Thursday, 31 October 2024

TEMU CỦA TRUNG QUỐC ‘ĐỔ BỘ’, HÀNG VIỆT NAM THẢM BẠI TRÊN SÂN NHÀ (Minh Hải / Saigon Nhỏ)

 



Temu của Trung Quốc ‘đổ bộ,’ hàng Việt Nam thảm bại trên sân nhà

Minh Hải  -  Saigon Nhỏ

30 tháng 10, 2024

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/temu-cua-trung-quoc-do-bo-hang-viet-nam-tham-bai-tren-san-nha/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/10/Hang-TEMU-tai-VN-Tuoitre-1024x644.jpg

TEMU bán hàng tại Việt Nam khi chưa có giấy phép. (Hình: Tuoitre)

 

Hoạt động khi chưa được cấp phép, trang bán hàng điện tử Temu của Trung Quốc đã khiến cho hàng hóa Việt Nam đối mặt với thảm bại nặng hơn trên sân nhà. Trong khi đó, cơ quan chức năng chưa tìm ra giải pháp ứng phó.

 

Temu là nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới (gọi cho dễ hiểu, đây là một sàn thương mại điện tử), thuộc tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử PDD Holdings của Trung Quốc. Với chính sách “mua sắm như một tỷ phú” bằng việc giảm giá “sập sàn” từ mấy chục phần trăm cho đến 90 % các mặt hàng cùng với chương trình markeing tặng thưởng hoa hồng 30 % cộng thêm 150,000 VNĐ cho người giới thiệu thành công một tài khoản đăng ký trên điện thoại. Thậm chí Temu còn tạo ra chương trình “người có sức ảnh hưởng” với phần thưởng cả chục triệu đồng nhằm thu hút người tham gia và giới thiệu người đăng ký.

Vì vậy, dù chưa đủ điều kiện để hoạt động tại Việt Nam nhưng Temu vẫn cho ra mắt website phiên bản tiếng Việt, tạo một làn sóng chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội nhưng Facebook, TikTok, Youtube… thu hút người tiêu dùng đi mua sắm, săn hàng giá rẻ, săn người đăng ký Temu, phút chốc “gây bão” tại thị trường Việt Nam trong gần hai qua.

 

Hàng Việt điêu đứng

 

Trên khắp các nẻo đường, đại lý hay khu chợ tại Việt Nam, đâu đâu cũng nghe người dân bán tán sôi nổi chuyện đặt mua hàng hóa giá rẻ trên nền tảng bán lẻ trực tuyến Temu.

Chị Hương sinh sống ở Quận 1, Sài Gòn không ngần ngại khoe với tôi rằng, chị vừa mua được một bộ bát trộn bằng thép không gỉ (4 cái ) trên app Temu với giá khoảng 110,000 VNĐ, thấp hơn 68% so với giá của thị trường là (hơn 420,000 VNĐ.

 

Anh Tuấn ở Hà Nội hào hứng khoe mới tậu được đôi giày thể thao lưới cổ thấp trên áp Temu với giá 120,000 VNĐ, trong khi giá ngoài thị trường hơn 750,000 VNĐ.

 

Cách thức mua hàng trên Temu rất đơn giản, người tiêu dùng Việt Nam chỉ cần vào app được cài đặt trước trên điện thoại thông minh rồi chọn mặt hàng cần mua, tiếp đến kích tay vào vòng quay giảm giá, thấy giá cả sản phẩm ưng ý thì đặt lệnh đồng ý mua cùng với hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc Apple/ Google Pay và sau cùng là chờ ngày nhận sản phẩm.

 

Trước “cơn bão” giá rẻ trên sàn Temu, nhiều chủ cửa hàng nhỏ lẻ kinh doanh đồ nội thất điện dân dụng ở chợ Cồn –Đà Nẵng, trong đó có chị Kiều kinh ngạc. Chị Kiều ví dụ, cùng sản phẩm nồi cơm điện Trung Quốc chị nhập về với giá 220,000 VNĐ, để giá bán là 300,000 VNĐ, nhưng trên Temu rao bán với giá chỉ từ 150,000-180,000 VNĐ.

 

Với việc giảm giá “sập sàn” các sản phẩm trải dài từ đồ gia dụng, trang trí nội thất, thiết bị công nghệ, thời trang mỹ phẩm… và đẩy mạnh marketing trong đó có Affiliate Marketing (tiếp thị liên kết) để mở rộng mạng lưới người tiêu dùng, Temu đánh mạnh vào tâm lý chuộng “giá rẻ” của người tiêu dùng, nhanh chóng khiến cho các đại lý phân phối, các sạp hàng hóa Việt Nam điêu đứng khi vắng hẳn khách hàng mua sắm.

 

Ship hàng thần tốc, miễn phí

 

Trước khi Temu đổ bộ vào Việt Nam, sàn thương mại điện tử Việt Nam lâu nay quen thuộc với những cái tên như: Shopee, Lazada, Sendo, Tiktok Shop, Tiki, Taobao… đặc biệt là Shopee (Singapore) và TikTok Shop (Trung Quốc) trong một hai năm trở lại đây, gần như chiếm đến 90% thị phần tổng giá trị giao dịch hàng hóa tại thị trường Việt Nam.

 

Các sàn thương mại điện tử đã giúp cho hàng hóa giá rẻ của những doanh nghiệp Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, tạo cuộc cạnh tranh khốc liệt khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ-vừa và nhà sản xuất Việt Nam thảm bại trên sân nhà.

 

Không chỉ hàng hóa giá rẻ, các doanh nghiệp Trung Quốc còn cơ sở hạ tầng logistic (khâu trung gian vận chuyển hàng hóa) hiện đại và mạnh mẽ. Tại các cửa khẩu biên giới thông thương với Việt Nam như: Đông Hưng, Ái Điểm, Bình Nhi, Kim Thủy Hà… các doanh nghiệp Trung Quốc cho xây dựng đầy rẫy những kho, bãi để dự trữ và vận chuyển hàng hóa. Chỉ cần người tiêu dùng Việt Nam đặt lệnh mua hàng từ các sàn thương mại điện tử thì lập tức hàng hóa Trung Quốc chuẩn bị sẵn từ trước nhanh chóng nhập cảnh vào Việt Nam, ship thần tốc đến tay người tiêu dùng với thời gian ngắn nhất và chi phí ship khá rẻ thậm chí là 0 đồng.

 

Một người ở Đồng Nai đặt mua một đơn hàng giày dép ở Trung Quốc trị giá dưới một triệu đồng, thời gian vận chuyển khoảng 3-5 ngày là tới tay người đặt mua và phí ship khoảng 50,000 VNĐ hoặc miễn phí 0 đồng. Trong khi đó, cũng người mua hàng ở Đồng Nai và đặt đơn hàng giày dép Việt Nam tại Đà Nẵng cũng trị giá dưới một triệu đồng, thời gian vận chuyển nhiều khi cũng mất khoảng 3-5 ngày mới tới tay người đặt mua và phí ship khoảng 80,000 VNĐ.

 

Nguyên do, ngoài sự lạc hậu và thiếu tính khoa học ở khâu logistics của các doanh nghiệp Việt Nam thì các doanh nghiệp Trung Quốc đã tận dụng triệt để cơ hội lách luật Việt Nam. Chính phủ Việt Nam quy định mức giá trị hàng hóa nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế. Cụ thể, hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ vận chuyển phát nhanh có giá từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng khi nhập khẩu vào Việt Nam.

 

Theo số liệu của Tổng Công Ty Cổ Phần Bưu Chính Viễn Thông, tại thời điểm Tháng Ba năm 2023, trung bình một ngày có khoảng 5 triệu đơn hàng được các doanh nghiệp Trung Quốc chia nhỏ giá trị dưới 1 triệu để luân chuyển qua các sàn Shopee, Laxada, Tiki, TikTok Shop… nhập cảnh vào Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam, với một đơn hàng dù có giá trị dưới 1 triệu đồng vẫn phải chịu đầy đủ các loại thuế phí.

 

Trở lại câu chuyện của sàn thương mại điện tử Temu, ngoài nguồn hàng khổng lồ giá rẻ, Temu hiện đang tận dụng hai doanh nghiệp tham gia vận chuyển hàng nhanh uy tín và lớn bậc nhất Trung Quốc là Best Express và Ninja Van, thể hiện tính năng vượt trội hơn các sàn thương mại điện tử khác bằng việc bỏ qua khâu trung gian. Temu giúp người tiêu dùng ở bất cứ nơi nào cũng có thể đặt mua hàng trực tiếp với nhà sản xuất Trung Quốc để có giá rẻ nhất và thời gian vận chuyển hàng đến tay người tiêu dùng ngắn, phí ship rẻ hoặc miễn phí.

Như vậy hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ-vừa và nhà sản xuất Việt Nam vốn đã thảm bại trên sân nhà, nay với sự đổ bộ của Temu thì càng khiến thảm bại nặng hơn. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng phụ thuộc sâu hơn vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

 

Lúng túng tìm giải pháp ứng phó

 

Sàn thương mại điện tử Temu ra mắt đầu tiên tại Hoa Kỳ vào Tháng Chín, 2022 và hiện đang bán hàng trực tiếp đến 82 quốc gia, vùng lãnh thổ. Dù sinh sau đẻ muộn so với các sàn thương mại điện từ khác nhưng chỉ mới hai năm vỏn vẹn, Temu đang cho thấy bản thân là một đối thủ đáng gờm.

Nơi nào Temu xuất hiện là nơi ấy bị “bão giá,” nhà chức trách của quốc gia đó đứng ngồi không yên, tìm cách bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ-vừa.

 

Tại Indonesia, trong Tháng Mười 2024, bộ trưởng Truyền Thông Budi Arie Setiadi yêu cầu Alphabet và Apple chặn app Temu, nhằm ngăn chặn người dùng tải xuống. Tại Thái Lan, Tháng Bảy 2024, tức khoảng một tháng sau khi Temu “đổ bộ,” nhà chức trách tức tốc áp thuế VAT 7% đối với tất cả gói hàng nhập khẩu có giá trị dưới 1,500 baht, trước đó không áp dụng với những gói hàng này. Hoặc tại Đức, vào Tháng Chín mới đây, Đảng Dân Chủ Xã Hội đang cầm quyền kêu gọi mở rộng mạnh mẽ các hoạt động kiểm soát hải quan và xóa bỏ giới hạn miễn thuế 150 euro bởi quy định này đang giúp Temu hoặc Shein bán hàng với giá thấp hơn đối thủ và tránh được việc kiểm tra hải quan, đe dọa nghiêm trọng nền kinh tế địa phương.

 

Tại Việt Nam, vào ngày 24 tháng 10 vừa qua, trả lời truyền thông nhà nước trước sự xuất hiện của Temu, Thứ Trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định Temu chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, và cho biết bản thân cũng giật mình bởi giá hàng hóa bán trên Temu quá rẻ. Ông cho rằng “phải điều tra, nghiên cứu cụ thể vì chưa thể khẳng định giá đó thật hay không? Trước hết phải tôn trọng việc mua bán là thỏa thuận trên thị trường, rồi sau đó có thể tính tới việc tạo hành lang về quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước.”

 

Một vài chuyên gia kinh tế Việt Nam cho rằng, các sàn thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Temu, Taobao, Shein đổ bộ vào thị trường Việt Nam giúp người tiêu dùng Việt Nam có nhiều lựa chọn về giá cả, sản phẩm, nhưng đặt ra thách thức không nhỏ cho các nhà sản xuất và doanh nghiệp vừa-nhỏ của Việt Nam như: nguy cơ phá sản hàng loạt, người lao động Việt mất việc làm, hệ thống ngân hàng không còn nguồn vốn vay từ các doanh nghiệp trong nước, phát sinh tệ nạn xã hội và bất ổn an ninh trật tự.

 

Nếu bây giờ Chính Phủ Việt Nam áp dụng đánh thuế VAT với những đơn hàng hóa từ Trung Quốc có trị giá dưới một triệu đồng thì hàng hóa Việt Nam cũng chưa chắc cạnh tranh nổi, mà quyền lợi người tiêu dùng lại bị ảnh hưởng.





No comments:

Post a Comment

View My Stats