Tuesday, 29 October 2024

VIỆT NAM VÀ CÁC ĐỐI TÁC QUÂN SỰ CỦA TRIỀU TIÊN TRÊN TOÀN CẦU (BBC News Tiếng Việt)

 



Việt Nam và các đối tác quân sự của Triều Tiên trên toàn cầu

BBC News Tiếng Việt

28 tháng 10 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c62llp6lr0vo

 

Triều Tiên bị cáo buộc đã gửi hàng ngàn lính sang Nga mà có thể là để tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine. Nếu điều đó đúng sự thật, đây là lần đầu mà quốc gia bị cô lập này triển khai quân quy mô lớn ở nước ngoài kể từ Chiến tranh Việt Nam.

 

Dưới đây là những quốc gia mà Bình Nhưỡng từng hợp tác quân sự.

 

 

Việt Nam

 

Triều Tiên đã điều hơn 1.000 binh sĩ sang Bắc Việt trong giai đoạn 1966-1972, bao gồm hàng trăm phi công lái máy bay MiG-17, theo một cuốn sách xuất bản năm 2017 của Viện Lịch sử Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.

 

Theo báo Công an Nhân dân (Việt Nam), lực lượng không quân Triều Tiên đã bắn hạ ít nhất 26 máy bay Mỹ và mất 14 quân nhân của mình từ năm 1967 đến năm 1969.

 

Cuốn sách của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết một nhóm chuyên gia tâm lý chiến của Triều Tiên đã hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền và bắt cóc của Bắc Việt nhằm vào quân đội Hàn Quốc ở miền Nam Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng chục du kích Bắc Việt đã được đào tạo ở Triều Tiên.

 

Nhưng mối quan hệ đã nguội lạnh từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa với phương Tây, tiến hành cải cách chính trị và kinh tế vào cuối những năm 1980 và thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc vào năm 1992.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/5f64/live/c516fe80-94d8-11ef-8e6d-e3e64e16c628.jpg.webp

Các sĩ quan và thủy thủ đoàn tàu USS Pueblo của Hải quân Mỹ bị lính Triều Tiên bắt giữ trong Chiến tranh Việt Nam

 

 

Ai Cập

 

Theo ông Niu Song - giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, trong Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, Triều Tiên đã cử một nhóm gồm khoảng 1.500 cố vấn quân sự và khoảng 40 quân nhân không quân tới Ai Cập theo một hiệp ước hỗ trợ quân sự giữa cố lãnh tụ Kim Nhật Thành và cố Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak.

 

Yom Kippur là một cuộc chiến tranh ngắn giữa một bên là Israel và một bên là Ai Cập cùng một số đồng minh Ả Rập vào năm 1973.

 

 

Libya

 

Triều Tiên đã thúc đẩy trao đổi quân sự với Libya dưới thời Muammar Gaddafi, ký kết một hiệp ước liên minh 10 năm vào năm 1982, cam kết hỗ trợ quân sự nếu một bên bị tấn công và bị một quốc gia thứ ba đe dọa.

 

Một tài liệu mật năm 1982 của CIA cho biết Bình Nhưỡng có thể đang tìm cách biến Libya thành một "nhà kho ở nước ngoài" cho quân đội của mình. Tài liệu này đã trích dẫn các báo cáo trước đây về các phi công Triều Tiên và quá trình huấn luyện với máy bay MiG-23 tại Libya.

 

Tài liệu này cũng cho rằng Triều Tiên đem quân tới Libya là để đặt nền móng trong việc có được vũ khí hạt nhân.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/6b2e/live/24d740d0-94db-11ef-89ae-5575c76d98e6.jpg.webp

Cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi

 

 

Syria

 

Syria là một người bạn lâu năm của Triều Tiên, hợp tác với nhau trong lĩnh vực tên lửa và vũ khí hóa học. Triều Tiên cũng xây dựng một lò phản ứng plutonium nhưng đã bị một cuộc tấn công của Israel vào năm 2007 phá hủy.

 

Năm 2013, truyền thông Israel cho biết một số phi công trực thăng và sĩ quan pháo binh Triều Tiên đang hoạt động tại Syria, mặc dù hãng thông tấn nhà nước của Bình Nhưỡng phủ nhận việc cung cấp viện trợ quân sự.

 

Năm 2016, hãng thông tấn nhà nước TASS của Nga đưa tin hai đơn vị quân sự của Triều Tiên đang chiến đấu trong cuộc nội chiến Syria, sát cánh cùng quân của Tổng thống Bashar al-Assad.

 

 

Iran

 

Cùng chịu lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, Triều Tiên và Iran đều bị nghi ngờ hợp tác trong các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, trao đổi chuyên môn kỹ thuật và linh kiện.

 

Năm 2015 - một nhóm đối lập Iran lưu vong, nhóm đã tiết lộ cơ sở hạt nhân Natanz của nước này vào năm 2002 - cho biết một phái đoàn gồm bảy chuyên gia hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên đã thăm một địa điểm quân sự gần thủ đô Tehran. Đó là cuộc trao đổi quân sự lần thứ ba giữa hai nước trong năm 2015.

 

Các giám sát viên của Liên Hiệp Quốc vào năm 2021 tiết lộ rằng hai quốc gia này đã nối lại hợp tác để phát triển tên lửa tầm xa, chuyển giao các bộ phận quan trọng.

 

Triều Tiên cũng bị cáo buộc cung cấp vũ khí cho các lực lượng ủy nhiệm của Iran, bao gồm Hamas.

 

Lính Hamas được nhìn thấy đã sử dụng súng phóng lựu của Triều Tiên để tấn công Israel vào năm 2023. Bình Nhưỡng phủ nhận điều này.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/3462/live/e3ddcff0-94de-11ef-9504-b516e8b5f45f.jpg.webp

Lính Iran, Triều Tiên, Nga và Trung Quốc chụp hình tại sự kiện tưởng nhớ cố Lãnh tụ Kim Jong-il tại Bình Nhưỡng vào năm 2019

 

 

Châu Phi

 

Triều Tiên đã có mối quan hệ lâu dài với các chế độ độc tài ở Zimbabwe, Uganda và những nơi khác ở châu Phi kể từ thời Chiến tranh Lạnh, tham gia vào việc bán vũ khí và huấn luyện quân sự.

 

Năm 2011, một nghị sĩ Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã có hơn 100 vòng đàm phán bán vũ khí trong giai đoạn 1999-2008 với các quốc gia như Angola, Congo, Libya, Tanzania và Uganda. Người này trích dẫn tài liệu mật của chính phủ.

 

Các giao dịch này nhằm bán vũ khí cũ, rẻ ở châu Phi để lấy đô la và mua vũ khí, phụ tùng tối tân hơn của Nga, theo Viện Chiến lược An ninh Quốc gia của cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc.

 

Nhưng mối quan hệ của Triều Tiên với nhiều đối tác châu Phi đã suy yếu trong thập kỷ qua kể từ khi phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

 

Botswana cắt đứt quan hệ ngoại giao với Triều Tiên vào năm 2015, Uganda và Ethiopia ngừng trao đổi an ninh với nước này vào năm 2016.

 

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats