Tuesday, 29 October 2024

BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN : THẤT BẠI CỦA ĐẢNG PLD VÀ CÁ NHÂN TÂN THỦ TƯỚNG ISHIBA (Anh Vũ / RFI)

 



Bầu cử Hạ Viện Nhật Bản: Thất bại của đảng PLD và cá nhân tân thủ tướng Ishiba

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 28/10/2024 - 14:02  -  Sửa đổi ngày: 29/10/2024 - 10:16

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20241028-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-h%E1%BA%A1-vi%E1%BB%87n-nh%E1%BA%ADt-b%E1%BA%A3n-th%E1%BA%A5t-b%E1%BA%A1i-c%E1%BB%A7a-%C4%91%E1%BA%A3ng-pld-v%C3%A0-c%E1%BB%A7a-c%C3%A1-nh%C3%A2n-t%C3%A2n-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-ishiba

 

Lên nắm quyền chưa đầy một tháng, thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba lâm vào hoàn cảnh chính trị hết sức khó khăn do liên minh của đảng cầm quyền Dân Chủ Tự Do lần đầu tiên kể từ 15 năm nay không giành được đa số tại Hạ Viện trong cuộc bầu cử trước thời hạn hôm 27/10, cuộc bầu cử do ông yêu cầu khi vừa nhậm chức, với hy vọng củng cố quyền lực, cải thiện uy tín của đảng Dân Chủ Tự Do.

 

HÌNH :

Thủ tướng Nhật Bản, lãnh đạo đảng Dân Chủ Tự Do (LDP) Shigeru Ishiba phát biểu tại trụ sở đảng LDP ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 28/10/2024. REUTERS - Kim Kyung-Hoon

 

Vị thế của đảng cầm quyền và cá nhân thủ tướng trở nên bất trắc hơn. Theo kết quả kiểm phiếu chưa đầy đủ, đảng PLD và đồng minh Komeito, một đảng nhỏ, thậm chí không chắc đạt được một nửa trong tổng số 465 dân biểu của Hạ Viện.

 

Trước khi diễn ra cuộc bầu cử, truyền thông tại Nhật Bản đã cảnh báo về khả năng thất bại này và vẽ ra viễn cảnh ông Ishiba sẽ phải từ chức.

 

Quyết tâm ở lại, như đã tuyên bố sáng nay, ông Shigeru Ishiba sẽ phải, hoặc lãnh đạo chính phủ thiểu số với một Hạ Viện mà không đảng nào nắm đa số, hoặc tìm cách mở rộng liên minh cầm quyền với các đảng khác, điều không hề dễ dàng khi đảng đối lập chính cũng đang nỗ lực lôi kéo liên minh.

 

Có điều thủ tướng Ishiba sẽ bị suy yếu ngay trong nội bộ đảng, do nhiều lãnh đạo thuộc phe của cựu thủ tướng Shinzo Abe « đã bị ông Ishiba xử tệ có thể nắm cơ hội này để phục thù », như nhận định của Yu Uchiyama, giáo sư khoa học chính trị thuộc đại học Tokyo.

 

Cũng trong nội bộ đảng PLD, ông Shigeru Ishiba từ lâu nay vẫn bị coi là người ngoài cuộc. Ông đã từng  chỉ trích gay gắt cựu thủ tướng Shinzo Abe, một nhân vật nổi bật của cánh hữu Nhật, nắm quyền từ 2012 đến 2020 và bị ám sát năm 2022. Chính vai trò « đối lập nội bộ » này đã khiến ông trở nên nổi tiếng.

 

Nhưng theo Yosuke Sunahara, giáo sư hành chính công tại đại học Kobe, được AFP trích dẫn: « Không giống như ông Abe, được biết đến với quan điểm cứng rắn trong ngoại giao và chương trình cải cách kinh tế, ông Ishiba khó tạo được sự khác biệt so với các đảng khác. »

Nhà nghiên cứu khoa học chính trị Gearoid Reidy phân tích trên báo Pháp La Croix: Khi lên cầm quyền đầu tháng này, « Ishiba được cho là sẽ tận dụng sự nổi tiếng của ông với dư luận với hy vọng vực dậy đảng Dân Chủ Tự Do mà uy tín đang suy sụp liên tục trong nhiều tháng, nhưng tất cả đã diễn ra ngược lại trong cuộc bầu cử hôm Chủ nhật với thất bại chính trị cay đắng nhất của PLD kể từ khi  được thành lập năm 1955 ».

 

Một số nhà quan sát cho rằng ông Ishiba và đảng PLD bị cử tri trừng phạt vì những yếu kém, như không giải quyết được tình trạng lạm phát làm vật giá leo thang. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính đó là vụ bê bối « quỹ đen » đã gây chấn động trong đảng này từ hơn một năm, từng khiến người tiền nhiệm Fumio Kishida phải rút lui hồi tháng trước. Đảng đối lập đã khai thác thành công điểm yếu này của PLD.

 

Tomoaki Iwai, giáo sư tại đại học Nihon, người đã nghiên cứu về tài chính đảng trong 45 năm ở Nhật Bản, giải thích : « Hệ thống quỹ đen, được tổ chức hoàn hảo trong PLD trong nhiều thập kỷ, đã bị phanh phui vào năm ngoái. Vụ bê bối này đã làm rung chuyển sâu sắc đảng và làm nẩy sinh nhiều phe phái trong nội bộ, nhưng PLD vẫn chưa đưa ra một cải cách dù là nhỏ nhất để chấm dứt những vi phạm này. » Và đảng này đã phải trả giá đắt với thất bại lịch sử hôm qua.

 

Ông Shigeru Ishiba, 67 tuổi, cầm quyền được 27 ngày, thừa nhận sự « hoài nghi » và « phẫn nộ » của cử tri, nhưng loại trừ khả năng từ chức để tránh « khoảng trống chính trị ».

 

Giờ đây, ông có 30 ngày để thành lập chính phủ mới, đồng thời phải chạy đua với thời gian để thương lượng với các đảng nhỏ, nếu ông không muốn trở thành vị thủ tướng có thời gian tại vị ngắn ngủi nhất trong lịch sử chính trường Nhật Bản từ sau Đệ Nhị Thế Chiến.

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

 

NHẬT BẢN - CHÍNH TRỊ

Nhật Bản : Thủ tướng Fumio Kishida thông báo tháng 9 từ chức

 

NHẬT BẢN - CHÍNH TRỊ

Nhật Bản: Cựu bộ trưởng Quốc Phòng Shigeru Ishiba đắc cử chủ tịch đảng cầm quyền

 

NHẬT BẢN - BẦU CỬ HẠ VIỆN

Nhật Bản: Đảng cầm quyền mất đa số tại Hạ Viện, thủ tướng Ishiba không định từ chức

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats