Tuesday, 29 October 2024

ĐÓNG GÓP TÀI CHÍNH CỦA NƯỚC GIÀU : BẤT ĐỒNG CHÍNH TẠI COP16 VỀ ĐA DẠNG SINH HỌC (Trọng Thành / RFI)

 



Đóng góp tài chính của nước giàu: Bất đồng chính tại COP16 về đa dạng sinh học

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 28/10/2024 - 13:34

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20241028-%C4%91%C3%B3ng-g%C3%B3p-t%C3%A0i-ch%C3%ADnh-c%E1%BB%A7a-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-gi%C3%A0u-b%E1%BA%A5t-%C4%91%E1%BB%93ng-ch%C3%ADnh-t%E1%BA%A1i-cop16-v%E1%BB%81-%C4%91a-d%E1%BA%A1ng-sinh-h%E1%BB%8Dc

 

Hai năm sau thỏa thuận lịch sử tại Montréal, Canada, cam kết chặn đứng đà hủy diệt thiên nhiên, Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về Đa dạng sinh học lần thứ 16 (COP16) diễn ra tại Cali, Colombia, từ ngày 21/10 đến 01/11/2024, để điểm lại tình hình và thảo luận về việc thực thi cam kết.

 

HÌNH :

Bộ trưởng Môi Trường Colombia và chủ tịch COP16 Susana Muhamad (G) trong lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh COP16 ở Cali, Colombia, ngày 21/10/2024. © JOAQUIN SARMIENTO / AFP

 

Bộ trưởng của hơn 100 nước và nhiều nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo chính phủ có mặt tại COP16 từ hôm nay, 28/10, ngày đầu tiên của tuần lễ thứ hai của hội nghị. Đặc phái viên Lucile Gimberg từ Cali cho biết về một số kết quả của tuần hội nghị đầu tiên :

 

« Đã có một số thỏa thuận được đúc kết về các chủ đề bên lề, nhưng không phải về các chủ đề chính, như các chỉ số để đánh giá cam kết quốc gia của các nước nhằm tuân thủ Thỏa thuận Côn Minh-Montréal và ngăn chặn đà biến mất của sự sống. Trong tuần lễ đầu tiên này, các nhà đàm phán từ các nước chủ yếu dành thời gian để lắng nghe nhau, nói chuyện với nhau.

 

Những điểm căng thẳng chủ yếu được các nhà đàm phán xác nhận. Thứ nhất là vấn đề làm thế nào và ở mức độ nào các công ty dược phẩm, mỹ phẩm hoặc công nghiệp thực phẩm sẽ trả tiền cho lợi nhuận thu được nhờ việc sử dụng các dữ liệu di truyền từ các loài thực vật và động vật, mà hầu hết được thu thập ở các nước phương Nam.

 

Vấn đề gây xung đột thứ hai là đòi hỏi gia tăng tài trợ cho việc bảo vệ đa dạng sinh học. Nhóm các nước châu Phi, đặc biệt là Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Phi, đang kêu gọi thành lập một quỹ dành riêng cho đa dạng sinh học. Trong khi đó, các nước giàu, như các nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu, bảo đảm rằng cơ chế hiện tại do Quỹ Môi trường Toàn cầu chủ trì đang hoạt động tốt.

 

Thứ Hai tuần này, một số nước phát triển có thể sẽ gia tăng cam kết đóng góp tài chính để thúc đẩy việc đạt được mục tiêu 20 tỷ đô la hàng năm từ đây đến 2025. Chúng ta sẽ xem liệu những đóng góp này có được các nước phương Nam coi là đủ hay không. »

 

Hơn một nửa tổng sản phẩm toàn cầu (55% GDP) dựa « chủ yếu hoặc khá nhiều » vào thiên nhiên và các dịch vụ do thiên nhiên cung cấp, theo thẩm định của công ty kiểm toán PwC. Tuy nhiên, có đến 75% môi trường trên đất liền đã bị hủy hoại ở mức độ nghiêm trọng.

 

Theo AFP, cam kết chặn đứng đà hủy diệt thiên nhiên của Thỏa thuận Côn Minh-Montréal sẽ không thể đạt được nếu không cắt giảm mạnh các đầu tư cho các hoạt động hủy hoại môi trường, ước tính 2.600 tỉ đô/năm. Một trong 23 mục tiêu cụ thể của Thỏa thuận này là giảm bớt hàng năm ít nhất 500 tỉ đô la « khoản đầu tư có hại » này từ đây đến 2030.

 

-------------------------------

Các nội dung liên quan

 

ĐA DẠNG SINH HỌC - COP 16

Hội nghị quốc tế về đa dạng sinh học COP16 khai mạc tại Cali-Colombia







No comments:

Post a Comment

View My Stats