Tuesday, 29 October 2024

TBT TÔ LÂM "RẤT SỐT RUỘT", NHƯNG CẢI CÁCH THẾ NÀO? (Huỳnh Trần | RFA)

 



TBT Tô Lâm “rất sốt ruột”, nhưng cải cách thế nào?  

Bình luận của Huỳnh Trần
2024.10.29  

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/to-lam-said-institution-stuck-getting-anxious-but-how-to-reform-part-2-10292024085311.html

 

Giới nghiên cứu và quan sát chính trị đã và vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến chủ đề dân chủ ở các nước chủ nghĩa xã hội (CNXH) Đông Âu, từng thuộc mô hình cộng sản Liên Xô, chuyển đổi sang chế độ dân chủ kiểu phương Tây. Điều này cũng được quan tâm ở Việt Nam nhưng có những khác biệt quan trọng, kể từ khi có Đảng có chính sách đến nay… Trong bối cảnh “kỷ nguyên mới”, như các nhà lãnh đạo Đảng nói, nhưng “vươn mình” thế nào? Trong đó việc tập trung giải quyết thế chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” là cấp bách để ‘vươn mình.’

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/to-lam-said-institution-stuck-getting-anxious-but-how-to-reform-part-2-10292024085311.html/@@images/438f4e41-06aa-409e-bf18-ef60d0a65bb5.jpeg

Chủ tịch Tô Lâm khi đợi tiếp Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga tại Hà Nội hôm 25/7/2024 (minh họa)   -    Luong Thai Linh/Pool Photo via AP

 

Sau những ‘ồn ào’ khởi đầu của việc tiếp quản chức Tổng bí thư Đảng khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời giữa nhiệm kỳ 13, tân Tổng bí thư Tô Lâm đang đối diện với thực tế ‘phức tạp’ của sự vận hành của chế độ tập trung quyền lực cao độ với ý thức hệ cộng sản bám rễ lâu ngày trong xã hội. Bất chấp những tuyên bố mang tính tuyên truyền kiểu ‘mục đích thay cho phương tiện’, điều then chốt đã được giải mã: ông Tô Lâm vẫn duy trì ‘Đảng trị nhưng đổi mới phương thức lãnh đạo.’[1] Ông đã trình bày khái quát những nội dung chủ yếu[2], đã nêu trong các văn kiện của Đảng trước đây, nhưng cụ thể hoá việc thực hiện thế nào được quan tâm. Điều này tuỳ thuộc vào vai trò và phong cách lãnh đạo người đứng đầu Đảng. Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thường ‘chỉ đạo’ cần thận trọng, ‘vấn đề gì rõ, chín… mới đưa thành chính sách để thực hiện, nếu chưa thì thí điểm. Trong những tháng đầu cầm quyền, ông Tô Lâm tỏ ra quyết đoán, mạnh mẽ trong công tác nhân sự, củng cố quyền lực cũng như chương trình nghị sự, thúc đẩy tiến độ với nhiều hội nghị bất thường… Tuy nhiên, việc ‘chuyển giao’ chức Chủ tịch nước cho ông Lương Cường, Thường trực Ban bí thư từng là đại tướng quân đội, dấy lên đồn đoán về việc chia sẻ quyền lực giữa các phe phái, nghĩa là ông Tô Lâm có thể bắt đầu trực diện với nguyên tắc tập thể lãnh đạo với cơ chế “tứ trụ” thay vì “tam trụ”, trong đó Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.

____________

 

Tân Tổng bí thư Tô Lâm: Khởi đầu suôn sẻ của "kỷ nguyên mới"

Tân Tổng bí thư Tô Lâm – “Kỷ nguyên mới” có gì mới?

Ông Tô Lâm: "Thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn!"

_____________

 

Tuy nhiên, tính chất của chế độ Đảng Cộng sản toàn trị là luôn bảo vệ, duy trì quyền lực tập trung bởi nhóm nhỏ, độc đảng, đã quyết định các đặc điểm và cấu trúc hệ thống chính trị, trong đó cơ cấu “cộng hoà” cũng như “dân chủ” nhưng chỉ mang tính hình thức khi tất cả chịu sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng. Chẳng hạn, khác biệt với mô hình dân chủ hiện đại ở phương Tây, người dân không trực tiếp, độc lập tham gia chính trị, ba cơ quan nhà nước, chính phủ, quốc hội là do Đảng “phân nhiệm”, chứ không độc lập, Mặt trận tổ quốc với hệ thống chân rết rộng khắp nhưng loại trừ hoặc kiểm soát nghiêm nghặt tổ chức xã hội dân sự, phi chính phủ và từng cá nhân.

 

Trong quá trình tồn tại, chế độ Đảng Cộng sản toàn trị ứng phó linh hoạt, uyển chuyển, tinh vi trước tình hình với những biến động phức tạp. Hơn thế, nó ‘ổn định’, hơn hình thức toàn trị ban đầu là chủ nghĩa phát xít Đức, Ý, Nhật vào nửa đầu thế kỷ 20, bởi ý thức hệ cộng sản và chính trị ký ức từ cách mạng giành độc lập dân tộc. Giới lãnh đạo chế độ luôn nỗ lực giành chủ quyền văn hoá và, thậm chí biến đổi hệ tư tưởng cộng sản thành hình thức tôn giáo thế tục. Xã hội đã không còn phân chia thành giai cấp công, nông, trí như nền tảng lý luận Mác – Lênin, mà ‘san phẳng’ thành các công dân, xoá nhoà gianh giới cai trị và bị trị, kẻ bóc lột ‘đổi tên’ thành người sử dụng lao động, loại trừ một số ‘bất tuân’, thậm chí thực hiện quyền biểu đạt ôn hoà cũng trở thành thế lực thù địch, phản động hay suy thoái đạo đức… Giá như George Orwell (1903-1950) còn sống, ông ấy sẽ có những tác phẩm nổi tiếng kế tiếp sau “Trại súc vật” (1945) và “Một chín tám tư” (1949)!

 

Thực tế cho thấy chế độ Đảng Cộng sản toàn trị đã biến đổi trước nguy cơ sụp đổ. Đường lối Đổi mới, chứa đựng nội hàm “cải cách và mở cửa” tương tự như mô hình Trung Quốc sau Mao, là minh chứng, giữ nguyên chế độ độc đảng nhưng chuyển đổi sang thị trường đã tạo ra tăng trưởng kinh tế nhanh và kéo dài ‘kỳ diệu’.  Tuy nhiên, các dấu hiệu bất ổn lớn dần bởi mâu thuẫn giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, diễn đạt kiểu ‘kinh viện’ là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, tích tụ thành nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng. Tiếc rằng cách tuyên truyền, vận dụng từ phương pháp duy vật biện chứng đang ‘nguỵ biện’ cho duy vật lịch sử theo năm giai đoạn phát triển. Giới lãnh đạo nói thế này: Thị trường được coi là sản phẩm của tiến hoá, không thuộc chủ nghĩa tư bản, vì vậy chủ nghĩa xã hội có thể sử dụng như một sách lược vì vậy cứ duy trì chế độ xã hội chủ nghĩa mà không cần thay đổi! Và họ ‘khước từ’ “đổi mới lần hai” như một số đề đề xuất, phủ nhận dân chủ hoá như một giải pháp tăng trưởng, chứ  hy vọng gì về “kỷ nguyên chuyển đổi dân chủ”!

 

Tổng bí thư Tô Lâm đang đối mặt với thời kỳ “vàng son” đã bước vào giai đoạn thoái trào,[3] trong đó tăng trưởng kinh tế nhanh gắn với tham nhũng mang tính hệ thống. Chống tham nhũng đồng nghĩa với giải giáp vũ khí quan chức sẽ phá vỡ các quan hệ làm ăn kinh tế khiến cho cả hệ thống rung động, sụt giảm kinh tế, rối loạn chính trị và huỷ hoại niềm tin vào lãnh đạo, chế độ. Kéo dài quá trình này có khả năng cao dẫn đến chế độ độc tài, hoặc cá nhân hoặc tập thể, công an trị hay một nhà nước cảnh sát, những biểu hiện ‘cực đoan’ của chế độ toàn trị trước khi chuyển hoá hoặc sụp đổ. Kiểu đổi mới phương thức lãnh đạo Đảng, chẳng hạn như “quy định cụ thể mối quan hệ và lề lối làm việc giữa Đảng với Nhà nước và các đoàn thể nhân dân ở các cấp, trước hết là ở Trung ương” hay “tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng… để lãnh đạo cơ quan nhà nước” cũng chỉ là biện pháp tình huống, những ‘miếng vá cho chiếc áo cũ’, đã từng được yêu cầu nhiều lần. Thậm chí, trong bối cảnh tha hoá quyền lực, suy thoái lãnh đạo Đảng kể cả việc ‘thay máu’ nhân sự bởi công an, quân đội cũng không là giải pháp căn cơ nếu không thay đổi quan điểm về cải cách thể chế, trước hết, thay đổi cách tiếp cận giải đáp các câu hỏi vì sao phải cải cách? Cải cách cái gì  và Cải cách như thế nào? Qua các ‘tuyên bố’ của lãnh đạo luận ra: 1.Kỷ nguyên mới; 2.Thể chế, Phương thức lãnh đạo Đảng; 3. Đổi mới, vươn mình. Đó không phải là những câu trả lời thực chất cho ba câu hỏi ở trên.

 

Việt Nam không bị ‘oan’ khi bị quy là “nước Tàu thu nhỏ.” Sự ảnh hưởng của nó mang tính ‘di truyền’ từ lịch sử ngàn năm đô hộ, đồng hoá. Liên quan đến chủ đề thể chế ở đây là cách thức tổ chức nhà nước đối với xã hội. Khổng Tử (khoảng 551 TCN –  479 TCN) Luận ngữ đã viết: "Các thường dân không tranh luận về các vấn đề của nhà nước." Ông đề xuất mô hình tổ chức xã hội chính trị điều đó không liên quan đến trách nhiệm giải trình hoặc đại diện. Hay thừa tướng nước Tần, TQ Thương Ưởng (khoảng 390 TCN-338 TCN)[4], đã nói về mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội: "Khi người dân yếu đuối, nhà nước mạnh mẽ, "do đó nhà nước cố gắng làm suy yếu người dân." Mô hình của ông về cách tổ chức xã hội chính trị là một nhà nước với xã hội được kiểm soát nghiêm ngặt. Cho đến ngày nay mô hình Trung Quốc mà Việt Nam không thể buông bỏ vẫn là mô hình nhà nước tập quyền cao với ý thức hệ cộng sản kiểm soát chặt chẽ xã hội.

 

Các nghiên cứu đã chỉ ra sự mất cân bằng mối quan hệ giữa quyền lực nhà nước và quyền lực xã hội là căn nguyên phát triển không bền vững. Lịch sử điển hình có nhà Tần, hiện đại có mô hình Trung Quốc. Trong bối cảnh Đổi mới hay Cải cách và Mở cửa động lực thị trường đã làm thay đổi nền kinh tế, biến dạng chế độ tập quyền cùng ý thức hệ, và, giới lãnh đạo đang ‘níu kéo’  yếu tố công nghệ như cứu cánh kiểm soát xã hội, công dân. Tuy nhiên, các nhà khoa học chính trị cũng chỉ ra sự khó khăn cải cách thể chế, nhưng luôn có “Hành lang hẹp”,[5] nơi sự cân bằng nêu trên có thể xuất hiện. Và đó là không gian, trong đó người dân được hưởng sự thịnh vượng và sự tự do. Đây là hàm ý quan trọng cho “tạo ra khác biệt về cải cách thể chế”

 

Đổi mới đã mở rộng ‘hành lang’ cho tự do kinh tế, nhưng đã cấp thiết tạo hành lang cho tự do chính trị song hành với tự do kinh tế, đó phải là mục đích của cải cách thể chế. Đó chính là câu trả lời cho câu hỏi nêu trong tiêu đề bài viết.

 

Bài 1: TBT Tô Lâm: Thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽ”, “rất sốt ruột” nhưng cải cách thế nào?

_____________

 

Tham khảo:

·        https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/to-lam-new-era-but-what-new-10212024114348.html;

·        https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-tiep-tuc-doi-moi-manh-me-phuong-thuc-lanh-dao-cam-quyen-cua-dang-yeu-cau-cap-bach-cua-giai-doan-cach-mang-moi-794653;

·        https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/china-model-out-of-trend-lesson-for-vn-part-2-04162024113804.html;

·        https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C6%B0%C6%A1ng_%C6%AF%E1%BB%9Fng

·        https://thedocs.worldbank.org/en/doc/322521530018291063-0050022018/original/AcemogluKenotte2PPT.pdf.

 

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

 

                                                          *****

 

Bài 1:

TBT Tô Lâm: Thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, “rất sốt ruột” nhưng cải cách thế nào?

Bình luận của Huỳnh Trần
2024.10.29

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/to-lam-said-institution-stuck-getting-anxious-but-how-to-reform-part-1-10292024083704.html

 

Cải cách thể chế là cấp thiết nhưng nhạy cảm với chế độ, mặc dù trong bối cảnh như thế quyền tự do biểu đạt, các kiến nghị mang ‘tính xây dựng’ có ý nghĩa quan trọng

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/to-lam-said-institution-stuck-getting-anxious-but-how-to-reform-part-1-10292024083704.html/@@images/12ce701e-5a8a-4b96-8c70-dd170c6dd7a0.jpeg

Tổng bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên khai mạc của Quốc hội ở Hà Nội hôm 21/10/2024

 Nhac NGUYEN / AFP

 

Dưới chế độ Đảng Cộng sản (Đảng) toàn trị những lời phát biểu của lãnh đạo tối cao có ý nghĩa định hướng, ‘kim chỉ nam’ cho các hoạt động của hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội. Mới đây, truyền thông Nhà nước đồng loạt đưa tin rằng ông Tổng Bí thư Tô Lâm ‘bày tỏ’ sự sốt ruột trước những “lãng phí” nói riêng và “cơ hội phát triển” của đất nước nói chung: “Tôi rất sốt ruột, không thể chậm trễ hơn được nữa, chờ là lỡ mất thời cơ…”  Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát đi lời phát biểu của người đứng đầu Đảng trong buổi thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá 15 ngày 26/10/2024. Ngày 20/10 ông Tô Lâm đã có bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”[1] và ngày 21/10 đã có bài phát biểu dài tại phiên khai mạc Quốc hội[2]Việc nhấn mạnh “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn” trong các phát biểu trên chứng tỏ ông Tô Lâm “rất sốt ruột” với ‘thể chế’ và giới quan sát quan tâm liệu ông sẽ cải cách thế nào? Hai lưu ý cho câu trả lời, một, đây là vấn đề ‘nhạy cảm’. Và, hai, quan điểm và giải pháp chính sách có thể đoán định.

 

.

Phần 1                         

Thể chế - ‘vấn đề ‘nhạy cảm’

 

Đối với Việt Nam quyền biểu đạt về ‘thể chế’ có lằn ranh đỏ, là vấn đề ‘nhạy cảm’ với chế độ Đảng trị. Những người quan tâm tới hiện tình đất nước như giới học giả, nghiên cứu hay báo chí trong nước cũng ‘sốt ruột’ không kém. Họ bình luận rằng những lời phát biểu như vậy là “điều hiếm có trong lịch sử”[3] và mặc dù có “áp lực” cải cách nhưng cần “tháo bung ‘điểm nghẽn’ trước ‘thực tiễn nóng bỏng của đất nước’.”[4] Đúng vào dịp này, ngày 14/10/2024, giải Nobel kinh tế 2024 được trao cho được trao cho ba nhà kinh tế học, đó là Daron Acemoglu (Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ), Simon Johnson (Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ) và James Robinson (Đại học Chicago, Hoa Kỳ) vinh danh các nghiên cứu về các thiết chế xã hội và sự thịnh vượng của quốc gia. Họ xây dựng các mô hình lý thuyết kinh tế chi tiết, với trợ giúp của mô hình toán học, phân tích sâu sắc hơn về bản chất của tiến trình thay đổi thể chế, đã làm rõ hơn các điều kiện để các nhóm lợi ích chấp nhận thay đổi thể chế.

 

Giới bình luận chỉ ra rằng hơn 20 năm trước, GS. Robert Solow, chủ nhân Nobel kinh tế năm 1987 đã chỉ ra rằng các nền kinh tế không thể duy trì tăng trưởng cao trong dài hạn nếu chỉ dựa vào đầu tư tích lũy vốn, thay vào đó gia tăng năng suất mới là yếu tố quyết định. Khi đó, tiến bộ công nghệ chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định gia tăng năng suất. Sau đó Douglass North và Robert Fogel, đã nhận được giải Nobel Kinh năm 1993 vì công trình ứng dụng lý thuyết kinh tế vào lịch sử để cung cấp một hiểu biết mới về cách thức các xã hội phối hợp hành vi của con người (thể chế). Và nay, Nobel kinh tế 2024 nêu bật yếu tố thể chế có ý nghĩa ‘quyết định’ phát triển bền vững.

 

Có hai hình thức biểu đạt điển hình ở trong nước theo hai thái cực. Một là, giới học thuật trong môi trường học thuật giới hạn bày tỏ thái độ nhấn mạnh trên giác độ lý thuyết,[5] hay ám chỉ chung chung về thực tế  bị hạn chế nên việc kiến nghị vẫn né tránh ‘tính nhạy cảm’ của vấn đề thể chế, từ việc giới hạn rằng “cải cách thể chế vẫn phải tiếp tục hơn nữa,… nhưng (thể chế ở đây là luật chơi - rules of game, khác với chế độ - regime)”[6] đến việc rút ra bài học “Đối với Việt Nam, … hàm ý sự cần thiết phải tiếp tục nỗ lực chống tham nhũng, lãng phí và đảm bảo trách nhiệm giải trình kết quả trước nhân dân.”[7] Và v.v.

 

__________

 

Tân Tổng bí thư Tô Lâm – “Kỷ nguyên mới” có gì mới?

Tân Tổng bí thư Tô Lâm: Khởi đầu suôn sẻ của "kỷ nguyên mới"

Ông Tô Lâm: "Thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn!"

___________

 

Hai là, ý kiến nhìn nhận khái niệm thể chế theo nghĩa rộng, ở đây bao gồm cả chế độ chính trị. Trong môi trường vắng tự do biểu đạt, một số ít các nhà hoạt động xã hội, dân chủ đã cố gắng lách ‘khe cửa hẹp’ về mạng xã hội như YouTube hay Facebook…, bày tỏ chính kiến. Nổi bật trong số đó là bài viết “Kỷ nguyên mới phải là kỷ nguyên dân chủ cho Dân tộc Việt Nam vươn mình.”[8] Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A “dựa vào kinh nghiệm chuyển đổi dân chủ thành công của… Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, đã “lý giải vì sao kỷ nguyên mới phải là kỷ nguyên dân chủ.” Ông cho rằng Việt Nam đã hội tụ đủ nhiều yếu tố cho chuyển đổi dân chủ và khuyến nghị Đảng (ĐCSVN) cần “Chủ động chuyển đổi dân chủ từ sức mạnh. Tức là ĐCSVN chủ động chuyển đổi dân chủ để giữ quyền lực của mình, để có thể trở thành một đảng dân chủ mạnh…”

 

TSKH Nguyễn Quang A mong muốn ý kiến của ông “góp phần cho một cuộc thảo luận rộng hơn”, nhưng điều này là không thể trong bối cảnh chế độ hiện hành. (Ông ấy đã ba lần nhận được giấy mời làm việc với cơ quan Công an sở tại nơi cư trú về phát biểu trên VOA.)[9]  (Giới quan sát suy đoán liệu đây có là tín hiệu ‘cởi mở’ hơn nên ông Quang A ‘tạm thời’ chưa có “Giấy triệu tập” theo ‘quy trình.’) TS Nguyễn Quang A đã biểu đạt ôn hoà theo quyền hiến định và can đảm trước áp lực đe doạ từ chính quyền, nhưng rõ ràng cách tiếp cận như vậy là tới hạn “lằn ranh đỏ” của chế độ. Ngoài ra, chắc chắn ông hiểu chuyển đổi dân chủ dưới chế độ Đảng CS toàn trị không đơn giản nhưng vẫn kiên trì ‘biểu đạt’ và hy vọng lúc nào đó giới lãnh đạo, nhà cầm quyền sẽ ‘nhận ra.’

 

Đã có một vài ‘comment’ về “tính thực tế” của bài viết của ông, trong đó có “Fan cứng”  có ‘nik name’ là Sparrow Jack: “Tiến sỹ chỉ tham khảo các số liệu mà không xét bối cảnh lịch sử thì thật là thiếu sót quá. Việt Nam phải đến năm 95 mới thoát khỏi cấm vận của Mỹ. Trong suốt quá trình trước đấy Việt Nam luôn trong tình trạng chiến tranh còn các nước xung quanh được hưởng hòa bình và phát triển. Việt Nam chỉ thực sự phất lên từ 1995 đến nay mà thôi. À mà cũng không kém phần thần kỳ, chỉ trong vòng 30 năm, từ một nước nghèo nàn/lạc hậu/cô lập bậc nhất thế giới thì đến nay Việt Nam đã đứng trong các top nọ top kia của thế giới. Công lao đó phải được ghi nhận cho Đảng Cộng sản - lực lượng duy nhất lãnh đạo Việt Nam. Điều đó cũng chứng tỏ Đảng Cộng sản không chỉ giỏi đánh nhau mà còn giỏi cả làm kinh bang tế thế. Dân Việt Nam từ chỗ đói khát, dốt nát giờ cũng có của ăn của để và được hưởng nền giáo dục tử tế không kém quốc gia nào ở Đông Nam Á. Xét ra Dân chủ hay Không dân dủ thì dân được hưởng sung sướng đến thế là cùng. Ps: Bác Trọng đã có lần nói vỗ mặt phóng viên quốc tế "chả tiện nói ra, một số nước cứ nhận là dân chủ nhưng chắc gì đã dân chủ hơn chúng tôi...."[10]

 

Có thể TSKH Nguyễn Quang A cũng ‘sốt ruột’ vì tình cảnh đất nước và mong muốn nó ‘tốt đẹp’ hơn, nhưng ông ấy đúng khi nhấn mạnh thể chế bào hàm cả nghĩa chế độ chính trị. Điều này được chính một trong ba khôi nguyên giải Nobel 2024 Daron Acemoglu xác nhận trong một cuộc phỏng vấn có liên quan đến cuốn sách “Vì sao các quốc gia thất bại”. Cuộc phỏng vấn trực tiếp này được đặt tên: “Các thể chế bao trùm, dân chủ và các động lực chính của tăng trưởng kinh tế.” [11] Trong đó, trước tiên, vị giáo sư giải thích về thể chế bao trùm (Inclusive institution) “đều liên quan đến động cơ và cơ hội”, nghĩa là “có một sân chơi bình đẳng, cơ hội bình đẳng cho nhiều thành phần trong xã hội,” (thể chế kinh tế). Tiếp đến, ông diễn giải hai điều quan trọng. Thứ nhất, “các thể chế kinh tế được định hình bởi các thể chế chính trị và sự phân bổ quyền lực chính trị trong xã hội.” Và trên thực tế, mối quan hệ này quyết định duy trì ‘tính bao trùm’.  Thứ hai, việc thiết kế các thể chế là rất khó khăn, ngay cả trong trường hợp cụ thể hoá hiến pháp, vì “chúng là kết quả của các quá trình lịch sử, chúng là kết quả của sự tương tác giữa chính trị và chuẩn mực, và của những người tham gia vào chính trị theo nhiều cách khác nhau.”

 

Daron Acemoglu cũng lưu ý “trạng thái dân chủ” và chuyển đổi dân chủ vì “vì dân chủ là điều kiện cần nhưng không đủ cho các hệ thống chính trị nuôi dưỡng loại giá trị và sự tham gia.” Nền dân chủ tốt cho người nghèo… nhưng “có những người hưởng lợi từ sự suy yếu của nền dân chủ và trong số đó có những nhà lãnh đạo quyền lực với khuynh hướng độc đoán, và về cơ bản đó cũng là những gì đã xảy ra ở Trung Âu ‘chuyển đổi.’

 

Trên đây, là những hàm ý khái quát quan trọng gắn với chủ đề cải cách thể chế Đảng CS toàn trị ở Việt Nam.

 

(Tiếp theo: Phần 2 Cải cách thế nào?)

Tham khảo:

·        https://xaydungdang.org.vn/van-kien-tu-lieu/bai-viet-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-phat-huy-tinh-dang-trong-xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-21847;

·        https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-tai-phien-khai-mac-ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-119241021113227895.htm;

·        https://vietnamnet.vn/diem-nghen-the-che-va-ap-luc-cai-cach-2334875.html;

·        https://vietnamnet.vn/thao-bung-diem-nghen-truoc-thuc-tien-nong-bong-cua-dat-nuoc-2334505.html;

·        https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nobel-kinh-te-2024-bai-hoc-ve-the-che/;

·        https://vietnamnet.vn/cai-cach-the-che-nhin-tu-cuon-sach-vi-sao-cac-quoc-gia-that-bai-2332685.html;

·        https://tuoitre.vn/nobel-kinh-te-2024-va-bai-hoc-ve-the-che-cho-viet-nam-20241015081612447.htm;

·        https://diendantheky.net/nguyen-quang-a-ky-nguyen-moi-phai-la-ky-nguyen-dan-chu-cho-dan-toc-viet-nam-vuon-minh/;

·        https://www.youtube.com/watch?v=5JdFudCPDTo;

·        https://www.facebook.com/story.php/?story_fbid=931311842359639&id=100064424960281&_rdr;

·        https://www.youtube.com/watch?v=KLdnISYOUo4;

 

---------------------------------------------------------------

*  Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats