ góc độ của những chuyên gia hoặc những người có trách nhiệm (không phải hạng chém gió vớ vẩn trên mạng), người ta PHẢI ĐÁNH GIÁ thận trọng, nghĩa là đến năm 2026 thì Ng@ sẽ cạn kiệt kho dự trữ do Liên Xô để lại, đặc biệt về xe tăng và pháo binh. Trong bài báo trên đây, tác giả còn đưa ra một yếu tố quan trọng nữa: yếu tố Bắc Kim Chi – Ng@ đã phần lớn sử dụng đạn pháo của nước này trên chiến trường với thông tin chắc chắn là chính xác của Budanov: “sau khi một lô hàng của Bắc Kim Chi đến, giao tranh sẽ tăng cường trong vòng 8 – 9 ngày, với hiệu ứng kéo dài tới hai tuần.”

 

Mặc dù chưa biết được xứ sở kín đáo (và không tăm tối lắm, theo lời lẽ bảo vệ của một số người đã đi du lịch xứ đó về nói lại) có tăng cường năng lực sản xuất đạn pháo hay không, nhưng thông tin này gián tiếp khẳng định một nhận xét của tôi ngay từ năm 2022. Hồi đó tôi đã ngồi tính toán xem là Ng@ có khả năng tăng cường năng lực sản xuất đạn pháo và bom của mình không – với sản lượng khoảng 5000 quả đạn pháo, súng cối và bom mìn nói chung trong 1 ngày, không kể đạn cỡ nhỏ cho súng bộ binh. Sau đó với những thông tin rò rỉ từ chính nội bộ họ về chất lượng máy móc nhập khẩu về từ Trung Quốc, không thể đưa vào sản xuất đàng hoàng được, cũng như chắc chắn sẽ thiếu công nhân lành nghề, nên sau đó tôi #đoán_mò rằng, quá trình tăng tốc này được cỡ 1 năm là đuối.

 

Và cuối năm 2023 đã cho thấy, sản xuất quốc phòng Ng@ hụt hơi vì đủ các lý do, mà tựu trung lại thằng Igor Girkin “Strelkov” gọi là “30 năm đại tàn phá công nghiệp Ng@.” Đó cũng là thời điểm chúng ta thấy Kim-phì-lũ bắt đầu tăng tốc hỗ trợ đạn pháo cho Ng@. Câu chuyện hôm nay của Budanov cho chúng ta một ý dường như ít người để ý – câu hỏi liệu Bắc Kim Chi có tăng tốc được quá trình sản xuất đạn pháo hay không?

 

Đây là một câu hỏi quan trọng, vì người hiểu vấn đề thì ai cũng biết rằng, trong thời bình người ta có thể duy trì một số lượng đạn nhất định trong kho, nhất là liều phóng thì phải thay thường xuyên nên quá trình sản xuất thuốc phóng để thay thế định kỳ liều phóng là điều bắt buộc. Tuy nhiên từ cơ sở đó mà tăng lên gấp 5, gấp 10 lần thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, nhất là trong điều kiện nền sản xuất bị tàn phá do chính tư tưởng của con người trên cái đất nước ấy, đến lúc cần thì lại bị cấm vận. Câu chuyện mua máy Trung Quốc về dựng xưởng chưa chắc đã đạt được các yêu cầu, cho phép chúng ta đặt câu hỏi: với đống máy móc của Bắc Kim Chi cỡ 60 – 70 năm tuổi, cùng với các lệnh cấm vận không khác gì của Ng@, thậm chí còn ngặt nghèo hơn, lại mấy chục năm qua dù vẫn trong tình trạng chiến tranh với miền Nam bán đảo, nhưng cái đói nghèo thường trực có cho phép nước này duy trì một nền sản xuất đều đặn với năng suất lớn hay không?

 

Nếu những suy đoán này là đúng, thì lại tòi ra chuyện, Putox mò sang xin xỏ, và Kim-phì-lũ tức Kim-Văn-Ủn đồng ý moi trong kho ra đạn pháo, có thể cả nòng pháo cho Putox. Và chúng không ngờ là người Ukraine đáo để đến vậy, tưởng đánh xong 1 trận #The_Battle_of_Avdiivka là xong, ai dè đánh mãi không xong.

 

Cái CH.ẾT DỞ của bọn này là không có chiến lược, chẳng hạn mục tiêu của chúng là chiếm toàn bộ Donbas, mà nhiệm vụ cao nhất là hai thành phố Kramatorsk và Slovyansk, mà cuối cùng hóa ra sức cứ đuối dần, thay vì tổ chức những mũi tấn công lớn hay còn gọi là “những nắm đấm mạnh” lao qua, xuyên qua hệ thống phòng ngự của Ukraine, như hồi đầu chiến tranh chúng đã tổ chức được những chiến dịch như vậy và chúng ta cũng thường phân tích chiến sự theo kiểu như vậy. Tôi nhớ hồi đó tôi còn đặt vấn đề: nhiệm vụ của quân Ukraine là phải phòng ngự chống tăng hiệu quả, và thấy yên tâm vì có nhiều Javelin. Hóa ra bây giờ thì lại còn phải đi tìm xe tăng Ng@ để diệt.

 

Chúng ta cần đặt vấn đề rằng, liệu có lúc nào đó chính cái kho đạn pháo này của Bắc Kim Chi cũng sẽ cạn?

 

Có một điều chắc chắn rằng, bọn Ng@ Putox này thiếu người nên phải mượn lính của Kim-phì-lũ đến cứu Kursk. Mà nếu như vậy, thì cũng có thể cho rằng bọn này là lính tốt, thiện chiến chứ không phải là lính vớ vẩn. Tôi nghĩ chúng thiện chiến hơn lính lìu tìu của Putox là cái chắc. Lại có cơ hội cho Nam Kim Chi nghiên cứu kinh nghiệm chiến đấu.

 

3. Khoảng 2 tuần trở lại đây, các kênh phân tích chiến tranh trên mass media giảm hẳn các phân tích tình hình chiến trường…

… mặc dù đúng như trong bài link thứ hai trên đây anh bạn Long đã dẫn, tác giả viết rất rõ: Putox chỉ còn cách duy nhất để duy trì chiến tranh là (1) thúc ép binh lính của mình tấn công mãi, dai ngoách như đỉa đói trên chiến trường, bất chấp số lượng “kiện hàng 200” nhiều vô kể và (2) bắn tên lửa vào các thành phố của Ukraine hòng phá hủy hạ tầng kỹ thuật của đất nước. Trong bài trước tôi viết, đến bầu cử ở Hoa Kỳ xong thì số “kiện hàng 200” đạt 700.000. Kinh dị.

 

Tình thế này chỉ giúp cho lũ lều báo #BMZ phía đông nước Lào tung hô là Ng@ tấn công như vũ bão, thần tốc… và Ukraine thì sắp sụp đổ. Mãi vẫn như vậy.

 

Càng kéo dài, con số này càng khủng thì cái đầu của Putox càng khó đứng được trên cổ. Và Budanov chia sẻ trùng ý kiến với tôi: chiến dịch Kursk chỉ là con muỗi đốt nếu tính diện tích, nhưng nó là cục ph.ân trát lên mặt Putox mà hắn không có khả năng rửa đi được, và cung cấp cho bọn Oligarch cái cớ để diệt trừ của nợ này. Hắn vẫn đang cố lần lữa mãi với bọn kia, với những hứa hẹn chấm dứt sớm chiến tranh, và bây giờ thì là… bầu cử ở Hoa Kỳ, với lời hứa là Trump sẽ thắng cử như lần trước và chiến tranh sẽ chấm dứt sớm trước thời hạn chiến tranh được tròn 3 năm, ngày 24/2/2025.

 

Thật ra các kênh người ta giảm phân tích, kể cả việc mời các chuyên gia như Ben Hodges, Petraeus… là do tình thế chiến trường khá rõ: Ng@ có nỗ lực thế chứ nữa, cũng chỉ tốn mạng lính, không có tác dụng gì về chiến lược cả. Trong khi đó cái dây cung bên phía Ukraine cứ căng dần lên:

 

- Năng lực hải quân của Ng@, tính cho Hạm đội biển Đen, coi như bằng Zero trong khả năng bảo vệ bán đảo Crimea.

 

- Nếu không có đủ xe tăng và pháo binh, thì bất cứ lúc nào bị tấn công, chiến tuyến của Ng@ sẽ bị vỡ vì chỗ chúng đang tấn công sẽ tập trung nhiều khí tài, còn những chỗ không tập trung thì lại bị tấn công. Như tôi đã phân tích, họ có nhiều xe tăng hơn Ng@, và pháo binh cũng đang dần dần vượt về số lượng, chứ không chỉ hơn về chất lượng.

 

- Người Ukraine chưa vội. Họ vẫn tiếp tục tìm cách tàn phá sâu rộng hơn nữa năng lực hậu cần của Ng@, chẳng hạn vừa qua nhóm mục tiêu là nhiên liệu, được quan tâm đặc biệt. Nếu không có nhiên liệu thì không có xe pháo gì chạy được cả, ảnh hưởng luôn cả gạo và đạn cho chiến trường.

 

- Một cách hết sức chậm rãi, người Ukraine đang tìm cách đưa ưu thế về không quân của Ng@, về mức độ yếu hơn mình. Họ đã có F-16 và các vũ khí đáng kể cho nó, nhưng vẫn chưa thực sự cho nó tham chiến. Chúng ta cứ hình dung, khi động dụng, khi có sự biến diễn ra… tất cả lực lượng của hai bên sẽ được tung vào tham chiến, lúc đó thì mới có thể có đụng độ giữa máy bay Ng@ với F-16. Bây giờ là lúc tiếp tục tìm và diệt các hệ thống phòng không của Ng@. Còn hệ thống nào, diệt nốt hệ thống đó.

 

Duy nhất có mỗi quân số, là ưu điểm và thế mạnh của Ng@. Nhưng chính cái đó mới tạo nên thế “bại binh như núi đổ.”

 

#Nga_xâm_lược_Ukraine

#bưng_bô_cho_hòa_bình

#Bình_loạn_của_Phúc_Lai

#Battle_of_Kursk_2024

#Slava_Ukraine

.

50 BÌNH LUẬN   

 

 

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats