Friday, 27 September 2024

TUVALU : VIỄN CẢNH MỘT QUỐC GIA CHÌM HOÀN TOÀN DƯỚI BIỂN (BBC News Tiếng Việt)

 



Tuvalu: viễn cảnh một quốc gia chìm hoàn toàn dưới biển

BBC News Tiếng Việt

26 tháng 9 2024, 11:12 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c1jd5xdnjzlo

 

Thủ tướng Tuvalu đã đề nghị các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc ủng hộ nỗ lực kêu gọi công nhận vĩnh viễn ranh giới hàng hải và tư cách quốc gia của Tuvalu, theo Reuters.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/43a1/live/9432a280-7bb8-11ef-8c1a-df523ba43a9a.png.webp

Nhà cửa chen chúc nhau tại một dải đất hẹp khoảng 20 mét ở một khu vực của Funafuti, đảo chính của Tuvalu, ảnh chụp ngày 6 tháng 9 năm 2024

 

Tuvalu, cùng 11.000 cư dân sống trên chín hòn đảo san hô rải rác ở Thái Bình Dương, đang sắp cạn thời gian.

 

Fukanoe Laafai, nữ nhân viên văn phòng 29 tuổi, đang muốn lập gia đình, nhưng lại gặp khó khăn trong việc dung hòa kế hoạch của mình với tốc độ tăng của mực nước biển.

 

Theo các nhà khoa học, phần lớn Tuvalu sẽ chìm dưới biển vào thời điểm con cái Laafai trưởng thành.

 

“Tôi nghĩ chúng tôi sắp chìm mất rồi,” Laafai nói.

 

Tuvalu có độ cao trung bình so với mực nước biển chỉ 2m.

 

Trong ba thập kỷ qua, mực nước biển ở đây tăng 15cm – gấp 1,5 lần mức tăng trung bình toàn cầu.

 

Các nhà khoa học của NASA dự báo rằng, tới năm 2050, một nửa đảo chính Funafuti, nơi sinh sống của 60% cư dân Tuvalu và có nhiều ngôi làng chen chúc trên những dải đất hẹp, có nhiều chỗ chỉ rộng 20m, sẽ bị thủy triều nhấn chìm mỗi ngày.

 

Cuộc sống ở Tuvalu đã bắt đầu bị ảnh hưởng: Sự xâm nhập của nước biển đã làm biến đổi nguồn nước ngầm và gây ảnh hưởng đến mùa màng, người dân Tuvalu phải sống dựa vào các bể chứa nước mưa và một khu vườn trung tâm được đắp lên cao để trồng rau.

 

Một hiệp ước đột phá về khí hậu và an ninh với Úc, được công bố vào năm 2023, mở ra con đường di cư sang Úc cho 280 cư dân Tuvalu mỗi năm, bắt đầu từ năm 2025.

 

Qua chuyến đi gần đây tới Tuvalu và các cuộc phỏng vấn với hơn một chục cư dân và quan chức, Reuters nhận thấy được sự lo lắng về việc nước biển dâng cao và viễn cảnh phải bỏ xứ ra đi.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/720/cpsprodpb/2872/live/cbef9610-7bb8-11ef-8c1a-df523ba43a9a.png.webp

Fukanoe Laafai, nữ nhân viên văn phòng 29 tuổi, đang muốn lập gia đình

 

Bốn quan chức tiết lộ rằng Tuvalu đã có những bước tiến trong việc xây dựng một chiến lược ngoại giao nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cho sự tồn tại lâu dài của Tuvalu như một quốc gia độc lập - ngay cả khi đất đai chìm xuống nước.

 

Cụ thể, Tuvalu muốn thay đổi luật biển để duy trì quyền kiểm soát một vùng biển rộng lớn và quyền đánh cá - một nguồn thu cao của Tuvalu - và đang xem xét hai cách để đạt được điều đó: một vụ kiện thử nghiệm tới Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) hoặc một nghị quyết của Liên Hợp Quốc, theo thông tin từ Reuters.

 

Cảm thấy thất vọng với cách phản ứng của thế giới trước tình cảnh của Tuvalu, ngay cả sau thỏa thuận đột phá với Úc, các nhà ngoại giao của Tuvalu đã thay đổi chiến thuật trong năm nay, Reuters dẫn thông tin từ hai nhà ngoại giao.

 

Hiện chưa có thông tin về phương thức và cách tiếp cận mới này.

 

Diện tích đất liền của Tuvalu vỏn vẹn chỉ 26 km vuông.

 

Tuy nhiên, sự phân tán của Tuvalu trên một quần đảo trải rộng khiến Tuvalu có một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) có diện tích khoảng 900.000 km vuông (gần gấp 3 diện tích đất liền của Việt Nam).

 

Sống trong một xã hội gắn bó và mang đậm văn hóa Kitô giáo, người dân Tuvalu nói với Reuters rằng việc di dời sẽ đồng nghĩa với việc đánh mất nền văn hóa nơi đây.

 

“Có người sẽ phải rời đi, có người sẽ muốn ở lại,” ông Maani Maani, một nhân viên công nghệ thông tin 32 tuổi đang làm việc ở thị trấn chính Fongafale, nói.

 

“Đó sẽ là một quyết định khó khăn,” ông nói thêm.

 

“Rời bỏ một đất nước tức là rời bỏ

 

văn hóa của nơi bạn sinh ra, và văn hóa [của Tuvalu] bao trùm tất cả - gia đình, chị em và anh em của bạn. Nó là tất cả.”

 

Hiện tại, Tuvalu đang cố gắng níu kéo thời gian.

 

Trong hoàn cảnh gió bão ngày càng trở nên dữ dội, đê biển và rào chắn sóng đang được xây dựng tại Funafuti, dải đất hẹp mà chỗ rộng nhất chỉ 400m.

 

Tuvalu đã bồi đắp được 7 ha đảo nhân tạo và đang lên kế hoạch bồi đắp thêm, với hy vọng đất nước sẽ ở trên mực thủy triều cao cho tới năm 2100.

 

Vào thời điểm đó, NASA dự báo mực nước biển ở Tuvalu sẽ tăng 1 mét, thậm chí 2 mét trong trường hợp xấu nhất, khiến 90% Funafuti chìm dưới nước.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/cd40/live/f5e2b8d0-7bb8-11ef-8c1a-df523ba43a9a.png.webp

Các vũ công và ca sĩ truyền thống biểu diễn trong nghi lễ chào đón tại hội trường cộng đồng ở Sân bay Funafuti

 

 

Quốc gia không đất liền?

 

Đã đảm bảo được một lối thoát cho cư dân, các nhà ngoại giao của Tuvalu đang đấu tranh cho một tương lai pháp lý chắc chắn khi Tuvalu bị biển nuốt chửng.

 

Theo kế hoạch, một số cư dân của Tuvalu sẽ ở lại đây càng lâu càng tốt, đảm bảo sự hiện diện liên tục để giúp củng cố chủ quyền lâu dài của quốc gia, theo hai quan chức Tuvalu và các điều khoản của hiệp ước với Úc.

 

Vì đất liền là một yếu tố quan trọng khác để đạt tư cách quốc gia, Tuvalu muốn thay đổi luật biển.

 

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc dự kiến đã tổ chức một cuộc họp cấp cao bàn về mực nước biển dâng vào ngày 25/9.

 

Tại đó, Thủ tướng Tuvalu Feleti Teo đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ các thành viên Liên Hợp Quốc cho chiến dịch tìm kiếm sự công nhận vĩnh viễn biên giới hàng hải và tư cách quốc gia của Tuvalu, Reuters dẫn thông tin từ các quan chức Tuvalu.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/70d3/live/3fc7a730-7bb9-11ef-8c1a-df523ba43a9a.png.webp

Trong ba thập kỷ qua, mực nước biển ở đây tăng 15cm – gấp 1,5 lần mức tăng trung bình toàn cầu

 

"Tuvalu muốn thúc đẩy việc coi yếu tố mực nước biển dâng là một chương trình nghị sự độc lập và không bị lấn át bởi diễn ngôn về biến đổi khí hậu," ông Pasuna Tuaga, thư ký thường trực phụ trách đối ngoại của Tuvalu, nói với Reuters.

 

"Đây là một mối đe dọa hiện sinh đối với tư cách quốc gia và bản sắc của Tuvalu.”

 

Ủy ban Luật Quốc tế của Liên Hợp Quốc, cơ quan vào năm sau sẽ công bố một báo cáo về nước biển dâng, hồi tháng Bảy đã bày tỏ sự ủng hộ cho một "giả định mạnh mẽ" rằng chủ quyền của một quốc gia sẽ tiếp tục tồn tại ngay cả khi đất nước bị chìm hoàn toàn, hoặc một phần, khi mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu.

 

Tuy nhiên, ủy ban này cho biết một số thành viên, không nêu đích danh, đã phản đối việc sửa đổi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và ủng hộ các phương án khác.

 

Các vùng biển giàu cá ngừ của Tuvalu là nơi các tàu đánh cá nước ngoài hoạt động, mang lại cho Tuvalu khoảng 30 triệu USD/năm tiền phí cấp phép. Đây là nguồn thu lớn nhất của Tuvalu.

 

Tuvalu cũng thu được ít nhất 10 triệu USD/năm từ việc bán tên miền .tv trên internet.

 

Nếu cộng đồng quốc tế công nhận các ranh giới hàng hải của Tuvalu là vĩnh viễn, đó sẽ là một sinh lộ kinh tế cho đảo quốc này, Phó Thủ tướng Panapasi Nelesone nói trong một cuộc phỏng vấn.

 

Tuvalu đã đề nghị các đối tác ngoại giao ký kết các tuyên bố chung ủng hộ việc bảo tồn các ranh giới hàng hải của mình. Nhưng họ nói rằng nhiều nước chưa đưa ra phản hồi chính thức.

 

"Chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập tới vấn đề này - miễn là chúng tôi còn sống ở đây," ông Nelesone nói.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/720/cpsprodpb/4915/live/6c9b54a0-7bb9-11ef-b02d-c5f3b724a1ea.png.webp

Trẻ em câu cá gần các container hàng hóa tại cảng Funafuti ở Tuvalu

 

Các nước láng giềng của Tuvalu - 18 thành viên của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương - đều đã đồng hành với đảo quốc.

 

Họ đã tuyên bố rằng các ranh giới hàng hải trong khu vực sẽ không thay đổi.

 

Hiệp ước với Úc cũng nêu rằng “tư cách quốc gia và chủ quyền của Tuvalu sẽ tiếp tục".

 

Theo các quan chức và nhà lập pháp Tuvalu, đã có 15 chính phủ, bao gồm một số quốc gia ở châu Á và châu Âu, ký các tuyên bố chung song phương với Tuvalu, đồng thuận rằng các ranh giới của nước này sẽ không bị thay đổi bởi mực nước biển dâng.

 

Tuy nhiên, trong số các thực thể pháp lý nước ngoài có đội tàu đánh cá hoạt động ở Thái Bình Dương, chỉ có Đài Loan - đồng minh ngoại giao của Tuvalu, và nước láng giềng Fiji, đã ký các tuyên bố chung tương tự.

 

Các quan chức Tuvalu nói rằng điều này khiến họ lo lắng; họ lo ngại về việc đánh bắt cá bất hợp pháp trong tương lai, kéo theo việc suy giảm nguồn thu.

 

 

Tiếp theo là gì?

 

Ông Simon Kofe, cựu thẩm phán và hiện là nhà lập pháp đại diện cho Funafuti, vào năm 2023 đã dẫn dắt việc thay đổi hiến pháp của Tuvalu nhằm ghi nhận tư cách quốc gia vĩnh viễn của đảo quốc này.

 

Hiến chương sửa đổi cũng đề cập tới tọa độ hàng hải của vùng đặc quyền kinh tế của Tuvalu.

 

Những biện pháp này giúp xây dựng một chuỗi tài liệu nhằm củng cố lập luận của Tuvalu trong trường hợp họ tìm kiếm một phán quyết về tác động của biến đổi khí hậu đến ranh giới hàng hải tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), ông Kofe nói với Reuters.

 

“Càng nhiều quốc gia công nhận đề xuất pháp lý quy định tư cách quốc gia là vĩnh viễn thì sẽ càng giúp thúc đẩy hình thành luật quốc tế mới,” ông nói.

 

Tuvalu là đồng chủ tịch của Ủy ban các Đảo quốc Nhỏ (COSIS) về Biến đổi Khí hậu và Luật Quốc tế.

 

Ủy ban này được thành lập ba năm trước, với tuyên bố các khu vực hàng hải được áp dụng sẽ không bị thu hẹp trước tác động của biến đổi khí hậu.

 

Vào tháng Năm, COSIS đã đạt được một ý kiến tư vấn tại tòa ITLOS, trong đó nêu rằng các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ biển trước tình trạng biến đổi khí hậu.

 

Đây là phán quyết đầu tiên của ITLOS liên quan đến khí hậu.

 

Ông Donald Rothwell, một chuyên gia về luật biển quốc tế tại Đại học Quốc gia Úc, cho biết dù đây là một chiến thắng quan trọng giúp “thúc đẩy lập trường của Tuvalu và các đảo quốc nhỏ khác bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu”, nhưng vẫn không đề cập tới vấn đề ranh giới hàng hải.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/720/cpsprodpb/acbc/live/983d86f0-7bb9-11ef-b02d-c5f3b724a1ea.png.webp

Maani Maani, 32 tuổi, lo lắng về việc cư dân Tuvalu phải rời đi vĩnh viễn

 

Luật biển có thể thay đổi qua những ký kết hiệp ước giữa các quốc gia láng giềng, những thỏa thuận trong khu vực, và hệ thống đa phương phản ứng với các vụ kiện thử nghiệm, ông nói.

 

Hiệp hội Luật Quốc tế (ILA), trong một báo cáo hồi tháng Sáu về mực nước biển dâng, đã kết luận rằng một nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là cách rõ ràng nhất để đảm bảo chắc chắn về ranh giới hàng hải và biến đổi khí hậu.

 

Tác giả của báo cáo, ông David Freestone, người cũng là cố vấn pháp lý cho COSIS, nói với Reuters rằng cuộc họp của Liên Hợp Quốc vào ngày 25/9 có ý nghĩa “quan trọng để đánh giá phản ứng khả thi” trước một đề xuất cho Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

 

Trong khi các quan chức Tuvalu tìm kiếm sự đảm bảo từ quốc tế, cư dân đảo quốc này đang phải đối mặt với những tác động hữu hình của biến đổi khí hậu – và viễn cảnh phải tạm biệt quê hương.

 

“Ai cũng đang nghĩ về điều đó,” Maani nói.

 

Các đợt thủy triều lớn ngày càng đáng sợ, ông nói, chia sẻ thêm rằng mình thấy lo lắng điều sẽ xảy ra với những cư dân lớn tuổi của Tuvalu nếu những người trong độ tuổi lao động di cư đi mất.

 

Laafai lo ngại cộng đồng của cô sẽ bị phân tán, ngay khi cô đang muốn ổn định cuộc sống.

 

“Người Tuvalu rất quan tâm tới nhau,” cô nói.

 

“Ngay cả khi bạn không có gì nhiều, bạn vẫn có thể chia sẻ với bà con cô bác.”

 

-----------------------------

Tin liên quan

·         

Miền Tây khát nước sạch giữa mùa hè khốc liệt, Chính phủ Việt Nam khẩn cấp ứng phó

8 tháng 4 năm 2024

·         

Quốc tế phản đối bản án dành cho bà Ngô Thị Tố Nhiên trước chuyến thăm Việt Nam của đại diện cấp cao EU

29 tháng 7 năm 2024

·         

Sầu riêng Việt Nam làm tăng giá ly cà phê của bạn như thế nào?

17 tháng 9 năm 2024

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats