Thursday, 5 September 2024

PARIS 2024 : DỘI TUYỂN TỊ NẠN OLYMPIC-PARALYMPIC TRUYỀN TẢI THÔNG DIỆP VỀ HY VỌNG VÀ THẢM KỊCH CỦA NGƯỜI TỊ NẠN TOÀN CẦU (Chi Phương / RFI)

 



Paris 2024 : Đội tuyển tị nạn Olympic-Paralympic truyền tải thông điệp về hy vọng và thảm kịch của người tị nạn toàn cầu

 Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 04/09/2024 - 15:45

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-x%C3%A3-h%E1%BB%99i/20240904-paris-2024-%C4%91%E1%BB%99i-tuy%E1%BB%83n-t%E1%BB%8B-n%E1%BA%A1n-olympic-paralympic-truy%E1%BB%81n-t%E1%BA%A3i-th%C3%B4ng-%C4%91i%E1%BB%87p-v%E1%BB%81-hy-v%E1%BB%8Dng-v%C3%A0-th%E1%BA%A3m-k%E1%BB%8Bch-c%E1%BB%A7a-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-t%E1%BB%8B-n%E1%BA%A1n-to%C3%A0n-c%E1%BA%A7u

 

Ra đời tại Thế Vận Hội Rio 2016, trong bối cảnh khủng hoảng tị nạn ở châu Âu, đội tuyển người tị nạn Olympic và Paralympic tham dự sự kiện Paris 2024 với một gánh nặng trên vai. Họ đại diện cho hơn 100 triệu người tị nạn, phải rời bỏ quê hương trên toàn cầu do xung đột, hay chiến tranh..., đồng thời truyền tải đi thông điệp về hy vọng, về tình đoàn kết và hội nhập.

 

HÌNH :

Đội tuyển Paralympic tị nạn tại lễ khai mạc Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật ở Paris, Pháp, ngày 28/08/2024. AFP - FRANCK FIFE

 

Những ngày vừa qua, báo chí Pháp không ngừng ca ngợi vận động viên khuyết tật người Afghanistan Zakia Khudadadi, được Paris cấp quy chế tị nạn từ năm 2021. Với thành tích của mình sau quá trình tập luyện tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia (INSEP), ở Vincennes, ngoại ô Paris, Zakia Khudadadi là một trong 8 thành viên của Đội tuyển người tị nạn dự Paralympic Paris 2024, thi đấu môn Para Taekwondo, hạng 47 kg. Cô cũng là vận động viên tị nạn giành được chiếc huy chương đầu tiên, mang tính lịch sử cho đội tuyển đại diện cho hơn trăm triệu người trên thế giới, phải rời bỏ quên hương đi tị nạn xa xứ.

 

Zakia đến Pháp trong hoàn cảnh đặc biệt, vào tháng 08/2021. Trước những đe dọa bị bắt giữ bởi chế độ Taliban, vốn rất hà khắc với phụ nữ, đặc biệt là các nữ vận động viên, cô đã đăng tải một video lên mạng xã hội, xin trợ giúp từ quốc tế, giúp cô rời khỏi Kabul để thực hiện ước mơ tham dự Thế Vận Hội Paralympic Tokyo. Video đó đã loan tải tới Pháp và giúp cô lên được chuyến bay rời Afghanistan, trong bầu không khí hỗn loạn tại phi trường ở Kabul, khi Taliban lên nắm quyền.

 

HÌNH :

Vận động viên đoàn tị nạn Zakia Kudadadi mừng chiến thắng, giành huy chương đồng môn Para Taekwondo tại Thế Vận Hội Paralympic, hôm 29/08/2024, Paris, Pháp. Anadolu via Getty Images – Anadolu

 

Sau thành tích huy chương đồng hôm 29/08 vừa qua, cô chia sẻ với France 24 : “Chiếc huy chương này thể hiện cam kết của tôi đối với những người phụ nữ khác tại Afghanistan. Tôi đã cố gắng thể hiện tốt nhất, chiến thắng của tôi là để bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với tất cả những phụ nữ, những cô gái hiện đang ở trong ngục tù của Taliban, đối với tất cả những người tị nạn ở Pháp và trên thế giới”.

 

Tại buổi lễ khai mạc Paralympic, diễn ra tại đại lộ Champs-Élysées và quảng trường Concorde ở thủ đô Pháp hôm 28/08, trái ngược với truyền thống để đoàn Hy Lạp tiến vào trước, đoàn vận động viên tị nạn Paralympic đã đi đầu, mở ra buổi diễu hành của 184 phái đoàn khác nhau trên thế giới, gồm hơn 4.400 vận động viên khuyết tậtCao ủy người tị nạn Liên Hiệp Quốc, Filippo Grandi, cho rằng “sự hiện diện của phái đoàn người tị nạn Paralympic trên trường quốc tế, gửi đi một thông điệp về "hy vọng" cho hàng triệu người tị nạn trên thế giới, và cho tất cả chúng ta. Đội tuyển gồm các vận động viên đầy tài năng này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc cho phép những người khuyết tật có cơ hội tham gia vào xã hội một cách bình đẳng.” 

 

 

Đội tuyển người tị nạn được ra đời như thế nào ?

 

Đội tuyển người tị nạn Olympic và Paralympic được ra đời trong bối cảnh cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu vào năm 2015. Vào tháng 10 năm đó, nhân cuộc họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về cuộc khủng hoảng tị nạn liên quan đến hàng triệu người trên thế giới, chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach, đã đưa ra thông báo thành lập một đội tuyển dành riêng cho những người tị nạn. Ông Thomas Bach khẳng định rằng “được nhìn thấy họ tham gia thi đấu là một khoảng khắc tuyệt vời và chúng tôi hy vọng có thể chia sẻ với tất cả mọi người. Chúng tôi muốn dang rộng cánh tay tiếp đón các vận động viên trong cộng đồng Olympic, bên cạnh các vận động viện khác, không chỉ tranh tài thể thao cùng nhau, và có thể cùng sống tại làng Olympic”.

 

Ủy ban quốc tế Olympic muốn nhấn mạnh đến sự hiện diện của một phái đoàn đa văn hóa, đại diện cho hàng triệu người phải đi tị nạn, tha hương, do xung đột địa chính trị, chiến tranh,…

 

Gần một năm sau đó, 10 vận động viên, có nguồn gốc từ Syria, Nam Sudan, Ethiopia, hay Cộng Hòa Congo đã có mặt tại Thế Vận Hội Rio ở Brazil vào năm 2016, tranh tài cùng 11.000 vận động viên đến từ hơn 200 phái đoàn trên thế giới. Quyết định này được coi là một thông điệp “hòa bình, hòa nhập và về hy vọng” cho hàng triệu người buộc phải tha hương trên khắp thế giới, truyền cảm hứng bằng tinh thần thể thao, bằng sự kiên cường và lòng dũng cảm.

 

Sự xuất hiện của các vận động viên tị nạn tại Thế Vận Hội Rio 2016 cũng đã truyền cảm hứng cho nhiều bộ phim, chẳng hạn như phim Les nageuses của đạo diễn Sally El Hosaini, kể về một câu chuyện có thực về hai chị em vận động viên bơi, người Syria, Yusra và Sarah Mardini. Cuộc nội chiến ở Syria đã thôi thúc hai chị em rời khỏi đất nước, vượt biển trên chiếc thuyền thô sơ, nguy hiểm, vượt rừng để đến Đức. Với giấc mơ được tham dự Olympic Tokyo, Yusra không ngừng nghỉ luyện tập tại một câu lạc bộ bơi ở Đức. Tuy nhiên, tình hình địa chính trị bất ổn khiến cô không thể tham dự dưới màu cờ Syria. Thông báo thành lập Đội tuyển Olympic cho người tị nạn đã thắp lại hy vọng tham gia Olympic cho Yusra, dù cô muốn được công nhận là vận động viên có thực lực để tranh tài chứ không phải được tuyển đi thi vì “lòng thương hại đối với người tị nạn”.

 

 

Tài năng thể thao bỏ xa chặng đường tị nạn gian nan

 

Để được lựa chọn vào đội tuyển này, các vận động viên tị nạn phải tuân thủ một số tiêu chí, phải đạt được thành tích cao trong môn thể thao của mình, và được cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc công nhận quy chế tị nạn. Ủy ban Olympic Quốc tế cho biết cũng xét đến “sự đại diện mang tính cân bằng trong các môn thể thao, về giới tính và cả về khu vực”.

 

Bà Anne-Sophie Thilo, phụ trách về truyền thông của Đội tuyển người tị nạn Olympic, trả lời RFI Pháp ngữ, đưa ra nhận định : “Mọi người thường nhìn họ dưới ống kính "người tị nạn", nhưng trên hết, đó là những vận động viên, là những con người. Điều kết nối các vận động viên này với nhau trong một đội tuyển, là hành trình tị nạn của cá nhân của mỗi người. Dĩ nhiên, đó là các vận động viên trẻ, muốn có trải nghiệm và họ thường trò chuyện, trao đổi về thể thao nhiều hơn là các chủ đề khác.

 

Tại Thế Vận Hội ở Brazil 2016, 10 vận động viên thi đấu dưới màu cờ của Olympic. Năm năm sau đó, tại Tokyo, đội tuyển người tị nạn Olympic chính thức được thành lập, với gần 30 vận động viên. Paris 2024 là lần thứ ba các vận động viên Olympic và Paralympic của đội tuyển người tị nạn tham gia thi đấu. Tại Thế Vận Hội năm nay, nếu đội tuyển Paralympic gồm 8 vận động viên, thì đội tuyển người tị nạn Olympic hồi tháng Bảy vừa qua gồm 36 vận động viên, hầu hết là người Iran, Afghanistan, Syria và một số nước châu Phi, được cấp quy chế tị nạn ở các nước châu Âu.

 

Tại sự kiện do Paris tổ chức, lần đầu tiên, cả đội tuyển người tị nạn Olympic và Paralympic được thi đấu dưới lá cờ trắng, in hình trái tim đỏ, bao quanh bởi các mũi tên đen, cùng các vòng tròn Olympic, tạo nên biểu tượng riêng của đội tuyển người tị nạn. Nếu vận động viên tị nạn nào giành được huy chương vàng, là cờ này sẽ được kéo lên trên nền bài hát của Thế Vận Hội, thay cho quốc ca.

 

Bà Masomah Ali Zada, người Afghanistan, cựu vận động viên đua xe đạp, hiện là lãnh đạo của đội tuyển người tị nạn Olympic, trả lời RFI Pháp Ngữ, cho biết : “Đội đã lớn mạnh. Lần cuối cùng tôi tham gia, đội chỉ có 29 người, thì nay lên đến 36 người. Có thể nói là gia đình Olympic đã lớn mạnh. Điểm chung của tất cả các vận động viên, đó là tinh thần kiên cường và đều có giấc mơ được tham gia vào Thế Vận Hội. Họ đã gặp nhiều khó khăn trên chặng đường của mình, nhưng không ai bỏ cuộc.” 

 

Về phần mình, cô Nyasha Mharakurwa, cựu vận động viên quần vợt, người đứng đầu đội tuyển tị nạn Paralympic muốn nhấn mạnh đến tài năng của các vận động viên khi vượt qua nhiều đối thủ, được công nhận, như tất cả những người khác, đạt điều kiện để tham gia Thế Vận Hội. Cô Nyash giải thích : “Tại các phái đoàn khác, lớn mạnh hơn, cạnh tranh cao hơn nhưng không phải ai cũng giành được huy chương, ngay cả các nước phát triển. Đó là bằng chứng cho thấy sự hiện diện của các vận động viên tị nạn tại sự kiện này là hoàn toàn xứng đáng. Điều quan trọng nhất theo tôi là việc tuyển chọn các vận động viên vào đội tuyển tị nạn. Bởi vì, trái với phái đoàn từ các quốc gia mà họ đã biết đi tìm vận động viên ở đâu, thì đối với những vận động viên tị nạn, họ phải di chuyển. Ngoài việc thay đổi quốc tịch theo nơi mà họ sinh sống, trong vài tháng, họ có thể trở thành vận động viên trong một tình huống khác.”

 

Chính vì vậy theo cô Nyasha, từ nay cho đến Thế Vận Hội Los Angeles 2028, cần phải liên lạc với tất cả các hiệp hội thể thao, thành viên của Ủy ban Paralympic quốc tế, để có thể mở rộng đội tuyển tị nạn, kết nạp thêm thành viên mới. Sự ra đời của đội tuyển tị nạn Olympic và Paralympic, không chỉ để giúp các vận động viên có cơ hội tham gia vào sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh 4 năm một lần, mà còn hỗ trợ họ trong quá trình luyện tập, để đi tranh tài, bởi đa phần, họ không nhận được trợ giúp như các vận động viên đến từ các nước khác.

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

PARALYMPIC 2024

Khai mạc Thế Vận Hội người khuyết tật Paris 2024

 

PARALYMPIC 2024

Paralympic : Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật và những dấu mốc lịch sử

 

Tạp chí Thể thao

Nhìn lại những thành tích thể thao lịch sử tại Thế vận hội Paris 2024

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats