Thursday, 31 October 2024

CÁC ĐỊNH CHẾ GIÚP PHÁT TRIỂN KINH TẾ (Ngô Nhân Dụng / Blog VOA)




Các định chế giúp phát triển kinh tế

Ngô Nhân Dụng

28/10/2024

https://www.voatiengviet.com/a/cac-dinh-che-giup-phat-trien-kinh-te-/7841903.html

 

Kinh tế phát triển khi số đầu tư và lực lượng lao động gia tăng, dẫn đến các sáng kiến và tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng xuất của người làm việc. Nhưng tại sao nhiều nơi tập hợp được các “yếu tố sản xuất” trên mạnh hơn những nơi khác? Một thí dụ dễ đem so sánh nhất là kinh tế các nước Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Cái gì giúp Canada và Mỹ tiến nhanh hơn Brazil và Argentina sau khi di dân Âu châu sang khai thác Tân Thế Giới?

 

https://gdb.voanews.com/02b52c60-5bd3-4943-b28f-20af95d95680_w1023_r1_s.jpg

Huy chương giải Nobel. Hình minh hoạ.

 

Ba người đã tìm cách trả lời câu hỏi trên là James Robinson, Daron Acemoglu (MIT), và Simon Johnson (Đại học Chicago), năm nay mới được trao Giải Nobel về Kinh tế học. Họ thấy yếu tố quan trọng nhất là những định chế nằm trong các xã hội trên. Đó là những quy tắc hành sử theo tập tục hay luật lệ trong xã hội mà mọi cá nhân phải theo; trong đó có những quy tắc phân chia quyền hành chính trị hoặc quyền lợi kinh tế.

 

James Robinson mới kể chuyện, khi trả lời Luis Alberto Peralta, báo EL PAÍS ở Madrid, ông và Daron Acemoglu, cùng đọc cuốn “Sự Vươn lên của Thế giới Tây phương” (The Rise of the Western World) của Douglas North. North, chiếm Giải Nobel Kinh tế học năm 1993, đã trình bày các thay đổi về định chế giúp châu Âu phát triển. Karl Marx từng nhấn mạnh rằng các chế độ chính trị là do kinh tế quyết định; Douglas North nêu lên mối tương quan ngược chiều: Những thay đổi trong các định chế xã hội đã thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp giúp kinh tế châu Âu phát triển vào thế kỷ 19.

 

Trong cuốn “Tại sao các quốc gia thất bại” (Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty) xuất bản năm 2012, Robinson và Acemoglu đã giải thích tình trạng chậm tiến tại các nước châu Mỹ La tinh và châu Phi là do các định chế từ thời chế độ thuộc địa để lại. Họ phân biệt hai loại định chế, một loại tạo cơ hội chia sẻ các thành quả kinh tế cho mọi người cùng hưởng và một loại chỉ nhắm giúp một thiểu số khai thác những người khác.

 

Các định chế nhằm chia sẻ (inclusive institutions) tạo cho mọi người có cơ hội như nhau; còn các định chế nhằm khai thác (extractive institutions) chỉ nhắm giúp cho một thiểu số hưởng thụ. Phần lớn các kinh tế gia đồng ý rằng muốn phát triển cần phải có các doanh nhân và các sáng kiến. Nhưng hai tác giả thấy rằng yếu tố chính là những động cơ, mơ ước và óc sáng tạo của con người. Một xã hội có những định chế chính trị và kinh tế nuôi dưỡng các khả năng đó thì kinh tế sẽ tiến lên. Ở những nước như Colombia hoặc Nigeria, tài năng bị phí phạm vì người ta không có những cơ hội như thế, James Robinson nói.

 

Một thí dụ đáng chú ý là quá trình phát triển ở châu Mỹ sau khi người Âu châu đến lập nghiệp. Những tay “thực dân” đến vùng đất phía Nam bán cầu đã khai thác các thổ dân để thủ lợi; trong khi dân di cư tới vùng phía Bắc không thấy số người bản xứ đông đảo như vậy, chính họ phải làm việc, khai khẩn đất đai rồi chia sẻ thành quả với nhau. Sau mấy thế kỷ, kinh tế Bắc Mỹ đã tiến vượt xa vùng Nam Mỹ.

 

Các định chế nhằm chia sẻ (inclusive) đều bảo vệ quyền tư hữu của tất cả mọi người, không riêng cho giới “lãnh đạo.” Ai cũng có cơ hội làm giàu như nhau, luật pháp công bằng, không cho ai cướp đoạt của người khác. Một thí dụ rất sớm trong lịch sử là các luật lệ về thương hội (commenda) và bản quyền trên các sáng kiến, được thiết lập ở thành phố Venizia từ thế kỷ 13. Nhờ được những tập tục bảo vệ tài sản đó, mọi người làm việc hăng hái hơn; các doanh nhân dám đầu tư, mạo hiểm để kiếm lời. Các định chế này chỉ thành hình và được sử dụng lâu đời khi mọi người đều có quyền tham dự và quyết định như nhau. Đó cũng là nền tảng của các chế độ tự do dân chủ sau này.

 

Các định chế nhằm khai thác (extractive) dành quyền hoạt động và thụ hưởng cho một thiểu số; lập các hàng rào ngăn không cho các thành phần “ngoài đảng” được dự vào một số sinh hoạt kinh tế, và tài sản và lợi lộc họ tạo ra còn có thể bị tước đoạt. Trong khung cảnh đó, người lao động không thiết tha lo cải thiện khả năng sản xuất của mình, chỉ “làm việc theo tiếng kẻng,” kinh tế không thể tiến lên được. Các định chế nhằm khai thác đó thường được bảo vệ bằng cách dành độc quyền cai trị cho một thiểu số “cốt cán,” như các nhà quý tộc thời phong kiến hay các đảng viên một đảng “tiên phong” đóng vai trò lịch sử.

 

Trong thực tế, các chế độ với những “định chế khai thác” thường tìm cách che giấu tình trạng lạm dụng quyền lực của họ, qua các hình thức bên ngoài chứng tỏ mọi người đều được tham dự bình đẳng như nhau. Họ cũng tổ chức các cuộc bỏ phiếu, bầu cử các chức vụ trong chính quyền, dựng lên các tổ chức độc lập giả hiệu. Nhưng nếu người dân không có các quyền tự do ngôn luận và báo chí, không được lập hội, lập đảng tự do, thì bản chất độc tài nhằm khai thác kiếm lợi riêng không thay đổi.

 

Những thành phần đóng vai “lãnh đạo” có thể đứng ngoài mà điều khiển, sử dụng chính quyền để thủ lợi qua những “định chế khai thác.” Trong cuốn Why Nations Fail đã nêu ra một thí dụ. Hai tác giả so sánh hai người, Bill Gates ở Mỹ và Carlos Slim tại nước Mexico – thay nhau đóng vai trò người giàu nhất thế giới lúc đó. Gates làm giàu nhờ những quyền sáng chế trong ngành tin học; Slim tích lũy được một tài sản khổng lồ trong ngành viễn thông nhờ các quan hệ với chính quyền cho ông ta chiếm độc quyền khai thác hệ thống điện thoại viễn liên. Các chế độ độc tài đều dùng chính sách tương tự để giúp một số người làm giàu mà không bị cạnh tranh. Các nước tự do dân chủ đều soạn luật lệ ngăn chặn độc quyền kinh tế.

 

Kinh tế không thể phát triển hết tiềm năng nếu không có tự do cạnh tranh. Những xã hội với các “định chế khai thác” thường thiếu cạnh tranh vì nếu ai cũng được ganh đua như nhau thì không ai “khai thác” được những người yếu đuối, thua thiệt nữa. Các nước tự do dân chủ thường phát triển kinh tế mạnh hơn vì quyền tự do cạnh tranh được luật pháp bảo đảm. Đó là môi trường cho những “định chế nhằm chia sẻ” (inclusive) có cơ hội thành hình và tồn tại lâu bền. Một chế độ độc tài không thể bảo vệ các định chế chia sẻ vì chính những người nắm quyền khai thác lo không được hưởng lợi nữa.

 

Nhiều quốc gia đã thành lập thể chế tự do dân chủ trên hình thức mà không tạo được các “định chế nhằm chia sẻ” đích thực, cũng sẽ thất bại về kinh tế. Các xã hội đó vẫn ưu đãi, giữ đặc quyền cho một thiểu số, không tôn trọng luật pháp bình đẳng. Hugo Chávez đã đánh lừa dân chúng như vậy, và đến nay kinh tế Venezuela vẫn không phát triển được.

 

Khi các đảng cộng sản giành được chính quyền ở Nga hoặc Trung Quốc, kinh tế đã phát triển rất nhanh vì giới lãnh đạo thu thập được tư bản và huy động các công nhân dễ dàng; nhưng sẽ đến lúc bộ máy ngưng không chạy được bình thường nữa. Chế độ cộng sản cố giữ vững được 50 năm thì bắt đầu lung lay từ bên trong, cuối cùng sụp đổ. Hiện nay, nền kinh tế những nước độc tài như Iran, Nga cũng không đuổi kịp các nước dân chủ về tiến bộ kinh tế cũng như kỹ thuật, dù họ nắm nhiều tài nguyên và nhân lực trong tay. Robinson và Acemoglu đã so sánh hai nền kinh tế Nam Hàn với Bắc Hàn để chứng tỏ các định chế chính trị ảnh hưởng rất nặng trên thành quả kinh tế.

 

Trung Quốc có thể tự hào là đã phát triển mạnh từ khi từ bỏ các lý thuyết Marx và Lenin, mở cửa cho một số các “định chế chia sẻ” xuất hiện, khi Đặng Tiểu Bình cho phép dân “được làm giàu.” Nhưng nếu ông Tập Cận Bình không mở rộng thêm các quyền chính trị như tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, hội họp, thì những cánh cửa phát triển kinh tế cũng tự khép lại. Kinh tế Trung Quốc hiện đang trì trệ vì chính sách ưu đãi các doanh nghiệp nhà nước (một biểu hiện các định chế khai thác); nếu tiếp tục, trong tương lai chế độ có thể sẽ tan rã không khác gì chính quyền Xô Viết thời 1989.

 

 

 



 



No comments:

Post a Comment

View My Stats