Sunday 8 September 2024

VÌ SAO ĐẢNG CSVN CẦN CÂN BẰNG QUYỀN LỰC GIỮA BỘ CÔNG AN và BỘ QUỐC PHÒNG? (BBC News Tiếng Việt)

 



Vì sao Đảng cần cân bằng quyền lực giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng?

BBC News Tiếng Việt

9 tháng 9 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cm2ng9gkxero

 

Dự kiến vào tháng 10, Quốc hội sẽ bầu chủ tịch nước thay cho ông Tô Lâm. Một số nhà quan sát nhận định chủ tịch nước kế nhiệm sẽ có xuất thân từ quân đội và điều này nhằm cân bằng quyền lực của công an trong bức tranh chính trị hiện tại.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/2b5b/live/0a05ff30-6e57-11ef-b970-9f202720b57a.png.webp

Từ trái qua: Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang

 

Theo Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales (Úc), có tin đồn rằng quân đội muốn đề bạt ứng cử viên của mình vào vị trí chủ tịch nước để cân bằng quyền lực đối với bên công an, nhất là khi những cá nhân đại diện cho quyền lợi của công an ngày càng nắm giữ các chức vụ trọng yếu.

 

Quân đội và công an được Đảng định nghĩa là hai lực lượng vũ trang cách mạng trọng yếu của Đảng và nhà nước. Theo đó, quân đội chuyên chống kẻ địch bên ngoài còn công an chủ yếu chống kẻ địch bên trong.

 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là hai lực lượng, thành phần cơ bản của lực lượng vũ trang nhân dân và là công cụ bạo lực chủ yếu bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.

 

Dù vậy, giữa quân đội và công an cũng có những cạnh tranh về mặt quyền lực vì giữa hai lực lượng này có những nhiệm vụ, chức năng chồng chéo nhau trong xã hội và có sự cạnh tranh về ngân sách, sức ảnh hưởng.

 

 

Quân đội, công an trong hệ thống đảng, nhà nước

 

Xét hệ thống Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Chính trị là cơ quan quyền lực nhất. Trong Bộ Chính trị thì gồm Tứ Trụ là những lãnh đạo đứng đầu, được xếp hạng về quyền lực từ trên xuống là tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội và các chức danh này thường do những cá nhân khác nhau nắm giữ.

 

Bộ Chính trị hiện tại có 15 ủy viên. Trong đó, sáu người có nền tảng từ Bộ Công an và bốn người từ quân đội.

 

Những người có xuất thân từ Bộ Công an gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang.

 

Ba người từ Bộ Quốc phòng gồm: Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Nguyễn Xuân Thắng.

 

Như vậy, có thể thấy những người xuất thân từ công an hiện đang nắm các vị trí quan trọng (hai người chiếm ba vị trí trong Tứ Trụ) và số lượng áp đảo hơn những người từ quân đội.

 

Giáo sư Thayer nhận định với BBC rằng, tuy Bộ Chính trị có nhiều ủy viên mà nền tảng của họ từ Bộ Công an nhưng không nói lên được liệu rằng những người này một lòng đoàn kết, bắt tay nhau dưới sự chỉ đạo của ông Tô Lâm hay không.

 

Thay vào đó, ông Thayer gợi ý rằng Bộ Chính trị gồm các đại diện từ một số phái gồm: nhóm Hưng Yên, nhóm Nghệ An, nhóm Hà Tĩnh, nhóm miền Nam, quân đội và công an.

 

Với mô hình tập thể lãnh đạo nên trong nhiều vấn đề, bao gồm nhân sự, việc ban hành các nghị quyết, quy định thì cần phải có sự thông qua của Ban Chấp hành Trung ương Đảng với 180 ủy viên (chưa tính 20 ủy viên dự khuyết). Điều này cho thấy Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan cực kỳ quyền lực của Đảng.

 

Xét Trung ương Đảng các khóa gần đây 11, 12 và 13, ủy viên đại diện của Bộ Quốc phòng luôn đứng đầu, theo sau là Bộ Công an. Ví dụ, khóa 13, Trung ương Đảng có tới 23 ủy viên từ Bộ Quốc phòng, còn Bộ Công an có sáu người.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/ae57/live/6ec0fb40-6df9-11ef-8c32-f3c2bc7494c6.jpg.webp

So sánh số lượng ủy viên Trung ương Đảng của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an các khóa 11, 12 và 13

 

Lưu ý, con số này là tính những người đang phục vụ trong ngành quân đội và ngành công an vào thời điểm được bầu vào Trung ương Đảng. Nếu tính luôn cả những người có nền tảng từ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nhưng thời điểm được bầu vào Trung ương Đảng họ đã chuyển ngành làm nhiệm vụ khác thì thống kê sẽ có sự thay đổi.

 

Theo cách đếm của BBC, không tính nghĩa vụ quân sự mà chỉ tính những người phục vụ trong Bộ Quốc phòng trên ba năm thì Ban Chấp hành Trung ương Đảng có tới 32 người từ quân đội. Con số này đối với phía công an là 15 người.

 

Ví dụ, năm 2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng được bầu vào Trung ương Đảng khóa 13. Ông Hùng từng mang hàm Thiếu tướng Quân đội Nhân dân và từng tham gia Quân ủy Trung ương.

 

Tương tự, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Nguyễn Quốc Đoàn được bầu là ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 vào năm 2021. Ông từng mang hàm đại tá và giữ chức giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mỗi bộ đều có sáu thứ trưởng.

 

Sáu thứ trưởng Bộ Quốc phòng gồm Nguyễn Tân Cương, Võ Minh Lương, Hoàng Xuân Chiến, Lê Huy Vịnh, Vũ Hải Sản và Phạm Hoài Nam đều nằm trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.

 

Trong khi đó, Bộ Công an chỉ có năm thứ trưởng là Trần Quốc Tỏ, Lương Tam Quang, Nguyễn Duy Ngọc, Lê Quốc Hùng và Lê Tấn Tới được bầu vào Trung ương Đảng khóa 13. Về sau, các ông Lương Tam Quang, Nguyễn Duy Ngọc và Lê Tấn Tới đã nhận nhiệm vụ khác nên bốn thứ trưởng Bộ Công an được bầu mới gồm các ông Lê Văn Tuyến, Nguyễn Văn Long, Phạm Thế Tùng và Nguyễn Ngọc Lâm đều không nằm trong Trung ương Đảng khóa 13.

 

Xét Quốc hội khóa 15, có tới 50/499 đại biểu Quốc hội (chiếm hơn 10%) có xuất thân, nền tảng từ Bộ Quốc phòng còn phía công an là 31 đại biểu (chiếm 6,2%).

 

Một nhà quan sát chính trị Việt Nam giấu tên từng nhận định với BBC rằng, trong cấu trúc quyền lực hành pháp Việt Nam, từ năm 1945 đến nay, Bộ Quốc phòng là bộ quan trọng nhất, rồi đến Bộ Công an, sau đó mới đến Bộ Ngoại giao... Đây cũng là ba bộ được phép có tới sáu thứ trưởng trong khi các bộ còn lại thì không quá năm thứ trưởng, theo quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/a1fe/live/4608eef0-6e59-11ef-8c32-f3c2bc7494c6.png.webp

Tương quan số lượng người từng/đang phục vụ trong Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quốc hội

 

 

Bài toán cho ông Tô Lâm

 

Giáo sư Carl Thayer nhận định với BBC rằng cả quân đội và công an đều có cơ cấu tổ chức trải dài từ trung ương đến cấp địa phương – 58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc trung ương.

 

Ngoài ra, quân đội có một cơ cấu ở cấp khu vực (quân khu), điều này cho phép quân đội gia tăng sức ảnh hưởng của mình trên nhiều tỉnh. Quân đội và công an đều có hệ thống điều tra, tình báo, riêng quân đội còn có tòa án và viện kiểm sát riêng, độc lập và nằm ngoài quyền kiểm soát của Bộ Công an.

 

Giáo sư Thayer nói, cả quân đội và công an có những trách nhiệm, chức năng chồng chéo trong xã hội, vì thế đôi khi tạo ra mâu thuẫn và đụng độ dẫn đến sự cạnh tranh để tranh giành nguồn ngân sách.

 

Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) cũng nhận định với BBC rằng sự kèn cựa giữa hai lực lượng vũ trang một phần là do các bộ thường cạnh tranh nhau về quyền lực và tài nguyên. Đó là bản chất của sự cạnh tranh quan liêu.

 

Nghị quyết về Dự toán ngân sách 2024 được Quốc Hội thông qua vào ngày 10/11/2023 và được công khai trên cổng thông tin Quốc hội vào đầu tháng 12/2023. Theo đó, bộ được phân bổ nhiều tiền nhất là Quốc phòng, với hơn 207.000 tỷ đồng, theo sau là Bộ Công an với hơn 113.000 tỷ đồng từ ngân sách.

 

Theo Giáo sư Abuza, Quân đội Nhân dân vẫn rất hùng mạnh, chiếm tỷ lệ lớn trong Ban Chấp hành Trung ương và những người quan ngại về sự thâu tóm quyền lực nhanh chóng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thường xem quân đội là lực lượng kiểm soát, cân bằng về mặt thể chế để kìm hãm vị đại tướng.

 

"Bộ Công an xem mình là người bảo vệ của chế độ. Quân đội thì nhấn mạnh lịch sử chiến đấu và giành độc lập. Có một số sự chồng chéo trong công việc của các cơ quan này.

 

"Điều nổi bật là mối quan hệ cộng sinh giữa quân đội và đảng. Đây là cánh vũ trang của Đảng Cộng sản Việt Nam, và được kiểm soát thông qua Tổng cục Chính trị và hệ thống chính ủy. Quân đội Nhân dân Việt Nam là nguồn tuyển dụng lớn nhất cho đảng. Đây là một thành trì về mặt tư tưởng.

 

"Chúng ta đã thấy những người đứng đầu Tổng cục Chính trị chuyển sang các vị trí dân sự quan trọng trong bộ máy đảng. Gần đây có cả Đại tướng Lương Cường, Thường trực ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Đảng cần quân đội hơn là quân đội cần đảng," Giáo sư Abuza nói.

 

VIDEO :

BỘ QUỐC PHÒNG VS BỘ CÔNG AN: CÁN CÂN QUYỀN LỰC CHÍNH TRỊ

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cm2ng9gkxero

 

Theo Giáo sư Thayer, nhìn từ góc độ thể chế thuần túy, cả quân đội lẫn công an đều không thể thống trị, lấn lướt và vì thế, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phải tính đến lợi ích của họ để tạo nên sự đồng thuận. Ông là tổng bí thư đầu tiên có xuất thân từ công an và việc cân bằng, tìm kiếm sự ủng hộ giữa các phe phái sẽ là bài toán cho ông Tô Lâm.

 

Theo Điều lệ Đảng, tổng bí thư là bí thư Quân ủy Trung ương nên chức vụ này do ông Tô Lâm nắm giữ, không cần phải bầu hay bổ nhiệm. Đồng thời, với chức danh chủ tịch nước, ông Tô Lâm là người thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh. Trong bối cảnh ông Tô Lâm được cho là vẫn có sức ảnh hưởng lớn đến Bộ Công an, việc kiêm nhiệm sẽ khiến ông trở thành người quyền lực nhất, vừa nắm quân ủy, vừa nắm đảng ủy công an.

 

Ngày 3/8, ông Tô Lâm chính thức được bầu giữ chức tổng bí thư, nhưng Cổng thông tin Điện tử của Bộ Quốc phòng mãi đến ngày 26/8 mới cập nhật hình ảnh ông Tô Lâm làm bí thư Quân ủy, thay cho cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 

Ngày 26/8 cũng là thời điểm Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông báo Quốc hội sẽ bầu chức danh tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2024.

 

Một số ý kiến cho rằng, Cổng thông tin Điện tử Bộ Quốc phòng thay hình ông Tô Lâm ngay sau khi có tin bầu chủ tịch nước vào tháng 10 có thể là việc thương lượng giữa các bên đã ngã ngũ, ông Tô Lâm sẽ không kiêm nhiệm và người của quân đội sẽ có một chân trong Tứ Trụ. Hoặc có thể điều này đơn giản là vì ngày 28/8, ông Tô Lâm có buổi làm việc với Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương với tư cách là bí thư Quân ủy Trung ương nên trang tin này cần cập nhật.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/ffa2/live/f2d61060-6e57-11ef-b970-9f202720b57a.png.webp

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy Trung ương Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương vào ngày 28/8

 

Về cách nhìn nhận của công chúng, quân đội dường như có hình tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân hơn là công an, người ta thường gọi thân tình "chú bộ đội". Bởi lẽ, Quân đội Nhân dân Việt Nam là một tổ chức được tôn kính với lịch sử lẫy lừng trong việc giúp giành lại độc lập cho Việt Nam.

 

Theo Giáo sư Abuza, bên cạnh vai trò lãnh đạo cách mạng, quân đội còn có hệ thống nghĩa vụ quân sự, lực lượng dân quân tự vệ năm triệu người và chương trình học quân sự bắt buộc mà sinh viên phải tham gia, khiến mọi người ở Việt Nam đều có mối liên hệ trực tiếp về mặt nào đó với quân đội.

 

Ngược lại, theo ông Abuza, đa phần người dân không có thiện cảm với công an vì Bộ Công an là một cơ quan quan liêu khổng lồ với quyền lực bao trùm. Bộ Công an bao gồm mọi thứ từ cảnh sát điều tra tội phạm tài chính đến cảnh sát giao thông đáng sợ, cảnh sát phụ trách cư trú, cứu hỏa, tình báo và phản gián.

 

"Trong khi đó, Quân đội là tổ chức chính trị được tin cậy nhất tại Việt Nam, dù rằng đây là quân đội của đảng, có nghĩa vụ pháp lý bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa."

 

 

·        Ai sẽ thay ông Tô Lâm làm chủ tịch nước?29 tháng 8 năm 2024

·        Sau Trung Quốc, ông Tô Lâm sẽ thăm Mỹ trong tháng 9?31 tháng 8 năm 2024

·        Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam thăm Philippines và ký các thỏa thuận hợp tác29 tháng 8 năm 2024

 

 

Giáo sư Abuza kết luận rằng, việc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng chiếm phần đông trong các cơ quan chủ chốt của Đảng bao gồm Bộ Chính trị, Trung ương Đảng cho thấy sự bất an của chế độ về vấn đề an ninh nội địa và mối đe dọa của cách mạng màu và diễn biến hòa bình.

 

Thời gian gần đây, rầm rộ sự việc Trường Đại học Fulbright Việt Nam, chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) và nhiều nghệ sĩ từng biểu diễn tại nơi cờ vàng ba sọc ở nước ngoài bị cáo buộc là thực hiện "cách mạng màu" và có biểu hiện "diễn biến hòa bình".

 

Đỉnh điểm là ngày 21/8, kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam đã có phóng sự video về Đại học Fulbright với nhan đề Không để cách mạng màu đổi màu giáo dục và lấy "lễ tốt nghiệp không có quốc kỳ Việt Nam" là một trong những biểu hiện của "cách mạng màu". Tuy nhiên, vào ngày 23/8, video này sau đó đã bị gỡ khỏi kênh Quốc phòng Việt Nam.

 

Trên website chính thức, kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam tự giới thiệu là "cơ quan ngôn luận của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tiếng nói của lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam". Do đó, có thể hiểu rằng nội dung mà kênh này phát phản ánh quan điểm của quân đội, của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Sự việc chỉ lắng xuống khi Bộ Ngoại giao lên tiếng khẳng định Việt Nam hoan nghênh các hoạt động của Trường Đại học Fulbright Việt Nam.

 

Giáo sư Alex-Thái Võ từ Trung tâm Việt Nam, Đại học Texas Tech (Mỹ) nói với BBC News Tiếng Việt ngày 2/9 rằng phản ứng khác nhau giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao về trường Đại học Fulbright cho thấy rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là một khối chính trị đơn nhất, mà là thực thể của nhiều phe nhóm quyền lực và lợi ích khác nhau.

 

---------------------------------------

Tin liên quan

·         

Ông Tô Ân Xô làm trợ lý Tổng Bí thư Tô Lâm có đúng quy định?

8 tháng 9 năm 2024

·         

Bộ trưởng Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị có đúng quy định?

17 tháng 8 năm 2024

·         

Công an và Quốc phòng: Bộ nào có 'quyền lực chính trị' hơn?

21 tháng 5 năm 2024

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats