Tuesday, 29 October 2024

TRUMP hay HARRIS? CÁC NHÀ NGOẠI GIAO CHỌN AI? (Nada Tawfik | BBC News)

 



Trump hay Harris? Các nhà ngoại giao chọn ai?

Nada Tawfik

BBC News, Liên Hợp Quốc

30 tháng 9 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cj9jwryz2jeo

 

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã có một tuần lễ cấp cao bận rộn.

 

Tuần lễ cấp cao này có thể được ví như một trận Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ (Super Bowl) về ngoại giao, nhưng năm nay, so sánh thích hợp hơn có lẽ như một cuộc chạy đua marathon.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/d2e5/live/c08e6c50-7ee3-11ef-bda7-e1427314c99f.png.webp

Bên lề khóa họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, các nhà ngoại giao cho rằng sẽ không có sự thay đổi to lớn nào dù Phó Tổng thống Kamala Harris hay cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ là chủ nhân mới của Nhà Trắng.

 

Chưa bao giờ lại có nhiều xung đột trên toàn cầu như hiện nay tính từ Thế chiến II, với việc Lebanon đã đứng trên bờ vực chiến tranh vào thời điểm các nhà lãnh đạo đến thành phố New York để họp.

 

Xét đến bối cảnh bất ổn hiện tại, cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Mỹ đều nằm trong tâm trí của mọi người tham dự các sự kiện.

 

Một nhà ngoại giao cấp cao của phương Tây nói với tôi rằng không ai kỳ vọng về tiến triển nào sẽ đạt được liên quan đến cuộc chiến tranh của Israel ở Dải Gaza cho đến sau khi người chiến thắng cuối cùng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng được công bố.

 

"Chúng tôi hiểu rằng chính quyền tổng thống hiện tại [của Mỹ] đang chịu áp lực không đưa ra bất kỳ quyết định nào có thể gây ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử tổng thống," ông nói.

 

"Nhưng tôi hy vọng rằng sau cuộc bầu cử tổng thống, chính quyền hiện tại sẽ tận dụng thời kỳ chuyển giao quyền lực để có thể đưa ra một số quyết định giúp dẫn đến sự cải thiện tình hình tại Gaza."

 

Thế nhưng, trong các cuộc trao đổi với cả chục quan chức từ nhiều châu lục khác nhau tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Manhattan, một bức tranh đã xuất hiện, cho thấy cộng đồng trên thế giới đã quá mỏi mệt vì khủng hoảng và đành miễn cưỡng làm việc với bất kỳ ai sẽ là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.

 

Tất cả các nhà ngoại giao chia sẻ quan điểm của họ với BBC trong điều kiện ẩn danh.

"Tôi không thấy có bất kỳ sự khác biệt nào giữa hai ứng viên, nhìn khắp thế giới, từ phía bên này cho tới phía bên kia, chúng ta đều ở trong một tình trạng hỗn loạn toàn diện," một nhà ngoại giao từ một quốc gia ở Nam Á chia sẻ với tôi.

 

 

·        Thủ lĩnh của Hezbollah bị ám sát: viễn cảnh tiếp theo với Hezbollah, Israel và Iran là gì?29 tháng 9 năm 2024

 

·        Ông Tô Lâm gặp ông Joe Biden: Đâu là những điểm nhấn đáng chú ý?23 tháng 9 năm 2024

 

·        Những lời xúc phạm nói lên điều gì về cuộc đấu Trump-Harris?23 tháng 9 năm 2024

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/9c04/live/40a06f00-7c3d-11ef-b282-4535eb84fe4b.jpg.webp

Các lãnh đạo thế giới bên lề khóa họp 79 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 25/9

 

Đây là cảm nhận có lẽ không chỉ phản ánh sự vỡ mộng với vai trò lãnh đạo của Mỹ, mà còn là quan điểm từ nhiều nước ở Nam Toàn cầu (Global South) rằng, dù diễn ngôn thay đổi, những chính sách ngoại giao ở tầm vĩ mô của Mỹ thật sự không thay đổi đáng kể qua các chính quyền khác nhau.

 

"Thật dễ dàng để gióng hồi chuông cảnh báo về điều gì có thể xảy ra," một đại diện ngoại giao cấp cao Ả Rập nói với tôi.

 

Ông cho rằng, dù ông nghĩ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khó đoán hơn Phó Tổng thống Kamala Harris, khả năng ông Trump sẽ phá vỡ chủ nghĩa đa phương đã bị thổi phồng bởi vì chuyện này chưa từng xảy ra trước đây.

 

"Điều đang thật sự gây tổn hại đến chủ nghĩa đa phương là những hành động và các xung đột đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và không thể cho rằng vấn đề này xuất phát từ một quốc gia hay một chính quyền nào," ông chia sẻ.

 

Tại khu phức hợp của Liên Hợp Quốc, một quan chức lâu năm của tổ chức này nói với tôi rằng không hề có sự hoảng sợ về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.

 

"Chúng tôi đã ngập đầu trong mối lo chuyện gì sẽ xảy ra hôm nay thì còn hơi sức đâu mà lo thêm chuyện sẽ xảy ra vào tháng 11 tới," vị quan chức này nói.

 

Nguồn tin này cho biết thêm rằng Liên Hợp Quốc đã trải qua thời chính quyền của ông Trump theo một cách mà ít ai ngờ tới.

 

"Có thể rất ồn ào, nhưng cũng không khác gì với những vị tổng thống Cộng hòa trước đây," vị quan chức này nói.

 

Nếu ông Trump làm tổng thống lần hai, vị quan chức này nói với tôi rằng họ nghĩ ông Trump sẽ tập trung hơn vào các vấn đề trong nước và "trả đũa nội bộ", còn chính sách ngoại giao chưa phải là ưu tiên trong giai đoạn đầu.

 

Trả lời BBC, Tổng thống Kenya William Ruto dường như không mảy may lo lắng.

 

"Tôi rất tự tin rằng nền tảng của tình hữu nghị giữa Kenya và Mỹ không liên quan tới cá nhân lãnh đạo," ông nói. "Mối quan hệ đó không phụ thuộc vào việc tôi đang làm tổng thống (Kenya) hay bất kỳ ai được bầu tại Mỹ."

 

·        'Chúng tôi nghĩ Trump đã dàn dựng các vụ ám sát'23 tháng 9 năm 2024

 

·        Ukraine phản đối ‘đại diện Crimea’ dự thi hoa hậu tại Việt Nam27 tháng 9 năm 2024

 

·        Tổng thống Zelensky: 'Kế hoạch Chiến thắng' của Ukraine đã sẵn sàng20 tháng 9 năm 2024

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/5d2b/live/89448910-7ee7-11ef-bf4b-ef19cfbf3842.jpg.webp

Căng thẳng dâng cao tại Trung Đông sau vụ thủ lĩnh của Hezbollah là Hassan Nasrallah bị Israel ám sát

 

Tuy nhiên, đối với nhiều người châu Âu, vẫn có lo lắng về nhiệm kỳ lần hai của ông Trump và về điều mà một số người cho là cách tiếp cận mang tính đổi chác của ông trong vquan hệ ngoại giao.

 

Một nhà ngoại giao châu Âu nói với tôi rằng với việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không thể giải quyết các cuộc xung đột, hiện có lo ngại rằng chính quyền ngày càng cứng rắn và có khả năng cực đoan hơn của ông Trump sẽ càng gây ra tình trạng rối loạn chức năng và thúc đẩy thêm phong trào cực hữu ở châu Âu.

 

"Tôi nghĩ ít ra thì đa số người dân châu Âu sẽ thở phào nhẹ nhõm nếu bà Harris nắm quyền," ông nói.

 

Tuy nhiên, một quan chức ngoại giao cấp cao khác của châu Âu nói dù bà Harris thắng sẽ mang lại cho họ cảm giác về sự tiếp tục của chính sách ngoại giao, nhưng dù sao thì họ cũng đã có kinh nghiệm làm việc với ông Trump bốn năm rồi và điều đó giúp họ có sự chuẩn bị tốt hơn nếu so với năm 2016.

 

Trùng với thời gian diễn ra tuần lễ cấp cao của Liên Hợp Quốc là tuần lễ Khí hậu (Climate Week) ở thành phố New York.

 

Các lãnh đạo vùng Caribe đưa ra phát biểu không chỉ từ sảnh Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc với sắc màu xanh và vàng đặc trưng, mà còn tại những căn phòng với đông đảo các doanh nhân và chính trị gia ở các sự kiện bên lề, đưa ra cảnh báo rằng thế giới đang trong tình trạng nguy hiểm đằng sau những cam kết về khí hậu, khiến những hòn đảo của họ gặp rủi ro.

 

Một quan chức từ khu vực này nói với tôi rằng khí hậu là một vấn đề chính, theo đó sự khác biệt giữa hai ứng viên tổng thống khiến họ lo lắng. "Xét về cam kết thật sự từ chính phủ Mỹ và cách chính phủ Mỹ đóng vai trò dẫn dắt thì rõ ràng lựa chọn là Đảng Dân chủ," bộ trưởng này nói.

 

Nhiều người vẫn còn nhớ đến chuyện ông Trump đã rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong khi ông Joe Biden sau đó đã ra quyết định đưa Mỹ gia nhập trở lại.

 

Thủ tướng đảo quốc Bahamas Philip Davis nói thay đổi chính trị là một thách thức cho các tiến triển trong 26 năm qua. Ông cho biết ông đã kêu gọi thiết lập một dạng cơ chế nào đó để đảm bảo rằng sự thay đổi về lãnh đạo chính trị không làm cản trở hoặc đảo ngược tiến trình.

 

Các nhà ngoại giao đang đối mặt với thách thức nhiều hơn là đạt được những giải pháp trong tuần qua, khi những tác động từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 có thể còn xa vời với họ.

 

Thế nhưng, thời gian đang trôi nhanh và các phiếu bầu sẽ được kiểm đếm tại Mỹ, với gương mặt mới sẽ xuất hiện ở Nhà Trắng.

 

Một bộ trưởng khác ở châu Âu, trên đường đến dự một sự kiện, nói với tôi một cách đơn giản: "Tôi hy vọng mọi chuyện sẽ không trở nên quá kỳ quặc."

 

--------------------

Tường thuật bổ sung do Cai Pigliucci thực hiện.

 

TIN LIÊN QUAN

 

Những lời xúc phạm nói lên điều gì về cuộc đấu Trump-Harris?

23 tháng 9 năm 2024

 

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats