Ông Đường Văn Thái
lãnh án 12 năm tù: các tổ chức nhân quyền quốc tế phản đối
BBC News Tiếng Việt
31
tháng 10 năm 2024
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ckg7npy4ex6o
Ông Đường Văn Thái (hay còn gọi là Thái Văn
Đường), một nhà hoạt động người Việt từng tìm kiếm tị nạn tại Thái Lan, vừa bị
tuyên 12 năm tù, ba năm quản chế, về tội tuyên truyền chống nhà nước theo Điều
117 của Bộ luật Hình sự, trong một phiên tòa kín tại Hà Nội hôm
30/10.
Luật
sư Lê Văn Luân, một trong hai luật sư bào chữa cho ông Thái, viết trên Facebook
cá nhân rằng "đây là mức án chưa từng có trong lịch sử về loại tội danh Điều
117 BLHS 2015, trước đây tương ứng với Điều 88 BLHS 1999".
Ông
Thái, 42 tuổi, đã chạy khỏi Việt Nam sang Thái Lan vào năm 2019 và được Cơ quan
Tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) cấp quy chế tị nạn.
Trong
khi đang chờ tái định cư ở một quốc gia thứ ba, vào tháng 4/2023, ông Thái được
cho là đã bị một số người không rõ danh tính bắt cóc ở
Bangkok và cưỡng bức đưa ông trở về Việt Nam.
Trong
khi đó, chính quyền Việt Nam nói ông đã bị bắt khi đang từ Lào xâm nhập trái
phép vào Việt Nam vào tháng 4/2023.
Sau
phiên tòa xét xử ông Thái và những người liên quan, truyền thông Việt Nam đưa
tin rằng "các bị cáo bày tỏ ăn năn, hối cải, mong muốn nhận được sự khoan
hồng của pháp luật".
Báo
chí Việt Nam cũng viết rằng hội đồng xét xử nhận định việc truy tố các bị cáo
là "đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật."
Mặc
dù chính quyền Việt Nam chưa bao giờ thừa nhận bắt cóc ông Thái thông qua cảnh
sát Thái Lan, camera an ninh mà Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) được
xem cho thấy vào ngày ông Thái mất tích, một người đàn ông đang la hét khi bị
những người đàn ông khác dùng vũ lực kéo và đẩy vào một chiếc xe hơi.
Bạn
bè của ông Thái sau đó cũng nói rằng họ tin chắc ông "đã bị bắt cóc đưa về
Việt Nam".
VIDEO
: Vụ Y Quynh Bđăp: Phép thử cho ông Tô Lâm và tân Thủ tướng Thái Lan
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ckg7npy4ex6o
"Chính
phủ Việt Nam nên hủy bỏ bản án có động cơ chính trị đối với nhà hoạt động dân
chủ Đường Văn Thái và trả tự do cho ông ngay lập tức," HRW tuyên bố trong
một thông cáo gửi đi hôm 30/10.
"Ông
Đường Văn Thái đã trốn khỏi Việt Nam vì sợ bị chính quyền đàn áp," bà
Patricia Gossman, Phó Giám đốc khu vực châu Á của HRW, cho biết.
"Các
chính phủ nên công nhận vụ bắt cóc và phiên tòa xét xử nhà hoạt động dân chủ
này chỉ là ví dụ mới nhất về việc chính quyền Việt Nam coi thường luật pháp quốc
tế và quyền của công dân."
Ông
Đường Văn Thái bị xét xử trong một phiên tòa kín kéo dài vài giờ, cùng với một
số bị cáo khác được cho là nhân viên nhà nước đã cung cấp thông tin cho ông.
Ông
Đường Văn Thái đã có nhiều năm hoạt động tại Việt Nam và tham gia các cuộc biểu
tình liên quan đến môi trường.
Truyền
thông Việt Nam cáo buộc ông có liên quan đến các nhóm "phản động" bị
cấm, bao gồm Hội Anh em Dân chủ và Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.
Từ
tháng 2/2019 đến khi "bị bắt cóc" vào tháng 4/2023, ông Đường Văn
Thái đã đăng lên Facebook và YouTube các bài viết và video về tình hình chính
trị ở Việt Nam.
Theo
HRW, vụ bắt giữ ông Đường Văn Thái xảy ra trong một cuộc đàn áp các nhà hoạt động
ủng hộ dân chủ dưới thời bộ trưởng Công an lúc bấy giờ là Tô Lâm, người đã trở
thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2024.
Lực
lượng an ninh dưới quyền của ông Lâm bị tình nghi liên quan đến các vụ việc
khác ở ngoài biên giới Việt Nam, bao gồm vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu
quan chức bị cáo buộc tham nhũng, ở Berlin (Đức) vào tháng 7/2017 và vụ bắt cóc
nhà báo Trương Duy Nhất ở Bangkok
vào tháng 1/2019. Tuy nhiên,
chính phủ Việt Nam luôn phủ nhận việc bắt cóc, thay vào đó
nói rằng những người này về nước đầu thú.
Cả
ông Thanh và ông Nhất đều đang chịu các án tù dài hạn.
"Một
đội bắt cóc của chính quyền Việt Nam đã bắt cóc Đường Văn Thái trên đường phố
Thái Lan vào ban ngày, ép ông ta lên xe trong khi các nhân chứng người Thái Lan
kinh hoàng chứng kiến, rồi lôi ông ta qua Lào trở về Việt Nam một cách bất hợp
pháp. Đây là một trường hợp rõ ràng về hoạt động đàn áp xuyên quốc gia, rất giống
với vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh của Việt Nam tại Berlin năm 2017, vụ việc bị
lên án rộng rãi ở Đức và khắp châu Âu," ông Phil Robertson, Giám đốc Tổ chức
Bảo vệ Nhân quyền và Lao động châu Á (AHRLA), phát biểu trước khi phiên tòa diễn
ra.
Ông
Phil Robertson khẳng định rằng ông Đường Văn Thái là "người tị nạn, không
phải tội phạm" và rằng "chính quyền Việt Nam đã bất chấp mọi khía cạnh
của luật nhân quyền quốc tế, bao gồm cả luật bảo vệ người tị nạn khỏi bị trục
xuất, bằng cách bắt cóc ông ta từ Thái Lan. Chính quyền Việt Nam cũng đã trắng
trợn vi phạm chủ quyền của Thái Lan bằng cách tiến hành một âm mưu bí mật như vậy
trên đất Thái Lan."
Theo
ông Robertson, vụ việc ông Đường Văn Thái chỉ ra rằng ông là nạn nhân của chính
sách tư duy của Hà Nội rằng "quyền lực tạo nên lẽ phải" và "họ
có thể làm bất cứ điều gì họ muốn đối với người dân Việt Nam, bất kể họ ở đâu
trên thế giới và bất kể địa vị hay quốc tịch của họ là gì".
Ông
Phil Robertson kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối sự đàn áp của chính
phủ Việt Nam đối với những người bất đồng chính kiến ở nước ngoài bằng
cách điều tra và trừng phạt những người chịu trách nhiệm cho sự đàn áp xuyên quốc
gia.
Bản
án 12 năm tù dành cho ông Đường Văn Thái "đã làm trầm trọng thêm các vi phạm
của Hà Nội", theo ông Phil Robertson.
Tổ
chức Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) hôm 30/10 cũng lên án mức án 12 năm tù đối với
ông Đường Văn Thái, cho rằng bản án này “rõ ràng là vi phạm quyền tự do ngôn luận”.
“Việc
bịt miệng những người viết vì bất đồng chính kiến ôn hòa là vi phạm các tiêu
chuẩn quốc tế," tổ chức này viết trên mạng xã hội X, và kêu gọi chính quyền
Việt Nam “hủy bỏ bản án khắc nghiệt này và trả tự do cho ông Thái".
Phiên
tòa xét xử ông Đường Văn Thái diễn ra ở Việt Nam trong thời gian tòa án Thái
Lan đang thụ lý vụ án của ông Y Quynh Bđăp,
một nhà hoạt động khác cũng đang tị nạn tại Thái Lan và đang chờ định cư ở
Canada.
Chính
quyền Thái Lan đã thừa nhận bắt giữ ông Bđăp hôm 11/6 theo yêu cầu của chính phủ
Việt Nam.
Ông
Bđăp đang trong thời gian kháng cáo, trong khi chính phủ Việt Nam
đã khẳng định ông sẽ bị dẫn độ về nước - điều mà các tổ chức quốc
tế lên án, cho rằng ông Bđăp sẽ đối mặt với án tù dài hạn, tra tấn và nhục
hình, thậm chí là cái chết, nếu ông bị trục xuất về Việt Nam.
'Không
còn an toàn'
VIDEO
: Vụ Y Quynh Bđăp: Thái Lan còn an toàn cho người tị nạn?
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ckg7npy4ex6o
Nhiều
nhà hoạt động như ông Đường Văn Thái, Y Quynh Bđăp, không chỉ ở Việt Nam mà ở
các nước Đông Nam Á khác, nhiều năm qua đã chọn Thái Lan làm nơi trú ẩn.
Tuy
nhiên, những năm gần đây, Thái Lan dường
như không còn an toàn cho người tị nạn nữa khi chính phủ nước này
bắt tay với chính phủ các nước khác để trục xuất những người bất đồng chính kiến.
Báo
cáo của HRW 'Chúng tôi tưởng rằng chúng tôi an toàn': Đàn áp và trục xuất
người tị nạn ở Thái Lan cho thấy những vụ chính quyền Thái Lan bắt tay
với các chính phủ khác để bắt và trục xuất người ngày càng thường xuyên hơn sau
cuộc đảo chính quân sự vào tháng 5/2014 tại Thái Lan.
Dưới
thời chính quyền quân sự của Thủ tướng Prayut Chan-ocha và Phó Thủ tướng Prawit
Wongsuwon, đều là tướng quân đội, đã có sự gia tăng rõ rệt trong hoạt động đàn
áp nhằm vào công dân nước ngoài tìm kiếm sự bảo vệ tị nạn tại Thái Lan, cũng
như đối với công dân Thái Lan đang sống lưu vong tại các nước láng giềng là
Lào, Campuchia và Việt Nam.
Mặc
dù chính phủ Thái Lan cung cấp hỗ trợ và viện trợ nhân đạo cho những người tị nạn,
nhưng những người này không được công nhận hợp pháp là người tị nạn, họ dễ bị cảnh
sát bắt và giam giữ, bị mất tích cưỡng bức, dẫn độ và bị trục xuất, bất chấp việc
họ có được UNHCR cấp quy chế tị nạn hay không.
Kể
từ năm 2014, hơn 150 người tị nạn ở Thái Lan đã trở thành nạn nhân của sự đàn
áp xuyên quốc gia, theo số liệu của Freedom House.
Chính
phủ Thái Lan đã trục xuất nhiều người Duy Ngô Nhĩ, Campuchia, Lào, Việt Nam về
quê hương của họ.
Bà
Nadthasiri Bergman, luật sư của ông Y Quynh Bđăp, nói với BBC:
"Nếu
bạn nhìn lại lịch sử, có rất nhiều nhà hoạt động đã nhận được quy chế tị nạn và
đang chờ tái định cư ở Thái Lan, đã biến mất khỏi Thái Lan và sau đó xuất hiện ở
nước họ với các án tù."
"Vụ
việc ông Y Quynh Bđăp mới xảy ra gần đây, nhưng chúng ta có thể thấy chính trị ở
Thái Lan đã biến động trong vài năm qua hoặc kể từ cuộc đảo chính gần đây nhất.
Và chúng ta thấy các nhà hoạt động chính trị cũng phải chạy trốn khỏi Thái
Lan."
"Tình
hình đang trở nên tồi tệ hơn. Thái Lan không còn an toàn như trước nữa."
------------------------------
Tin
liên quan
·
Vụ Y Quynh Bđăp:
Phép thử cho ông Tô Lâm và Tân thủ tướng Thái Lan?
11
tháng 10 năm 2024
·
Vì sao phiên tòa ở
Bangkok xét xử vụ dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam đông nghịt người?
30
tháng 9 năm 2024
·
Quốc tế kêu gọi
Thái Lan không dẫn độ ông Y Quynh Bđăp về Việt Nam
4
tháng 7 năm 2024
·
Quốc tế kêu gọi
Thái Lan không dẫn độ ông Y Quynh Bđăp về Việt Nam
4
tháng 7 năm 2024
·
Vụ Y Quynh Bđăp:
Thái Lan còn an toàn cho người tị nạn?
12
tháng 10 năm 2024
No comments:
Post a Comment