Saturday 7 September 2024

TÔI LÀ CỰU SINH VIÊN ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI. TÔI KHÔNG NGẠC NHIÊN VỀ HIỆN TƯỢNG VƯƠNG TẤN VIỆT (Thị Màu | Luật Khoa tạp chí)

 



Tôi là cựu giảng viên ĐH Luật Hà Nội. Tôi không ngạc nhiên về hiện tượng Vương Tấn Việt.

Thị Màu   |   Luật Khoa tạp chí

September 06 2024  7:59 AM

https://www.luatkhoa.com/2024/09/toi-la-cuu-giang-vien-dh-luat-ha-noi-toi-khong-ngac-nhien-ve-hien-tuong-vuong-tan-viet/

 

Tác giả Thị Màu là cựu sinh viên và là cựu giảng viên của Đại học Luật Hà Nội. Tác giả sử dụng bút danh vì lý do an toàn. Luật Khoa tạp chí đã xác minh và đảm bảo danh tính thực của tác giả.

 

                                                            ***

Tôi không ngạc nhiên về những lùm xùm liên quan đến luận án tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang) ở Đại học Luật Hà Nội.

 

Cách tiếp cận đào tạo luật thiếu các tiêu chí để đánh giá chất lượng, phương pháp nghiên cứu và việc tạo ra tri thức mới. Chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ tạo điều kiện cho những cá nhân tham vọng như ông Vương Tấn Việt. Cách ông Vương Tấn Việt “lọt qua” các lỗ hổng của thủ tục tuyển sinh có lẽ cũng giống cách tôi từng “leo cổng” Đại học Pháp lý Hà Nội gần 40 năm trước.

 

Tôi kể câu chuyện của chính mình với hệ thống đào tạo luật Việt Nam như một cách “bứng học” (unlearn). [1] Câu chuyện của tôi chỉ là một lát cắt nhỏ trong dòng thời gian của những thập niên cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. [2] Với những ký ức thời tuổi trẻ mà tôi cố gắng nhướng trí nhớ của mình để chắp nối, tôi cũng muốn “giải mã cấu trúc” (deconstruct) một hệ thống mà tôi đã là người dự phần trong nó. [3]

 

 

Tôi “leo cổng” Đại học Pháp lý Hà Nội [4]

 

Khi tốt nghiệp trung học phổ thông vào cuối những năm 1980, tôi có một lựa chọn duy nhất là thi đại học. Lý do rất đơn giản: hầu hết bạn bè của tôi đều theo con đường này và tôi không biết làm gì khác nếu không học đại học. Việc thi Đại học Kinh tế Quốc dân của tôi cũng xuất phát từ nguyên nhân tương tự: một số bạn thân của tôi đều thi khối A (gồm các môn Toán, Lý, Hóa) và chọn trường này. [5] Chưa kể, khi công cuộc Đổi mới bắt đầu, ngành kinh tế dường như hứa hẹn một tương lai đỡ nghèo khổ hơn.

 

Đỗ đại học vào thời điểm đó dường như là “giấc mơ không tưởng” với rất nhiều học sinh và điểm đầu vào của Đại học Kinh tế Quốc dân gần như cao nhất trong các trường đại học. [6] Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng nhiều đến lựa chọn của tôi vì tôi nghĩ mình học khá và có khả năng viết tốt. Chưa kể, tôi rất chăm chỉ đến lớp luyện thi của các thầy có tiếng. [7] [8] Nhưng năm đó, tôi trượt đại học. Dù thất vọng, tôi vẫn không nản lòng và lao vào học để thi lại. Sau một năm luyện tập các đề thi, tôi tự tin đăng ký thi vào Đại học Kinh tế Quốc dân lần nữa, nhưng lại trượt.

 

Vẫn không từ bỏ, tôi quyết định thi lần thứ ba và chọn một trường có điểm chuẩn thấp. [9] Khi đọc danh sách các trường, tôi thấy Đại học Pháp lý Hà Nội có điểm tuyển thấp nhất. Đó là lần đầu tiên tôi biết đến Đại học Pháp lý Hà Nội. Trong hình dung mơ hồ của tôi, học ở đây ra là làm ở tòa án. Dù không mặn mà với công việc xét xử và bỏ tù, tôi vẫn quyết định ghi danh.

 

Thí sinh dự thi Đại học Pháp lý Hà Nội phải qua vòng sơ tuyển. [10] Theo thủ tục áp dụng với thí sinh tự do, phòng giáo dục huyện nhận hồ sơ của tôi để chuyển cho trường thực hiện sơ tuyển. [11] Hai điều kiện mà trường đặt ra để loại bớt hồ sơ đăng ký dự thi là: (i) không thi lại lần thứ ba (tôi không hiểu lý do của quy định này); (ii) có hoàn cảnh gia đình và lý lịch tốt. [12]

 

Với điều kiện (ii), tôi chắc chắn thỏa mãn vì lý lịch gia đình luôn ghi “công nhân viên chức”. Còn điều kiện (i), tôi “né” bằng cách khai trong hồ sơ là thi lần thứ hai. Việc này không gây nghi ngại gì vì tôi đi học sớm tới hai năm. [13]

 

Phòng Đào tạo của Đại học Pháp lý Hà Nội chỉ có một người làm công tác sơ tuyển bằng cách đọc hồ sơ và gặp mặt thí sinh tại trường. Đó là một thương binh giải ngũ. Việc sơ tuyển không có tiêu chí cụ thể nào để đánh giá phẩm chất của các thí sinh.

 

Kết quả kỳ thi lần ba làm tôi vừa choáng váng vừa cười thầm. Tôi đỗ thủ khoa và là một trong số ít thí sinh đạt điểm gần tuyệt đối cho môn vật lý (9,5/10 điểm) dù tôi đã… hiểu sai bản chất của một bài tập trong đề thi. [14] Kết quả không tưởng này có lẽ là do tôi tự rút kinh nghiệm từ các lần thi trước và biết cách phản ứng linh hoạt với cách thiết kế đề.

 

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1600/2024/09/472938743.jpeg

Hình tư liệu về Đại học Pháp lý Hà Nội do báo Công Lý đăng tải.

 

Bốn năm đại học

 

Tôi có chút thất vọng khi nhập học Đại học Pháp lý Hà Nội khi thấy cổng trường thật ở ngoại thành Hà Nội (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) không hề đẹp và “cao vời vợi” như cách ví von trong giao tiếp xã hội. [15]

 

Bốn năm học trôi qua nhìn chung là êm ả. Ký ức còn đọng lại trong tôi chỉ là những giờ tập quân sự bò trườn ở ruộng lúa đầy gốc rạ; những chuyến xe lèn chặt sinh viên với giảng viên; [16] các câu chuyện phiếm; tin đồn về đời tư, chuyện tình giữa giảng viên và sinh viên; những tranh cãi vô thưởng vô phạt về câu nói “bất hủ” [17] của một giảng viên nào đó hay chuyện một vài nhóm sinh viên kết thân với giảng viên và “hối lộ” họ để biết trước đề thi. Kiến thức cơ bản từ các môn toán, lý, hóa mà tôi vất vả rèn luyện trong suốt ba năm THPT không hề được dùng tới.

 

Chúng tôi càng không thực hành cách đặt những câu hỏi lớn như: Xã hội được tổ chức thế nào? Công lý là gì? Quyền lực là gì? Hiểu thế nào về đạo đức?, v.v.

 

Giáo trình, bài giảng, thảo luận, thi cử hoàn toàn không cung cấp cho chúng tôi một khung (framework) nào để tư duy, ví dụ cách đặt các câu hỏi 5W + 1H (what - việc/vấn đề gì, where - ở đâu, when – khi nào, who – ai làm việc đó, why - tại sao, và how – như thế nào) trong môn tội phạm học. [18]

 

Chúng tôi có học môn lịch sử pháp luật Việt Nam, nhưng thư viện trường không có văn bản gốc (ví dụ các Bộ luật Hồng Đức, Gia Long, và Dân sự thời thuộc địa Pháp) để làm tư liệu nghiên cứu. Trong hoàn cảnh đó, tôi tiếp tục thói quen học đối phó và viết bài thi khác giáo trình một chút.

 

Tôi tốt nghiệp thủ khoa.

 

 

Tôi đã đóng góp vào việc “phổ cập hóa” học luật như thế nào?

 

Với kết quả tốt, tôi được giữ lại làm giảng viên ngay sau khi tốt nghiệp. Đại học Pháp lý Hà Nội khi đó còn là một trường trẻ và cần nhân viên cho bộ máy của mình. Vượt qua chút ngần ngại ban đầu khi đứng trước các sinh viên, tôi nhanh chóng có được sự tự tin của nghề nói. Soạn bài giảng trong khuôn khổ giáo trình chung không quá khó khăn vì lý thuyết chung về nhà nước và pháp luật hầu như không thay đổi. [19]

 

Việc thiết kế chương trình và phương pháp giảng dạy, đánh giá sinh viên hoàn toàn không chịu sự ảnh hưởng của các kết quả nghiên cứu khoa học. [20] Tiến bộ công nghệ có ảnh hưởng đến việc dạy và học, nhưng giảng viên thường nhầm lẫn giữa công cụ và phương pháp. Chẳng hạn như khi máy chiếu được trang bị tại các phòng học thay cho phấn và bảng, chúng tôi gọi đó là “phương pháp đèn chiếu”.

 

Quan hệ đồng nghiệp giữa các giảng viên có bóng dáng của gia đình và thị tộc. Khi ông trưởng khoa làm giỗ mẹ, các giảng viên nữ tụ tập giúp việc nấu cỗ. Một đồng nghiệp khác mai mối và cố ép tôi thành đôi với bạn của chồng mình là một đại tá quân đội. Cô ấy đã rất không hài lòng khi tôi từ chối.

 

Quan hệ gần gũi giữa giảng viên và sinh viên cũng tạo nên một cơ chế “tự kiểm soát” nội dung giảng dạy. Ví dụ, khi tôi khuyến khích những sinh viên muốn “thách thức” các mô thức cũ được ghi nhận trong văn bản luật, các sinh viên khác có thể kể lại cách làm này với đồng nghiệp của tôi và tôi bị khiển trách về việc đó. [21]

 

Chính sách tuyển sinh những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 thay đổi theo hướng tư nhân hóa dần việc đào tạo luật. Tại thời điểm tôi học, nhà nước bao cấp phần lớn hoạt động của Đại học Pháp lý Hà Nội. Khoảng 90% sinh viên được nhận học bổng, dù số tiền rất ít ỏi. Sau đó, chế độ tuyển sinh thay đổi và cho phép sinh viên trả học phí để theo học.

 

Sự thay đổi chính sách này dẫn đến quá trình mở rộng nhanh chóng của Đại học Pháp lý Hà Nội và số lượng sinh viên được đào tạo. Tôi đã tham gia giảng dạy cho hàng ngàn sinh viên luật trong thời gian này.

 

Hiệu trưởng Đại học Pháp lý Hà Nội kiêm Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Ngọc Hiến lúc này có tham vọng mở rộng hình thức đào tạo tại chức để phổ biến kiến thức pháp lý khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Dưới sự lãnh đạo của ông, Khoa Đào tạo Tại chức (tiền thân là Khoa Chuyên tu - Tại chức) trở thành một khoa có khá nhiều quyền lực, làm đầu mối kết nối mạng lưới sinh viên quan chức trên toàn quốc. Sinh viên của các lớp tại chức mà tôi từng giảng dạy có người là chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố, hoặc đứng đầu các cơ quan công an, hải quan, tòa án, v.v.

 

Việc đào tạo tại chức góp phần cải thiện thu nhập của giảng viên, và phần lớn đều biết ơn ông Nguyễn Ngọc Hiến về điều này. Nói thêm thì ngoài tiền công chính thức tính theo giờ giảng, giảng viên còn được nhận "phong bì" với các mức giá trị khác nhau từ các nhóm sinh viên. Đây là thu nhập đáng kể ngoài mức lương chính thức. Giảng viên bí mật chia sẻ thông tin về những tỉnh/thành phố có "phong bì" nhiều nhất. Giảng viên cũng dựa vào mối quan hệ của mình với lãnh đạo và khoa tại chức để được phân công đi giảng tại những địa phương này.

 

Là một phần của guồng quay đó, tôi tham gia trò chơi của những “luật bất thành văn” và xoay xở để hoàn thành công việc trong “ma trận" của các loại ảnh hưởng khác nhau (quyền lực, giới, vùng miền). Ví dụ, tôi nhiều lần phải dùng "quyền lực" giảng viên của mình để từ chối tham gia các "tập tục" do sinh viên địa phương tự tạo ra như tiếp đãi hay ép giảng viên (ăn, uống) quá độ để "mua" điểm thi hoặc biết trước đề thi. Lịch làm việc của giảng viên và sinh viên thường là 7:00 - 11:00, nghỉ trưa, 13:00 - 16:30. Việc sinh viên mời hay ép giảng viên ăn, uống diễn ra cả vào giờ nghỉ trưa và buổi tối. Rất nhiều lần tôi không thành công vì sinh viên không thể chấp nhận lời từ chối, kể cả khi tôi dọa nạt cấm thi. Giảng viên có tửu lượng cao được thán phục, nhưng cũng có tai nạn xảy ra khi giảng viên say và không kiểm soát được hành vi của mình (ví dụ: đái trên bục giảng).

 

Để tránh tình huống xấu, tôi tự học "mẹo" đối phó với sự "cưỡng bức" ăn uống của sinh viên. Những va chạm này khiến tôi nhận ra tính dai dẳng (resilience) của các khuôn mẫu ứng xử/mặc định xã hội, ảnh hưởng của tiền, quyền lực và tổ chức nhà nước tới động lực có văn bằng của các sinh viên tại chức (đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, phép vua thua lệ làng). [22]

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/2024/09/4732987489234.jpg

Ông Nguyễn Ngọc Hiến (phải), cựu hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: HLU.

 

Ngoài việc cải thiện thu nhập cho giảng viên, cách làm của ông Nguyễn Ngọc Hiến góp phần tăng cường vị thế và mức độ “phủ sóng” của Đại học Pháp lý Hà Nội - sau này đổi tên thành Đại học Luật Hà Nội - theo chính sách của Đảng Cộng sản. [23] [24]

 

Chính sách “phổ cập giáo dục luật” thể hiện ảnh hưởng của chủ nghĩa thực chứng pháp lý (legal positivism) Xô viết, theo đó nhà nước sử dụng đào tạo luật như một công cụ củng cố quyền lực của mình thay vì đảm bảo trật tự xã hội. [25] Sự nghiệp Đổi mới không giúp Đại học Luật Hà Nội thành công trong việc trở thành một đại học nghiên cứu (research university) - nơi nuôi trồng các ý tưởng về khuôn mẫu luật (legal norms) có quyền lực để hướng dẫn hành vi như các nước Đông Âu cũ hoặc Trung Quốc. [26] Mô hình đào tạo tại chức của Đại học Luật Hà Nội hoàn toàn khác mô hình đào tạo nghề liên tục (on the job training). [27]

 

Việc “chạy sô” giảng bài, họp hành và tham gia các hoạt động đoàn thể đã chiếm hết thời gian nghiên cứu của giảng viên. [28] [29] Quy chế làm việc không có khoảng thời gian nghỉ dạy để nghiên cứu (sabbatical leave) theo truyền thống của nền đại học hiện đại. Sau này, khi làm việc với đồng nghiệp tại các châu lục khác (kể cả Trung Quốc), tôi nhận ra truyền thống phục vụ xã hội của đại học, tầm nhìn và thiết kế chính sách ảnh hưởng tới khả năng nghiên cứu cũng như sản sinh tri thức trong môi trường đại học như thế nào. [30]

 

 

Chính sách đào tạo luật 

 

Việc xây dựng chính sách cho các trường luật là một phần công việc quản trị ở mọi quốc gia. [31] Nhưng Đề án tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật (gọi tắt là Đề án) được ban hành hồi tháng 9/2022 không có hình thức và nội dung của một văn bản chính sách. [32]

 

Nó không trả lời những câu hỏi lớn (như 5W + 1H nhắc tới phía trên). Nó đưa ra những chỉ tiêu định lượng giống như chỉ số hiệu suất chính (Key Performance Index – KPI) nhưng thiếu quy trình và các tiêu chí định tính để hiện thực hóa KPI. Đề án này cũng không tương thích với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc và không tạo ra diễn ngôn chính trị mới về vai trò của luật trong xã hội (rule of law). [33]

 

Đề án tiếp tục thể hiện chủ nghĩa thực chứng pháp lý, theo đó xây dựng pháp luật là hành động “thể chế hóa” chủ trương của Đảng Cộng sản. [34] Rất khó khăn để tìm ra “hướng dẫn” xây dựng các quy tắc pháp lý (legal norms) trong văn bản này. Mặc dù khái niệm “chính sách công” và “thể chế hóa” đã được giới thiệu ở Việt Nam, Đề án không tạo ra một khung chính sách để các trường luật phát triển thành đại học nghiên cứu. [35] 

 

Theo đề án, Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh sẽ tuyển sinh tổng cộng 35.000 sinh viên vào năm 2025. Bên cạnh hai trường này, Việt Nam còn hơn 90 cơ sở đào tạo luật khác. Để so sánh, Singapore chỉ có 3 trường luật, [36] Hàn Quốc có 25 trường luật với tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 2.000 sinh viên mỗi năm. [37]

 

Chiến lược phát triển Đại học Luật Hà Nội đến năm 2030 (gọi tắt là Chiến lược) thể hiện nhiều tham vọng. [38] Tuy nhiên, văn bản này thiếu cấu trúc của một kế hoạch chiến lược (strategic planning). [39] Nó không cung cấp khung hoặc hướng dẫn định tính cho nghiên cứu của giảng viên, chẳng hạn cách đánh giá tác động xã hội của nghiên cứu. [40]

 

Tiếp nối cách làm của cựu hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Hiến, Chiến lược đề ra mục tiêu tăng thu nhập cho cán bộ ít nhất 10 - 20%/năm. Cách tiếp cận này (dù chỉ diễn đạt trên văn bản) cho thấy khái niệm quyền lao động (labour rights) không tồn tại. [41] 

 

Quan hệ lao động trong xã hội hiện đại là quan hệ ba bên: nhà nước (ban hành chính sách đào tạo luật) - người sử dụng lao động (trường luật) - công đoàn độc lập của người lao động (các giảng viên và nhân viên trường luật). Bộ phận nhân sự của các trường luật thường công khai cơ cấu lương của các vị trí tuyển dụng. [42] Mức lương phù hợp với luật lao động và thỏa ước lao động tập thể. [43] Giảng viên luật cũng là thành viên công đoàn và họ tham gia đình công khi trường luật không thực hiện đúng thỏa ước. [44] 

 

Chiến lược khuyến khích giảng viên tham gia tư vấn pháp luật bên cạnh các mục tiêu nghiên cứu và chuyên môn hóa, nhưng nó không chỉ rõ mức độ ưu tiên. Nội dung này cho thấy sự khác biệt giữa bối cảnh xã hội Việt Nam và các xã hội đương đại khác nơi công việc của học giả luật là nghiên cứu, giảng dạy và tham gia các hiệp hội nghề nghiệp của họ. [45]

 

Đại học Luật Hà Nội đã liên kết đào tạo với một số đại học quốc tế. [46] Tuy nhiên, các chương trình này dường như tập trung vào việc dạy luật để thu học phí. Xu hướng quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo luật (ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đổi mới thiết kế, thử nghiệm xã hội) dường như không ảnh hưởng tới các chương trình này. [47]

 

Thêm vào đó, mặc dù Chiến lược hướng tới năm 2030, nhưng nội dung của nó vẫn phản ánh các vấn đề lịch sử chưa được giải quyết, chẳng hạn như hệ quả của chiến tranh (tư vấn miễn phí cho các đối tượng chính sách). 

 

Vì thiếu khung và tiêu chí đánh giá rõ ràng, một số mục tiêu trong Chiến lược đã không được thực hiện. Ví dụ, mục tiêu của Tạp chí Luật học là xuất bản ít nhất một số bằng tiếng Anh vào năm 2021, nhưng tới năm 2024, nó vẫn chưa đạt được. [48] 

 

Liên quan đến vấn đề tài chính, Chiến lược tiếp tục sử dụng khái niệm không chính xác là “xã hội hóa”. Cụm từ này vốn xuất phát từ văn kiện của Đảng Cộng sản thời kỳ đầu Đổi mới. Theo đó, nhà nước chuyển một phần công việc của mình cho xã hội. Trong điều hành kinh tế, “xã hội hóa” gắn với quá trình tư nhân hóa. [49] 

 

“Xã hội hóa” (socialisation) là một trong những khái niệm cơ bản của ngành xã hội học, chỉ quá trình một cá nhân tham gia vào xã hội thông qua việc học các quy tắc văn hóa về ứng xử, tuân thủ các hệ giá trị, đức tin của cộng đồng/nhóm xã hội mà mình thuộc về. Quá trình này bắt đầu từ khi đứa trẻ rời khỏi gia đình để hòa nhập vào xã hội qua việc đến trường. [50]

 

Chiến lược nêu rõ hoạt động xã hội hóa của Đại học Luật Hà Nội là tập trung vào khai thác các nguồn tài trợ tiềm năng từ doanh nghiệp và cựu sinh viên. Đồng thời, trường cũng có kế hoạch thành lập các “pháp nhân” (trung tâm tư vấn) để huy động tài chính. Tuy nhiên, cách tiếp cận này mâu thuẫn với các mục tiêu về nghiên cứu và chuyên môn hóa đã được phân tích ở trên.

 

 

Chiếc áo có làm nên thầy tu? [51]

 

Nỗ lực “xã hội hóa” của Đại học Luật Hà Nội thông qua liên kết với ông Vương Tấn Việt là sự tiếp nối của mô hình đào tạo tại chức do ông Nguyễn Ngọc Hiến tạo ra. 

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/2024/09/274987239423.webp

Ông Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang, người đội mũ) trong lễ bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: PLO.

 

Điều đáng lo ngại là phản ứng của bộ máy quản trị đối với vụ việc này, cũng như sự thiếu vắng không gian và diễn đàn cho các tranh luận ở mức độ chuyên gia.

 

Nếu các chiến lược và đề án của đảng và chính phủ (Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Tư pháp) xác định rõ ràng những vấn đề trong đào tạo đại học, và xây dựng giải pháp, có tiêu chí cụ thể cùng ngân sách thực hiện thì vụ việc Vương Tấn Việt khó xảy ra. Việc thành lập hội đồng thẩm định tại thời điểm này chỉ là một cách đối phó với xã hội và tiếp tục lãng phí nguồn lực. [52]

 

Có rất ít tiếng nói phản biện về luận án của Vương Tấn Việt ngoài ý kiến của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn. [53] Các chuyên gia trong nước thường chỉ đưa ra những bình luận ngắn gọn hoặc tập trung vào cá nhân ông Vương Tấn Việt, thay vì các vấn đề chính sách. [54] Dù vậy, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn không phải là chuyên gia trong lĩnh vực luật hoặc quyền con người. Một số phân tích chuyên môn và “điều tra” trên mạng xã hội đang cố gắng tạo ra kênh phản biện. [55] Tuy nhiên, tại thời điểm này chưa có nghiên cứu nào cho thấy các ý kiến chuyên gia trên mạng xã hội tìm được “đường dẫn” nhằm tạo ảnh hưởng chính sách tới việc đào tạo luật. 

 

Vụ Vương Tấn Việt chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, một tai nạn của Đại học Luật Hà Nội.

 

Không có gì đảm bảo đây sẽ là tai nạn sau cùng.

 

 

--------------------

Chú thích

 

[1] Về các thảo luận xung quanh việc dịch từ “unlearn” sang tiếng Việt, xem https://www.facebook.com/cuocsongkhongngung; https://vietcetera.com/vn/hoc-hoc-nua-quen-bot-hoc-lai?fbclid=IwY2xjawE9BxBleHRuA2FlbQIxMAABHcEqn6Pfpj6cGqiJ19gmEgmvvko6PCiHDeg8wOLJRGmZxz_6G0SGxXyy3w_aem_F_x1hSKbMCTRZwG73AD4xw.

[2] John Gillespie. (2019). Google.com.au. https://scholar.google.com.au/citations?user=ZAlxMEwAAAAJ&hl=en;

Bui Ngoc Son, Legal Education in 21st Century Vietnam: From Imitation to Renovation, Bui, Ngoc Son, "Vietnam: Legal Reform and Legal Convergence", Legal Reform in the Contemporary Socialist World (Oxford, 2024; online edn, Oxford Academic, 17 July 2024), https://doi.org/10.1093/9780191948053.003.0005

[3] Xem http://nguvan.hnue.edu.vn/Nghi%C3%AAn-c%E1%BB%A9u/Ph%C6%B0%C6%A1ng-ph%C3%A1p/p/giai-cau-truc-luan-1448

[4] Tên trường được thay đổi một số lần. Trong bài viết này, tôi sử dụng tên trường theo thời điểm xảy ra các sự kiện. 

[5] Cũng như các trường đại học khác, trường Đại học Kinh tế Kế hoạch đổi tên thành Đại học Kinh tế Quốc dân vào năm 1985. Tại thời điểm chúng tôi thi đại học năm 1986, tên gọi cũ vẫn quen thuộc hơn so với tên gọi mới. 

[6] Câu nói “cổng trường đại học cao vời vợi, 10 thằng leo thì 9 thằng rơi” quen thuộc với tất cả các thí sinh và gia đình họ tại thời điểm đó.

[7] Ông Nguyễn Xuân Khang, người sáng lập trường Marie Curie, là một trong các thầy của "lò luyện thi" tại Đại học Dược mà tôi theo học. 

[8] Tôi là học sinh duy nhất được cô hiệu trưởng rất nghiêm khắc (người gốc Hoa) cho điểm 10 bài kiểm tra 15 phút môn Chính trị (nay là môn Giáo dục công dân). Tôi không tự đánh giá cao khả năng viết của mình, mà đơn giản nhận ra là nếu tôi không chép lại sách giáo khoa hoặc lời giảng của giáo viên mà "thêm thắt" vài suy nghĩ/suy luận của riêng mình thì khả năng được điểm cao nhiều hơn. 

[9] Tại thời điểm đó, học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học được phép thi đại học 3 lần. 

[10] Theo mô hình tổ chức hành chính, Đại học Pháp lý Hà Nội chịu sự quản lý của hai bộ Giáo dục - Đào tạo, Tư pháp. Kỳ thi tuyển sinh đầu vào tổ chức theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo, nhưng Bộ Tư pháp được quyền đặt thêm các yêu cầu riêng cho ngành tư pháp. 

[11] Thí sinh tự do là những người không đăng ký thi đại học theo trường phổ thông. Đối tượng này thường là những người đã từng thi trượt hoặc bộ đội phục viên. Họ nộp hồ sơ tại phòng giáo dục quận/huyện nơi đăng ký hộ khẩu. 

[12] Chính sách tuyển sinh của Đại học Pháp lý Hà Nội thời điểm đó dẫn tới việc rất nhiều sinh viên là bộ đội phục viên (họ được cộng điểm ưu tiên).

[13] Một anh bộ đội giải ngũ sau 1975 đã dạy tôi học trong thời gian thất nghiệp. Tôi biết đọc, biết viết từ lúc 5 tuổi nên gia đình gửi tới trường. 

[14] Tôi không thể nhớ chính xác đề thi, nhưng đó là bài tập về từ trường do dòng điện tạo ra khi chạy qua dây dẫn. Cách hiểu đúng là hai dây dẫn treo song song theo chiều thẳng đứng. Tôi đã hiểu là hai dây dẫn đặt song song trên mặt phẳng ngang. Tôi chỉ nhận ra điều này sau khi thoát khỏi áp lực ở phòng thi. Khi tôi thể hiện sơ đồ dây dẫn bằng hình họa đơn giản trên giấy thì hình vẽ này không sai – tôi vẫn giải bài tập theo cách mà tôi hiểu. Tại thời điểm đó, các trường trung học đều thiếu phòng thí nghiệm và dụng cụ học tập nên phần lớn, nếu không nói là tất cả, học sinh học “vẹt”.

[15] Sau khi có điều kiện học và làm việc tại nhiều trường luật khác nhau, tôi tin rằng kiến trúc và không gian của một trường luật cần phải đẹp.

[16] Tại thời điểm đó, tất cả các sinh viên luật không hề “ý thức” (conscious) rằng không gian công cộng (public space) mà giảng viên và sinh viên chia sẻ với nhau, cũng như khoảng cách vật lý giữa họ có khả năng định hình hành vi và quy tắc xã hội. Những vấn đề này không bao giờ xuất hiện trong giáo trình, bài giảng, cũng như câu chuyện giữa chúng tôi. Xem thêm Garnett, N. S. (2009). Private norms and public spaces. Wm. & Mary Bill Rts. J., 18, 183, https://heinonline.org/HOL/LandingPage?handle=hein.journals/wmbrts18&div=9&id=&page=

[17] Ví dụ câu "chân lý là sai lầm" của giảng viên dạy triết học. 

[18] Xem thêm: https://popcenter.asu.edu/content/step-36-be-sure-answer-five-w-and-one-h-questions.

[19] baochinhphu.vn. (2024, August 5). Xuất bản giáo trình quý về Lý luận chung về nhà nước và pháp luật. Baochinhphu.vn; baochinhphu.vn. https://baochinhphu.vn/xuat-ban-giao-trinh-quy-ve-ly-luan-chung-ve-nha-nuoc-va-phap-luat-102240805190240847.htm

Để so sánh việc nghiên cứu lý thuyết về luật và xuất bản sách luật ở các nước khác xem: Kelsen, H. (2005). General Theory of Law and State (1st ed.). Routledge. https://doi.org/10.4324/9780203790960; Research Handbooks in Legal Theory series

https://www.e-elgar.com/shop/gbp/book-series/law-academic/research-handbooks-in-legal-theory-series.html; https://global.oup.com/academic/category/law/jurisprudence-and-philosophy-of-law/?lang=en&cc=vn; https://www.researchgate.net/topic/Legal-Fundaments/publications; https://blog.reedsy.com/publishers/law/; https://www.sile.edu.sg/singapore-approved-universities; https://sso.agc.gov.sg/SL/161-R15?DocDate=20171130

[20] Ví dụ, xem Michael Hunter Schwartz, Teaching Law by Design: How Learning Theory and Instructional Design Can Inform and Reform Law Teaching, 38 San Diego L. Rev. 347, 349 (2001);

Wilson, K., & Korn, J. H. (2007). Attention during Lectures: Beyond Ten Minutes. Teaching of Psychology, 34(2), 85-89. https://doi.org/10.1080/00986280701291291.

Theo các nghiên cứu này thì người trưởng thành khó có thể giữ tập trung sau 10 phút. Do đó, việc thiết kế các bài giảng và phương pháp giảng dạy phải tính tới yếu tố này. Tuy nhiên, các bài giảng ở Đại học Pháp lý Hà Nội thường kéo dài 3-4 giờ đồng hồ với sự độc thoại của giảng viên. Đã có lần tôi nói nhầm "quỹ đầu tư chứng khoán" thành "quỹ đầu ti chứng khoán" nhưng sinh viên không hề có phản ứng cười sự nhầm lẫn này. Tôi mất tập trung vì phải nói liên tục, họ mất tập trung vì phải nghe liên tục. 

[21] Ví dụ, một sinh viên đã vận dụng toán học để chứng minh rằng công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được viết theo cách thuận tiện cho nhà nước, không phải cho doanh nghiệp. 

[22] Sau này, việc đọc nhiều nghiên cứu sâu giúp tôi hiểu hơn về khuôn mẫu giới, văn hóa cộng đồng thông qua hành vi ăn uống. Ví dụ, xem https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0376871615017275?via%3Dihub; Gillen, J. (2016). Rethinking Whiteness and Masculinity in Geography: Drinking Alcohol in the Field in Vietnam. Antipode, 48: 584–602. doi: 10.1111/anti.12202.

[23] Quyết định số 369/QĐ-BTP ngày 06/7/1993 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

[24] “Quyết tâm đưa Trường Đại học Pháp lý Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo cán bộ pháp lý, trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý và trung tâm truyền bá pháp lý”.

[25] Xem Lukina, Anna, Legal Nurturing: the Educational Function of Law in the Soviet Union (May 25, 2021). Special Issue "The Soviet and Post-Soviet Law: The Failed Transition from Socialist Legality to the Rule of Law State", The Ideology and Politics Journal, Available at SSRN: https://ssrn.com/abstract=3852669 or http://dx.doi.org/10.2139/ssrn.3852669

[26] Mặc dù hệ thống xếp hạng các đại học (university ranking) chịu nhiều chỉ trích (ví dụ xem https://blogs.lse.ac.uk/impactofsocialsciences/2021/03/22/the-absurdity-of-university-rankings/), Đại học Luật Hà Nội thậm chí không xuất hiện trong một bảng xếp hạng nào. Ngày nay, học giả luật tại các nước Liên Xô cũ tự do thực hiện các đánh giá quan trọng về thất bại của hệ thống luật. Ví dụ, xem https://www.ideopol.org/wp-content/uploads/2021/11/0.2.-ENG-Inftroduction.pdf

[27] Về việc áp dụng mô hình đào tạo liên tục tại Việt Nam, xem https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S154461232030101X

[28] Ví dụ, đồng nghiệp của tôi phụ trách Đoàn Thanh niên và dùng nhiều thời gian để tổ chức các hoạt động biểu diễn văn nghệ. 

[29] Ví dụ https://doanthanhnien.hlu.edu.vn/SubNews/Details/28184

[30] Ví dụ, Trường Luật KoGuan (thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải) hợp tác với các đại học hàng đầu để xuất bản một tạp chí nghiên cứu có uy tín. https://www.cambridge.org/core/journals/asian-journal-of-law-and-society/information/about-this-journal/affiliations

[31] Ví dụ, xem các thảo luận chính sách về xây dựng trường luật tại Mỹ và Singapore những năm 1969-1970 https://law.nus.edu.sg/sjls/wp-content/uploads/sites/14/2024/07/585-1969-11-mal-dec-250.pdf; https://digitalcommons.du.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=3631&context=dlr, hoặc Ấn Độ thời điểm hiện tại https://ymerdigital.com/uploads/YMER2112G6.pdf.

[32] Xem https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-quy-pham-phap-luat/quyet-dinh-so-1156qd-ttg-ngay-3092022-cua-thu-tuong-chinh-phu-ve-viec-phe-duyet-de-an-tong-the-tiep-tuc-xay-dung-truong-dai-8905

[33] Sustainable development goals: no time for hesitation. (2024). Vietnamlawmagazine.vn. https://vietnamlawmagazine.vn/sustainable-development-goals-no-time-for-hesitation-69787.html

[34] hungnm. (2024, March 25). Xây dựng pháp luật phải thể chế hóa tối đa chủ trương, đường lối của Đảng. Https://Dangcongsan.vn; https://dangcongsan.vn. https://dangcongsan.vn/lanh-dao-dang-nha-nuoc/xay-dung-phap-luat-phai-the-che-hoa-toi-da-chu-truong-duong-loi-cua-dang-661860.html

[35] Ví dụ, xem: https://fsppm.fulbright.edu.vn/cache/Class-9-Institutions-V-2020-10-19-11093006.pdf

[36] sileaorgdmin. (2021). Singapore Institute of Legal Education - Singapore Approved Universities. Sile.edu.sg. https://www.sile.edu.sg/singapore-approved-universities

[37] Xem http://koreanlii.or.kr/w/index.php/Law_school?ckattempt=1

[38] Xem https://hlu.edu.vn/Images/Post/files/Hoạt%20động%20của%20Trường/Giới%20thiệu/Chiến%20lược%20phát%20triển%20Trường%20Đại%20h%E1%BB%8Dc%20Luật%20Hà%20Nội%20ban%20hành%20kèm%20theo%20Nghị%20quyết%20số%203778-NQ-HĐTĐHLHN.pdf

[39] Về hướng dẫn lập kế hoạch chiến lược của trường đại học, và ví dụ về kế hoạch chiến lược của một số đại học khác, xem https://strategicplan.universitiesuk.ac.uk; https://www2.cortland.edu/offices/institutional-research-and-assessment/planning-and-assessment-support/file-uploads/RutgersPlanning.pdf; https://www.scup.org/resource/a-practical-guide-to-strategic-planning-in-higher-education-2nd-ed/; https://law.emory.edu/_includes/documents/sections/about/1807_strategicplannarrative_093021.pdf; http://publications.curtin.edu.au/5150corp_strat-plan-brochure-publitas/page/12; https://www.organisatiegids.universiteitleiden.nl/en/faculties-and-institutes/law/faculty-board/strategic-plan-2022---2027; https://www.ntu.edu.sg/nie/nie-strategic-vision-2025#Content_C025_Col00; https://www.chula.ac.th/en/about/administration/vision-and-strategy/

[40] Ví dụ, xem hướng dẫn của một số trường https://guides.library.queensu.ca/research-impact-in-law; https://deakin.libguides.com/research-metrics/law

[41] Quan hệ lao động trong xã hội hiện đại là nơi công đoàn độc lập thay mặt người lao động đàm phán thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động. Giảng viên luật cũng là thành viên công đoàn và họ tham gia đình công khi trường luật không đảm bảo điều kiện lao động theo thỏa ước. Ví dụ, xem https://www.cbc.ca/news/canada/montreal/mcgill-law-professors-strike-1.7305060 https://montrealgazette.com/news/local-news/mcgill-university-law-professors-picket-for-right-to-unionize-better-pay

[42] Ví dụ, xem https://hr.admin.ox.ac.uk/academic-staff-pay#tab-1682616; https://www.personnel.ntu.edu.tw/english/cp_n_1639.html

[43] Thỏa ước lao động tập thể là văn bản ghi nhận kết quả đàm phán về quyền lao động (mức lương, giờ làm việc, điều kiện làm việc) giữa công đoàn và người sử dụng lao động.

[44] Ví dụ, xem https://www.cbc.ca/news/canada/montreal/mcgill-law-professors-strike-1.7305060 https://montrealgazette.com/news/local-news/mcgill-university-law-professors-picket-for-right-to-unionize-better-pay

[45] Xem thêm:

https://www.iisj.net/es/node/1413#:~:text=In%20contemporary%20societies%2C%20legal%20scholars,law%20journals%20and%20university%20presses; https://www.legalscholars.ac.uk; https://www.lpgcil.org/tals

[46] Xem https://moj.gov.vn/UserControls/News/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/qt/tintuc/Lists/HoatDongCuaCacDonViThuocBo&ListId=3a1800e5-1e0c-47a3-b925-83581493f9e3&SiteId=b11f9e79-d495-439f-98e6-4bd81e36adc9&ItemID=4480&SiteRootID=b71e67e4-9250-47a7-96d6-64e9cb69ccf3

[47] Ví dụ, xem John Armour, Mari Sako, AI-enabled business models in legal services: from traditional law firms to next-generation law companies?, Journal of Professions and Organization, Volume 7, Issue 1, March 2020, Pages 27–46, https://doi.org/10.1093/jpo/joaa001; https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1871187123001219

[48] Xem thêm: https://tapchi.hlu.edu.vn/SubNews/GetListNewsByCatgoryId?catid=2251

[49] huyennt. (2020, June 8). Chủ trương “xã hội hóa” để thực hiện đổi mới trong lĩnh vực khoa giáo. Https://Dangcongsan.vn; https://dangcongsan.vn. https://dangcongsan.vn/huong-toi-ky-niem-90-nam-ngay-truyen-thong-nganh-tuyen-giao/thong-tin-tu-lieu/chu-truong-xa-hoi-hoa-de-thuc-hien-doi-moi-trong-linh-vuc-khoa-giao-556372.html

[50] Xem https://www.sciencedirect.com/topics/social-sciences/socialization; https://revisesociology.com/2017/09/07/what-is-socialization/#google_vignette

[51] Quy định về trang phục (dress code) là yếu tố cấu thành của một nền văn hóa. Màu sắc của trang phục mang ý nghĩa biểu tượng cho một số phẩm chất đạo đức. Chất liệu của trang phục thể hiện văn hóa vật chất (material culture). Trang phục cũng là đối tượng nghiên cứu của khoa học xã hội, ví dụ xem https://www.taylorfrancis.com/books/mono/10.4324/9780429495281/dress-codes-ruth-rubinstein.

Trang phục của các trường luật phương Tây thường được quy định chi tiết, và công khai trên trang web của trường. Thiết kế của trang phục thường kết nối với lịch sử từ thời trung cổ. Nhiều trường chọn mầu tím (với các sắc độ đậm nhạt khác nhau). Ví dụ xem https://www.johnmarshall.edu/graduation/about-the-hooding-ceremony/; https://www.ox.ac.uk/news-and-events/The-University-Year/Encaenia/academic-dress; https://www.qub.ac.uk/home/Graduation/PreparingForTheDay/UnderstandingAcademicCostume/; https://www.anu.edu.au/students/graduation/academic-regalia. Hòa thượng Thích Nhất Hạnh cũng cân nhắc kỹ khi chọn màu nâu cho trang phục Làng Mai (kết nối với truyền thống văn hóa Việt Nam) https://plumvillage.org/about/thich-nhat-hanh/letters/the-mountain-rock-cliff-robe. Việc nghiên cứu quy định về trang phục trong lịch sử, văn hóa Việt Nam còn nhiều khoảng trống. Ví dụ, xem https://thuviensach.vn/ngan-nam-ao-mu-10952.html. Do đó, việc lựa chọn lễ phục của Đại học Luật Hà Nội là hiện tượng gần đây, do ảnh hưởng của toàn cầu hóa. Nó không có kết nối gì với Đại học Pháp lý Hà Nội và không kể câu chuyện văn hóa Việt Nam. Xem https: có//hlu.ed u.vn/News/Details/22318; http://trangphucduyenha.com/ao-tot-nghiep-tien-si-co-y-nghia-gi.html

[52] Lưu Nhi Dũ. (2024, August 13). NÓI THẲNG: Cần nói thật về bằng tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt. Nld.com.vn; https://nld.com.vn. https://nld.com.vn/noi-thang-can-noi-that-ve-bang-tien-si-cua-ong-vuong-tan-viet-196240813185942321.htm

[53] Đọc luận án tiến sĩ của TT Thích Chân Quang. (2024, July). Tuan v. Nguyen AM; Tuan V. Nguyen AM. https://nguyenvantuan.info/2024/07/02/doc-luan-an-tien-si-cua-tt-thich-chan-quang/

[54] Mỹ Hà. (2024, August 13). Thành lập hội đồng thẩm định luận án tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt. Báo Điện Tử Dân Trí. https://dantri.com.vn/giao-duc/thanh-lap-hoi-dong-tham-dinh-luan-an-tien-si-cua-ong-vuong-tan-viet-20240813194105057.htm

[55] Xem thêm

 

 

 

-------------------

Đọc thêm:

5 điều tôi hối tiếc khi học luật ở Việt Nam

Nếu hồi đó chủ động làm những chuyện này, tôi có thể đã là một sinh viên luật rất khác.

Luật Khoa tạp chí          -            Trịnh Hữu Long

 

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats