Wednesday, 30 October 2024

BÁO ĐỘNG CỦA LIÊN MINH BẢO TỒN THIÊN NHIÊN IUCN : 38% LOÀI CÂY CÓ NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG (Thùy Dương / RFI)

 



Báo động của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên IUCN: 38% loài cây có nguy cơ tuyệt chủng

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 29/10/2024 - 13:19

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20241029-b%C3%A1o-%C4%91%E1%BB%99ng-c%E1%BB%A7a-li%C3%AAn-minh-b%E1%BA%A3o-t%E1%BB%93n-thi%C3%AAn-nhi%C3%AAn-iucn-38-lo%C3%A0i-c%C3%A2y-c%C3%B3-nguy-c%C6%A1-tuy%E1%BB%87t-ch%E1%BB%A7ng

 

Nhân hội nghị của Liên Hiệp Quốc về Đa dạng sinh học lần thứ 16 (COP16) diễn ra tại Cali, Colombia, Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) hôm thứ Hai 28/10/2024 công bố danh sách đỏ về các loài cây bị đe dọa - bản mới được cập nhật, báo động là có đến 38%, trong tổng số 64.000 loài cây được thống kê, đang có nguy cơ tuyệt chủng.

 

HÌNH :

Các cộng đồng thổ dân và người Colombia gốc châu Phi tuần hành kêu gọi chặn đứng đà tuyệt chủng sinh giới, bên lề Hội nghị COP16 tại Cali, Colombia, ngày 22/10/2024. REUTERS - Luisa Gonzalez

 

Theo AFP, « Đánh giá cây cối thế giới » được Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên phối hợp với Hiệp hội Quốc tế Bảo tồn Vườn bách thảo của Anh Quốc (Botanic Gardens Conservation International) thực hiện. Nghiên cứu được tiến hành tại 192 nước, huy động khoảng 100 định chế đối tác và có sự tham gia của 1.000 chuyên gia.

 

Tình trạng ngày càng nhiều loài cây có nguy cơ tuyệt chủng liên quan đến tất cả các nước trên thế giới. Ở Colombia, nơi được ghi nhận là nơi đa dạng nhất thế giới về thực vật, tỉ lệ các loài cây có nguy cơ tuyệt chủng cũng lên đến 45%. Theo Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên, nạn phá rừng để phát triển sản xuất nông nghiệp thâm canh và chăn nuôi, khai thác rừng quá đà, các loài ký sinh trùng, và các loài xâm lấn, cũng như tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra bị xem là những mối đe dọa chính đối với sự sinh tồn của các loài cây.

 

Theo Danh sách đỏ, số loài cây có nguy cơ tuyệt chủng cao gấp đôi tổng số các loài chim, động vật có vú, bò sát và lưỡng cư đang bị đe dọa cộng lại. Điều đáng nói là mỗi khi cây cối biến mất, hàng ngàn loài thực vật, động vật hay nấm sẽ bị suy thoái.

 

Rừng cũng là nơi nhân loại phụ thuộc về nguồn thực phẩm, củi hoặc gỗ phục vụ xây dựng, nguyên liệu chế biến thuốc men. Rừng cũng giúp thanh lọc không khí và điều hòa khí hậu, thông qua việc hấp thu khí carbon gây hiệu ứng nhà kính. IUCN lưu ý : « Là thành phần mang tính quyết định của nhiều hệ sinh thái, cây cối là nền tảng cho sự sống trên Trái đất thông qua vai trò của chúng trong các chu trình carbon, nước và dinh dưỡng, cấu tạo đất và điều hòa khí hậu ».

 

Về giải pháp, theo các chuyên gia, trồng thêm cây khắp nơi là chưa đủ, cần có các chương trình tái trồng rừng gắn liền với việc đa đạng hóa các giống loài và đưa vào trồng các loài cây đang có nguy cơ tuyệt chủng. Le Monde, trích dẫn một nghiên cứu được công bố hồi năm 2023 trên tạp chí trực tuyến Plants, People, Planet (Cây cối, con người và hành tinh), nhấn mạnh là giảm tỉ lệ đất bị chuyển đổi mục đích sử dụng cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để giảm suy thoái đa dạng sinh học.  

 

 

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats