Paralympic
Paris: Nghệ thuật hòa quyện thể thao, người ‘‘khuyết’’ người ‘‘lành’’ hòa hợp
Trọng Thành
- RFI
Đăng
ngày: 31/08/2024 - 18:02
Mười
bảy ngày sau Olympic 2024, Paris một lần nữa trở thành ngày hội thể thao thế giới,
với Paralympic - Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật. Ban tổ chức Paralympic
Paris đã biến lễ khai mạc Paralympic (lần đầu tiên ngoài sân vận động) thành cơ
hội có một không hai để cổ vũ cho một cái nhìn rất khác về thể thao với người
khuyết tật, trái ngược hoàn toàn với hình ảnh về Paralympic chỉ như một ngày hội
thể thao hạng hai trong con mắt của không ít người.
HÌNH
:
Toàn
cảnh quảng trường Place de la Concorde, nơi diễn ra lễ khai mạc Paralympic - Thế
Vận Hội người khuyết tật, Paris, ngày 28/08/2024. AFP - BERTRAND GUAY
Tôn
vinh thể thao người khuyết tật giúp nhân loại siết chặt đoàn kết là thông điệp
chính toát lên từ cuộc trình diễn nghệ thuật của lễ khai mạc Paralympic, tại ‘‘xứ
sở của Tình yêu và Cách mạng’’ (diễn đạt của chủ tịch ban tổ chức Olympic
và Paralympic Paris).
Quảng
trường Concorde : Từ ‘‘Bất Hòa’’ đến ‘‘Hòa Hợp’’
Lễ
khai mạc Paralympic ngày 28/08/2024 diễn ra tại quảng trường Concorde lớn nhất
thủ đô, tọa lạc trên đại lộ Champs-Elysées, tâm điểm của ‘‘trục đường lịch sử’’
của thủ đô Paris nối liền Khải Hoàn Môn với bảo tàng Louvre. Quảng trường
Concorde - thấm đẫm dấu ấn của những thăng trầm, biến chuyển dữ dội của xã hội
Pháp thời cận hiện đại, với trung tâm là cột đá Obélisque, một biểu tượng của nền
văn minh Ai Cập cổ đại, đã trở thành khán đài và sân khấu cho gần như toàn bộ
các tiết mục trong đêm khai mạc Paralympic.
Quảng
trường lịch sử từng mang tên vua Louis XV, rồi được đổi thành ‘‘Quảng trường
Cách mạng’’, trước khi được đặt tên Place de la Concorde, tên gọi hàm nghĩa
Hòa Hợp. Vua Lous XVI lên đoạn đầu đài tại quảng trường này trong cuộc Cách mạng.
Nhưng quảng trường này giờ đây cũng trở thành khán đài chính của các cuộc duyệt
binh truyền thống ngày Quốc khánh Pháp hàng năm.
Khát
vọng hướng đến ‘‘một cuộc cách mạng paralympic’’
Cuộc
trình diễn nghệ thuật của lễ khai mạc Paralympic mang tên ‘‘Paradoxe’’
(tạm dịch là nghịch lý) đưa công chúng đi từ Discorde (Bất Hòa) - hồi thứ nhất
của cuộc trình diễn, đến Concorde (Hòa Hợp) - hồi thứ tư. Từ ‘‘Bất Hòa’’
đến ‘‘Hòa Hợp’’ là một thay đổi mang tính cách mạng. Trong diễn văn khai
mạc, chủ tịch ban tổ chức Olympic và Paralympic Paris, Tony Estanguet đã chào mừng
công chúng đến với ‘‘xứ sở của Tình yêu và Cách mạng’’, với cuộc ‘‘cách
mạng Paralympic’’, cuộc cách mạng làm thay đổi triệt để cách nhìn về thể
thao người khuyết tật, về người khuyết tật trong xã hội, về ứng xử của xã hội
chúng ta với người khuyết tật.
·
Đọc thêm : Paralympic Paris 2024 - Hơn cả thành tích thể thao là cơ hội
thay đổi định kiến xã hội
·
Một
thông điệp chủ yếu toát lên qua toàn bộ cuộc trình diễn, mà các tác giả muốn
chuyển đến công chúng, là khát vọng hướng đến sự Hòa Hợp, hướng đến một xã hội
mà những người ‘‘trong tình trạng khuyết tật’’ (en situation de
handicap) không còn bị kỳ thị, bị gạt ra bên lề. Trả lời truyền thông, tổng
đạo diễn nghệ thuật Thomas Jolly nhắc đến tình hình chung của nhân loại, khi ‘‘khoảng
15% dân cư thế giới bị khuyết tật, về hình thể, về tâm trí, tâm lý hay giác
quan’’. Số lượng người khuyết tật thậm chí có thể còn cao hơn rất nhiều
trong các xã hội là nạn nhân của chiến tranh, nghèo khó, thiên tai…
Hồi
1 : Xã hội ‘‘những người lành lặn’’ và những thiểu số khuyết tật
bên lề
Nhảy
múa là một nội dung chủ yếu của cuộc trình diễn nghệ thuật trong lễ khai mạc
Paralympic. Trong hồi thứ nhất của chương trình, mang tên Discorde - Bất Hòa,
khoảng một trăm nam vũ công trang phục màu đen đối diện với khoảng hai chục người
ngồi xe lăn, biểu tượng cho cộng đồng những người khuyết tật. Sự đối lập và
tương phản hiện rõ giữa một bên là xã hội của ‘‘những người lành lặn’’,
đoàn kết với nhau, chuyển động mạnh mẽ theo cùng một nhịp, theo cùng khuôn khổ,
dưới sự chỉ đạo thống nhất…, và bên kia là xã hội của những người khuyết tật,
di chuyển khó khăn, ở vùng ngoại vi...
HÌNH
:
Ca
sĩ biệt danh ‘‘Christine and the Queens’’, mang áo đỏ cầm micro (người đa dạng
giới tính) trong hồi 1 Bất Hòa. Năm 2016 tạp chí Time (Anh) xếp nam/nữ ca sĩ
trong nhóm 10 nhà lãnh đạo tinh thần đang sáng tạo lại thế giới, đánh giá cao
khả năng của Christine and the Queens trong việc xét lại các quan niệm truyền
thống về giới tính. REUTERS - Maja Smiejkowska
Hồi
hai ‘‘My Ability’’ của chương trình mở ra với ca khúc cùng tên của Lucky
Love gây xúc động mạnh. Nam ca sĩ Pháp 31 tuổi, một người bẩm sinh không có tay
trái, trình diễn với một dàn vũ công, tất cả đều trên xe lăn. Lucky Love,
một người thiên về nữ tính, và có quan hệ đồng tính, cũng thường được mệnh danh
trong giới nghệ sĩ là ‘‘Thần Vệ nữ của giới đàn ông’’, để nhắc gợi đến bức
tượng nữ thần Hy Lạp nổi tiếng bị mất một tay.
·
Đọc thêm : Khai mạc Olympic Paris - Phá bung húy kỵ che phủ nạn kỳ thị người
LGBT+
Hồi
2 : Cơ thể người khuyết tật, cảm hứng mới về cái đẹp
‘‘My
Ability’’ của Lucky Love tôn vinh sự hòa hợp, hướng đến một xã hội nơi những
người ‘‘trong tình trạng khuyết tật’’ cũng được hưởng sự tôn trọng như tất
cả những người khác. Để hướng đến một xã hội tôn trọng và hòa hợp như vậy, bày
tỏ và thể hiện là điều thiết yếu. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài Radio France, tổng đạo diễn nghệ thuật
Thomas Jolly vạch ra tương đồng giữa thể thao và nghệ thuật, nơi con người có
quyền năng tạo nên thay đổi, vượt lên những giới hạn của cơ thể, cũng như tạo
nên những chuẩn mực về cái đẹp:
‘‘Sân
khấu, sàn múa không phải là một nơi mà mọi thứ diễn ra theo các chuẩn mực
có sẵn. Thể thao cũng tương tự như thế, bởi bạn luôn phải vượt lên, phải tranh
đấu, phải phá các kỷ lục... Thể thao và nghệ thuật là những nơi mà cơ thể là
trung tâm, bởi cơ thể là những môi trường tự do. Mọi người nhìn thấy có một điều
gì thật tuyệt vời ở đây, nhưng điều mà Lucky Love làm cũng khá là giản dị :
anh cởi áo ra, ta thấy một cánh tay thiếu vắng.’’
HÌNH
:
Ca
sĩ Lucky Love trong phần My Alibility, Khai mạc Paralympic, Paris, ngày
28/08/2024. REUTERS - Andrew Couldridge
Cao
trào của ca khúc ‘‘My Ability’’ là lúc Lucky Love cởi áo để lộ ra toàn
thân, với phần tay trái nho nhỏ. Cơ thể người khuyết tật rõ ràng là có sự ‘‘thiếu
vắng’’. Nhưng đây không những không phải là điều xấu xa đáng hổ thẹn cần
che đậy, mà ngược lại có thể là cội nguồn cho những thụ cảm mới về cái đẹp, như
ghi nhận của tổng đạo diễn Thomas Jolly. ‘‘Cơ thể ai cũng đẹp’’ và công
việc của người nghệ sĩ là tìm cách thể hiện được điều này (mời xem thêm phần
trình diễn qua France TV : https://www.youtube.com/watch?v=dab-fO7QiBY).
Hồi
3: Nghệ thuật hòa nhịp với thể thao
Màn
trình diễn My Ability ‘‘tráng lệ, làm thức tỉnh’’, như mô tả của báo Le
Figaro. Ca sĩ, sinh ra với chỉ một cánh tay, hòa nhịp với một khối đông vũ
công, người trên xe lăn, người di chuyển bằng chân. Tất cả, người ‘‘lành’’
và người ‘‘khuyết’’, mỗi người - theo một cách khác nhau – hướng đến hòa
hợp… Những chiếc áo đen – biểu tượng của một xã hội khuôn mẫu, trọng người lành
khinh người khuyết tật - được lột bỏ, tất cả cùng hướng về những nỗ lực chung,
trong các đội hình, đội ngũ thể thao.
·
Đọc thêm : Paralympic - Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật và những dấu
mốc lịch sử
Nhảy
múa là phương tiện giao tiếp cổ xưa bậc nhất của nhân loại. Nhảy múa truyền đi
cảm xúc cộng đồng, tình bạn, tình yêu... Nhảy múa giúp con người vượt qua những
ranh giới của ngôn ngữ, của sắc tộc, của văn hóa... Trong hồi thứ ba của chương
trình, mang tiêu đề ‘‘Sportographie’’, người lành, người khuyết cùng
chung tay sáng tạo ra những môn thể thao mới, để sao cho rất nhiều người, khuyết
tật hay không, đều có thể tham gia.
HÌNH
:
Màn
trình diễn múa nạng tập thể, hồi 3 Sportographie của chương trình nghệ thuật
Paradoxe, Lễ khai mạc Paralympic, Paris, 28/08/2024. AFP - GONZALO FUENTES
Tâm
điểm của hồi thứ ba là màn trình diễn mang nạng của nghệ sĩ múa Musa Motha, 28
tuổi, bị mất một chân từ năm 11 tuổi. Với sự chỉ đạo nghệ thuật của biên đạo
múa người Thụy Điển Alexander Ekman, điệu múa mang nạng cá nhân của
Musa Motha, như một biểu tượng cho sự vượt lên những giới hạn của người khuyết
tật, trở thành điệu múa mang nạng tập thể, mà Musa Motha là người dẫn
dắt.
Lòng
người hòa hợp, trời đất giao hòa
Cả
người lành, người khuyết đều mang nạng. ‘‘Nạng hướng lên trời như kéo dài
thân thể, nạng chỉ xuống đất biến hóa thành những bức tranh’’, những chuyển
động kỳ ảo, con người như hòa với vũ trụ. Nạng là phương tiện giúp vận chuyển tự
do trên mặt đất, nạng biến thành mái chèo trên sông nước… Điệu múa mang nạng tập
thể, như biểu tượng cho khát vọng ‘‘siêu việt’’ (transcender) khỏi những
giới hạn của con người, đã hút hồn công chúng tại quảng trường Concorde, theo
ghi nhận của Le Figaro.
Hồi
thứ tư ‘‘Concorde’’ với cảnh 150 vũ công mang ngọn lửa Thế Vận Hội, trải
ra trên nền Bolero của Ravel, nhạc phẩm đã trở thành một biểu tượng của
đoàn kết. Lịch sử hơn một thế kỷ của phong trào Thế Vận Hội quốc tế hiện đại đã
lấy‘‘Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh hơn’’ (Citius, Altius, Fortius), làm ba
tiêu ngữ chính. Tuy nhiên, kể từ năm 2021, Ủy Ban Thế Vận Hội quốc tế đã chính
thức bổ sung thêm tiêu ngữ thứ tư Communiter (với Cộng đồng, vì Cộng đồng). Chủ
trương Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh hơn - vì Cộng đồng mang lại một lực đẩy mới cho
phong trào.
·
Đọc thêm : Paris 2024 - Thế Vận Hội phát khí thải ‘‘thấp nhất’’ trong lịch
sử ?
Hướng
đến một Thế Vận Hội cho cả người lành, người khuyết
Olympic
và Paralympic Paris là Thế Vận Hội đầu tiên mà tinh thần vì Cộng đồng được triển
khai rõ rệt nhất. Lễ khai mạc Paralympic dường như cho thấy một cuộc cách mạng
trong quan niệm về thể thao người tàn tật đang diễn ra. Trao đổi với báo chí
Pháp, tổng đạo diễn Thomas Jolly tâm sự ông tin tưởng sẽ đến thời của một
Thế Vận Hội nơi có những cuộc thi cho tất cả - không phân biệt người lành, người
khuyết. Cái khát vọng mở rộng vòng tay, siết chặt đoàn kết cộng đồng ấy tương
phản rõ rệt với chủ trương độc quyền, cứng rắn của một số liên đoàn thể thao,
ví dụ như trong việc loại trừ các nữ vận động viên, bị coi là có lượng hormon
nam tính vượt quá mức cho phép.
Kỳ
Thế Vận Hội Paralympic không chỉ giúp người dân sở tại có thêm niềm lạc quan
vui sống, với không khí hội hè hiếm có, trong bối cảnh căng thẳng chồng chất hiện
tại, như ghi nhận của một số nhà quan sát. Lễ khai mạc Paralympic, kết quả của
lao động nghệ thuật nhiều năm trời, còn ẩn chứa bao điều kỳ diệu cần khám phá.
-----------------------------
Các
nội dung liên quan
PARALYMPIC
PARIS 2024
Paralympic Paris
2024 : Những huy chương vàng điền kinh đầu tiên
PARALYMPIC
2024
Paralympic
Paris 2024 : Nữ vận động viên « tị nạn » người Afghanistan đạt
huy chương đồng Taekwondo
THẾ
VẬN HỘI NGƯỜI KHUYẾT TẬT - PARIS 2024
Pháp
: Paralympic khai mạc hy vọng tiếp nối thành công của Olympic Paris 2024
No comments:
Post a Comment